Chứng chỉ Ngoại ngữ, tin học: Nhân bản hàng loạt, bán công khai

NHÓM PV BẠN ĐỌC |

Các loại chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học trình độ A, B, C (chứng chỉ) được chào bán công khai trên mạng xã hội. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu loại chứng chỉ nào, chỉ cần nộp tiền với giá trị tương ứng, “cò chứng chỉ” sẽ cung cấp loại mà khách hàng mong muốn. Tuy nhiên, giữa “ma trận” các loại chứng chỉ khó phân biệt thật-giả này, không ít “thượng đế” đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Thời gian gần đây, Ban Bạn đọc - Báo Lao Động thường xuyên nhận được phản ánh của người dân về tình trạng mua bán các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cùng nhiều loại văn bằng khác một cách ngang nhiên ngay giữa thủ đô. Qua tìm hiểu của PV, tình trạng mua bán các loại chứng chỉ trên diễn ra ngày càng tinh vi từ thủ đoạn, đến cách thức mua bán. Vào thời điểm sinh viên các trường đại học, cao đẳng chuẩn bị tốt nghiệp, xin việc làm, thi tuyển công chức cũng là lúc “cò” bán chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hoạt động mạnh nhất.

“Nằm vùng” trong các nhóm sinh viên

Thay vì quảng bá rộng rãi với những lời chào hấp dẫn như trước đây, hiện nay “cò chứng chỉ” hoạt động kín kẽ và tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Theo tìm hiểu của PV, “cò chứng chỉ” thường “ẩn thân” hoặc “nằm vùng” trong các hội, nhóm sinh viên của nhiều trường ĐH như “Đại học Thương mại-TMU”, “Chợ sinh viên Nông nghiệp”…

Tại nhóm “Chợ sinh viên Nông nghiệp”… - nhóm công khai với gần 400.000 thành viên, chỉ cần gõ từ khóa “chứng chỉ” lập tức sẽ xuất hiện hàng chục thông báo nhận làm các loại chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Thông thường, những thông báo này sẽ nhận được khá nhiều thắc mắc, nghi vấn về giá cả, loại chứng chỉ… Tuy nhiên, để tiện liên hệ và giải đáp thắc mắc của “thượng đế” thì “cò chứng chỉ” chỉ để lại số điện thoại và mọi thắc mắc có thể liên lạc riêng qua Facebook, tin nhắn để nhận tư vấn và mua đúng loại chứng chỉ đang “khát”.

Theo những lời chào hàng, PV liên hệ với một facebooker có tên Nguyễn V (nữ) - nhận làm chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, V cho biết, chứng chỉ được cấp bởi Trung tâm Cambridgevietanh. Chưa cần hỏi gì nhiều, “cò chứng chỉ” đã đưa ra những lời tư vấn rất nhiệt tình để khách hàng có thể lựa chọn được loại chứng chỉ phù hợp với mục đích sử dụng. V khẳng định: “Với những người chuẩn bị nộp hồ sơ thi công chức hoặc xin việc thì cần chứng chỉ của Bộ GDĐT. Còn đối với sinh viên các trường đại học cần chứng chỉ chuẩn đầu ra theo khung tham chiếu Châu Âu như Toeic, Ielts hoặc trình độ B1, B2 tương ứng”. Theo “cò” V, loại chứng chỉ bán chạy nhất là loại theo mẫu do Bộ GDĐT cấp, còn các loại chứng chỉ theo khung tham chiếu Châu Âu do giá “chát” nên ít người mua hơn.

Qua tìm hiểu của PV, “cò chứng chỉ” thường rao bán các loại giấy tờ tại cơ sở đào tạo và khảo thí ngoại ngữ được Bộ GDĐT cấp phép thi và cấp chứng chỉ, trong đó, phổ biến nhất là chứng chỉ tin học, tiếng Anh do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Trường ĐHSP Hà Nội) và Trung tâm Cambridgevietanh cấp.

Những chứng chỉ giả mạo có phôi, tem và các thông tin đầy đủ giống y như thật. Ảnh: PV

Mánh củng cố lòng tin “thượng đế”

Sau nhiều ngày tìm hiểu quy luật hoạt động của một số “cò chứng chỉ”, để được thực mục sở thị về các loại giấy tờ mà các “chân rết” này cung cấp, PV đã trực tiếp gặp “cò” để nộp hồ sơ.

Khoảng 20h ngày 9.5, tại một điểm hẹn trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), trong vai người cần mua chứng chỉ, phóng viên đã gặp một “cò chứng chỉ” tự xưng tên T, đó là thanh niên khoảng 25-27 tuổi - người chuyên nhận làm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học do Trường ĐHSP Hà Nội cấp.

Để an lòng “thượng đế”, T còn khẳng định những loại chứng chỉ do trung tâm cấp khi đi xin việc hay thi công chức không được Bộ Nội vụ chấp thuận. T đưa ra lời khuyên cho khách hàng chỉ Trường ĐHSP Hà Nội là được Bộ GDĐT cấp phép thi và cấp chứng chỉ. “Mình không bán chứng chỉ ngoại ngữ, tin học do trung tâm cấp, do đi xin việc Bộ Nội vụ sẽ không nhận đối với loại chứng chỉ này. Mình nhận làm chứng chỉ do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cấp, chuẩn của Bộ GDĐT” - “cò” T nói.

Theo đó, đối với loại chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam giá 1 triệu đồng/1 cặp chứng chỉ tiếng Anh và tin học. Ngoài ra, theo lời tư vấn của “cò” T, chứng chỉ khung chuẩn Châu Âu có giá lên tới 5 triệu đồng do phải tổ chức người đi thi hộ và có hồ sơ gốc nên giá tương đối “chát”. Để củng cố lòng tin cho khách hàng, T còn yêu cầu để làm chứng chỉ được đúng và đảm bảo cần phải nộp 2 ảnh 3x4 và phô-tô giấy Chứng minh nhân dân để có các thông số hợp lệ trên giấy tờ.

T khẳng định đây hoàn toàn là chứng chỉ thật, có tem chống giả của Bộ GDĐT, dấu của Trường ĐHSP Hà Nội và chữ ký của thầy hiệu trưởng là GS-TS Nguyễn Văn M. Để tăng độ tin cậy, “cò chứng chỉ” cho người mua xem trực tiếp những chứng chỉ đã hoàn thiện và khẳng định chưa nhận phản hồi tiêu cực nào từ khách hàng.

“Hô biến” được cả ngày cấp chứng chỉ

Khi thắc mắc về Thông tư liên lịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT quy định rõ việc dừng đào tạo, cấp các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C kể từ ngày 10.8.2016, liệu những chứng chỉ ngoại ngữ, tin học “mua” thời điểm này có phải thật? “Cò chứng chỉ” T giải thích: “Thứ nhất, chứng chỉ tin học, tiếng Anh bên anh sẽ tổ chức người thi thay cho em và người thi sẽ có hồ sơ gốc tại nơi cấp chứng chỉ. Thứ hai, việc ra thông tư trên không ảnh hưởng, bọn anh có cách “lách” thông tư, có phôi và làm chứng chỉ có thời gian từ tháng 8.2016 trở đi thì chứng chỉ A, B, C của em sẽ hợp lệ”. Sau những lời giải thích “bùi tai”, người này khẳng định chứng chỉ tiếng Anh, tin học do T cung cấp có thể đi công chứng “vô tư” vì đó là chứng chỉ thật.

T tư vấn nhiệt tình về việc mua từng loại chứng chỉ phù hợp với từng mục đích, xin việc, thi công chức. Nhận thấy khách hàng vẫn băn khoăn, T liên tục đưa ra những “dẫn chứng” thuyết phục: “Đợt tháng 5 này, có đến 20-30 người nhận làm nên yên tâm. Nhiều người không cần gặp trực tiếp, chỉ cần nộp hồ sơ (chỉ cần scan ảnh thẻ và chứng minh thư nhân dân) qua email và thực hiện chuyển khoản”. Dứt lời, T không ngần ngại cho chúng tôi xem những tin nhắn chuyển khoản làm chứng chỉ lên tới cả chục triệu đồng.

Theo danh sách T cho xem thoáng qua, khách hàng chủ yếu tập trung ở Hà Nội và các địa phương như Điện Biên, Yên Bái, Mù Căng Chải, Bắc Giang… Thông thường, đối với những “khách hàng” ở các địa phương, T thường giao dịch qua mạng xã hội, điện thoại. Sau khi thỏa thuận xong xuôi, khách hàng tin tưởng và chuyển khoản. Các loại chứng chỉ hoàn tất, “cò” sẽ chụp ảnh gửi khách hàng, khi thông tin trên chứng chỉ đã chuẩn, “cò” sẽ lập tức chuyển phát nhanh qua 
bưu điện.

Đằng sau lời quảng bá “chắc như đinh đóng cột”

Sau nhiều cuộc trò chuyện, “cò chứng chỉ” không ngần ngại chia sẻ mình chỉ là người vòng ngoài thu nhận hồ sơ. Để tăng thêm độ tin cậy, T trấn an khách hàng: “Anh có người nhà làm ở phòng tuyển sinh của Trường ĐHSP Hà Nội nên chắc chắn yên tâm có tem chống giả 7 màu, dấu và chữ ký tươi. Giấy tờ thật nên cứ yên tâm đi. Nếu làm chứng chỉ theo khung trình độ Châu Âu thì phức tạp hơn, giá 4.000.000 đồng/chứng chỉ”.

Sau khi nộp tiền, ảnh, chứng minh thư phô-tô khoảng 10 ngày như lời quảng cáo trước đó, “cò” T đã chuyển trực tiếp lại chứng chỉ cho khách hàng. Chứng chỉ Ngoại ngữ do T giao có phôi và tem của Bộ GDĐT. Trên chứng chỉ này có ghi rõ số hiệu, số vào sổ cấp chứng chỉ, hội đồng kiểm tra, xếp loại… Thời điểm cấp chứng chỉ này cũng được lùi lại về trước ngày 10.8.2016. Một chứng chỉ mà nếu bất kỳ ai có tới cũng đều có thể tin hoàn toàn là thật và tin cậy.

Để tìm hiểu độ xác thực của chứng chỉ do T cung cấp, PV đã có cuộc làm việc trực tiếp với Trường ĐHSP Hà Nội. Trao đổi với Lao Động, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp - PGS-TS Nguyễn Văn Hiền khẳng định những chứng chỉ do T cung cấp là hoàn toàn giả mạo, từ con dấu tới chữ ký của hiệu trưởng, hay các thông tin về số vào sổ cấp chứng chỉ, mực in phun đều có sự sai khác với quy chuẩn riêng của ĐHSP Hà Nội. Mặt khác, Trường ĐHSP Hà Nội không cấp chứng chỉ Ngoại ngữ dùng phôi của Bộ GDĐT mà dùng theo loại mẫu riêng. Khi cấp chứng chỉ này có kèm theo cả Quyết định của Hội đồng.

Ông Hiền cũng cho biết thêm, tình trạng làm giả mạo chứng chỉ của ĐHSP Hà Nội như Chứng chỉ tiếng Anh, Tin học, Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm… đã xuất hiện từ một vài năm trở lại đây. Đơn vị này cũng đã phối hợp trao đổi thông tin với công an phường, công an quận, PA83… để lực lượng chức năng xử lý.

Nhiều người e ngại việc phải học tập, lại cần hoàn thiện các loại hồ sơ nhưng ngại... mất thời gian, nên nảy sinh nhu cầu “mua sẵn” các loại chứng chỉ. Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng “cò” làm giả mạo, nhân bản hàng loạt các loại chứng chỉ giao bán tràn lan trên thị trường. Trong khi chờ các cơ quan chức năng của Hà Nội vào cuộc xử lý, hằng ngày có không ít “khách hàng” đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì mua phải những chứng chỉ tin học, tiếng Anh giả rao bán công khai trên mạng xã hội.

 

NHÓM PV BẠN ĐỌC
TIN LIÊN QUAN

Có nên bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ?

Vĩnh Linh |

Thời gian gần đây, một số ngành, địa phương liên tục có các động thái buộc cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) phải có chứng chỉ này, văn bằng nọ, nhất là tin học, ngoại ngữ (THNN) như là điều kiện để được tiếp tục công tác, chuyển ngạch, nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm...

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Có nên bắt buộc phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ?

Vĩnh Linh |

Thời gian gần đây, một số ngành, địa phương liên tục có các động thái buộc cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) phải có chứng chỉ này, văn bằng nọ, nhất là tin học, ngoại ngữ (THNN) như là điều kiện để được tiếp tục công tác, chuyển ngạch, nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm...