Bí quyết trường thọ: 91 tuổi vẫn tự giặt quần áo bằng tay

Đỗ Lãng Quân |

Giáo sư Đỗ Doãn Đại năm nay 91 tuổi, vẫn tinh tường trong từng ký ức nhỏ nhất thậm chí từ thuở phơi phới tuổi 17 đi làm cách mạng đến giờ. Ông hàng ngày vẫn đạp xe từ nhà phố Yết Kiêu (Hà Nội) đi long rong khắp nơi để rèn luyện sức khỏe. Có khi đi họp hành, gặp gỡ truyền lửa cho thế hệ trẻ ở Đại học Y hoặc BV Bạch Mai, ông cũng chẳng cần xe ôtô biển xanh đến đón.
“Tôi đạp xe cho tiện, nhưng phải nói dối họ là tôi đi bằng taxi đến, kẻo họ lại lo lắng rồi áy náy”, ông cười hóm. Đọc báo không cần đeo kính, tự tay giặt quần áo lấy cho mình (tuyệt đối không dùng máy giặt) suốt bao nhiêu năm qua. Khách đến vẫn cà phê, trà mạn như thanh niên. Ông Đại bảo: Hàng ngày, tôi vẫn đi qua rất nhiều con phố mang tên bạn bè, đồng nghiệp rồi thầy giáo của tôi từ hồi địch hậu! Họ về thiên cổ cả rồi.
“Không ham tiền bạc địa vị, bí quyết này các anh có theo được không?”
Có lẽ, trong lịch sử dài cả thế kỷ của mình, sẽ rất hiếm khi người ta còn gặp lại cảnh ông Giám đốc Bệnh viện (BV) lớn nhất nhì Việt Nam như BV Bạch Mai đi kiểm tra từng ống cống bị tắc, từng cái ghế bị long chân trong khuôn viên mênh mông mình quản lý như thế. Rồi lại còn ông Giám đốc quyết định tháo khớp chân tay, “phân xác” đồng nghiệp bị bom Mỹ giết hại trong các dãy nhà bê tông đổ sập ra để... khênh các thi thể ấy và dọn đường khênh các thi thể khác đi mai táng.
Trong một ngày Hà Nội nắng nỏ, con ngõ hẹp và tối ở số 34 Yết Kiêu khiến chúng tôi phải bật đèn pin điện thoại ra soi đường. Nó giống như ngôi nhà trong “Tỏa Nhị Kiều” của Xuân Diệu, hoặc căn gác mơ màng của một thi sĩ từ thời Thơ Mới 30-45. Bà con bảo, đi qua cái chỗ có tấm bìa treo nho nhỏ, trông giống cái bờ tường liền, nhưng kéo ra thì sẽ thấy một cầu thang tối. Đi ngược cầu thang ấy lên gác ba, cứ đi mắt sẽ quen dần với bóng tối để tìm đường. Đi một chập sẽ gặp ông già mặc quần áo trắng, ấy là cụ Đại “Giáo sư”. “Con ông ấy, GS.TS Đỗ Doãn Lợi, bây giờ cũng là Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia đấy, chú biết chưa?”, bà hàng xóm hồ khởi khoe.
Ông Đại tiếp khách giản dị mà trang trọng, theo lối trí thức thời thuộc Pháp vẫn hành xử với nhau. Ông kể: “Mình tham gia “cướp chính quyền” ở xã Tân Triều ngày 18.6.1945, xong rồi cướp chính quyền 19.8 ở thị xã Hưng Yên, sau đó làm Phó Chủ tịch của Thị xã ấy. Bấy giờ gọi là Ủy ban Cách mạng Lâm thời. Lúc đó mình mới có 19 tuổi, đang là sinh viên, thành ra hay học đòi hút thuốc lá Philip Morris. Cho nên, cánh “quan lại” ngày xưa, họ mới gọi bọn mình là Ủy ban trẻ con Philip Moris. Mình lúc đó ít tuổi, chẳng trẻ con thì sao. Làm đến lúc Bầu cử Quốc hội chính thức thì mình quyết định vào bộ đội. Mình vào Bình Định, đi Nam tiến năm 1946. Họ mới thấy cái lý lịch của mình không phải chính trị, cũng không phải quân sự, mà là cái ngành y. Họ bảo, ôi, anh phải quay lại ngành y đi, ngành y mới thiếu chứ còn bộ đội, chính trị viên không người này làm thì người khác làm. Lúc đó mình mới quay về. Tháng 8.1946 quay về với ngành y, hồi đấy là sinh viên y khoa, thế rồi làm... đến suốt đời. Năm nay đã 91 tuổi.

“Ông nói, ông đạp xe qua các con phố mang tên những người đồng đội, bạn bè của ông?”. “Bây giờ thì nhiều người tôi từng gặp, học tập, làm việc và gắn bó đều mang tên phố rồi. Thầy Phạm Ngọc Thạch (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) - tên con phố nổi tiếng ở khu Đại học Y Hà Nội từ rất lâu. Rồi cụ Hoàng Tích Trí, là cố Bộ trưởng Bộ Y tế của ta, một trong 9 giáo sư về y dược đầu tiên của Việt Nam. Phố mang tên ông ở gần khu Kim Liên bên kia, ngày nào tôi cũng đạp xe qua. Bên này là phố mang tên ông Trần Hữu Tước (GS.BS nổi tiếng về tai mũi họng) thuộc quận Đống Đa. Rồi ngay cả cái phố gần Hoàng Quốc Việt, lên sân bay Nội Bài ấy, có một cái ông ở Đông Triều, gần bệnh viện E, rất thân quen với tôi. Rồi những người như Nguyễn Đình Thi, ông Thi cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là hai người cùng gắn biển mang tên đường một thời điểm... Tôi sinh năm 1926. Thông thường, nhiều người bảo, con người ta muốn tồn tại được, sống mà gọi là hạnh phúc được, thì duy trì sức khỏe được cho cả cái chân, cái mắt, cái tai. Chân mà không đi được thì chịu, cái mắt mà không nhìn được, cái tai mà không nghe được thì hỏng. Mình có cái may mắn là: Ba cái đó đều giữ được tương đối tốt cả. Đúng là cũng do trời, do dòng giống. Người ta bảo sống vì gien. Gien của ông bà, bố mẹ ban cho, nó khỏe. Ở ta thì bảo là phúc đức, nhờ phúc.

 

 Ông Đỗ Doãn Đại, thứ 3 từ phải sang, báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về hậu quả các vụ bom Mỹ đánh vào BV Bạch Mai. 
“Sức khỏe, có lẽ là một trong những thứ quý nhất và đáng để phấn đấu có được nhất trong cuộc đời này, nhất là với cụ già 91 tuổi cần “lão giả an chi” như GS đây. Ngoài cái gien ra, ông còn bí quyết nào không?”. GS Đỗ Doãn Đại hóm hỉnh: “Sống điều độ và khoa học. Mình nói thì mấy ông ca vát cổ cồn khó chịu lắm, ông ấy cứ hỏi mình, bí quyết thế nào mà anh khỏe và minh mẫn thế. Mình bảo, anh không theo được đâu. Ông ấy cứ gạ hỏi, tôi bảo, tôi rất đơn giản và đời thường. Cái thứ nhất là giặt quần áo lấy chứ không giặt bằng máy, vì là mình giặt giũ coi như tập thể dục ấy mà, phải có nghị lực lắm. Thể dục thì có thể quên hoặc mệt thì bỏ buổi tập. Nhưng mà giặt quần áo thì buộc phải giặt, không giặt thì nó bẩn, không giặt thì nó đen đủi cũng chẳng ra sao, tức là ép mình vào công việc thường nhật ấy. Bao nhiêu quần áo cũng giặt. Thế thì có bao nhiêu anh dám tự giặt quần áo cho mình hằng ngày nào? Đấy, riêng cái công phu đó, anh đã thấy, anh học thế nào được. Cái thứ hai thì các ông ấy càng không học được, đó là đi xe đạp.
Đi xe đạp không phải là để mình luyện tập, mà thí dụ trường Đại học Y nói mình xuống trao đổi công việc. Đợi họ chở ôtô thì bất tiện. 91 tuổi, mình đạp xe đến trường Y là chuyện thường. Bệnh viện Bạch Mai xa hơn, vậy mà khi nào xuống mình cũng đạp xe. Nhưng mà ai hỏi thì mình nói mình cứ phải chối, bảo là mình đi taxi, đỡ lằng nhằng để họ lo lắng và áy náy. Đến cái thứ 3 thì mình nói nó hơi đau, tùy từng người mình mới nói thôi: Tôi không ham nhà cửa, xe cộ, ruộng đất, địa vị nên tôi sống lâu và sống khỏe. Mà ham tiền tài kiêm địa vị nọ kia thì khổ lắm.
Quyết định chưa có trong lịch sử: Tháo khớp, cắt rời thi thể đồng nghiệp
“Thưa GS, như Báo Lao Động chúng tôi vừa đăng tải loạt bài: Hiện nay có rất rất nhiều phòng khám ở Hà Nội vứt rác thải y tế, cả mẫu bệnh phẩm, cả thai nhi, cả kim tiêm đầy máu ra đường. Theo ông, lỗi của việc vô đạo đó là do ai?”
“Cái này là trách nhiệm của cái anh phòng khám đấy, anh có lương tâm hay không có lương tâm. Cơ quan quản lý cũng đã không giám sát đầy đủ. Đơn vị thu gom đã ký hợp đồng mà không làm tròn trách nhiệm. Nhiều chuyện lắm. Tôi ví dụ, ngày xưa ấy, mình ở BV Bạch Mai, cứ nói đùa: Người ta đi tiểu không xong thì mình cũng phải lo, cái hố xí tắc ấy mà mình tìm được cái ông Cống ông ấy moi. Tên ông ấy là Cống thật, tên ấy cha mẹ đặt cho ông ấy rồi vô tình lớn lên ông gắn bó với nghề thông cống. Ông ấy chuyên môn làm việc móc cống mà mình thân thiết với ông ấy lắm, vì thấy ông ấy làm việc rất tài hoa và lại có lương tâm nghề nghiệp. Hay là ngày xưa, mỗi khi trời bão là mình (trong vai trò Giám đốc BV), cứ phải vào bệnh viện, vì sợ nó xảy ra cái gì bất thường. Mình ra thăm khu tập thể của nhân viên để mình xem có bị dột nát hay nọ kia không, có cần phải chuyển tạm vài người vào trong bệnh viện ở nhờ ít ngày không. Tức là mình lo từng tí một. Hoặc như, đi đường trong bệnh viện mà người ta đi, họ bị vấp vào cái xích, nó hỏng, mình luôn nói với anh quản lý thế này, anh lo việc lớn nhưng mà anh phải cho người lo những cái việc nhỏ cho tôi nữa chứ. Có anh thiếu trách nhiệm, cứ để hàng năm giời không chữa, mà lại còn cho đó là chuyện nhỏ. Mình cho rằng, nhất là với ngành y, không có chuyện gì là nhỏ cả. Cái gì cũng cần chỉn chu”.
“Trực tiếp chứng kiến và cứu hộ trong vụ bom Mỹ thảm sát thường dân và cán bộ y tế ở Bạch Mai năm 1972, đã 44 năm trôi qua, điều gì làm ông thấy ám ảnh đến tận bây giờ?”
“Tôi có chép lại về ký ức năm 1972, với nguyên vẹn từng tên, từng ngõ ngách một, từng người chết một. Mình cũng là người đã trải qua những việc chết chóc rồi, nhất là ngày làm ở bên tả ngạn, những thằng Tây đen mà nó cầm cái gậy cái búa to nó đập người trước sân đình cho đến chết. Song, việc bom Mỹ nó đánh những 4 lần vào Bệnh viện Bạch Mai năm 1972 thì ám ảnh đau thương khủng khiếp. Bom Mỹ thả hàng trăm quả, nó đánh vào Bệnh viện giết biết bao người vô tội đến 4 lần cơ mà, nhiều nhà báo quốc tế hỏi mình, đế quốc Mỹ đánh bom nhầm không? Mình bảo, nó nhầm một lần chứ nhầm tới 4 lần được, đó là âm mưu của nó.
Có hôm, nghe tin bom Mỹ đánh Bệnh viện, mình đạp xe vào ngay. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là không có lối đi, mình đi vào cổng sau, không có lối vào. Vào thì có hai Khoa Thần kinh và Tâm thần thì nó tan nát hết rồi. Qua Khoa Dược, Khoa Dinh dưỡng thì chẳng còn cái gì lành lặn. Anh em cứ sợ không cho mình vào, mình bảo không vào thế nào được. Họ cứ kêu khóc rồi la hét kêu cứu, tôi nghe mà rợn người, cứ như ở dưới đất vọng lên ấy. Bò vào mà nó sập tiếp thì tan xác mình, cố bò vào, mình nắm tay những người bị mắt kẹt, bảo, tôi đây, Đại đây, Đại đến cứu mọi người đây.
Nhưng không cắt được núi bê tông, cũng không kéo được người bị thương và các thi thể mắc kẹt ra. Nếu không lấy được thi thể ấy ra thì không cứu được người bên trong, không khênh được xác bên trong ra. Tôi đã làm một việc tày trời, một quyết định táo bạo mà người ta bảo rằng chưa có tiền lệ: Dùng dao y tế, cắt, tháo các khớp xương để cắt tay chân của một số thi thể ra. Để lôi đồng nghiệp của tôi ra khỏi núi bê tông đổ nát. Để mở đường cho các cuộc giải cứu và mai táng. Có những thi thể họ cứ ôm chặt lấy nhau. Mình phải cho người buộc dây thừng, mình với hai ba anh em nữa kéo để cho nó bung ra thì mới “lấy” được. Cảm giác đau lòng khủng khiếp lắm, vì những người mình quen cả mới chết. Bây giờ nó sưng tấy, mặt họ xị ra, tang thương vô cùng. Có cô đang mang thai, có cô chết cùng với hai phù dâu trong đám cưới mới diễn ra. Họ ôm nhau rất chặt, không thể lấy ra được, mình phải dùng dao rạch một đường để cho các cơ của họ lỏng bớt ra... Những cái đó mình phải tỉ mẩn lắm.
Cứ ca khó lại gọi Giám đốc BV xuống làm
GS Đại bảo, ngành y còn phải làm những việc vượt ra khỏi dao kéo mổ xẻ hay chữa bệnh nữa đấy. Ví như vụ 38 cháu học sinh đuối nước ở Hà Nội vào năm 1969. Lúc đó mình đang họp, có người gọi điện thoại bảo: Anh Đại ơi, đau lòng quá, 38 cháu chết đuối và hôn mê ở hồ Thống Nhất. Tôi lập tức dừng cuộc họp, đi đến các phòng, bảo chuẩn bị nhé, sẽ đưa bệnh nhân đến và cấp cứu bằng mọi giá. Mình xuống khoa Ngoại thì thấy các cháu nằm thành hàng dài. Họ bỏ cái khăn tắm đang đắp trên mặt các cháu ra, nhìn các cháu 14-18 tuổi đầu nằm la liệt, xót vô cùng. Tôi cho huy động toàn bộ máy móc, nhân lực, chia các cháu ra các khoa, mỗi khoa vài cháu, khẩn cấp cứu chữa. Một lúc sau, thân nhân của các cháu, bà con cả khu vực họ kéo đến bệnh viện đông như là míttinh ấy. Anh em mình lại đóng cửa không cho vào, vì sợ ảnh hưởng đến công tác cứu chữa rất khẩn cấp. Mình bảo, ôi giời sao lại không cho vào, mình mà không cho vào họ sẽ khóa cửa lại hoặc phá cửa ra đó. Mình cần họ vào và tổ chức cho họ vào để viết tên các cháu ra để tìm cách xác định danh tính nữa chứ. Độ một tiếng sau thì biết hết tên tuổi các cháu. Thế rồi mình mới công bố với báo chí luôn: Bệnh viện đã xác nhận danh tính được 38 em, 20 em đã được cấp cứu thành công và trả về cho gia đình, 18 em còn lại đang được tích cực cứu chữa với tất cả nhân lực và máy móc tốt nhất hiện có. Báo chí đăng tải, mọi người bắt đầu yên tâm hơn. Nếu không làm thế, đám đông đau thương kia có thể quá khích, họ đang vây kín bệnh viện và rất căng thẳng... Tôi sâu sát và nắm bắt được mọi tin tức thường xuyên, ai hỏi gì, bệnh tình từng cháu thế nào, tôi thông báo cẩn thận. Thế là giải tán hết đám đông, họ tụ tập suốt như vậy từ 15h30’ chiều cho đến 23h đêm.

Khổ, 18 cháu đã không qua khỏi. Các cháu đi thuyền chơi trong công viên, sóng nó đánh về một bên mạn thuyền. Bị lật. Thuyền ấy là của Đoàn Thanh niên tổ chức. Có cả Chủ tịch Thành phố xuống, Bộ trưởng Y tế xuống bệnh viện thăm hỏi kiếm tra tình hình. Dù rất nỗ lực, nhưng các cháu bị đuối nước quá nặng, 18 cháu không qua khỏi. Có những gia đình chết ba cháu. Năm ấy là năm 1969. Để bà con không quá sốc, mình phải cho người ở Phố Huế đi gặp những ông bà có uy tín, cùng lên tiếng để giải thích cho những người đòi “trả xác” các cháu xấu số về cùng lúc. Chúng tôi đưa từng cháu một xuống nhà xác, khâm liệm xong rồi chở họ đi mai táng tử tế. Ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Thành phố bấy giờ khen bệnh viện lắm. Bên Thành Đoàn cũng gửi giấy khen sang. Đúng là, ngoài việc cứu người, chúng tôi cũng phải có một phương pháp để nỗi đau vốn đã quá lớn kia không phải gánh thêm đau thương không đáng có khác. Làm ngành y, còn là làm các công việc xã hội nữa.

 Bệnh viện Bạch Mai hoang tàn trong các đợt đánh phá của bom Mỹ năm 1972.
Nắng đã tắt, chiều đã sậm, câu chuyện của vị GS 91 tuổi vẫn say sưa. Ông chỉn chu, lịch lãm, khiêm cung mà thẳng thắn đến bất ngờ. Có lẽ, đó là cái Đức của người quân tử. “Con cái nhà mình sinh ra, là mình tự tay đỡ đẻ cho vợ tất. Mình là bác sỹ đa khoa, từ đầu đến chân của con người, các chuyên ngành từ nội, ngoại, sản, nhi, tai mũi họng mình làm được cả. Lúc làm giám đốc BV Bạch Mai rồi, mình vẫn làm không thiếu việc gì thuộc về chuyên môn và đời sống, vẫn xuống tất cả các khoa. Ca nào khó là họ lại gọi mình làm hết”. Và chia tay tôi, ông lại làm tất các bí quyết “trường thọ”: Khép cửa phòng tắm, ào ào xả nước, tự tay giặt lấy mọi áo quần, đồ thô, khăn khố của mình.
Đỗ Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

“Bẫy” tuyển dụng lừa người lao động

PHÓNG SỤ ĐIỀU TRA CỦA LÊ TUYẾT |

Bằng những lời hứa hẹn sẽ bổ nhiệm vị trí quản lý, mức lương hàng chục triệu đồng sau khi người xin việc tham gia khóa đào tạo, Cty TNHH Tư vấn đầu tư IDCO (Cty IDCO - Số 108, đường GS1, KĐT-TM-DV Quảng Trường Xanh, khu phố Tây B, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã lừa mỗi người xin việc hàng chục triệu đồng. Đáng nói, đây là những chiêu trò được một nhóm đối tượng sử dụng, hoạt động nhiều năm qua ở Bình Dương nhưng vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn!

Nhà thuốc “chui” bao vây công nhân

LÊ TUYẾT |

Tại Dĩ An (Bình Dương), hàng trăm quầy thuốc không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, thậm chí người bán thuốc không có bằng cấp, không có chuyên môn, không được đào tạo về dược lại ngang nhiên mở quầy kinh doanh thuốc tây. Những quầy thuốc kiểu này mọc dày đặc tại các khu vực tập trung đông công nhân, người lao động, len lỏi giữa các nhà trọ, khu công nghiệp… hoạt động nhộn nhịp như bán rau củ, hàng tạp hóa.

“Soái ca” công đoàn đòi tiền tỉ cho công nhân

HÀ ANH CHIẾN |

Tại LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, ông Vũ Ngọc Hà (39 tuổi) - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, được công nhân gọi là “soái ca” của họ, do rất nhiều công nhân bị đuổi việc trái luật, bị ức hiếp đánh đập, bị giam sổ bảo hiểm xã hội… đã được ông đòi lại công bằng trước tòa. Hàng tỉ đồng cũng được ông đòi về cho người lao động, ông cũng đã phớt lờ nhiều lời mời làm việc nghìn đô của doanh nghiệp để đồng hành cùng công nhân.

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

“Bẫy” tuyển dụng lừa người lao động

PHÓNG SỤ ĐIỀU TRA CỦA LÊ TUYẾT |

Bằng những lời hứa hẹn sẽ bổ nhiệm vị trí quản lý, mức lương hàng chục triệu đồng sau khi người xin việc tham gia khóa đào tạo, Cty TNHH Tư vấn đầu tư IDCO (Cty IDCO - Số 108, đường GS1, KĐT-TM-DV Quảng Trường Xanh, khu phố Tây B, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã lừa mỗi người xin việc hàng chục triệu đồng. Đáng nói, đây là những chiêu trò được một nhóm đối tượng sử dụng, hoạt động nhiều năm qua ở Bình Dương nhưng vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn!

Nhà thuốc “chui” bao vây công nhân

LÊ TUYẾT |

Tại Dĩ An (Bình Dương), hàng trăm quầy thuốc không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, thậm chí người bán thuốc không có bằng cấp, không có chuyên môn, không được đào tạo về dược lại ngang nhiên mở quầy kinh doanh thuốc tây. Những quầy thuốc kiểu này mọc dày đặc tại các khu vực tập trung đông công nhân, người lao động, len lỏi giữa các nhà trọ, khu công nghiệp… hoạt động nhộn nhịp như bán rau củ, hàng tạp hóa.

“Soái ca” công đoàn đòi tiền tỉ cho công nhân

HÀ ANH CHIẾN |

Tại LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, ông Vũ Ngọc Hà (39 tuổi) - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, được công nhân gọi là “soái ca” của họ, do rất nhiều công nhân bị đuổi việc trái luật, bị ức hiếp đánh đập, bị giam sổ bảo hiểm xã hội… đã được ông đòi lại công bằng trước tòa. Hàng tỉ đồng cũng được ông đòi về cho người lao động, ông cũng đã phớt lờ nhiều lời mời làm việc nghìn đô của doanh nghiệp để đồng hành cùng công nhân.