Cô giáo tật nguyền ở mảnh đất nơi Chanchu đi qua

Hữu Long |

Bình Minh - ngôi làng ven biển Quảng Nam nổi tiếng sau cơn bão Chanchu năm 2006 bởi hàng trăm người đàn ông, trai tráng chết và mất tích. Thực ra, nơi đây từ lâu cũng đã được biết đến như một địa danh nghèo. Làng ở sát mép sóng, muốn ra quốc lộ phải qua 2 lần đò, trườn qua nhiều truông cát. Ở làng biển Bãi Ngang (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) lại càng khốn khó. Nhưng người dân ở đây lại ham học đến lạ kỳ. Và tấm gương của cô giáo tật nguyền Vương Thị Dung là minh chứng đầy xúc động...

Từ con Bảy bướng bỉnh

Theo lời kể của các cụ già, thôn Bình Tịnh thuộc xã Bình Minh trước đây còn được gọi là làng Đống Cá. Hỏi ra được biết, trước giải phóng, ngư dân đi biển đánh bắt được mùa nhưng thuyền cập bờ không có nơi bán, số cá có thể làm mắm cũng chẳng thể xoay xở đâu ra vật dụng ủ mắm nên bà con đổ dồn thành từng đống lớn. Lũ trẻ con trong làng đều bỏ học theo cha dong thuyền ra tận Hoàng Sa đánh cá, đàn bà ở nhà chỉ biết buôn rau bán mắm nuôi con sống qua ngày. Đến mùa mưa bão, nghề đi biển của các ngư dân buộc phải ngừng, nhiều nhà chỉ trông vào những con cá, con mực phơi khô lây lất sống qua ngày. Gia đình bà Trần Thị Đào (65 tuổi) cũng không thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng. Chồng quanh năm đi biển, một tay bà dạy dỗ, chăm sóc 6 đứa con khôn lớn. Duy chỉ có đứa con út bướng bỉnh… 


Hình ảnh người mẹ hiền hậu hơn 9 năm trời làm đôi chân giúp cô con gái khiến nhiều người cảm động.  

Đứa con út đó vẫn được chòm xóm gọi với tên thân thương là con Bảy. Con Bảy tên thật là Vương Thị Dung (nay đã 25 tuổi). Lúc con Bảy lên 13, anh Hai trong nhà mắc bệnh tim bẩm sinh. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm của vợ chồng bà Đào đều đổ cả vào những đợt điều trị, thuốc men cho anh. Ở cái tuổi 13 những tưởng con Bảy sẽ cam chịu ở nhà trông nom vườn tược và chăm chỉ học hành trong khi cha mẹ đi chữa bệnh cho anh. Nhưng không. Cô bé bướng bỉnh chẳng nghe lời mẹ, nó moi hết đống tiền tiết kiệm được đâu 8 ngàn đồng, rón rén bước chân trên cát tìm ra đường lên tỉnh. Nó mạnh dạn đón xe từ Quảng Nam ra Đà Nẵng để… đi làm thêm. Bước lên chuyến xe đò với suy nghĩ “phải tự kiếm tiền để phụ giúp gia đình và trang trải chuyện sách vở trong năm học sắp tới”, con Bảy may mắn gặp được một người tốt nhận về giúp việc trong nhà. Cô bé xứ Quảng với dáng người nhỏ thó, làn da ngăm đen cùng nụ cười tươi rói trên khuôn mặt khiến người chủ có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Vốn bản tính chăm chỉ, về đến nhà chủ, mọi chuyện từ giặt giũ, rửa chén, quét nhà con Bảy chỉ một thoáng đã sạch tinh tươm. Thoáng một độ 3 tháng hè trôi qua, gia đình ông chủ nọ đã xem con Bảy như người trong nhà nhưng đã đến lúc con Bảy phải thực hiện lời hứa với mẹ là “con dù làm gì cũng sẽ không bao giờ bỏ học ngang giữa chừng”. Nhưng trước tấm lòng của những người tốt, nó vui vẻ hẹn mùa hè năm tới sẽ xin phép mẹ ra Đà Nẵng để làm việc cho gia đình ông chủ.

Năm học lớp 11, con Bảy có ước mơ trở thành một cô giáo để sau này quay trở về dạy dỗ những đứa trẻ xứ Bãi Ngang. Nhà nghèo, sách vở, đồ dùng học tập luôn thiếu thốn nhưng chưa bao giờ nụ cười tắt trên đôi môi đỏ thắm của cô bé nhỏ. Ngoài giờ đạp xe đến trường, đôi chân nhỏ nhắn của con Bảy thường la cà trên con đường cát bỏng rát đến giúp đỡ cô, dì hàng xóm, đổi lại phần thưởng cho nó chỉ cần cốc nước mát hoặc lời khen chân thành như vậy đã khiến con Bảy cười tít.

Ước mơ trở thành nhà giáo cứ lớn lần trong suy nghĩ hồn nhiên của cô gái trẻ. Thế nhưng, vừa bước vào năm học lớp 11, sau một đêm ngủ dậy, bỗng dưng toàn thân Bảy tê cứng, mọi cử động đều khó khăn. Cuối cùng, gia đình Bảy được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm tủy cắt ngang vùng cổ. Căn bệnh quái ác như tiếng sét ngang tai bà Đào, bà đau đớn quỵ ngã trước tin dữ. Cứ nghĩ tới hình ảnh đứa con gái bé bỏng còn biết bao hoài bão giờ đây đành ngồi xe lăn cả đời là bà không cầm được nước mắt.

Từ một cô bé hiếu động, suốt ngày tếu táo chọc cười bạn bè, hàng xóm, Bảy bỗng dưng bị liệt toàn thân. Thương con, bà Đào lặn lội tìm nhiều thầy trong Nam ngoài Bắc chữa bệnh cho con gái nhưng bệnh tình con không thuyên giảm. Những cơn đau mỗi đợt truyền thuốc thường xuyên giày vò cơ thể cô bé Bảy. Những lúc đó cô bé chỉ gạt nước mắt khóc thầm. Rồi cơn đau qua đi, nụ cười giòn tan lại nở trên đôi môi cô. Vài tháng sau đó, với sự nỗ lực đáng ngưỡng mộ, đôi bàn tay co quắp, cứng đờ của Bảy đã cầm nắm những vật dụng đơn giản, duy chỉ đôi chân thì hoàn toàn bại liệt.

Đến cô giáo tật nguyền giữa miền cát trắng

Thời gian thấm thoắt, con Bảy đen đúa ngày nào còn đạp xe cười nói ríu rít quanh xóm giờ đã trở thành cô giáo dạy học miễn phí cho rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong làng. Khi chúng tôi đặt chân đến ngôi nhà nhỏ của chị Bảy, từ xa đã nghe những tiếng cười đùa rộn rịp của các em học sinh. Những ngày hè, chị Bảy luôn bận bịu dạy cho hơn 70 em với 4 lớp học từ lớp 8-11. Lớp học nhỏ từ lâu luôn chào đón các em có hoàn cảnh khó khăn, riêng các trường hợp học trò đặc biệt, chị Bảy ân cần động viên, tặng thêm sách vở để khuyến khích các em tới lớp.

 

Lớp học tình thương của cô giáo tật nguyền- bé Bảy

Nhắc lại kỷ niệm ngày xưa, chị Bảy cười hiền: “Lúc mẹ đưa tôi về nhà tự chữa bệnh, mỗi lần nghĩ tới các em học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng trong xóm, tôi rất thương. Vừa chia sẻ ý tưởng mở lớp học miễn phí với mẹ, nào ngờ mẹ tôi đồng ý ngay. Ban đầu tôi chỉ nhận dạy 4 em học sinh. Chỉ trong thời gian ngắn, các em này học hành tiến bộ rồi lần lượt bà con trong làng rỉ tai nhau, đến bây giờ thì rất nhiều thế hệ học sinh tôi dạy dỗ đã trở thành những sinh viên của các trường đại học”.

Căn bệnh quái ác khiến chuyện học hành của chị Bảy dang dở tại lớp 11, những kiến thức còn khuyết, chị Bảy dành nhiều ngày để tự học hỏi trau dồi kiến thức. Thỉnh thoảng chị cũng thường lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người ủng hộ sách vở đến các em học sinh. Cũng chính trên những lúc lên mạng xã hội, chị là một nhà tâm lý, lắng nghe tâm tư, tình cảm của các em học sinh để từ đó đưa ra những lời khuyên bổ ích.

Vì cha quanh năm đi biển nên mọi việc chăm sóc, lo lắng từng bữa cơm giấc ngủ của cô con gái tật nguyền đều nhờ vào mẹ già. Người đàn bà hiền hậu một đời gánh nặng đôi quang gánh bán buôn lại tiếp tục tình nguyện làm đôi chân, là người bạn tinh thần cùng con thực hiện ước mơ dang dở - ước mơ trở thành cô giáo. Trong căn nhà nhỏ khuất sau những hàng dừa rợp mát, những tấm giấy khen của chị Bảy trong quá trình tham gia công tác đoàn được bà Đào cẩn thận đặt ở một vị trí trang trọng nhất. Phòng khách cũng được bà đặt hơn 1.000 đầu sách được ủng hộ từ nhiều nhà hảo tâm ở khắp nơi. Trong những ngày hè này, ngoài giờ học, các em học sinh thường nán lại nhà cô giáo nhỏ để tha hồ đọc truyện tranh.

Nhiều năm rồi, trong suốt giờ dạy của cô con gái, bà Đào thường ngồi đằng xa, nép người vào cánh cửa mái hiên, ánh mắt hiền hậu luôn dõi theo cô con gái và đám học trò tinh nghịch. Chưa một lời than thở, cuộc hành trình 9 năm sát cánh cùng con đi khắp nơi rồi khi quay trở về nhà, bà Đào tiếp tục làm người bạn đồng hành trong những lúc khó khăn, tuyệt vọng nhất. Cuối mỗi buổi học, bà Đào lặng lẽ thu dọn bảng đen, những thiết bị học tập để ngày mai con gái tiếp tục dạy học. Nhắc về mẹ, có lẽ chẳng có thứ ngôn ngữ nào kể xiết, chị Bảy đánh gửi trọn tình cảm vào những trang viết: “Con chỉ muốn sống sao cho thật xứng đáng với tình yêu thương của mẹ. Sống giữa biển tình yêu thương của mẹ con không còn cảm giác lạc lõng, bơ vơ”.

Chị Bảy cũng thích làm thơ, những vần thơ trong trẻo, hồn nhiên mang đậm hơi thở của những con người vùng biển. Mạnh mẽ, yêu đời và tốt bụng: “Em như hoa xương rồng/ Mọc trên triền cát trắng/ Không e sương ngại nắng/ Hiên ngang đứng giữa trời/ Em đâu được rạng ngời/ Và nào đâu hương sắc/ Nhưng điều em dám chắc/ Là mạnh mẽ vô cùng/ Em loài hoa ung dung/ Dám vươn lên tất cả/ Dù phong ba vật ngã/ Em vẫn trả ơn đời/… Em loài hoa sống khác/ Vẫn nghêu ngao ca hát/ Trên miền cát ân tình....”.

Chị Bảy thích tham gia các nhóm từ thiện xã Bình Minh. Hình ảnh cô giáo nhỏ ngồi trên chiếc xe lăn trong những ngày lộng gió được mọi người hồ hởi đẩy đi trên vùng cát trắng đến từng nhà có hoàn cảnh khó khăn để trao tiền giúp đỡ đã quá thân thuộc với người dân vùng Bãi Ngang. Tháng 5 vừa qua, chị Bảy còn tham gia bầu cử để bầu chọn đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở thôn. Tại bàn hướng dẫn trong điểm bầu cử, hình ảnh cô gái nhỏ nhắn ngồi trên chiếc xe lăn với mái tóc ngang vai miệng nói ríu rít khiến nhiều người xúc động.

 

 

 


Hữu Long
TIN LIÊN QUAN

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.