BÀI DỰ THI BÚT KÝ, PHÓNG SỰ 990 NĂM ĐẤT VÀ NGƯỜI NGHỆ AN

Chát mặn mồ hôi hạt muối xứ Nghệ

TRẦN HỮU VINH |

Những hạt muối mặn mòi vị biển, mặn chát vị mồ hôi, người làm muối xứ Nghệ quê tôi phải gồng mình dưới nắng nóng gió Lào nhưng tâm hồn họ luôn lạc quan, yêu đời và son sắt như câu ca dao có tự ngàn xưa: “Tay bưng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

“Công nghệ” đổi mồ hôi lấy muối

Không biết nghề muối ở Diễn Vạn (Diễn Châu- Nghệ An) quê tôi có từ bao giờ, nhưng bao thế hệ quê tôi từ khi sinh ra cho đến lúc mất đều gắn trọn đời với muối.

Cuộc sống người dân làm muối vất vả, nặng nhọc hơn những nghề khác. Thời gian làm nghề chỉ độ từ tháng tư đến hết tháng tám, thời gian nhàn rỗi khá nhiều nên hết mùa muối, dân quê tôi lại phải bươn chải những công việc bấp bênh, tạm bợ để kiếm sống.

Thu hoạch muối khi chiều về. Ảnh: Hồ Nhật Thành
Thu hoạch muối khi chiều về. Ảnh: Hồ Nhật Thành

Thầy tôi kể: Nghề muối của làng đã có từ rất lâu, thời Pháp thuộc, người ta làm muối còn vất vả hơn bây giờ nhiều. Từ tháng giêng, mọi người đã phải ra bờ biển lấy hàng tạ, đến hàng tấn sò nhỏ (gọi là xịn) về chuẩn bị làm sân ô. Đến tháng ba thì vừa làm ô vừa đào mương, mỗi nhà phải đào hàng chục mét mương.

Ngày ấy, sau khi cày để làm mặt xá nại (sân phơi đất) bằng phẳng thì các cụ phải dùng trâu kéo bừa, loại bừa có răng ngắn, để xới đất lên rồi cho nước mặn vào phơi ba, bốn ngày; tháo nước ra phơi nắng một ngày cho xốp đất; sau đó dùng trâu bừa lại, đảo cho đất đều và tơi, trục nhẹ cho dẽ xuống; rồi một người thật khỏe dùng bừa quàng dây qua vai nhoài mình mà kéo cho đất tơi lên; cuối cùng, mới trang lại từng vồng, xúc đất ấy lọc lấy nước nguyên liệu, gọi là nước hắt, mà phơi thành muối.

Nhưng để từ “đất” đến “muối” thì còn bao nhiêu công việc với bao gian truân, mệt mỏi. Một lần bừa – phơi – trục – bừa – xúc ấy, có thể dùng đất được khoảng 4 ngày rồi mới làm đợt tiếp theo.

Hạt muối mặn có cả mồ hôi và nước mắt bao người, bao nhiêu miệng ăn cũng chỉ nhìn vào muối, thế nhưng chính quyền thực dân không cho dân bán ra ngoài mà phải bán cho chúng với giá rẻ mạt. Thế là người dân giấu muối như giấu vàng, họ giấu dọc bờ, dọc bụi rậm rạp hoặc những nơi bí mật trong nhà.

Thầy tôi kể, hồi đó ông nội tôi là cụ sách Hoạt phải xây một hầm chứa muối bí mật trong bếp, đó là nền bếp được xây cao lên nhưng chỉ dùng một phần để nấu, còn một phần cất muối, phía ngoài chèn sò cho kín rồi đem hồ trét lại. Lâu lâu, tên cai đội người Pháp dẫn lính đi tuần, xem nhà nào giấu muối là tịch thu, thế nên người dân phải lót tay cho chúng mấy đồng hoặc mời bữa cơm thì chúng mới làm ngơ cho.

Diêm dân phải chở muối sang kho cho chính quyền thực dân, họ cử ra một người có uy tín phụ trách việc tính toán, nhận và trả tiền gọi là ông cầm sách. Mỗi lần đong, mỗi người được cấp cho một cái thẻ, cuối buổi theo số thẻ mà tính tiền. Muối được chất lên tận nóc kho cao 4 - 5 mét, thằng Tây đoan bắt người xúc muối phải leo lên mà đổ.

Từ khi còn nhỏ ấn tượng không bao giờ phai trong tâm trí tôi là không khí đi làm muối của dân làng. Người làm muối phải lấy sự ngột ngạt, oi bức của những ngày hè mà kiếm kế sinh nhai. Trời càng nắng, diêm dân càng vui, dẫu biết rằng cái nắng làm đen sạm làn da con gái, làm cháy lưng cha, mồ hôi ướt đầm vai áo mẹ...

Vào mỗi buổi sáng mùa hè, khi gà chưa kịp gáy canh năm, mọi người đã lục đục dậy từ rất sớm, họ phải đi “cạy dạt” và chuẩn bị cho buổi làm chiều, có người phải cạy ba, bốn cái dạt đến hơn khối đất, xong rồi múc nước lên ô phơi, tưới xá... đến lúc mặt trời lên khỏi lũy tre đầu làng thì mới nghỉ.

Ăn cơm trưa xong, đám trẻ con rủ nhau đi chơi, những người lớn thiu thiu giấc ngủ trên chiếc chõng tre trong râm ran tiếng ve, tiếng quạt mo lạch bạch rồi thức dậy í ới gọi nhau chuẩn bị cho công việc buổi chiều. Công việc chính bắt đầu lúc gần 2 giờ chiều, mọi người lục tục kéo nhau ra đồng, tiếng xe cút kít râm ran, công cụ lềnh kềnh chất đầy xe sộc, người cầm, người vác, nào bù múc, bù tưới, nào trang to, trang nhỏ, thêu xúc, thêu rải, ống so, nước uống, khoai lang luộc... Người từ các nẻo trong làng đổ về cánh đồng muối, tiếng cút kít xen lẫn tiếng cười nói, tiếng gọi nhau... Tất cả hòa trong ánh nắng hè chói chang oi ả.

Cả một cánh đồng muối rộng mênh mông hàng chục héc ta, những dãy sân ô phơi muối chạy thẳng, đều tăm tắp, mỗi nhà có một cái lều để che nước hắt lúc trời mưa, được chống lên làm nơi trú nắng.

Các bác trai tranh thủ hít điếu thuốc lào sảng khoái rồi khoan khoái nhìn trời đoán: Nội mấy ngày tới, có đem sào mà chọc trời cũng không dám mưa! Những dãy sá nại phẳng lì, đều tăm tắp, tất cả đan cài vào nhau bởi những đường mương vây quanh, nếu từ trên cao nhìn xuống có thể hình dung như một bàn cờ lớn. Xa xa ánh nắng chiếu vào mặt sân ô muối bắt đầu kết tinh lấp lánh ánh bạc, thỉnh thoảng, những chiếc thêu bằng kim loại phản chiếu ánh mặt trời lóe lên rồi biến mất.

Làm muối là công việc rất nặng nhọc, nhưng vì nghèo nên đám trẻ con cũng phải theo phụ giúp bố mẹ, không ít những đứa 13, 14, tuổi đã là lao động chính. Bao nhiêu chuyện vui, chuyện dở khóc, dở cười của mỗi gia đình đều diễn ra trên đồng muối.

Những ngày bất chợt mưa giông là những ngày vất vả đối với người dân làm muối quê tôi, nếu không nhanh thì thành quả của một ngày lao động mệt nhọc sẽ tan thành nước. Không ít hôm mưa quá bất ngờ, mọi người không kịp trở tay, muối tan ngay trên ô hoặc tan chảy trên đường đưa về. Ai cũng phải gồng mình mà chạy giông: cha quát con, chồng mắng vợ, tiếng gọi nhau râm ran xen lẫn tiếng cười đùa tếu táo...

Thế mới có chuyện anh Phú cóc vì bực vợ quá, nhảy lên đá “song phi”, chị vợ nhanh chân né sang một bên làm anh rơi tõm xuống đùm nước, vẫn không quên ngóc đầu lên chửi vợ để thị uy... Tất cả gấp gáp, bận rộn để bảo vệ thành quả lao động của mình, một không khí khẩn trương, lộn xộn, thấy vừa vui vừa tội.

Những chiều bình yên, người ta dẫy muối trên các mặt sân phơi đem về, xe sộc nhà nào nhà nấy muối đầy ăm ắp xuôi đường vào làng. Tiếng cút kít của những chuyến xe nặng hàng, những cánh tay cuồn cuộn căng lên, ai nấy đều chăm chú và cẩn trọng. Trên khắp các nẻo đường làng, những vệt xe ngoằn ngoèo đan nhau như những con rắn dài vô tận, những lằn nước muối lênh láng, chồng lên vết lân tinh của những ngày hôm trước để lại.

Những “nghệ nhân” làm muối

Những bù nước được những cánh tay khỏe khoắn và khéo léo tung lên trời tạo thành những làn sương. Ảnh: Hồ Nhật Thanh
Những bù nước được những cánh tay khỏe khoắn và khéo léo tung lên trời tạo thành những làn sương. Ảnh: Hồ Nhật Thanh

Trong nghề muối cũng có “nghệ nhân”, ở góc độ cái đẹp có thể gọi là “nghệ sĩ”. Đó là những người tưới sá, những bù nước được những cánh tay khỏe khoắn và khéo léo tung lên trời tạo thành những làn sương mong manh, làn sương lan tỏa như một cơn mưa bụi, mờ dần rồi rơi xuống, bám nhẹ vào mặt cát. Đó là những người rải cát, những thêu đất cát tơi xốp được rải ra như những làn sóng mỏng đuổi theo nhau, lớp này nối lớp khác dệt nên một tấm thảm mịn màng “êm” như nhung trên nền xá nại.

Làm muối đã vất vả, bán muối cũng là một nghề gian nan. Hồi ấy, rất nhiều thanh niên trong làng đều tranh thủ đi bán muối, đổi muối lấy lúa, ngô, khoai, sắn... Thế nhưng cũng không ít những người phụ nữ đã năm, sáu mươi tuổi cũng phải gánh muối đi bán ở những vùng lân cận.

Họ đi bộ trong các làng, các xóm suốt buổi, trưa thì tìm một bóng cây nghỉ tạm rồi chiều lại đi, quãng đường đến hàng chục cây số, trên vai là hai đầu thúng muối nặng trĩu. Còn đám thanh niên thì phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, ăn bát cơm nguội hay củ khoai, củ sắn rồi gói cơm, gói khoai với ít vừng hoặc con cá, quả trứng lên đường.

Chiếc xe đạp cà tàng chỉ có khung xe, tay lái và hai bánh, trông mong manh như một bộ xương khô, cõng trên lưng 80 cân muối, những người trai tráng có thể chở hơn một tạ. Những cô gái nhỏ bé cũng phải bươn chải cả trăm km trên các nẻo đường: Nghi Lộc, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Vinh, Hà Tĩnh... đến tận tối mới về. Không biết họ phải vượt bao nhiêu con dốc, bao đoạn đường gập ghềnh, cheo leo, bao nhiêu lần ngã... Nói về nghề đổi muối, bọn trẻ chúng tôi vẫn thường ê a câu vè cửa miệng: “Ai muối đê, muối anh Gắng vừa trắng vừa ngon đê”.

Anh Gắng là người đổi muối “chuyên nghiệp” vui tính, nên trong nghề đổi muối, anh Gắng là người nổi tiếng nhất làng. Nói đến những vất vả gian nan của người đổi muối, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Trần Ngọc Cảnh, anh viết về tiếng rao của người bán muối: Trưa hè nắng cháy thịt da/ Tiếng rao héo quắt như là lá khô/Lạy trời đừng đổ cơn mưa/ Dẫu lưng cháy với nắng trưa cũng đành.

Thời gian phôi pha, nay cánh đồng muối lớn nhất của HTX Vạn Thành đã chuyển đổi thành cánh đồng nuôi tôm sú. Những ngôi nhà khang trang đã mọc lên hai bên con đường nằm giữa cánh đồng muối. Bây giờ, chỉ còn một bộ phận nhỏ người dân Vạn Nam, Vạn Tài làm muối, nhưng công việc đã đỡ vất vả hơn xưa: Hệ thống kênh mương được bêtông hóa, đường đi lối lại sạch đẹp, sự cải tiến kĩ thuật cũng giúp cho người lao động tốn ít sức mà năng suất vẫn cao hơn.

Người dân nay chỉ xem nghề muối là nghề phụ kiếm thêm những tháng hè, nam nữ thanh niên không nhiều người làm muối nữa mà chủ yếu là những người trung tuổi, thế nên nhiều sá nại đang bị bỏ hoang.

Bao thế kỷ oằn mình với muối, bao thế hệ người dân quê tôi gắn bó trọn đời với nghề làm muối, những con người chân chất, da đen sạm vì nắng gió, bắp tay săn chắc, nụ cười tinh khôi, họ luôn vui vẻ, hiền lành và tốt bụng. Ai đã trải qua những năm tháng nhọc nhằn ấy sẽ không thể nào quên được cái chói chang của nắng, cái bỏng rát của gió Lào.

TRẦN HỮU VINH
TIN LIÊN QUAN

Lam giang – trầm tích và hồn cốt xứ Nghệ

CÔNG KIÊN |

Trải dài trên không gian địa lý của xứ Nghệ từ thuở khai thiên lập địa, sông Lam chảy mãi trong tâm tưởng của người dân xứ sở gió Lào và kết đọng thành dòng chảy lịch sử của một vùng quê văn hiến.

"Trớ trêu" khi cầu thủ xứ Nghệ giúp Viettel đánh bại Sông Lam Nghệ An

PHẠM ĐÌNH |

Những cầu thủ xứ Nghệ như Quế Ngọc Hải, Hồ Khắc Ngọc, Trần Nguyên Mạnh đã có trận đấu tốt, giúp Viettel giành chiến thắng trước Sông Lam Nghệ An.

Nuôi chim “khủng”, lão nông xứ Nghệ kiếm bộn tiền

Trần Tuyên - Hồ Thỏa |

Dám nghĩ, dám làm, tiên phong, ông Bùi Văn Quang (SN 1964, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) đã thành công ngoài mong đợi trong việc xây dựng mô hình nuôi đà điểu, giống chim "khủng" đến từ Châu Phi.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Lam giang – trầm tích và hồn cốt xứ Nghệ

CÔNG KIÊN |

Trải dài trên không gian địa lý của xứ Nghệ từ thuở khai thiên lập địa, sông Lam chảy mãi trong tâm tưởng của người dân xứ sở gió Lào và kết đọng thành dòng chảy lịch sử của một vùng quê văn hiến.

"Trớ trêu" khi cầu thủ xứ Nghệ giúp Viettel đánh bại Sông Lam Nghệ An

PHẠM ĐÌNH |

Những cầu thủ xứ Nghệ như Quế Ngọc Hải, Hồ Khắc Ngọc, Trần Nguyên Mạnh đã có trận đấu tốt, giúp Viettel giành chiến thắng trước Sông Lam Nghệ An.

Nuôi chim “khủng”, lão nông xứ Nghệ kiếm bộn tiền

Trần Tuyên - Hồ Thỏa |

Dám nghĩ, dám làm, tiên phong, ông Bùi Văn Quang (SN 1964, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) đã thành công ngoài mong đợi trong việc xây dựng mô hình nuôi đà điểu, giống chim "khủng" đến từ Châu Phi.