Chứng nhân của Sơn Trà

Tường Minh |

Có những con người, số phận run rủi thế nào đó đã đưa họ vô tình thành chứng nhân của những câu chuyện lịch sử mà ông Đặng Hòa – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Giang ở Đà Nẵng là một ví dụ. Từ một lần được khách thuê chở vòng quanh bán đảo Sơn Trà tình cờ cách đây hơn chục năm, ông Đặng Hòa đã trở thành một phần của câu chuyện về ngôi mộ cổ của một người Mỹ đầu tiên nằm lại trên bán đảo gần 200 trăm năm trước nhưng không phải người Việt nào cũng biết và tường tận…

“Chùa Mỹ” trên Sơn Trà

Còn nhớ những năm 2000, báo chí trong và ngoài nước cùng lúc loan những bản tin thú vị: ngôi mộ của William Cook – một người Mỹ chơi nhạc trên chiến hạm Constitution (chiến hạm Thành Sắt Cổ) ghé Đà Nẵng từ thời vua Thiệu Trị đã được một nhóm người Mỹ tìm thấy tại bán đảo Sơn Trà. Và người góp công vào việc tìm thấy này chính là ông Đặng Hòa, chuyên khai thác du lịch đường sông, biển ở thành phố Đà Nẵng.

Chuyện bắt đầu từ Dennis M. Óbrien - cựu thủy quân lục chiến trong chiến tranh Việt Nam đóng ở Ðà Nẵng, tình cờ bắt gặp một đoạn viết về chuyến ghé lại 16 ngày của Constitution tại Việt Nam thời vua Thiệu Trị trong văn khố của Hải quân Hoa Kỳ: “Ngày 10 tháng 5 năm 1845, thủy thủ William Cook chết trên chiến hạm Constitution vì bịnh kiết lỵ. Chàng thanh niên William Cook gia nhập hải quân tháng 3 năm 1844, lãnh lương 10 Mỹ kim một tháng với nhiệm vụ chơi nhạc trên ban nhạc của chiến hạm”. Và George Thomas, thợ mộc trên chiến hạm Constitution ghi lại trong nhật ký hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Constitution tại Charlestown (Boston, Mỹ): "William Cook qua đời và được chôn trên bán đảo với tất cả những nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thủy thủ Cook. Ðêm xuống nhiều tàu lớn (Việt Nam) thả neo chung quanh chiến hạm Constitution nhưng không quá gần, để có thể đổ bộ sang Constitution. Hạm trưởng John Percival trước khi rời cảng đã tặng cho các tu sĩ Phật Giáo tại địa phương 2 ngàn Mỹ kim để lo chăm sóc phần mộ của thủy thủ Cook”.

Những ghi chép về cái chết William Cook đã thu hút Dennis M. Óbrien và sau ông đề nghị Sở Cựu chiến binh Việt Nam tiểu bang Massachusetts cấp 8 ngàn USD để sang Việt Nam tìm kiếm vết tích William Cook. Hành trình của Óbrien được nhà báo Peter Kneisel của Tạp chí Boston Globe ghi lại qua phóng sự “The Search For Seaman Cook” (Cuộc tìm kiếm thủy thủ Cook). Và ngôi mộ được tìm thấy vào ngày 16.4.2000. “Chúng tôi, cuối cùng, đã được một phút yên lặng với William Cook”, sau khi phát hiện ra “một ngôi mộ được chôn cất đúng vào nơi đã được ghi nhận. Tấm bia khắc tên Cook được đặt trong một trong hai ngôi miếu nhỏ bao bọc bởi một bờ đá thấp. Ngôi miếu nhỏ có khắc hình chiếc ghe buồm được dân làng gọi là "chùa Mỹ”.

Ông Đặng Hòa nhớ lại: Thời điểm đó, tôi được ông Dennis M. Óbrien và phái đoàn tìm đến thuê chở họ tiếp cận Sơn Trà bằng đường biển. “Lúc đó tôi chỉ biết họ lên Sơn Trà để tìm một ngôi mộ nhưng không biết là mộ ai và chỉ kịp chụp vài tấm ảnh. Tuy nhiên sau này, khi đọc tin trên báo, tôi mới biết đó là ngôi mộ của một người Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam vào thời điểm đất nước mình còn chưa ai biết Mỹ là gì”.

Một góc còn tàu Constitution đến cảng Đà Nẵng năm 1845. Ảnh: T.L

Viết sách cho hướng dẫn viên du lịch

Sinh năm 1968 ở Hòa Cường, Đà Nẵng, ông Đặng Hòa trông còn rất trẻ so với tuổi 60. Ông cười bảo “tại tôi là dân biển, quanh năm được ăn đồ sạch, đồ tươi và hít thở không khí trong lành nên mới được vầy”. Ông kể mình sinh ra trên một chiếc ghe rồi lớn lênh đênh trên sông Hàn cho đến năm 7 tuổi thì được cùng ba mẹ lên bờ sống ở khu vực cồn Bồi, sau lại chuyển xuống khu vực An Hải sống bằng nghề đi biển. Sau năm 1975, ông vào bộ đội, sau đó xuất ngũ về quê kiếm sống bằng nghề lái tàu hoa tiêu (tàu dẫn đường) cho Cảng vụ Đà Nẵng. Sau khi lấy vợ, ông được ba vợ truyền thêm cho nghề đóng và sửa chữa tàu biển.

Năm 1996, ông là người đầu tiên ở Đà Nẵng đứng ra mở một doanh nghiệp tư nhân chuyên đưa đón khách du lịch tham quan sông Hàn, vòng quanh bán đảo Sơn Trà và vùng phụ cận như Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lăng Cô (Thừa Thiên –Huế) bằng đường thủy. “Ban đầu tôi chỉ chở khách đi vòng quanh tham quan, nhưng sau tôi tự học tài liệu và kiêm luôn hướng dẫn viên để thuyết minh và kể cho họ nghe những câu chuyện văn hóa, lịch sử liên quan đến những địa danh mà tôi đưa họ đến”. Được một thời gian, Sở Du lịch Đà Nẵng phản đối vì cho rằng ông Hòa là dân biển, không biết chi về văn hóa lịch sử nên sẽ nói bậy với du khách. “Năm 2005, họ kiểm tra tôi bằng cách… đề nghị tôi giúp họ viết một tài liệu về du lịch sông nước Đà Nẵng để họ phổ biến cho hướng dẫn viên. Bất ngờ là sau khi tôi viết xong, họ lấy tài liệu của tôi in thành cuốn sách “Du lịch sông nước Đà Nẵng” do tôi đứng tên tác giả và phát hành rộng rãi. Sách này cũng có in những bức ảnh tôi chụp ngôi mộ cổ từ năm 2000 cùng những chỉ dẫn”.

Đến năm 2007, hay tin chính quyền địa phương đã cấp phép cho Cty CP Biển Tiên Sa xây dựng một dự án du lịch chồng lên mộ của William Cook, ông Đặng Hòa tìm đến xem thực hư thế nào thì tá hỏa vì ngôi mộ chỉ còn lại một đống gạch vụn. “Lúc đó tôi không biết làm gì khác ngoài việc thu gom đống gạch vụn đó rồi bỏ lên tàu chở ra phần đất 2ha mà ông mới mua được ở bãi Đá Đen nằm cách dự án khoảng 1km”. Lúc đó ông Đặng Hòa có tham vọng xây dựng ở bãi Đá Đen một khu du lịch sinh thái, đồng thời “tái hiện” lại ngôi mô cổ của William Cook để phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên dự án này của ông Đặng Hòa đến nay vẫn chưa thực hiện được vì nhiều lý do...

Vĩ thanh

Chuyện với ông Đặng Hòa cứ nghe hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ví như ông bật mí trước năm 1975, ông từng thi đậu vào Y khoa Huế và học đến năm thứ 3 thì giải phóng miền Nam nên giấc mơ bác sĩ của ông đành gác lại. Để rồi mới đây ông quyết định sẽ hiến xác mình cho y học vì “tôi biết các sinh viên của Đại học Y Dược Huế hiện nay đang rất thiếu xác người để thực hành cận lâm sàng”. Chưa hết, ông còn làm tôi há hốc mồm khi khoe mới… tốt nghiệp đại học Luật Kinh tế hệ từ xa năm 2015! “Ông bảo tuy xuất thân là dân biển, nhưng đam mê lớn nhất của ông là học dù “tôi thấy khổ ải nhất của đời người chính là việc học chứ không phải lao động. Tôi học để phục vụ công việc, nhưng học cũng để làm gương cho các con”. Và ông Đặng Hòa là một tấm gương sáng, rất sáng khi 3 cô con gái của ông đều ăn học thành tài, trong đó có cô đã học đến Tiến sĩ, hiện đang làm việc tại nước ngoài.

Nhớ hôm tôi bảo đời ông may mắn khi là chứng nhân của Sơn Trà. Ông lắc đầu buồn bã: “Ừ, nhưng là chứng nhân của những chuyện đau lòng. May mắn nhất của đời tôi, chính là việc còn sống đến hôm nay để chứng kiến con cái mình lớn lên đầy niềm vui và thành đạt…”. 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: “Việc tàu Constitution đến cảng Đà Nẵng năm 1845 là một sự kiện mở đầu cho trang sử triều Nguyễn đương đầu với (...) thực dân phương Tây. Vì thế năm 2007, có dịp sang Boston (Massachusetts, Hoa Kỳ) tôi đã đến tìm hiểu thêm về con tàu gây hấn “lịch sử” Constitution nầy (còn gọi là Old Ironsides). Bến tàu Constitution trong khu vực Công viên Lịch sử quốc gia Boston (Boston National Historical Park). Đấy là một chiếc tàu với ba cái cột buồm cao ngất. Tôi không tưởng tượng được chiếc tàu đã gây hấn ở Đà Nẵng năm 1845 lại lớn đến vậy”.
Tường Minh
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.