Cô Tô, quần đảo chiến lược biển Ðông Bắc

GHI CHÉP CỦA TRẦN QUANG QUÝ |

Từ bến Vân Đồn qua vịnh Bái Tử Long về phía Đông, ra Cô Tô bằng tàu cao tốc chỉ hết khoảng 1 giờ 10 phút, nhưng mãi đến bây giờ tôi mới đến được hòn đảo này. 

Tuy nhiên, từ lâu tôi đã đọc, đã nghe nói về Cô Tô, kể cả lịch sử xa xưa của quần đảo hoang sơ tươi đẹp, luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy nhiễu ở những thế kỷ trước, đến khi dân cư đông dần lên và năm 1832, Nguyễn Công Trứ, Tổng đốc Hải An (Hải Dưỡng - An Quảng) đã xin triều đình nhà Nguyễn cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. “Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển”.

Vượt qua khu vực đảo Quan Lạn là bắt đầu gặp sóng lớn. Tàu cao tốc chồm lên những ngọn sóng bạc, chao lắc, nước bắn tung tóe lên các cửa kính, cùng nhiều tiếng kêu “ré” lên của những người lần đầu đi biển. Vì vậy những ngày gió to sóng lớn là tàu nhỏ không chở khách ra đảo, hoặc toàn bộ tàu phải dừng dịch vụ.

Trên những ngọn sóng kiêu hùng biển Đông Bắc, bỗng trong tôi cảm xúc lại rào lên về chiến công của Nhân Huệ vương, Phó đô Tướng quân Trần Khánh Dư, vị tướng tiêu diệt đội thuyền quân lương Nguyên Mông do Tướng Trương Văn Hổ lãnh đội vào năm 1288 tại khu vực sông Mang - Quan Lạn. Sử gia Ngô Thì Sĩ còn ghi: “Tướng nhà Nguyên là Trương Văn Hổ chở thuyền lương tới, Khánh Dư đón đánh, quân giặc đại bại. Đến biển Lục Thủy lại đánh bại quân giặc. Thuyền lương đều bị chìm xuống biển...”.

Vị tướng tài, thủy bộ đều tinh tường, góp công lớn trong ba lần đại thắng Nguyên Mông của nhà Trần, được Thượng hoàng Trần Thánh Tông giao bảo vệ vùng biển đảo Đông Bắc chiến lược, ngăn giặc phương Bắc, xây dựng một đội thủy binh tinh nhuệ, gọi là Bình Hải quân, đồn trú tại Vân Đồn.

Nhắc lại chiến công và chiến trận của các tướng lĩnh nhà Trần để thấy rằng, Cô Tô và vùng biển đảo Đông Bắc, từ nhiều thế kỷ trước đã được các nhà nước phong kiến của ta coi là đất tiền tiêu, là vùng biển đảo chiến lược, có vị thế trọng yếu bảo vệ lãnh địa, lãnh hải của Tổ quốc. Cô Tô hôm nay? Đó là những gì tôi và các nhà văn đồng nghiệp đang háo hức kiến diện.

1.

Cầu cảng Cô Tô ngày cuối tuần, ngoài thủy thủ các tàu đánh cá, tàu hàng, là tấp nập khách du lịch cập bến, rời bến; có nhiều gia đình trẻ đi nghỉ bìu ríu con cái, nhiều tour tập thể, đóng thùng cả nước uống, hoa quả, thực phẩm dự phòng… phải thuê xe kéo, xe điện vận chuyển vào thị trấn hoặc các khu nghỉ dưỡng trên đảo, nhưng tập trung đông đúc vẫn là ở thị trấn.

Quả là một tín hiệu vui cho huyện đảo mà tôi biết, huyện đang xây dựng Cô Tô thành đô thị sinh thái biển, coi du lịch là một mũi nhọn ưu tiên phát triển nhanh và bền vững; với hình thức du lịch cộng đồng phong phú, mọi người dân cùng tham gia; mời gọi các nhà đầu tư xây dựng Cô Tô sớm trở thành Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia vào năm 2020.

Cô Tô sẽ là một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái. Đặc biệt, khi Vân Đồn đi vào vận hành cơ chế Đặc khu kinh tế, sẽ là cơ sở kích cầu mạnh mẽ sự phát triển đảo tiền tiêu Cô Tô. Vì một lẽ, muốn an ninh - quốc phòng biển đảo mạnh, trước hết tiềm lực và đời sống kinh tế-xã hội phải vững mạnh, dân cư gắn bó xây dựng và bảo vệ biển đảo.

Đặng Quang Ngạn - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo, Phó Chủ tịch HĐND huyện tiếp chúng tôi, dù đang là ngày nghỉ cuối tuần. Nhà văn Đinh Đức Cường đã liên lạc để có cuộc gặp gỡ trong chuyến đi biển ngắn này.

Ngạn là cán bộ trẻ (sinh năm 1970), ra đảo năm 1998, nghĩa là ra sau khi Chính phủ đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn, tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành huyện Cô Tô 4 năm, ngày 23.3.1994.

Ngạn và anh Cường cùng sinh hoạt trong Hội VHNT Quảng Ninh. Vì trước khi ra đảo làm cán bộ văn hóa, Đặng Quang Ngạn công tác ở Đoàn chèo Quảng Ninh 9 năm. Ngạn mời cả Bàn Đức Mân - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện cùng dự. Mân nguyên là đại úy, ra công tác ở Huyện đội từ năm thành lập huyện, 1994. Năm 1999 Mân chuyển ra làm Bí thư Huyện đoàn, rồi Trưởng phòng Văn hóa trước khi làm Thường trực HĐND huyện.

Có một điểm chung thú vị, cả hai ông Phó Hội đồng đều đã từng làm cán bộ văn hóa, lại ít nhiều có chất “nghệ”. Đặng Quang Ngạn là dân chèo, Bàn Đức Mân có tí ti toe làm thơ (là anh tự nói) nên chúng tôi có vẻ hợp cạ, chuyện trò nhộn hẳn lên. Để chứng minh có làm thơ, Mân đọc ngay mấy câu thơ cây nhà lá vườn của mình: “Hãy đến Cô Tô thăm thành phố nổi/Em có thấy không sơn thủy hữu tình/Vỗ quanh đảo sóng đầy mơ mộng/Sát bên hồ cát trắng phau phau…”.

Nôm na thế nhưng cũng thể hiện khát vọng và quảng bá về thành phố biển mà một cán bộ lãnh đạo cấp huyện như Mân rất say xưa nói về nó.

Bởi theo Mân, từ năm 2014 Cô Tô đã quy hoạch xong tương lai phát triển của mình, đặc biệt là phát triển du lịch, đã phân chia các khu vực chức năng, phục vụ việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Dự kiến đến năm 2030, Cô Tô sẽ có 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp, với diện tích hàng chục hécta (đã có nhà đầu tư) ở thôn Hồng Hải, bãi Nam Hồng Vàn, thôn Nam Hà (xã Đồng Tiến).

Chắc chắn các dự án này sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội của huyện đảo. Ngay trước mắt, đến năm 2020, “phấn đấu du lịch Cô Tô thu hút ổn định khoảng 100.000 lượt khách/năm, trong đó có 5.000-6.000 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 150-200 tỉ đồng mỗi năm; tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân khoảng 25%/năm”.

Ðôi bạn trẻ đi dạo trên bãi biển Cô Tô (nguồn: biendaovandon.com)

2.

Từ một bài thơ, Mân nói luôn cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Huyện đảo. Đặng Quang Ngạn ít bốc, trầm tĩnh hơn, anh bảo, về hành chính, Cô Tô bây giờ có một thị trấn và hai xã, Thanh Lân và Đồng Tiến. Dân cư ở đảo từ 14 tỉnh quần tụ, sinh kế với hai dân tộc Việt và Hoa.

Ngày thành lập huyện, dân cư chỉ khoảng 2.800 người. Từ 1994 đến nay, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về giá điện, giá xăng dầu, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, hàng ngày đều có tàu khách từ Vân Đồn ra, đời sống nhân dân dần được cải thiện. Nhưng dấu ấn cực kỳ quan trọng là Cô Tô chính thức có điện lưới quốc gia từ 16.10.2013, sau khi hoàn thành dự án đưa điện ra đảo với trị giá 1.107 tỉ đồng, chưa kể nhân dân hiến đất.

Từ đó kinh tế-xã hội Cô Tô bắt đầu phát triển nhanh. Dân số hiện tại đã có 6.500 người, gần bằng thời sầm uất trước năm 1979.

Bây giờ là thời kỳ khác - Mân bảo. An ninh trật tự ở đây tốt lắm, tệ nạn xã hội đừng mong phát triển nhé. “Nhà không cần khóa, xe không cần trông” anh ạ. Điều này thì tôi từng thấy và cũng rất ngạc nhiên khi đi làm cuốn Nhật ký chiến tranh của Liệt sĩ Trình Văn Vũ ở Minh Châu - Quan Lạn, đảo láng giềng Cô Tô từ mấy năm trước.

Cuốn nhật ký không nổi tiếng bằng cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc nhưng nó là sự tàn khốc và hy sinh của những người đã trực tiếp vào trận, đối mặt với kẻ thù. Trình Văn Vũ thật xứng đáng là Anh hùng liệt sĩ.

Quan Lạn là đảo nổi tiếng đặc sản sá sùng, an ninh cũng cực tốt. Cửa, cổng không cần đóng. Xe cộ vứt ngay ngoài đường, ngoài bãi hoa màu, người ta bảo chưa bao giờ xảy ra mất cắp. Nó yên lành như nông thôn Bắc bộ những năm đầu thập niên 60, thế kỷ trước. Riêng điều này, đối với xã hội đương thời thì đúng là “bao giờ cho đến ngày xưa”.

Mân bảo, đấy là an ninh trật tự của Cô Tô, còn về văn hóa và thái độ phục vụ du lịch của chúng em là “vui vẻ, chất phác, thân thiện và không kém chuyên nghiệp” các anh nhé.

Ngạn cũng xác nhận đó là tiêu chí của địa phương. Nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức về mọi mặt đời sống chứ không hề đơn giản. Khi khách du lịch và dân làm ăn ra đảo càng nhiều, giữ an ninh trật tự lành mạnh cho huyện đảo phải rất chú tâm và nỗ lực.

Kể từ ngày có điện lưới, năm 2013, đời sống dân cư huyện đảo đúng là phát triển nhanh hơn hẳn. Hai năm gần đây, sự đổi thay bằng cả mấy chục năm trước. Đặc biệt, Cô Tô được Trung ương và tỉnh quan tâm chỉ đạo đầu tư, xác định đây là địa bàn chiến lược trọng điểm về quốc phòng - an ninh quốc gia. Huyện đã giải quyết được những vấn đề khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua là giao thông, điện, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Với quan điểm nắm bắt cơ hội phát triển mới để thu hút đầu tư phát triển nhanh, tạo bứt phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt là việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phát triển các ngành có lợi thế như du lịch, dịch vụ biển, thủy sản. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết tốt những vấn đề xã hội, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 14-15%/năm, thu nhập bình quân đầu người từ 4.000-4.500USD vào năm 2020.

3.

Nói về du lịch, Đặng Quang Ngạn bảo, các anh thấy đấy, cầu cảng Cô Tô luôn tấp nập khách từ đất liền ra. Chỉ hai ngày nghỉ cuối tuần đã có 5.000 khách ra nghỉ. Thị trấn gồng mình để gồng gánh nơi ăn ở, dịch vụ phục vụ khách. Chợ trung tâm cũng tấp nập khách mua hải sản, đặc sản của huyện đảo. Các quán ăn, quán cà phê, giải khát dọc đường ven biển nối từ cầu cảng đến chợ luôn đông khách.

Huyện đã mời các chuyên gia về bồi dưỡng tiếp viên du lịch, buồng, bar, bếp để phục vụ du lịch tốt lên. Với gia đình, theo chủ trương cộng đồng cùng làm du lịch, Trưởng ban Tuyên giáo Ngạn thì lo việc công, còn vợ anh có studio chụp ảnh nghệ thuật, làm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ, vì nhà anh ở mặt phố trung tâm Thị trấn.

Ngoài ra, anh còn mua một xe điện Nhật 400 triệu cho người nhà làm dịch vụ chở khách dạo chơi, thăm thú các điểm di tích hoặc thắng cảnh ở đảo. Ngành du lịch ở đây có thể kể ra những điểm du lịch thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng làm “mê” khách trên hòn đảo “thiên đường” của thiên nhiên như: Nhà lưu niệm Bác Hồ, Trạm Hải đăng Cô Tô (được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX), Bãi đá Cầu Mỵ, Bãi biển Hồng Vàn, Bãi biển Vàn Chải, Đường Tình yêu, đảo Cô Tô con…

Để đáp ứng cho nhu cầu du lịch, được coi là ngành kinh tế trọng tâm, Cô Tô đang mở rộng, nâng cấp đường xá; tôn tạo và mở rộng Khu di tích Hồ Chí Minh (Cô Tô là nơi duy nhất được dựng tượng Bác Hồ khi Người còn sống, năm 1968 để lưu kỷ niệm Bác ra thăm các dân tộc trên đảo ngày 9.5.1961), Khu di tích Trận đánh Đồn cao của Đại đội Kư con, Đèn Hải đăng, Chợ Trung tâm…

Và sẽ xây dựng tuyến đường đi bộ, tuyến đường ẩm thực, thương mại; các tuyến và sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhằm vào dòng khách lưu trú dài ngày, những hầu bao rủng rỉnh chi tiêu lớn của khách nước ngoài.

Tôi, các nhà văn Đinh Đức Cường, Nguyễn Nghiêm, Vũ Nho đã thuê một xe điện chạy từ thị trấn đi qua con đường đang sửa chữa, tôn tạo ấy để đến Bãi Vàn Chải, một bãi tắm cát trắng mịn nằm ở cuối đảo, nơi có một ghềnh đá thấp nhô ra biển, là điểm lưới điện quốc gia lên đảo và một trạm biến thế.

Con đường đi Vàn Chải lượn quanh những làn ruộng, những gò cát, dốc núi thấp. Hai bên đường, hoa mua nở tím những vạt rừng lúp xúp cực đẹp, gợi trong tôi ký ức miền trung du với những đồi sim, mua của tuổi thơ yêu dấu.

Chủ “Quán Cường” ở Vàn Chải đãi các nhà văn một ấm nước vối và chỗ ngồi ngắm biển. Quán của Cường phục vụ ăn uống, cho thuê ghế ngồi, quần áo tắm, phòng tắm…, làm ăn “đang được”. Cường kể, anh ra đảo năm 1979, là năm xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Từ cuối năm 1978 nhiều người dân gốc Hoa đã rời Cô Tô. Vì vậy dân số đảo lúc ấy chỉ còn khoảng 10%.

Nhà nước vận động dân ra làm ăn, sinh sống ở đảo. Cùng ra với Cường cũng nhiều người quay lại đất liền sau đó vì điều kiện làm ăn lúc đó khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đặc biệt là điện và nước ngọt. Nhưng Cường và những người kiên trì ở lại, rồi cũng đến ngày đổi vận. Giống như một cựu nữ thanh niên xung phong đã ở lại đảo mà chúng tôi vào thăm, giờ chị là chủ một khách sạn ở gần Cầu cảng Cô Tô.

Mùa hè, khách sạn luôn chật phòng, muốn có chỗ nghỉ phải đặt trước. Đất ven biển và ở Thị trấn đã trở nên đắt đỏ, kể cả giá nhiều dịch vụ khác cũng nhích dần lên. Cường bảo, từ ngày có điện, đời sống thay đổi nhanh chóng hẳn, các bác ạ.

Cường kể chuyện thật như đùa là lúc anh mới lắp máy điều hòa, Cường bị “say điều hòa”! Say thế nào? Thấy người bẫng lẫng, đầu ong ong, choáng như say lạnh! Anh tự giải thích, có lẽ khổ quen rồi, chịu nóng nực mãi quen rồi, thành ra “say lạnh”. Câu chuyện của Cường làm chúng tôi cứ há hốc miệng mà cười, vì lần đầu nghe một người bảo “say lạnh”.

4.

Có nhiều cặp nam nữ trẻ thuê phòng tắm, tủ cất đồ ở Quán Cường. Một cặp Tây trẻ ngồi bàn bên cạnh thấy chúng tôi cười về câu chuyện của Cường, họ cũng ngạc nhiên, cười gượng hùa vào dù không hiểu chuyện gì. Tôi hỏi họ thấy thế nào về Cô Tô. Anh chàng Tây tên Joln bảo, Cô Tô còn khá hoang sơ nhưng đẹp, vẻ đẹp của tự nhiên.

Bãi Vàn Chải cũng còn hoang sơ và đẹp, bình yên, khá giống Bãi Sao, ở Dương Tơ, Phú Quốc. Nhưng phải đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nữa. Hóa ra anh Tây này cũng đã đến Phú Quốc. Tôi gợi chuyện, anh chàng Joln bảo đến Hạ Long, nghe người ta nói về Cô Tô, thế là cặp đôi này liền ra đảo để khám phá.

Nhưng Cường bảo, đang lúc làm ăn được thì lại lo không còn quán nữa. Sao thế? Họ đang chuẩn bị dành bãi này cho các đại gia đầu tư lớn các bác ạ. Có thể thế lắm, vì Cô Tô muốn trở thành đô thị sinh thái, thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, có thể thu hút mạnh khách Quốc tế trong tương lai mà. Chúng tôi an ủi Cường nhanh chóng tìm sẵn một địa điểm làm dịch vụ khác, khi vẫn còn cơ hội đất đai và du lịch cũng mới phát triển nhanh tại đây.

Chúng tôi trở lại Thị trấn vào lúc trưa. Ngạn và Mẫn, những nhà quản lý có chất “nghệ” mời “bữa cơm thân mật” văn nghệ nhẹ nhàng để tiễn chúng tôi trở lại đất liền vào lúc 3 giờ chiều. Ngày mai chúng tôi có hẹn đến công trường Dự án xây dựng sân bay Vân Đồn.

Chúng tôi không mang về những đặc sản biển Cô Tô mà người ta thường mang như mực ống, cá duội, hải sâm… mà là những ghi dấu về một quần đảo có khoảng hơn 50 đảo lớn, nhỏ đang từng ngày sầm uất, khởi sáng và mạnh mẽ, như những kỳ vọng về một huyện đảo tươi đẹp, một tiền đồn sừng sững trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Hà Nội, 22.8.2017.

GHI CHÉP CỦA TRẦN QUANG QUÝ
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.