Bác sĩ tâm thần không bị “ăn đòn” mới là chuyện lạ

Khương Quỳnh |

Bạn tôi – bác sĩ tâm thần mới đây bộc bạch bằng một giọng rất trào phúng: “Bác sĩ tâm thần không bị đánh mới là chuyện lạ, chứ bị đánh thì… bình thường”. Tôi tròn mắt. Anh bình thản và nghiêm túc: “Thì em cứ vào đó mà xem”.

“Em không bị tâm thần”

8 giờ sáng, bệnh nhân đã ngồi kín ghế tại khu khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Hai chiếc ghế trước bàn khám bệnh của bác sĩ Chu Thị Dung cũng không lúc nào trống. Một của bệnh nhân và một của người nhà. Đó là những gương mặt mệt mỏi vì mất ngủ, ám ảnh, lo lắng hoặc những gương mặt… lúc nào cũng cười.

Cửa mở, một thanh niên tay cầm rất nhiều loại giấy tờ. “Tuấn khỏe không?”. Bác sĩ Dung vừa hỏi, vừa lướt qua hồ sơ khám bệnh của Tuấn – một bệnh nhân đang được điều trị ngoại trú. Sau khi kiểm tra tâm lý, chị kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Tuấn cầm toa thuốc, lẩm nhẩm đọc, rồi hỏi lại: “Thuốc này là thuốc gì vậy bác sĩ? Uống vô rồi có sao không bác sĩ”. Sau khi được bác sĩ Dung khẳng định, thuốc không có gì nguy hiểm, Tuấn chớm bước ra cửa nhưng lại vội quay đầu lại: “Đúng là bác sĩ kê cho em 28 ngày thuốc hả? Sau 28 ngày thì tái khám hả?”.

Sau đúng 3 phút, khi bác sĩ Dung đang khám cho một bệnh nhân khác, Tuấn lại đẩy cửa bước vào, vẻ mặt lo lắng: “Nhưng bữa em đi tái khám có bác sĩ nào ở bệnh viện không?”. Và 10 phút sau, chàng trai trở lại: “Bác sĩ, thuốc này có đúng trong toa không?”.

Đó chỉ là một tình huống bình thường trong số 60 ca bác sĩ Dung khám mỗi ngày. Chị giải thích, Tuấn mắc chứng ám ảnh lo sợ. Bệnh nhân mắc chứng bệnh này thường hay nghiêm trọng hóa vấn đề và luôn thấy mọi thứ bất an. Ngoài việc mỏi miệng giải thích, hơn 20 năm ngồi ở bàn khám bệnh này, bác sĩ Dung gặp không ít bệnh nhân quá khích vì các chứng ám ảnh khiến chị cũng phải… ám ảnh.

Đó là một người phụ nữ khốn khổ vì chứng ám ảnh ghen tuông, hễ thấy người phụ nữ nào cũng nghĩ là... bồ nhí của chồng. Chị được người nhà đưa đến bệnh viện trong cơn loạn thần. Gặp bác sĩ Dung, chị này nhảy luôn lên bàn khám bệnh, xỉa ngón tay vào mặt bác sĩ quát lớn: “A, mày dám cướp chồng tao!”. Nếu không có hộ lý kịp ngăn lại, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trong cơn kích động, chị ta xỉa tay luôn vào mặt những cô gái trong đám đông bệnh nhân tò mò xúm lại: “Chúng mày là một lũ đi cướp chồng!”. Sau khi được an thần và bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị, người phụ nữ nói một câu tỉnh bơ: “Em không có bị tâm thần”.

“Không có bị tâm thần”  - câu nói rất quen thuộc các bác sĩ tâm thần thường đón nhận. Bác sĩ Dung chia sẻ, nhiều người đang hiểu sai về từ tâm thần và thường có tâm lý che giấu bệnh. Họ cứ nghĩ phải loạn thần hay đi lơ ngơ ngoài đường “tay nhặt lá, chân đá ống bơ” mới là tâm thần.

Tâm thần còn là những bệnh thường gặp như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm, stress… Và với bác sĩ Đỗ Chính Thắng, câu nói này còn gắn với một kỷ niệm đáng nhớ. Một thanh niên xăm trổ đầy mình được người nhà hộ tống trong trạng thái loạn thần do “đập đá”. Vừa tới khoa khám bệnh, thấy bất cứ ai mặc áo blouse, anh ta liền lao vào đòi đánh: “Dám khám bịnh cho tao hả? Tao hỏng có bị khùng!”.

Thấy vậy, bác sĩ Thắng phải vội cởi áo blouse, đến hỏi han như một người quen và thuyết phục được anh thanh niên uống thuốc để “nguội” bớt tình hình. Sau đó, các bác sĩ mới khám bệnh được cho anh ta.

Né như phim  kiếm hiệp

Phòng làm việc của các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nội trú của Bệnh viện Tâm thần TPHCM chỉ tầm 30 mét vuông, cũ kỹ và không máy điều hòa nhưng có những hai cửa sắt. Một thông với khu điều trị bệnh nhân nữ và một thông với khu của bệnh nhân nam.

Điều dưỡng Nhữ Hoàng Long hỏi hạn bệnh nhân . Ảnh K.Q 

Đang ngồi trò chuyện với bác sĩ, cánh cửa sắt thông với phòng bệnh nữ sau lưng tôi bỗng phát ra tiếng lịch kịch. Hai chị bệnh nhân thò đầu vào: “Bác sĩ ơi cho em qua Bệnh viện Nhiệt đới nằm chơi đi. Ở đây buồn quá!”. 5 phút sau, tiếng cửa sắt lại kêu lịch kịch từ hướng thông với phòng bệnh nam, một cậu thanh niên thò đầu vào, rồi nghiêm trang hát: “Hãy cố nhắm mắt tìm đường vượt qua cơn bão lòng, biết nói chi đây một câu trước khi biệt ly”. Anh chàng cười hì hì: “Em hát hay hông bác sĩ?”.

Bác sĩ, điều dưỡng và các hộ lý tỏ ra bình thản trước những tình huống thế này. Riêng cô điều dưỡng tên Tiên lần nào cũng giật bắn mình. Cách đây 1 tháng, Tiên bị một bệnh nhân nữ dùng nguyên chiếc ổ khóa bằng sắt đập vào đầu chảy máu vì “cái tội hồi nãy dám chích tui nè”.

Anh điều dưỡng Nhữ Hoàng Long đùa: “Tại Tiên á. Ai biểu Tiên không chịu né”. “Đã biểu là em hổng có né kịp mà”. “Ừa, né không kịp là lỗi của mình đó” – Long kết luận. Xấp xỉ 12 năm làm điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần, Long xem những lần trầy xước nhẹ, bầm tím… chỉ là tai nạn nhỏ.

Cũng có lần “tai nạn hơi lớn”, khi Long đang bưng khay đựng thuốc, kim tiêm, một bệnh nhân nữ bất ngờ từ phía sau lao tới, ôm cổ Long vít xuống khiến anh bật ngửa. Có nhiều lần đang đi lại trong khoa, bỗng dưng có người “bay” ra, tặng cho anh một cái tát tai. Kể chuyện này, anh lại tự nhận lỗi: “Bệnh nhân lên cơn sao mà kiềm chế được. Lỗi là do… mình không ngó trước ngó sau”.

Bác sĩ Phạm Gia Khởi cũng góp chuyện: “Mấy lần bị bệnh nhân đánh, tui né sang trái, né sang phải như phim kiếm hiệp. May không bị trúng mặt nhưng lần nào cũng bị bể mắt kiếng”.

Đơn giản đó là cuộc sống...

4 giờ chiều, điều dưỡng Nhữ Hoàng Long và Nguyễn Thị Kim Uyên, bác sĩ Phạm Gia Khởi tất bật chuẩn bị cho ca trực đêm. Đang đi một vòng trong phòng bệnh nữ, bất ngờ một bệnh nhân nữ định chạy lại ôm điều dưỡng Uyên. Nhưng theo phản xạ, điều dưỡng… né rất điêu luyện. Cô bệnh nhân liền xoa vai điều dưỡng, rồi khoanh tay nũng nịu: “Cô ơi! Hôm bữa con lên cơn, lỡ cắn cô một cái, cô đừng giận con nha”. Điều dưỡng Uyên nhẹ nhàng, động viên: “Chịu khó uống thuốc rồi về nhà sớm nghen”.

Uyên cho biết, cô bệnh nhân đó thuộc diện vô gia cư, được công an quận đưa tới đây. Cô gái không nhớ mình tên gì, nhà ở đâu. “Ở đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mình phải thuộc từng câu chuyện của bệnh nhân để hiểu được ngôn ngữ của họ. Nói người tâm thần không biết gì là không đúng. Họ vẫn có nhu cầu trò chuyện, chia sẻ. Câu đầu tiên khi tiếp xúc với người bệnh nên là lời hỏi thăm, tạo sự tin tưởng và cảm giác an toàn nơi họ, như thế thì họ mới hợp tác với mình” – Uyên giải thích.

Hơn 70 con người là 70 câu chuyện, dù câu chuyện của người tâm thần có lúc mông lung, rời rạc. Như một bệnh nhân nam đang thao thao bất tuyệt những câu chuyện vĩ mô như tình hình kinh tế chính trị của Trung Quốc, Hoa Kỳ. Nghe đâu trước khi nhập viện, ông là một tiến sĩ kinh tế.

Kia là anh thanh niên xăm trổ đầy mình, tay chân bị cột chặt vào góc giường vẫn còn trong cơn kích động, la hét “tao mà ra khỏi bệnh viện, tao giết hết tụi mày” trong khi mẹ anh ta ngồi cạnh, lén chùi nước mắt. Hoặc cô gái phát bệnh vì thất tình suốt ngày đòi yêu bác sĩ vì “ổng yêu tui, thương tui nên mới chích thuốc cho tui đó”…

Với 20 năm làm bác sĩ tâm thần, bác sĩ Phạm Gia Khởi bảo rằng, hiểu ngôn ngữ, tâm lý của người tâm thần đã trở thành “phản xạ có điều kiện” của bác sĩ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, dần dần, những ngôn ngữ đó đã “thấm” vào cuộc sống đời thường của họ, khiến trong mắt người thân, bạn bè, bác sĩ điều dưỡng làm trong ngành tâm thần cũng có phần… bất thường.

Điều dưỡng Nhữ Hoàng Long cười: “Anh bị bạn bè bảo mày cười nói giống khùng quá”. Ban đầu, Long không tin, nhưng rồi, chính những sinh viên thực tập ở bệnh viện cũng phải thốt lên: “Em mới đi thực tập một tuần mà về ai cũng bảo em tưng tửng”. Chẳng thế mà bác sĩ, điều dưỡng tâm thần được xếp trong top đầu những ngành độc hại, và có thể hiểu đây là độc hại tâm lý.

“Bạn tui, đứa làm bác sĩ tai mũi họng, đứa làm khoa ngoại, tim mạch, hồi sức… kể ra nghe thật hãnh diện. Còn mình, giới thiệu làm bác sĩ tâm thần, nhiều người cười phá lên” – bác sĩ Khởi chia sẻ. Theo ông, làm việc ở bệnh viện tâm thần phải có tinh thần “thép” mới chịu nổi những áp lực, những tình huống dở khóc dở cười mà bệnh nhân tạo ra.

Nhưng ông cười xòa cho rằng, làm bất cứ nghề lương thiện nào cũng phải chấp nhận những thứ tạm được số đông gọi là “khổ”. Còn ông, ông không gọi đó là “khổ”, ông gọi nó bằng một từ khác - cuộc sống!

 

Khương Quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Trung tâm hỗ trợ làm... người nghèo thêm nghèo

XUÂN HÙNG |

Hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đang làm biến tướng các hoạt động từ thiện, gây bất an nông thôn và khiến người nông dân vốn nghèo càng nghèo hơn.

Canh Nậu – nơi không thể nhận ra tuổi tác

Cao Thùy Liên |

Ba người đàn ông bằng tuổi nhau, chơi với nhau từ thuở nhỏ, vậy mà khi họ cùng ngồi lại, vẻ ngoài của họ khiến một người tôi gọi “bác”, một người tôi gọi “chú” và người còn lại là “anh”. Chuyện mà tôi đang nói đến ở làng mộc Canh Nậu - xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Hành trình phục hồi Đảng tịch của một cựu sĩ quan

Lục Tùng |

Ngày 27.10.2015, tại xã Tân Hộ Cơ, Huyện ủy Tân Hồng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp long trọng làm lễ trao Quyết định phục hồi đảng tịch và phát thẻ đảng viên cho đồng chí Nguyễn Văn Chớm (SN 1934) sau hơn 20 năm gián đoạn. Đây là kết quả “đột phá” trong xử lý thông tin của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trước vấn đề mà Báo Lao Động kiên trì đeo đuổi suốt 7 năm qua.

Ác mộng... “tế bào gốc”: Sự thật bẽ bàng

Cao Nguyễn Hoàng Hưng |

Gần một tháng bay từ Hà Nội vào TP HCM để chữa bệnh bằng “cấy tế bào gốc”, bệnh nhân Bạch Thế Dũng – dù đã đặt hết niềm tin vào phòng khám, cũng như kỳ vọng “cấy tế bào gốc” sẽ chữa hết bệnh. Nhưng, dường như thực tế hoàn toàn khác, khi mà Phòng khám đa khoa (PKĐK) Bác Ái chỉ lặp đi lặp lại mãi những thao tác truyền dịch, lấy máu, châm cứu…

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trung tâm hỗ trợ làm... người nghèo thêm nghèo

XUÂN HÙNG |

Hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đang làm biến tướng các hoạt động từ thiện, gây bất an nông thôn và khiến người nông dân vốn nghèo càng nghèo hơn.

Canh Nậu – nơi không thể nhận ra tuổi tác

Cao Thùy Liên |

Ba người đàn ông bằng tuổi nhau, chơi với nhau từ thuở nhỏ, vậy mà khi họ cùng ngồi lại, vẻ ngoài của họ khiến một người tôi gọi “bác”, một người tôi gọi “chú” và người còn lại là “anh”. Chuyện mà tôi đang nói đến ở làng mộc Canh Nậu - xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Hành trình phục hồi Đảng tịch của một cựu sĩ quan

Lục Tùng |

Ngày 27.10.2015, tại xã Tân Hộ Cơ, Huyện ủy Tân Hồng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp long trọng làm lễ trao Quyết định phục hồi đảng tịch và phát thẻ đảng viên cho đồng chí Nguyễn Văn Chớm (SN 1934) sau hơn 20 năm gián đoạn. Đây là kết quả “đột phá” trong xử lý thông tin của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trước vấn đề mà Báo Lao Động kiên trì đeo đuổi suốt 7 năm qua.

Ác mộng... “tế bào gốc”: Sự thật bẽ bàng

Cao Nguyễn Hoàng Hưng |

Gần một tháng bay từ Hà Nội vào TP HCM để chữa bệnh bằng “cấy tế bào gốc”, bệnh nhân Bạch Thế Dũng – dù đã đặt hết niềm tin vào phòng khám, cũng như kỳ vọng “cấy tế bào gốc” sẽ chữa hết bệnh. Nhưng, dường như thực tế hoàn toàn khác, khi mà Phòng khám đa khoa (PKĐK) Bác Ái chỉ lặp đi lặp lại mãi những thao tác truyền dịch, lấy máu, châm cứu…