Cả cuộc đời gác đèn cho Côn Đảo

LÊ TUYẾT |

Năn nỉ hết lời tôi mới mời được anh Đoàn Văn Tranh - giám đốc Điện lực Côn Đảo một “cuốc” cà phê. Trái với ý định ban đầu của tôi là chọn quán cà phê đẹp nhất nhì Côn Đảo, anh Tranh lại chọn cái quán giản dị hết mức có thể. Giọng nói rổn rảng, anh giải thích: “Ở Côn Đảo, giá luôn đắt hơn gấp đôi, gấp rưỡi đất liền. Cô đã mời cà phê, tôi phải lựa quán nào rẻ nhất. Ngày tôi tình nguyện ra đảo, khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ, tiết kiệm riết rồi quen...”.

Lần đầu tưởng chết

Vậy ra anh Tranh không phải là dân đảo chánh gốc.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đi từ nguyên quán Trà Vinh, trong gia đình 8 anh em với 6 trai, 2 gái của anh. Năm 1980, vừa học xong trung học phổ thông, tuổi 18 mới qua được vài ngày, anh Tranh liền tình nguyện đi xây dựng Côn Đảo. Thời điểm đó, Côn Đảo là một quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập năm 1979 nhằm phục vụ phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí mới thành lập của Việt Nam - PV).

Lý giải cho quyết định “ly hương” của mình, anh bảo: “Tôi luôn nung nấu ý định “mình phải đi đâu đó”, phải cho bản thân được thử thách”. Nghĩ vậy, nên khi có người chú họ hàng cùng quê đang làm việc ở Côn Đảo nhắn “Côn Đảo đang cần thanh niên tình nguyện xây dựng đảo”, chàng thanh niên 18 tuổi “chân chưa rời gốc rạ” liền đăng ký lên đường.

Tháng 3.1980, anh lên một chiếc tàu “vừa hàng vừa khách” thẳng tiến Côn Đảo. Trời thử thách lòng người, tàu đi được nửa đường thì hỏng động cơ. Anh kể: “Người ta bảo, tháng Ba bà già đi biển, vậy mà năm đó trời nổi giông gió. Phương tiện duy nhất liên lạc với đất liền là vô tuyến thì bị hư. Cả tàu hơn 100 khách trôi lênh đênh trên biển 7 ngày đêm”.

Ngoài 100 khách, trên tàu có lợn giống, hạt giống, là hàng tiếp viện mà đất liền gửi ra cho Côn Đảo, tuy nhiên, lương thực có nhưng cả tàu gần như chịu đói, khát vì không thể đun nấu, nước ngọt cũng hết. Tàu cứ trôi, có hôm, buổi chiều nhìn Hòn Khoai, cữ ngỡ thoát chết thì sáng hôm sau dạt ra xa vài chục hải lý. Hôm nay thấy đất liền, ngày mai lại biển nước mênh mông.

Anh nhớ lại: “Lúc tàu bị trôi, chúng tôi có gặp một vài tàu cá nhưng các tàu cá lại lầm tưởng chúng tôi cũng là tàu vượt biên nên dù mọi người có la hét cỡ nào họ cũng không tiếp cận. Tuyệt vọng, đội lái tàu lấy súng bắn chỉ thiên kêu cứu. Nghe tiếng súng, các tàu cá chạy càng dữ”. Trong khi đó, ở đất liền, Côn Đảo, người ta đã niêm yết danh sách các hành khách mất tích trên chiếc tàu.

Đến ngày thứ 7, tàu dạt về Năm Căn (Cà Mau), tàu được bộ đội đồn biên phòng Rạch Gốc lai dắt vào cảng. Anh xúc động: “Nếu chậm một ngày chắc trên tàu có người chết, đặc biệt là người già và trẻ em. Lúc đó đã có một số heo trên tàu chết, phải ném xác xuống biển. Khi tàu neo bờ, sẵn heo, lương thực, bộ đội đem ra nấu cháo cho gần 100 người đang quay quắt trong cơn đói khát.

Sau chuyến tàu… chết hụt, tôi được đưa về nhà nghỉ ngơi một tuần”. Một tuần sau, anh được thông báo tiếp tục ra đảo. Gia đình cật lực phản đối, má anh đòi chết đòi sống để mong anh ở nhà, 7 người tình nguyện đi cùng anh trên chuyến tàu sóng gió thì 4 người quyết định… dừng cuộc chơi, anh vẫn quyết ra đi. Anh cười: “Lúc đó tôi chỉ một khao khát là được đi, được thử thách mình, còn khó khăn, tôi càng phải đi. Thấy không thể lay chuyển được tôi, gia đình đành phải đồng ý để tôi ra đảo”.

“Nhiều người rời đi, tôi chọn ở lại”

Chàng thanh niên Đoàn Văn Tranh được phân công vào Trạm Điện Nước Côn Đảo. Năm 1980, Côn Đảo có khoảng 3.000 dân, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Anh bảo: “Tinh thần của mình thì luôn hướng về phía trước nhưng cái bụng thì luôn “biểu tình”. Khi ở nhà với ba má, tôi chưa bao giờ ăn cơm độn bo bo, bột mì. Nay ở đảo nếm đủ, bạn bè đùa nhau “ăn sao thải vậy”. Lúc khó khăn, tôi luôn tự nhủ, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, khó khăn này là khó khăn chung. Tôi luôn có niềm tin mãnh liệt rằng mọi thứ rồi sẽ ổn nên cứ lao vào làm việc”.

3 năm làm việc ở Trạm Điện Nước, anh được cử đi học về sửa chữa máy điện diesel ở trường Điện lực Hóc Môn (Nay là trường Cao đẳng Điện lực TPHCM - PV). Về lại đơn vị, anh được phân công làm tổ trưởng tổ quản lý máy phát điện, 6 năm sau làm quản đốc phân xưởng, rồi phó giám đốc rồi giám đốc Điện lực Côn Đảo.

Năm 1991, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo giải tán để thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mọi thứ càng khó khăn hơn với Côn Đảo. Những năm 90, những người lần lượt đến phát triển kinh tế ở Côn Đảo rời đi. Ngay cả người chú hướng anh ra Côn Đảo cũng lẳng lặng “khăn gói” về đất liền mà không một lời chào tạm biệt cháu. Những người tình nguyện đi cùng chuyến tàu với anh, ai cũng trở về đất liền.

“Khi nhiều người xung quanh tôi rời đi, tôi tự nhủ thế này. Đất nước đang khó khăn, mình đi đâu cũng vậy. Trong khi ở Điện lực Côn Đảo, tôi đã được đi học, có công việc, có điều kiện để cống hiến thì tôi không nên đi. Hơn nữa, tôi nhận thấy mình đã rất may mắn vì tôi đã có được một cái nghề, được đào tạo công việc có liên quan đến các môn học Vật lý, Hóa học mà tôi từng yêu thích, như vậy đã đủ để tôi gắn bó, trả ơn cho Côn Đảo” - anh lý giải.

Nhớ lại hành trình gần 40 năm gắn bó với Côn Đảo, người đàn ông với làn da đen sạm rắn rỏi đặc trưng miền biển, tóc đã nhuộm sợi bạc nhưng nụ cười vẹn nguyên nét hào sảng của chàng trai 20 năm xưa: “Ngày trước, điện chỉ thắp sáng vào ban đêm, từ 18-21h30 , chủ yếu phục vụ cho khu trung tâm của đảo. Hằng năm, tỉnh giao cho một lượng tiền, dầu nhất định, mình phải cân đối sao cho điện đáp ứng đủ, vừa đảm bảo được tiền lương cho anh chị em công nhân. Chưa kể, máy móc hư hao nhiều, không có kinh phí để sửa chữa. Máy cũ, càng tiêu hao dầu nhiều. Có lúc, dây curoa của máy bị hư, tôi và các anh em phải lấy dây dù đấu nối lại để thay thế… Tôi kể ra vậy, để thấy bây giờ, 100% dân đảo được phủ điện, giá được bán bằng với giá đất liền thì niềm vui của những người làm nghề chúng tôi không gì sánh được”.

Thiếu bằng cấp không sợ, chỉ sợ không bằng lòng!

Hiện tại, Điện lực Côn Đảo có 50 anh chị em cán bộ công nhân viên đang làm việc có quê quán từ Nam chí Bắc: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Cà Mau… - thật đúng là “tứ hải giai huynh đệ”, anh em yêu thương nhau, không phân biệt chức vụ, quê quán. Đó cũng là văn hóa anh Đoàn Văn Tranh dày công xây dựng ở Điện lực Côn Đảo.

Ở một nơi mà chi phí luôn cao hơn gấp đôi, gấp rưỡi đất liền, để giúp anh chị em cán bộ công nhân an tâm công tác, anh Tranh sắp xếp lại công ty để tận dụng làm ký túc xá cho anh em quê xa tá túc. Bố trí ca, kíp thuận lợi để anh em có thể làm thêm cải thiện cuộc sống. Ai chưa có bằng cấp hoặc thiếu chứng chỉ, thì được tạo điều kiện để đi học, nâng cao trình độ.

Cách đây không lâu, một nhân viên của Điện lực Côn Đảo mắc bệnh nặng qua đời để lại người vợ và 2 con nhỏ. Để xoa dịu nỗi đau của gia đình, giúp người vợ có điều kiện nuôi con ăn học, ban giám đốc quyết định tuyển vợ của người nhân viên cũ vào làm việc… “Bằng cấp không có, mình đào tạo được. Tiền ít, mình hỗ trợ thêm nhưng còn không bằng lòng, làm việc gì cũng khó. Muốn được anh em bằng lòng thì là người lãnh đạo, trước hết phải đảm bảo được cuộc sống cho anh em”, anh Tranh bảo.

Nhấp ly cà phê, người đàn ông tầm thước, khuôn mặt hiền từ, mỉm cười hài lòng: “Nhiều anh chị em gọi đùa tôi là “Chúa ngục” có vẻ vì khuôn mặt như “bao công” và độ thâm niên của tôi ở Côn Đảo. Với cá nhân tôi, tôi luôn nhận mình là một người con, nguyện cả cuộc đời đi gác đèn cho Côn Đảo - quê hương thứ hai của mình”.

“Bây giờ, 100% dân đảo được phủ điện, giá được bán bằng với giá đất liền thì niềm vui của những người làm nghề chúng tôi không gì sánh được”.

Giám đốc Điện lực Côn Đảo ĐOÀN VĂN TRANH

LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Xe khách đâm nhau trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Những hòn đảo Châu Âu sở hữu vẻ đẹp “cách ly” với thế giới

Thảo Phương |

Bên cạnh những địa điểm du lịch sôi động, Châu Âu còn nổi tiếng với một số hòn đảo giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên.