Chuyện người “đi ngược gió” chống tiêu cực

PHẠM NGỌC CHUẨN |

Cụ sống thẳng thắn, cương trực, không chấp nhận những bất công, phi lý ở đời. Cụ không ngần ngại khi phải đơn phương đối đầu với cái xấu. Dù cụ biết việc mình làm có thể nguy hiểm đến sinh mạng của mình, người thân. Có người bảo cụ dại, dám “đi ngược chiều gió”, chỉ tổ rước họa. Nhưng tôi nghĩ: Cụ đích thực là một Đảng viên, dám chống cái xấu và dám bênh vực người yếu thế trong xã hội.

Người Thái Nguyên gốc Hà Nội

Đó là cụ Hoàng Tú, 78 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, hiện sống ở tổ 17, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Cụ là cháu nội của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Nhung; là con đẻ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lựu. Trong ngôi nhà cấp 4 cụ ở, mọi tiện nghi đều giản dị, nhưng những tấm Huân chương, Huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công và Bằng Truy tặng vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng treo dày kín trên tường thì chẳng có thứ vật chất nào sánh được.

Cụ kể: Tôi người gốc Hà Nội, song từ nhỏ đã theo cha đi các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang. Cha tôi là Hoàng Văn Thọ, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên là giáo viên tỉnh Yên Bái, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Bắc Giang, nguyên Trưởng Ban Thanh tra tài chính Liên khu Việt Bắc. Trong chuyến đi công tác từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn, khi hành quân qua khu vực Mỏ Gà, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), đơn vị bị máy bay địch tập kích đánh phá, cha tôi bị 1 mảnh bom găm thẳng vào gáy, hy sinh tại chỗ. Hôm đó, ngày 25.5.1954.

Năm 1959, cụ Tú tốt nghiệp ra trường, cụ được phân công làm giáo viên dạy cấp I, tại T.X Thái Nguyên. Quá trình công tác, cụ không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng, được cấp trên cất nhắc từ giáo viên lên làm cán bộ Phòng Giáo dục TP.Thái Nguyên; làm Hiệu trưởng Trường Cấp II Gia Sàng; làm Tổ trưởng chuyên môn của Ty Giáo dục Bắc Thái.

Năm 1968, cụ được UBND tỉnh điều động sang Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, phụ trách công tác tuyển sinh. Cũng trong năm này, cụ có tên trong danh sách đi học tại Liên Xô. Nhưng đất nước chiến tranh, cụ xin ở lại phục vụ đất nước, tình nguyện nhập ngũ.

Cụ kể: Trước ngày lên đường, cơ quan đứng ra tổ chức cưới vợ cho tôi. Sau 5 ngày cưới, tôi được vào đơn vị huấn luyện ở Bờ Rạ (Đại Từ), rồi vào chiến trường thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và bên nước bạn Cam Pu Chia. Năm 1972, tôi bị một mảnh đạn pháo găm vào đầu. Năm 1976, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giao cho tôi nhiệm vụ Trưởng đoàn đưa cán bộ, thương binh đi A (ra miền Bắc).

Cụ Hoàng Tú cùng các cháu nội, ngoại trước Bằng vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: N.C

Hành trình chống tiêu cực

Sau 7 năm phục vụ trong quân đội, cụ trở lại cơ quan cũ công tác, làm cán bộ Ban Tổ chức chính quyền tỉnh; phụ trách công tác thi đua khen thưởng tỉnh, phụ trách phòng tổ chức cán bộ. Cụ tâm sự: Trong thời gian làm công tác tổ chức, tôi tham mưu cho cấp trên không sử dụng người ngồi nhầm chỗ. Khi làm thi đua, tôi hướng dẫn cho nhiều người có công với đất nước làm thủ tục để hưởng chế độ chính sách theo luật định.

Năm 1990, tôi được cấp trên điều động tăng cường về Xí nghiệp Bột Khoáng (Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Thái) công tác. Đây là một xí nghiệp được độc quyền sản xuất quặng Ba xít luyện tinh xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh. Tại đây, tôi phát hiện lãnh đạo Xí nghiệp có nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, như việc không sản xuất quặng Ba xít, mà chỉ nấu thiếc vonfờram để ăn chênh lệch giá. Đồng thời do cách quản lý quan liêu, kém hiệu quả, dẫn đến việc Xí nghiệp thua lỗ triền miên.

Cụ dừng lời như nén giấu xúc động. Cụ lấy trong ngăn tủ đưa cho tôi xem cả một tập viết dày dặn. Tôi đón lấy, từng trang bản thảo viết tay đã ố vàng, đó là những đơn thư cụ viết gửi tới các cơ quan chức năng Nhà nước để tố cáo hành vi tham nhũng của lãnh đạo Xí nghiệp. Hàng chục trang tài liệu cụ gửi đi và hàng chục trang văn bản, thư từ cấp trên giải đáp chưa thỏa đáng.

Cụ suy nghĩ nhiều lắm, rồi nhận ra việc mình chống tham nhũng bằng đơn từ sẽ không đi đến hồi kết. Bởi tình trạng tham nhũng ở Xí nghiệp có tổ chức, và đã diễn ra từ nhiều năm trước. Một số cán bộ chủ chốt trong Xí nghiệp cấu kết với nhau để “móc ruột” Nhà nước. Họ đã dùng tiền làm phương tiện qua mặt một số cán bộ nắm giữ các vị trí liên quan.

Chính vì thế, cụ quyết định phối hợp trực tiếp cùng Công an kinh tế tỉnh vào cuộc. Chẳng khó khăn gì, lực lượng Công an tỉnh đã bắt giữ quả tang một số lượng khá lớn quặng thiếc thô của Xí nghiệp được mua bán, vận chuyển trái phép.

Bị bại lộ việc làm ăn không lành mạnh, Giám đốc Xí nghiệp và một số người liên quan đã hùa nhau hại cụ. “Họ” yêu cầu cụ phải bồi thường thiệt hại cho Xí nghiệp; dọa cho cụ thôi việc; dọa kỷ luật Đảng… Là người lao động chân chính, có thái độ cương quyết trong đấu tranh chống tiêu cực, kết quả hiển hiện rõ ràng bằng chứng cứ pháp lý, nhưng cụ lại bị những người trong nhóm tham nhũng hành hạ tinh thần.

“Họ” không chỉ trù úm cá nhân cụ, mà tất cả những ai có qua lại thân thiết với cụ đều bị phe tham nhũng nhắc nhở. Vì miếng cơm, manh áo, ai lo phận nấy, nên hầu hết mọi người trong Xí nghiệp ngoảnh mặt làm ngơ. Cụ trở thành người đơn độc trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Ngay cả vợ, con cụ cũng nhiều lần khuyên can, xin cụ bỏ cuộc để nhà được bình yên.

Cụ thở dài nói: Ai cũng biết việc tôi làm là đúng, nhưng không dám ủng hộ. Vì chuyện đấu tranh trong nội bộ Xí nghiệp, có thời gian dài tôi không có được giấc ngủ ngon, vì lo nghĩ và thỉnh thoảng cũng thấy sợ. Nhưng tôi quyết đi đến tận cùng sự việc. Tôi bắt đầu viết thư kêu cứu gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Chưa yên tâm, tôi viết thư gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đề nghị làm rõ trắng đen, lấy lại sự công bằng cho người lao động trong Xí nghiệp. Vậy mà lùng nhùng tới 3 năm sau, kể từ ngày Công an tỉnh bắt quả tang lãnh đạo xí nghiệp sai phạm, mới có được kết luận cuối cùng.

Giám đốc và nhóm cánh hẩu bị kỷ luật, phải bồi thường một số thiệt hại cho Xí nghiệp. Còn tôi được cất nhắc sang Sở Công nghiệp, phụ trách công tác tổ chức cán bộ, được tỉnh cho tăng lương đột suất từ thang bậc lương 333 lên 390 (tăng hơn 2 bậc lương).

Thấy cụ vào cuộc kiên quyết chống tiêu cực, đối tượng cay cú, hù dọa bằng cách rút súng, bắn thẳng vào nhà cụ ở. Từng là người lính xông pha nơi đạn lửa, bị bom vùi, bom phạt còn chẳng xá gì, huống hồ một phát súng vô trách nhiệm của ông quan cách mạng bắn vào nhà dân?

Hơn thế, cụ luôn tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, cụ mang sự việc trình báo với cơ quan chức năng. Ngay sau đó, đối tượng bị kỷ luật, phải bồi thường thiệt hại cho cụ. Cụ không trách, rất cảm thông, chỉ nhắc nhở đối tượng một câu để đời: Là cán bộ, đảng viên, anh cần biết trách nhiệm của mình là phục vụ nhân dân, chứ không phải khi có chức vụ, quyền hạn thì lại coi đó làm công cụ kiếm tiền.

Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, điều cụ Tú và mọi người trong xã hội không mong muốn. Nhưng những con sâu mọt của xã hội còn “sinh sản”, thì còn đó một thế hệ sâu mọt mới, tinh vi hơn, thậm chí là dã man hơn thì xã hội sẽ rất cần đến những người như cụ Hoàng Tú.

PHẠM NGỌC CHUẨN
TIN LIÊN QUAN

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.