Bất chấp tàu Trung Quốc đe dọa, ngư dân miền Trung quyết tâm bám biển

Hữu Nhân |

Đấy là lời của những ngư dân vừa bị đâm chìm tàu, suýt chết trên biển và của nhiều ngư dân xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Sau thiên tai và cả nhân tai, ngư dân nơi đây lại vay mượn để đóng mới, sửa chữa tàu và mua ngư cụ vươn khơi đánh bắt hải sản trong âu lo.

Bám biển trước bạo tàn

Trở về nhà sau chuyến đi biển hãi hùng, ngư dân Trần Tiết vẫn chưa hết bức xúc sau vụ tàu cá QNg – 98459TS bị đâm chìm vào trưa ngày 1.1.2016 trên vùng biển cách đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị khoảng 70 hải lý. Anh kể: “Tôi cùng anh em đang ngủ lấy sức để chiều buông lưới chợt giật mình vì tiếng động khá lớn. Thức giấc thì đã nằm trong làn nước biển lạnh ngắt, xung quanh tối đen. Tôi vội gỡ từng mảnh gỗ bao phủ trên đầu để ngoi lên mặt nước mới thoát chết. Chiếc tàu sắt to lớn ghi chữ Trung Quốc tông tiếp cú thứ hai rồi thản nhiên bỏ đi. Họ tàn ác quá thể…”.

Sau cú tông khá mạnh, bảy thuyền viên trên tàu bị hất văng xuống nước, chiếc tàu nghiêng ngả sắp chìm vào lòng biển sâu. Thuyền trưởng Huỳnh Thạch bám vào mạn tàu chỉ cách “tàu lạ” chừng vài mét, kêu cứu. “Trông thấy chúng tôi gặp nạn, hai người xì xồ tiếng Trung Quốc rồi dửng dưng như chưa có điều gì xảy ra. Sau đó, họ đánh lái, tông tiếp lần thứ hai rồi thản nhiên bỏ đi, mặc cho chúng tôi gào thét và vẫy tay nhờ cứu giúp. Bọn họ quá ngang ngược và tàn ác. May mà tôi kịp phát tín hiệu cấp cứu nên tàu cá của anh em trong xã chạy đến giúp đỡ chứ không thì chắc vùi thây giữa biển…” – anh Thạch kể.

Lai dắt chiếc tàu cá bị chìm tại cửa biển Mỹ Á 

Dù được cứu giúp và lai dắt vào bờ, nhưng chiếc tàu cá trị giá hơn 3 tỷ đồng giờ trông thật thảm hại sau hai cú đâm chí mạng. Đây là gia sản tích cóp của anh Thạch cùng với cha là ông Huỳnh Hợp và bạn chài Huỳnh Văn Giao sau bao năm lênh đênh trên biển. Những ngư dân đi bạn trên tàu cũng góp vốn mua lưới với mỗi phần hùn cả trăm triệu đồng. Nhiều người chưa trả xong nợ nhưng vẫn vay tiếp để chung sức sửa tàu và mua lưới tiếp tục vươn khơi.

“Dù có hơi lo ngại trước hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn sẽ ra biển đánh bắt. Vì không bám biển thì biết lấy gì mà sống? Tôi và bạn chài đang khẩn trương sửa tàu để tiếp tục ra khơi vào trước tết” – anh Thạch khẳng định.

30 năm gắn đời với biển, ngư dân Huỳnh Luận nhiều lần chứng kiến tàu của Trung Quốc hiếp đáp ngư dân Việt Nam. Cả đoàn tàu từ 40 – 50 chiếc hung hăng xông đến khiến cho tàu cá của ngư dân Việt Nam phải né tránh, nhiều khi đang đánh bắt phải cắt bỏ cả lưới. “Tàu họ phần nhiều là vỏ sắt, to gấp vài lần tàu mình nên phải né tránh chứ không sẽ bị đâm chìm. Khi phát hiện đoàn tàu của họ thì chúng tôi liền thông báo cho các tàu bạn đề phòng. Tàu họ tuy to lớn và chạy nhanh nhưng vòng quanh khá rộng. Vì thế mà chúng tôi luôn chạy ngoằn ngoèo né tránh rồi tiếp tục đánh bắt” – anh nói.

Qua máy Icom, ngư dân Nguyễn Bích và Đồng Văn Quân, những thuyền trưởng đã cứu giúp tàu cá và ngư dân bị nạn cho biết: Các anh vẫn đánh bắt trên vùng biển vừa xảy ra sự việc khiến lòng người phẫn nộ.

“Hiệp sĩ” trên biển

Nghe tiếng kêu cứu của anh Thạch vang trong máy Icom, thuyền trưởng Huỳnh Bi nhấn ga, chiếc tàu cá QNg – 94429 TS chồm lên trên sóng lao đến tàu bị nạn cách khoảng 5 hải lý. Anh còn gào trong máy át cả tiếng sóng biển kêu gọi các tàu khác cùng đến cứu giúp. Những ngư dân chới với giữa biển khơi như được tiếp thêm sức mạnh khi có 6 “tàu nhà” đến vây quanh. Các anh vội sang tàu bị nạn, ném đá lạnh cùng những vật nặng xuống biển rồi dùng xô, chậu và máy bơm tát nước cho tàu nổi lên trước khi chìm.

Sau 15 giờ gắng sức, tàu cá bị nạn được cứu. Cơ thể rã rời và làn da xám xịt vì ngâm lâu trong nước lạnh. Các anh chia nhau nhai sống những gói mì tôm để xua đi cơn đói cồn cào giữa đêm khuya. Sau 3 ngày đêm vật lộn với sóng gió cứu giúp và đưa bạn vào bờ rồi trở ra biển, anh Bi phải chịu hao tổn hơn 50 triệu đồng nhiên liệu, chưa kể những mẻ lưới may mắn có thể thu hàng trăm triệu đồng. “Gặp người bị nạn thì cứu giúp chứ tôi không hề nghĩ đến chuyện thiệt hơn. Chuyến này có thể lỗ phí tổn, rồi những chuyến sau chắc sẽ đánh bắt được nhiều, nhưng nếu không ứng cứu thì anh em có thể mất mạng” – anh Bi bộc bạch qua máy Icom.

 Ngư dân Huỳnh Luận theo dõi các tàu cá đánh bắt ngoài khơi qua máy Icom

Bỏ chuyến biển cứu người là chuyện thường với nhiều ngư dân ở Phổ Quang. Nhiều người trìu mến gọi anh Nguyễn Dương là “hiệp sĩ” vì đã nhiều lần bất chấp hiểm nguy cứu ngư dân và tàu cá bị nạn. Bất kể đêm ngày, cứ nghe tín hiệu cấp cứu là anh vội chạy đến cứu giúp. Cuối năm 2011, khi ra cửa biển Mỹ Á, tàu cá QNg - 48909 TS của ông Hành Văn Hóa bị sóng nhấn chìm. 

Anh Trần Cu Ly đưa tàu đến lai dắt thì bị sóng lớn bủa ngang, tàu lắc mạnh làm một ngư dân rơi xuống biển. Nghe tin, anh vội đến và lao ngay xuống nước mặc cho sóng gầm thét dữ dội khiến nhiều người lo lắng anh sẽ bị đập vào kè đá hay cuốn ra khơi xa. Tuy không cứu được ngư dân bị nạn, nhưng anh và bạn chài đã trục vớt con tàu và ngư cụ trị giá hàng trăm triệu đồng.

Cửa biển Mỹ Á cũng đã nhấn chìm tàu cá QNg – 48641TS của anh vào năm 2009. Bữa ấy, anh đang lai dắt tàu cá của ngư dân trong xã bị mắc cạn khi xuất bến thì sóng lớn đẩy tàu anh va vào đá ngầm và nhấn chìm. Nhiều giờ liền, anh lặn ngụp dưới làn nước lạnh buốt để nối dây cáp giữa tàu chìm và tàu cứu hộ. Rồi hai chiếc tàu cá tả tơi cũng được kéo về bến. Dù bị thiệt hại gần 50 triệu đồng, nhưng anh vẫn nhất quyết “tàu ai người nấy sửa”.

Góp vốn vươn khơi

Nhiều tàu cá ở Phổ Quang trị giá hàng tỷ đồng từ khoản tích cóp của gia đình ngư dân. Họ chung vốn đóng tàu, mua ngư cụ để vươn khơi mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn. Nhiều chủ tàu sẳn sàng cho bạn chài mượn vốn mua lưới góp chung, đồng lòng “no đói có nhau”. Hơn 4 năm trước, anh Ngô Thanh Phong đóng mới tàu cá QNg – 98888TS trị giá hơn 1,1 tỷ đồng.

Anh còn cho mỗi bạn chài mượn hàng chục triệu đồng để hùn vốn mua giàn lưới cản trên 900 triệu đồng. “Hầu hết bạn chài có hoàn cảnh khó khăn nên nhiều chủ tàu sẳn sàng cho mượn vốn góp mua lưới. Nhờ vậy, ai cũng có phần hùn trên chiếc tàu cá mình đang đánh bắt. Riêng tôi được Phong cho mượn hơn 10 triệu đồng và chỉ sau thời gian ngắn đã hoàn trả vốn” – anh Đặng Văn Khá kể.

Người dân Phổ Quang phụ giúp lai dắt tàu cá bị chìm tại cửa biển Mỹ Á 

Sau chuyến biển, anh Phong cùng bạn chài trừ chi phí và chi 30% lãi cho chủ tàu vào việc khấu hao, sữa chữa và nâng cấp tàu. 70% tiền lãi còn lại được các anh chia đều theo tỷ lệ vốn góp. “Lời cùng ăn, lỗ cùng chịu, nhưng hiếm khi tụi tui bị lỗ vì ai cũng đồng lòng ra sức lao động nên thu nhập cao.

Do có vốn góp nên bạn chài gắn bó với tôi trong suốt hơn 4 năm qua chứ không bỏ qua đi bạn cho những tàu khác. Cứ đến ngày xuất bến thì mọi người đều tụ tập đầy đủ lo mua nhiên liệu, thực phẩm để vươn khơi. Anh em luôn sẻ chia mọi công việc nặng nhọc, nương tựa lẫn nhau trong những lúc đau ốm trên biển”.

Ngư dân Huỳnh Luận, người đầu tiên sở hữu tàu cá vỏ thép ở xã Phổ Quang bộc bạch: “Tàu vỏ thép trị giá gần 9 tỷ đồng, nhưng tôi chỉ có hơn 270 triệu đồng, còn lại là vốn do Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho mượn trả dần trong 11 năm. Tôi còn hùn vốn cùng nhiều người đóng mới 3 tàu vỏ gỗ công suất từ 420 – 770CV với giá trị mỗi chiếc hàng tỷ đồng. 

Những ngư dân đi bạn đều góp phần lưới trên dưới trăm triệu đồng nên họ luôn gắn bó chứ không chuyển sang tàu khác khi làm ăn thua lỗ. Vì vậy, tàu của tôi cùng với tất cả ngư dân trong xã luôn bám biển chứ không như những nơi khác phải nằm bờ vì thiếu bạn chài”.

Phổ Quang hiện có hơn 200 tàu cá với tổng công suất trên 17.000CV cùng gần 1.800 ngư dân đánh bắt trên biển; sản lượng hải sản thu hoạch hàng năm trên dưới 14.000 tấn. Gặp tôi, ai cũng khẳng định: “Ngư dân thì phải bám biển. Nếu không thì biết lấy gì mà sống?”.

Nhưng khi nhìn sâu vào mắt họ, tôi thấy bao nỗi âu lo trước những hiểm nguy giữa đại dương. Chị Võ Thị Cảm, vợ ngư dân Huỳnh Thạch, bộc bạch: “Mỗi lần mấy ổng đi biển là chị em tui đứng ngồi không yên, chỉ khi nghe tin tàu vào đến bờ mới hết lo lắng. Khi nghe tin tàu bị đâm chìm, mấy chị em chỉ biết khóc ròng. Giờ mấy ổng lại sửa tàu đi nữa nên lo lắm…”.

 

Hữu Nhân
TIN LIÊN QUAN

Đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa: Đi trên hải trình bốn thế kỷ

Thanh Hải - Hoàng Văn Minh - Đặng Trung Kiên |

Tháng 5.2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong thềm lục địa Việt Nam, chúng tôi – những phóng viên Lao Động có mặt cùng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân trên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước tại vùng biển Hoàng Sa.

Vadim Scott - “con quỷ” ấu dâm phải hầu tòa

THANH TÂM - LÃNG QUÂN - CAO NGUYÊN |

Ngày mai (13.1), tại TAND TP.Hà Nội, Vadim Scott Benderman, tên gọi khác là Ben (SN 1970, quốc tịch Canada, chỗ ở 54B Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ phải ra trước vành móng ngựa về tội danh dâm ô với trẻ em. Đây là lần hiếm hoi, nếu không nói là lần đầu tiên, một người đàn ông người nước ngoài lạm dụng tình dục trẻ em nam, bị điều tra, bắt giữ và đưa ra xét xử tại Việt Nam. Cũng là lần hiếm hoi, một tội phạm quốc tế bị “lộ sáng” bởi nỗ lực không mệt mỏi của các phóng viên và một tổ chức bảo vệ trẻ em.

Hành trình kỳ diệu cứu sơn nữ mặt quỷ ở Cao Bằng gây xôn xao dư luận

Doãn Hoàng - Hoài Phương |

Sau gần một tháng phẫu thuật và điều trị, bà Triệu Thị Chài ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã từ biệt khối u 4kg trên mặt, hạnh phúc trở về với bản làng và người thân. Toàn bộ chi phí cho quá trình điều trị do bệnh viên Răng Hàm Mặt Trung Ương tài trợ. Cùng báo Lao Động nhìn lại hành trình kỳ diệu cứu thoát bà khỏi biệt danh "sơn nữ mặt quỷ".

Gia tăng hoạt động giết mổ heo lậu vào dịp Tết

Nhóm PV |

TPHCM - Mặc dù đã được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng giết mổ heo lậu, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng các điểm giết mổ lậu trên địa bàn phường 12, Quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn tái vi phạm, hoạt động giết mổ heo lậu càng nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết.

Gặp gỡ ông đồ ngoại quốc mong muốn lan toả văn hoá Việt

Linh Trang - Việt Anh |

Hình ảnh ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên, bên cạnh những chữ thư pháp uyển chuyển đã trở nên thân thuộc với người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến. Năm nay, tại Hà Nội có sự xuất hiện của những ông đồ vô cùng đặc biệt đang tất bật để trao chữ dịp đầu xuân năm mới.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sức bật cho Hà Nội phát triển

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Để góp phần giảm ùn tắc giao thông, thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước.

Những bệnh nhi chạy thận xuyên Tết

NGUYỄN LY - PHƯƠNG NGÂN |

TPHCM - Tết là khoảng thời gian sum họp bên gia đình, người thân. Điều tưởng chừng đơn giản đó, nhưng lại là mong ước xa xỉ của những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh suy thận mãn vì phải chạy thận xuyên Tết.

7 sự kiện thể thao quan trọng trong năm 2023

Thanh Vũ |

Thể thao thế giới được kỳ vọng sẽ diễn ra sôi nổi trong năm 2023, trong đó 2 sự kiện nhận nhiều sự quan tâm của người hâm mộ Việt Nam là World Cup nữ 2023 và Asian Cup 2023.

Đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa: Đi trên hải trình bốn thế kỷ

Thanh Hải - Hoàng Văn Minh - Đặng Trung Kiên |

Tháng 5.2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong thềm lục địa Việt Nam, chúng tôi – những phóng viên Lao Động có mặt cùng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân trên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước tại vùng biển Hoàng Sa.

Vadim Scott - “con quỷ” ấu dâm phải hầu tòa

THANH TÂM - LÃNG QUÂN - CAO NGUYÊN |

Ngày mai (13.1), tại TAND TP.Hà Nội, Vadim Scott Benderman, tên gọi khác là Ben (SN 1970, quốc tịch Canada, chỗ ở 54B Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ phải ra trước vành móng ngựa về tội danh dâm ô với trẻ em. Đây là lần hiếm hoi, nếu không nói là lần đầu tiên, một người đàn ông người nước ngoài lạm dụng tình dục trẻ em nam, bị điều tra, bắt giữ và đưa ra xét xử tại Việt Nam. Cũng là lần hiếm hoi, một tội phạm quốc tế bị “lộ sáng” bởi nỗ lực không mệt mỏi của các phóng viên và một tổ chức bảo vệ trẻ em.

Hành trình kỳ diệu cứu sơn nữ mặt quỷ ở Cao Bằng gây xôn xao dư luận

Doãn Hoàng - Hoài Phương |

Sau gần một tháng phẫu thuật và điều trị, bà Triệu Thị Chài ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã từ biệt khối u 4kg trên mặt, hạnh phúc trở về với bản làng và người thân. Toàn bộ chi phí cho quá trình điều trị do bệnh viên Răng Hàm Mặt Trung Ương tài trợ. Cùng báo Lao Động nhìn lại hành trình kỳ diệu cứu thoát bà khỏi biệt danh "sơn nữ mặt quỷ".