Chạm vào vị xuân biên cương

TRƯƠNG THÚY HẰNG |

Nhiều năm gắn bó với biên cương, năm nào cũng phải đến áp tết, tôi mới từ đồn biên phòng ra về. Thế còn “xuân” chán! Vì lính biên phòng thường không có khái niệm nghỉ tết. Quân số trực tết phải đảm bảo hơn 70%, trừ những trường hợp có cha mẹ già, vợ mới cưới mới được về quê ăn tết mà thôi. Vài năm gần đây, khi facebook, zalo cập nhật tình hình bánh chưng, đào quất ở quê từng giờ, tết cũng tự xốn xang hơn. Lúc ấy mới hay ai người lòng dạ sắt son với biên thùy.

Ngày đêm vùi sương núi

Chúng tôi “đổ bộ” vào 1 tổ công tác biên phòng có cái tên rất khó nhớ: Ma Ngán Sản của Đồn Biên phòng Tùng Vài, Bộ đội Biên phòng Hà Giang. Suốt 2 tháng trước tết, nơi này nhiệt độ không lúc nào nhích lên 2 con số, không khí lúc nào cũng sũng nước, thít lấy ngực, đến thở ra khói cũng khó. Bây giờ, bộ đội biên phòng các tỉnh phía Bắc không còn biên chế các chốt điểm cao, mà thay bằng các tổ công tác cắm bản.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong các tổ công tác theo cụm dân cư, dân ở đâu quân ở đó, tiện cho việc quản lý địa bàn. Họ hay bông lơn, gọi những tiểu doanh trại dã chiến của mình là ngôi nhà hạnh phúc. Dân du lịch bụi bảo nhau, đi vào sát đường biên, cứ ngôi nhà nào hay tập trung đông đủ cả quân dân, treo cờ Tổ quốc thì “chắc bắp” đó là tổ công tác biên phòng, có thể vào đó ăn 1 bữa cơm độ đường. Vì thế nên mới có cái tên ngôi nhà hạnh phúc chăng?

Anh lính biên phòng nào cũng thích hoa phong lan. Hoa đào thì nở khắp núi, ngoài sân, chỉ phong lan như là phần thưởng của cả 1 năm nâng niu chăm sóc chịu được sương gió đó. Họ hát nghêu ngao “như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn” trong lúc gói bánh chưng bên bếp lửa. Lính thời nào cũng thế, không lạc quan sao sống được ở những nơi heo hút lúc nào sương mù cũng bưng lấy mắt như thế này. Chúng tôi cùng ăn bữa cơm tất niên ấm cúng, biên giới tĩnh lặng còn hơn cả thường ngày.

Câu chuyện của tôi và cánh lính lại xoay quanh chuyện tết, và chén nước trà bỏng tay trên bàn. “Trà chốt” đấy! Người lính già đầy trải nghiệm nói. Tôi chợt tỉnh hẳn sau tuần trà xuân. Nơi này chính là mảnh đất phát danh trà chốt, từ những năm 80 thế kỷ trước. Vùng này nổi tiếng với những cây trà shan tuyết cổ thụ quanh năm xù xì rêu mốc, ẩn hiện trong sương mù mây phủ từ Tây Côn Lĩnh sang Phìn Hồ, Quản Bạ, Bạch Đích...

Giờ đây, chiến tranh lùi xa lâu rồi, nhưng cái danh trà chốt vẫn còn nguyên. Chén trà trong tổ công tác quyện hơi sương mỏng, bỗng dưng thơm hơn, nồng đượm hơn. Chuyện kể về trà chốt sau này được thêm nếm rất nhiều gia vị cho có phần huyền thoại và đậm đà “chất lính”. Vì vậy, chuyện về trà chốt không chỉ đơn thuần là đồ uống đỡ khát, đỡ nghiền, mà là cả vùng ký ức về đời sống tinh thần của bộ đội điểm cao ngày ấy.

Ngày trước, những điểm cao đều trong tình trạng thiếu quân nhu, quân trang, lương thực, thực phẩm tiếp tế cũng khó khăn. Vào mùa đông rét mướt lại càng khó, đường rừng lầy lội mà điểm cao nào cũng ở tít trên núi. Bộ đội ngày ấy đều xuất thân từ nông thôn, quen thói nghiện trà ấm sao khô kiểu ông bà ta xưa. Mấy cây trà shan tuyết cổ thụ ở trên chốt được bộ đội quý như cơm ăn, nước uống hằng ngày.

Giống shan tuyết cổ thụ mỗi năm chỉ ra búp 2 lượt, xuân và thu. Trà xuân được nước xanh hơn, trà thu đậm vị hơn. Mỗi mùa, cây chỉ nhú búp non lác đác, đã quý lại còn ít. Bộ đội trèo cây hái từng búp một, khéo léo đến nỗi những búp non còn ngậm sương, không để giập và tiết nhựa. Có khi búp còn tươi nguyên đã ngả ra sao. Các anh bảo có khi vừa trèo lên cây hái xong, tụt xuống đã bỏ búp trà vào chảo sao luôn. Đơn vị không có chảo gang, anh em còn lấy mũ sắt cũ để sao trà. Vì thế, trà chốt giữ nguyên hương vị của rừng già, ít mà tinh, lá trà uốn cong như móc câu phủ 1 lớp tuyết trắng thơm lừng.

Mùa trà chính vụ, các chiến sĩ còn sao trà gửi về quê, kèm trong mỗi lá thư như là quà biên giới. Thứ trà nguyên hương, cánh trắng như mốc ngày ấy với đồng bằng là quà hảo hạng, đặc sản. Phải chăng người thưởng trà ở đồng bằng uống trà, ngấm cả vị ngon từ tấm lòng nhớ nhung, se sắt từ nơi biên giới gửi về hậu phương mà cảm thấy ngon hơn bội phần. Kỳ thực, trà chốt không phải có vị ngon thần thánh hóa như huyền thoại về nó. Mấy anh bộ đội trên chốt không có nhiều thời gian sao tẩm, kỹ thuật sao chè cũng không được như bây giờ, không thể là loại đồ uống làm mê mẩn vị giác như những thứ trà hảo hạng ngày nay.

Lính biên phòng chuẩn bị tết ở đồn biên giới.
Lính biên phòng chuẩn bị tết ở đồn biên giới.

Năm mới và chuyện cũ

Thiếu tá Trừ Minh Tuấn, thâm niên 5 năm xuống tăng cường làm Phó Bí thư xã Tả Ván của huyện Quản Bạ, Hà Giang đi cùng tôi 1 lượt từ tổ công tác lên trụ sở xã. Tôi thấy anh chẳng việc gì là không nhúng tay vào trong cái cộng đồng nhỏ bé trên núi ấy. Từ việc chống rét cho trâu, bò, phân công chu đáo các lực lượng dân quân thanh niên xã đi cùng chuyến tuần tra tất niên khép kín 1 vòng đường biên rồi tổ chức bữa cơm chung tất niên với bộ đội biên phòng luôn một thể.

Tả Ván là 1 xã biên giới nghèo của Hà Giang cũng đã không bỏ sót phương cách làm giàu nào từ trồng cây cải dầu, nuôi ong mật, trồng hoa bạc hà, nuôi lợn đen, nuôi trâu bò nhốt… mà mãi cũng vẫn đìu hiu gian khổ. Tôi bảo, thế còn trà chốt thì sao. Mấy người làm dịch vụ du lịch hợp thời ở thành thị đang lấy danh trà chốt đặt cho sản phẩm trà nào đó, gợi trí tò mò kéo khách du lịch lên Hà Giang. Lẽ nào câu chuyện trà chốt của chính nơi này lại dừng lại trên bàn trà năm cũ mà thôi?

Trừ Minh Tuấn nói người uống trà là đang uống vị xuân. Tổ công tác Ma Ngán Sản có chúng tôi đến, tạm gọi là khách đường xa, trà bỗng nhiên ngon hơn nhiều lần. Thời chiến, có lẽ những cây trà cổ thụ còn thấm cả máu các chiến sĩ. Những vùng biên giới như Hà Giang, chuyện đó là 1 phần tất yếu của lịch sử. Những lúc giao tranh ác liệt, giữa 2 làn đạn, giữa khoảng lặng của các cuộc tấn công, những người lính vẫn hái trà về sao, để pha những ấm trà nồng hương buổi sớm. Chỉ nguyên điều đó thôi đã khiến trà chốt trở thành 1 di sản về tinh thần lạc quan, ý chí vững vàng của bộ đội. Từng tấc đất biên cương, mọi sự thừa hưởng văn hóa lối sống những năm tháng lịch sử đều là bài học quý giá.

Nhưng uống trà chốt phải uống bằng vị ký ức. Đến Hà Giang mùa này để ngấm sương thật dày, để uống trà trong khí lạnh tỏa ra từ trên điểm cao. Thời nào cũng vậy, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên chốt, dù ở bất cứ địa hình nào cũng có khả năng thích nghi với môi trường, đồn là nhà, biên giới là quê hương. Lính ta xuất thân nông thôn, thói quen uống trà theo cả cuộc đời, sống đâu quen đấy mà kiểu nghiện vị trà sao khô thì vẫn chân chất 1 kiểu. Buổi sáng họp bàn triển khai công việc, hay đi thăm dân, trao đổi công tác với chính quyền địa phương, kiểu gì thì cũng có ấm trà là đầu câu chuyện. Ngày tết, trà phải là ưu tiên hàng đầu, ở cái thời khắc năm mới, nói chuyện cũ lại càng cần cái vị trà ký ức ấy.

TRƯƠNG THÚY HẰNG
TIN LIÊN QUAN

Cá kho làng “Vũ Đại” rực lửa đón Tết

Quang Huy |

Tết đến xuân về, trong tiềm thức mỗi người con Việt Nam đều muốn tìm về những món ăn truyền thống, tìm về những giá trị lâu đời của tổ tiên. Niêu cá kho giản dị của làng Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam) hay còn gọi là làng Vũ Đại là một trong những món ăn truyền thống được người dân trong và ngoài nước lựa chọn cho ngày Tết.

Náo nức phiên chợ Tết quê nơi phố núi

MINH LÝ |

27 Tết Nguyên đán, cận kề của một mùa xuân sắp gõ cửa mọi người, mọi nhà, không khí tại chợ phố huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) càng đông vui tấp nập.

Miền Tây - Xuân đến sớm

Lục Tùng |

Về miền Tây những ngày giáp Tết, xuân của đất trời như vẫn còn đâu đó trên những chồi non, những cành hoa e ấp nụ, nhưng chúng tôi lại như chạm tay vào mùa xuân cuộc đời đang rạng rỡ hiện về trên mọi mặt người, trên mỗi phận người. Bởi không chỉ có nông dân vui ngất trời với chuyện nông sản được giá, mà nhiều người dân từ miền núi đến hải đảo xa xôi còn nhận được sự ấm áp từ hoạt động chăm lo của toàn hệ thống chính trị...

Xe khách đâm nhau trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

Cá kho làng “Vũ Đại” rực lửa đón Tết

Quang Huy |

Tết đến xuân về, trong tiềm thức mỗi người con Việt Nam đều muốn tìm về những món ăn truyền thống, tìm về những giá trị lâu đời của tổ tiên. Niêu cá kho giản dị của làng Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam) hay còn gọi là làng Vũ Đại là một trong những món ăn truyền thống được người dân trong và ngoài nước lựa chọn cho ngày Tết.

Náo nức phiên chợ Tết quê nơi phố núi

MINH LÝ |

27 Tết Nguyên đán, cận kề của một mùa xuân sắp gõ cửa mọi người, mọi nhà, không khí tại chợ phố huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) càng đông vui tấp nập.

Miền Tây - Xuân đến sớm

Lục Tùng |

Về miền Tây những ngày giáp Tết, xuân của đất trời như vẫn còn đâu đó trên những chồi non, những cành hoa e ấp nụ, nhưng chúng tôi lại như chạm tay vào mùa xuân cuộc đời đang rạng rỡ hiện về trên mọi mặt người, trên mỗi phận người. Bởi không chỉ có nông dân vui ngất trời với chuyện nông sản được giá, mà nhiều người dân từ miền núi đến hải đảo xa xôi còn nhận được sự ấm áp từ hoạt động chăm lo của toàn hệ thống chính trị...