KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11

Bám đảo gieo chữ ở biển Tây

LỤC TÙNG |

“Chưa có đường, phải lần theo lối mòn để đến điểm phụ dạy học. Nhiều lúc phải lùi 3-4 mét để lấy đà. Vậy mà có hôm vẫn không vượt qua được! Quần áo, giáo án ướt hết... Nhưng vẫn phải đi tiếp để kịp giờ, vì mỗi ngày giáo viên phải dạy đến 3 ca”.

Tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy khiến cả khán phòng buổi lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở GDĐT Kiên Giang tổ chức tại xã đảo Lại Sơn như nghẹn lại.

Nhảy gành, gánh chữ

Đã 30 năm trôi qua, nhưng cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lại Sơn (Lại Sơn - Kiên Hải- Kiên Giang) vẫn tươi nguyên cảm xúc nhớ những ngày đầu ra đảo dạy học.

Tháng 9.1987, sau khi tốt nghiệp khóa sư phạm cấp tốc tại Kiên Giang, cô gái miệt sông nước An Giang tình nguyện ra Lại Sơn. Lúc này, biển Tây đang vào mùa động, những con sóng bạc đầu to cao hơn mái nhà khiến chiếc tàu cây (gỗ) ngả nghiêng như người say bí tỉ, cô Thủy nôn thốc, nôn tháo suốt chặng đường gần 70 cây số.

Gai góc nhất vẫn là chuyện đi dạy. Hồi đó, Lại Sơn rất thiếu giáo viên, nên cũng như nhiều đồng nghiệp, cô Thủy phải dạy tăng cường 3 ca/ngày, sáng dạy điểm chính, chiều dạy điểm phụ và tối dạy xóa mù. “Cực nhất là dạy ở điểm phụ - giọng cô Thủy bồi hồi - Tuy quãng đường chỉ khoảng 5 cây số, nhưng do chưa có đường nên hôm nào không quá giang được ghe lưới (tức ghe đi đánh bắt hải sản - PV) phải cuốc bộ, mất đến 2-3 giờ đồng hồ, vì vừa phải leo núi, vừa phải liên tục nhảy gành”.

Nhảy gành là phương ngữ Nam bộ dùng để diễn tả hành động nhảy qua ghềnh, tức đoạn suối có đá lởm chởm chắn ngang. Do là nữ, nhiều lúc cô Thủy phải lùi 3-4 mét để chạy lấy đà. Vậy mà có hôm không vượt qua... Quần áo, giáo án ướt hết, nhưng vẫn phải đi tiếp để kịp giờ dạy. Thế nhưng, có hôm, cô Thủy vừa về tới nhà đã phải vội vàng quay trở lại khi nghe tin phụ huynh của học sinh bỏ học vừa đi biển về. Ngày đó, hầu hết người dân ở đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản, con em họ thường xuyên theo bố mẹ đi biển nên việc huy động trẻ đến trường và việc duy trì sĩ số học sinh trên lớp gặp rất nhiều khó khăn... Có hôm tối mịt cô Thủy mới về đến nhà, lại chong đèn dầu cơm nước, soạn giáo án đến tận đêm.

Chủ tịch CĐ ngành GDĐT tỉnh Kiên Giang Lâm Thị Mạnh tặng quà từ Chương trình “Tiếp sức người thầy” cho giáo viên đang dạy học ở xã Lại Sơn nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chủ tịch CĐ ngành GDĐT tỉnh Kiên Giang Lâm Thị Mạnh tặng quà từ Chương trình “Tiếp sức người thầy” cho giáo viên đang dạy học ở xã Lại Sơn nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ăn tranh thủ, ngủ bàn học

Do phải dạy 3 ca/ngày, nên cũng như nhiều đồng nghiệp, cô Thủy gần như không có bữa cơm đúng nghĩa. Không có nhiều thời gian để bày mâm bát, tranh thủ giờ học sinh ra chơi, cô mang cơm đã chuẩn bị từ sáng ra ăn. Nhắc lại chuyện này, cô Thủy cười: “Hồi đó còn trẻ khỏe, ăn gì cũng ngon, cơm nguội với cá kho mặn, ăn vẫn ngon lành”.

Nhưng cũng không phải ai cũng có được cá kho mặn như vậy, nhất là cánh thầy giáo không giỏi trong việc tính toán các khoản chi tiêu trong bối cảnh thường xuyên đối mặt với nạn chậm lương tháng và nợ giờ chiết tính. Thường thì tháng sau mới được lãnh lương tháng trước, còn giờ chiết tính, có khi năm sau mới được lãnh của năm trước. Vì thế, với những thầy giáo mới ra trường, thường xuyên nợ “tiền chợ”.

Thầy Danh Sơn - Phó hiệu trưởng Trường PTTH Lại Sơn - ra Lại Sơn từ năm 2004, xác nhận: “Tạm ứng trước nên lãnh lương xong, trừ hết nợ, lại phải tạm ứng tiếp. Nợ trước cứ gối đầu lên nợ sau nên việc ăn uống rất tằn tiện. Bởi ngoài đồng lương ra, thầy cô nơi đây không còn thu nhập nào khác”.

Theo lời thầy Sơn, thời điểm đó, cũng như các đảo khác, ở Lại Sơn chỉ có thể làm thêm với duy nhất một nghề: Đi biển. Thế nhưng, hầu hết thầy cô ở đây là dân từ đất liền nên không rành và cũng không thể làm được. Mỗi chuyến đánh bắt từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau, nên dù rất muốn cải thiện đời sống, các thầy cô cũng khó theo ghe đánh bắt vì còn soạn bài, lên lớp.

Mãi đến bây giờ cũng thế, ở đây không có chuyện dạy thêm, học thêm với mức thu như ở đất liền. Chỉ có thầy cô tự nguyện phụ đạo cho học trò. Vì thế, theo Chánh văn phòng Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang Hoàng Hữu Thịnh, chính điều này giúp tất cả giáo viên bám đảo có thêm “nghề tay trái”: Không chỉ biết nấu ăn, mà còn biết tính toán đi chợ mua nguyên liệu để nấu thành món ăn đạt cả 3 tiêu chí: Ngon - bổ - rẻ.

Chuyện cái ăn là vậy, chuyện cái ở càng tạm bợ hơn. Không có nhà công vụ, mỗi khi đón nhận giáo viên mới, hiệu trưởng phải đưa đến UBND xã trình diện để nhờ lãnh đạo xã giới thiệu đến phòng tập thể của trạm y tế hoặc nhà dân “ở nhờ”. Đời sống người dân Lại Sơn lúc đó cũng rất chật hẹp, nhà cửa cũng tuềnh toàng, phòng tập thể của trạm y tế phong phanh. “Vách chắn vẫn là vách mê bồ được bện từ nan tre chẻ mỏng, còn giường là hai cái bàn học cũ nối vào nhau - cô Thủy bồi hồi - Chỉ đủ để ngả lưng với mỗi thế nằm thẳng thôi, không được trở mình, không được lăn qua, trở lại”.

Mãi 10 năm sau, chuyện ăn, ở của thầy cô giáo nơi đây vẫn đầy thiếu thốn. Cô Tô Thị Minh Hoãn - Hiệu trưởng Trường PTTH Lại Sơn - nhớ lại: “Năm 1997 tôi về đây nhận công tác, phòng tập thể đã có giường, nhưng không gian cho mỗi phòng cũng chỉ đủ đặt chiếc giường”.

Để có được Trường PTTH Lại Sơn ngày nay, các thế hệ giáo viên phải trải qua hành trình “gieo chữ” nhiều gian khó nơi xã đảo.
Để có được Trường PTTH Lại Sơn ngày nay, các thế hệ giáo viên phải trải qua hành trình “gieo chữ” nhiều gian khó nơi xã đảo.

Dạy bách khoa, không về nhà

Ăn, ở tạm bợ, nhưng thầy cô giáo bám đảo lại làm việc với cường độ lớn, mà họ thường nói vui với nhau là “dạy bách khoa” - một công việc mà có lẽ khi nói ra, nhiều đồng nghiệp ở đất liền không dám tin, dù đó là sự thật.

Do thiếu giáo viên trầm trọng, tốt nghiệp chuyên ngành toán, cô Bích Thủy được ban giám hiệu phân công dạy cả vật lý, hóa học, sinh vật, thậm chí là cả ngữ văn. “Có năm, cùng lúc, tôi dạy Toán lớp 6, Vật lý lớp 7, Hóa học lớp 8 và Sinh vật lớp 9... Đến giữa năm học, cô giáo dạy văn chuyển trường, tôi lại được phân công dạy thêm môn Văn. Hồi đó sách giáo khoa hiếm lắm, có bộ môn, thư viện trường cũng không có”.

Để có thể dạy môn trái chuyên môn đào tạo trong tình cảnh “chẳng đặng đừng”, thầy cô nơi đây phải bỏ tiền túi ra để sắm. “Đến hôm nay và mãi mãi về sau, tôi không bao giờ quên được kỷ niệm cùng bạn đồng nghiệp hùn tiền mua sách giáo khoa Tiếng Việt do tiến sĩ Ngô Phương Nga biên soạn - cô Bích Thủy bồi hồi - Bởi để có số tiền này, 2 đứa tui phải tính toán thật nhiều lần các khoản chi tiêu, sau đó gửi chủ tàu đánh cá vào đất liền mua giùm.

Hồi đó, phương tiện đi lại khó khăn lắm, không có tàu chạy khách, muốn vào đất liền phải chờ ghe quen để quá giang. Và tôi đã suýt không nhìn được mặt cha lần cuối...” - cô Thủy nghẹn ngào. Một hôm, đang dạy trên lớp, nhận được tin người cha đau nặng, cô Thủy như chết đứng vì đang mùa biển động, phần lớn tàu ghe đánh bắt hải sản ở đây đã nằm bờ. Cô lên hiệu trưởng cầu cứu. “Hiệu trưởng đưa tôi đến gặp Chủ tịch UBND xã trình bày hoàn cảnh, sau đó mới liên lạc với chủ tàu duy nhất đang chuẩn bị vào đất liền để quá giang. Tôi về đến nhà và kịp nhìn mặt ba lần cuối...”.

Cục muối chia đôi

Giáo viên bám đảo nghèo về vật chất, và giàu cái tình, cái nghĩa. Giám đốc Sở GDĐT Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang ví von rằng: “Ở đây cục muối cũng được chia đôi”. Điều này không chỉ thể hiện ở chỗ “tối lửa tắt đèn” có nhau, thầy cô còn sẵn sàng nhường cho nhau cả “cục đường”.

Vừa trải qua đợt điều trị viêm túi mật, cô Thủy được Công đoàn ngành GDĐT tỉnh Kiên Giang xét hỗ trợ suất quà từ Chương trình tiếp sức người thầy” nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Thế nhưng, vào giờ chót, cô Thủy đã xin được nhường đặc ân này cho cô Vũ Thị Cúc - giáo viên Trường Tiểu học Lại Sơn - với lý do: “Con cô Cúc vừa bị tai nạn chấn thương sọ não, đang cần nhiều tiền hơn”. Khi nhận được tin, từ BVĐK tỉnh Kiên Giang, cô Cúc đã điện thoại “từ chối”. Mãi đến khi biết không thể lay chuyển được quyết tâm nữ thủ trưởng của mình, cô Cúc mới nhận.

Vâng, vậy đó, đằng sau tấm lòng của những người thầy bám đảo gieo chữ, là cả tượng đài về lòng nhân ái.

Do nhiều lý do khách quan, cho tới tận bây giờ, giáo viên bám đảo ở Kiên Giang vẫn chưa được hưởng chính sách dành cho biển đảo. Trong khi đó, thầy cô phải mua sắm các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt với giá “biển đảo”.

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

Hình nộm rồng bốc cháy, hàng trăm người xin lửa cầu may đêm giao thừa

QUÁCH DU - HOÀNG DƯƠNG |

Thanh Hóa - Năm nào cũng vậy, cứ đêm giao thừa, dân làng Đồng Bồng (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) lại huy động thanh niên trai tráng đi rước lửa từ trong ngôi đền ra đình làng để làm lễ, sau đó châm lửa vào hình nộm một con rồng (đã được chuẩn bị trước), để dân trong làng châm lửa mang về nhà, cầu may một năm mới an khang thịnh vượng.

Táo Quân 2023 trào lộng với hình ảnh dàn Táo nhảy điệu "đúng hay sai"

Mi Lan |

Tại Táo Quân 2023, khán giả được nhắc nhớ lại những khoảnh khắc đầy dấu ấn của chương trình suốt 20 năm lên sóng.

Người dân phố cổ tất bật bày biện mâm lễ cúng giao thừa

NHÓM PV |

Trên các tuyến phố Hàng Thiếc, Hàng Buồm, Hàng Nón, nhiều gia đình tất bật bày biện mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời, chờ thời khắc chuyển sang năm mới Quý Mão.

Lên phố xem bắn pháo hoa Hồ Gươm, "méo mặt" giá gửi xe máy 100.000 đồng

Nhóm PV |

Càng gần giao thừa, lượng người đổ về các điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội càng lớn. Lượng người càng tăng, các điểm trông giữ xe càng đua nhau tăng giá, có nơi còn báo giá 100.000 đồng/xe. Còn người dân thì đành phải ngậm ngùi cho qua vì có muốn cũng chẳng còn lựa chọn khác.

Liverpool và Chelsea chia điểm nhạt nhòa trên sân Anfield

Chi Trần |

Liverpool và Chelsea hòa không bàn thắng trên sân Anfield tại vòng 21 Premier League, qua đó tiếp tục kém top 4 khoảng cách 9 điểm.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ đông nghịt người đến xem pháo hoa, đón giao thừa

ANH TÚ - NGỌC LÊ |

TPHCM - Đêm 21.1 (30 Tết), phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) đông nghịt người dân đổ về để vui chơi, chờ xem pháo hoa, đón giao thừa chào năm mới.

Tết ở Cấp cứu A9 Bạch Mai: Buồn và lo lắng, mong ước hai chữ đoàn viên

Thuỳ Linh - Đức Mạnh |

Thay vì đón Tết sum vầy quanh gia đình thì những nhiều người lại đang túc trực ở nơi không ai muốn - Trung tâm Cấp cứu A9 tại bệnh viện Bạch Mai. Nhiều giọt nước mắt đã rơi, Tết năm nay chắc hẳn sẽ khó quên với họ.

Nơi bắt đầu những chuyến du Xuân

Nick M. |

Tết đến Xuân về, khắp mọi nẻo đường Việt Nam tràn ngập bầu không khí hân hoan sum họp. Đầu Xuân cũng là thời điểm cùng nhau tái tạo nguồn năng lượng bằng những hành trình mới, những chuyến du xuân dọc ngang đất nước.