Bữa cơm “sạch” ở nhà thầy Hai Nghĩa

NGUYỄN PHẤN ĐẤU |

Bữa cơm ông đãi nhà báo khá đạm bạc, nhưng bảo đảm “sạch”, vì tất cả các loại rau, cá… đều của vườn nhà, do chính tay ông nuôi trồng theo cách “hữu cơ”. Nơi ông ở không thấy một túi nylon, một vỏ chai nhựa nào. Nhà ông ở không cần làm cửa…

Ông là “thầy Hai Nghĩa” hay “chú Hai Nghĩa”, cách gọi trìu mến của bà con Bến Tre dành cho cựu Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Mãi là “Thầy Hai Nghĩa”

Về Bến Tre dự Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ X cuối tháng 3 rồi, tôi may mắn được gặp ông - khách mời danh dự của đại hội. Dù tuổi cao, sức yếu (ông năm nay 77 tuổi, bị bệnh gan…), nhưng hầu hết các cuộc sinh hoạt chính trị lớn ở tỉnh Bến Tre và huyện Giồng Trôm ông đều tham dự.

Giờ giải lao, tôi phải kiên trì chờ đợi để thăm hỏi ông, vì có nhiều người vây quanh ông với cùng cách gọi: Thầy Hai Nghĩa hoặc chú Hai Nghĩa. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông. Nghe tôi ngỏ ý muốn về Giồng Trôm thăm nhà ông, ông vui vẻ nhận lời và dặn: “Trước khi xuống, nhớ điện thoại coi tôi có nhà không”.

Từ TP.Bến Tre theo con đường về huyện Giồng Trôm hơn 10 cây số, đến ấp Lương Thuận, xã Lương Quới (huyện Giồng Trôm), tôi dừng xe hỏi thăm nhà “thầy Hai Nghĩa”, một bà lão chỉ rành mạch: “Chú đi ít trăm thước nữa, quẹo tay mặt vô con đường ximăng, độ trăm thước là tới, nhà có nhiều cây…”.

Ông ra tận cổng mở cửa đón tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào khuôn viên nhà ông là “Xanh - sạch - đẹp”. Ngôi nhà ông cũng bình thường như nhiều ngôi nhà trong xóm, nhưng được chăm sóc kỹ, nhiều cây ăn trái, hoa phong lan…

Trong khuôn viên rộng 5.000m2, tôi không thấy một túi nylon, một vỏ chai nhựa, một miếng rác nào. Tất cả đều là màu xanh của cây, màu đen của đất, màu nâu của cột, tường ximăng giả gỗ, màu của hàng trăm giò hoa phong lan…

Ông tiếp tôi ở “nhà giữa”, phía trên là nơi thờ phụng, còn phía dưới là nhà bếp, phòng ngủ, một bên là ao cá với nhiều hoa phong lan, một bên trồng cây ăn trái. Ông cho biết, khu đất này ông mua năm 1983 từ thời còn công tác ở huyện Giồng Trôm. Cứ mỗi năm gia đình ông tu bổ một chút, đến khi ông về hưu mới thẳng thóm, tươm tất như vầy.

Hỏi về danh xưng “thầy Hai Nghĩa”, ông cho biết, sau Đồng Khởi (1960), Bến Tre có vùng giải phóng rộng lớn, trong đó ta mở cả lớp dạy học. Ông được giao đứng lớp dạy bổ túc vào năm 1963. Hai Nghĩa là tên ông theo cách gọi của người miền Tây, khi ông dạy học, có thêm chữ “Thầy”. Bây giờ cứ 2 năm một lần, ông cùng những học trò lớp bổ túc năm ấy đều họp mặt ôn lại truyền thống, thăm hỏi động viên nhau…

Tháng 7.2011, ông nhận quyết định nghỉ hưu ngày hôm trước, hôm sau ông trả lại nhà cho Nhà nước (nhà công vụ số 11 Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội) để trở về quê hương Giồng Trôm sống phần đời còn lại ở chôn nhau cắt rốn.

Hàng rào lòng dân

Trong nhà ông, chỉ “nhà trên” làm nơi thờ tự và phòng ngủ ở “nhà sau” là có cửa chắc chắn. Còn “nhà giữa” và nhà bếp không có cửa, thông thống với vườn cây, ngày cũng như đêm. Mà vườn nhà ông ngăn cách với vườn các nhà hàng xóm chỉ một mương nước, có thể nhảy qua được.

Tôi để ý thấy ở “nhà giữa” cũng có những món đồ đắt tiền, hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ… Còn trong khuôn viên vườn nhà ông treo hàng trăm giò hoa phong lan, chủ yếu là lan hồ điệp, giá thị trường từ mấy trăm ngàn tới cả triệu đồng một giò. Tôi hỏi ông: “Nhà không làm cửa, hàng rào bao quanh sơ sài, chú không sợ mất trộm sao?”. Ông nhấp ly nước trà, cười hiền trả lời: “Hàng rào lòng dân mới bền chắc hơn hết. Nếu lòng dân không yên, có làm hàng rào, cửa nhà chắc cỡ nào cũng không bảo vệ được”.

Từ cái thời còn công tác ở huyện Giồng Trôm, ông đã là người của bà con. Rồi khi lên tỉnh Bến Tre, sau ra công tác ở Hà Nội, ông vẫn tiếp tục gắn bó, dành nhiều tình cảm cho vùng đất đã nuôi ông lớn lên, che chở ông trong chiến tranh. Đến khi về nghỉ hưu, ông càng có nhiều thời gian để chăm lo cho quê hương nghĩa tình. Ngày về hưu trở về quê hương, ông bắt tay vào trồng bưởi, trồng cam… Bà con trong xóm thấy “chú Hai Nghĩa” hì hục đào đất trồng cây, đã rủ nhau đem cây giống đến tặng ông. Mấy năm sau, những cây cam, cây bưởi trồng đầu tiên đã ra trái, ông lại lụi hụi xách tặng hàng xóm, bà con như lời cảm ơn.

Vùng Giồng Trôm nói chung, xã Lương Quới nói riêng nổi tiếng là gan dạ anh hùng, nhưng một thời bị chiến tranh tàn phá, đất đai lại nhiễm mặn, nhiễm phèn, nên còn nghèo khó. Bằng khả năng của mình, ông đã vận động lo cho bà con khi thì một cây cầu, lúc đoạn đường, một ngôi trường, một căn nhà tình nghĩa…

Ở Lương Thuận có ngôi chùa Hưng Quới cũng đơn sơ, nghèo khó như chính vùng đất này. Chú Hai Nghĩa kêu gọi bà con, bạn bè, người thân giúp sửa sang, xây dựng thêm một số hạng mục cho chùa. Mỗi tháng nhà chùa đưa phật tử đi rừng núi tìm vị thuốc nam, về chế biến thành các bài thuốc chữa bệnh miễn phí cho bà con.

Ông thường giúp chi phí cho các chuyến đi. Mô hình “gói thuốc miễn phí” của chùa Hưng Quới đã được nhiều người biết có phần đóng góp của ông. Ông còn kêu gọi dựng căn nhà làm nơi chế biến thuốc, khám-chữa bệnh và dưỡng bệnh. Rồi ông mời đoàn bác sĩ BV Chợ Rẫy TPHCM về khám-chữa bệnh cho các gia đình chính sách, người nghèo trong xã…

Ông đưa tôi đi thăm khắp khu vườn, ông nhớ rành rọt từng cây trồng lúc nào, duyên cớ gì. Ông dừng lại khá lâu trước những cây bơ đang bắt đầu cho “trái chiến”.

Ông cho biết, ông đang trồng thử nghiệm loại cây này trên nền đất phèn Bến Tre, nếu thành công sẽ san sẻ giống, mang lại thu nhập cao cho bà con. Còn nếu thất bại cũng không sao, chỉ mình ông thiệt hại chút ít. Năm rồi ông đã trồng thử nghiệm thành công giống khoai lang Mỹ chịu hạn, lớn nhanh, ăn ngon từ củ đến thân lá. Đi đâu ông cũng kêu bà con đến nhà cho cây giống, chỉ cách trồng.

Bữa cơm “cây nhà lá vườn”

Hôm tôi đến vợ ông “đi xóm” không có nhà, còn 2 đứa con ông sống ở TPHCM, thỉnh thoảng mới về Giồng Trôm thăm cha mẹ. Có người cháu gái tới phụ giúp ông chuyện cơm nước. Ông mời tôi ở lại dùng với ông bữa cơm chiều cho bằng được. Ông nói: “Toàn cây nhà lá vườn, bảo đảm “sạch”, không sử dụng thuốc”. Đầu tiên ông đãi tôi món bánh xèo, nhân bánh là tép bắt dưới ao, thịt vịt nuôi trong vườn…

Tôi vốn mê món bánh xèo, nhất là khi kèm theo bánh là rổ rau “đặc chủng”. Và tôi đã bị chinh phục bởi các loại rau do chính tay ông hái trong vườn nhà để ăn bánh xèo. Tôi đặc biệt thú vị với loại rau lang Mỹ như đã kể ở trên, rồi lá cóc, lá cách, lá xoài non, các loại rau thơm…

Ông thích thú ngắm nhìn khách ăn ngon lành các món ông đãi. Phần mình, ông chỉ ăn đơn giản, khá kỹ lưỡng, đặc biệt là tránh dầu mỡ, các chất kích thích… Ông đã kiêng rượu, kiêng thuốc lá từ rất lâu. Tôi vốn có “sức ăn”, lại thêm ngon miệng, nên sau khi “thanh toán” 2 cái bánh xèo, còn dùng tiếp 2 chén cơm “gạo hữu cơ” do bạn ông tặng cùng cá, thịt nuôi trong vườn nhà. Ông nói thật tình: “Nhà có rượu bia, đúng ra chú phải đãi em. Nhưng em tự lái xe đi đường xa, không được uống”.

Gần bàn ăn có treo một đồng hồ chỉ nồng độ mặn của mương nước sau nhà được cập nhất liên tục. Ông cho biết đó là quà tặng anh em ngành nông nghiệp. Và ông đã sử dụng nó vì lợi ích chung của cả xóm. Đọc số liệu “Ngày 27.3 - lúc 16h - nồng độ mặn 2,85%o”, ông có vẻ lo lắng nói: “Mới hôm qua 2,65%o, giờ đã 2,85%o”.

Như một nhà nông học nhiều kinh nghiệm, ông phân tích: Đối với cây dừa, độ mặn tới 4%o vẫn không sao; nhưng với nhiều loại cây ăn trái khác, độ mặn này đã là ngưỡng nguy hiểm, phải ngăn nước, tưới nước ngọt cầm chừng, chờ mưa xuống. Còn với các loài hoa, nhất là hoa phong lan, không chấp nhận độ mặn dù rất thấp, nên phải trữ nước ngọt để tưới quanh năm”.

Bây giờ tôi mới để ý, trong khuôn viên nhà ông có nhiều hồ, nhiều bồn nhựa chứa nước mưa, vừa để ông pha trà, vừa cho vợ ông dùng tưới hoa phong lan. Ông cho biết, vợ chồng ông phân công nhau việc nhà rất rõ ràng: Ông chịu trách nhiệm chăm sóc vườn cây ăn trái, vợ ông lo chăm sóc hoa các loại, còn các việc khác của chung hai vợ chồng.

Trong câu chuyện trước lúc chia tay, ông tỏ ra trăn trở khi bà con quê hương Đồng Khởi vẫn còn nghèo, chưa vươn lên khá giả được. Năm 1989, khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong ngày khánh thành đường điện quốc gia vượt sông Tiền về quê hương Đồng Khởi, ông đã vui mừng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Điện đã về Bến Tre!”. Năm 2009, khi đã là Phó Thủ tướng, trong lễ thông xe cầu Rạch Miễu nối 2 bờ sông Tiền, giúp Bến Tre thoát khỏi thế cù lao, ông cũng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Đã có cầu bắc qua Bến Tre!”. Ông tin tưởng một ngày không xa, ông sẽ còn đủ sức để la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Bến Tre đã thật sự giàu đẹp rồi!”.

NGUYỄN PHẤN ĐẤU
TIN LIÊN QUAN

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.