SAU CÔNG BỐ CÁ BIỂN MIỀN TRUNG ĐÃ ĂN ĐƯỢC:

Ba lo, bảy mừng

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Ngày 20.9, ngư dân, chính quyền địa phương, người dân ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự số môi trường biển phấn khởi trước thông tin Bộ Y tế công bố: Hải sản sống ở tầng nổi các vùng biển bị ô nhiễm đã an toàn. Hải sản ở tầng đáy từ 13,5 hải lý trở vào chưa an toàn. Nhiều ngư dân đã tức tốc sửa sang lại tàu thuyền, lắp đặt thêm máy móc và chuyển đổi từ nghề đánh bắt cá tầng đáy sang cá tầng nổi. Với thông tin tích cực trên, ngư dân bảy phần phấn khởi, vẫn còn lo tới ba phần...

Chuyển sang đánh bắt cá tầng nổi

Ông Nguyễn Sỹ Hóa ở khu phố An Hòa (thị trấn Cửa Tùng, Quảng Trị), chủ tàu cá công suất 74CV đang chỉ đạo 5 lao động lắp giàn đèn điện, tu sửa lại chiếc tàu của mình để chuẩn bị vươn khơi. Ông Hóa cho biết, vừa nghe thông tin các loại cá tầng nổi ở các vùng biển bị ảnh hưởng bởi Nhà máy Formosa hiện tại đã ăn được, đã an toàn, ông tức tốc sửa sang chiếc thuyền để chuẩn bị tiếp tục vươn khơi. “Tôi đang lắp lại giàn đèn điện để đánh bắt cá tầng mặt. Thuyền làm xong sẽ ra khơi ngay vì mùa cá trích, cá lẹp, cá cơm đã đến rồi. Lúc nãy nghe Nhà nước công bố cá ở tầng mặt ăn được rồi, nên hy vọng bà con sẽ ăn cá trở lại, giá cá cao trở lại để vớt vát mùa thất bát vừa rồi” - ông Hóa, nói. Cũng như ông Hóa, ngư dân Trương Xuân Thiệt ở thôn Cang Gián (xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng hồ hởi với thông tin cá tầng nổi đã an toàn. Cách đây 2 tháng ông Thiệt đã tự tu sửa tàu thuyền để đợi “thời cơ” ra biển trở lại, vì vậy khi nghe thông tin trên, ông lập tức lắp máy móc vào thuyền, kiểm tra lại đống lưới vo tròn vứt ở xó nhà để chuẩn bị đi bắt cá cơm, cá trích.

Ngư dân Trần Khanh (xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) neo thuyền đã nhiều tháng qua. Sáng 20.9, khi nghe thông tin cá ở tầng nổi đã ăn được, ông Khanh chạy đi chia sẻ cho ngư dân trong thôn được biết. Ông Khanh cũng như phần lớn ngư dân trong thôn Cự Lại Đông mong ngóng thông tin “cá gần bờ ăn được” đã nhiều tháng nay, nên nghe ông Khanh thông báo ai cũng vui mừng. “Cá tầng nổi ăn được thì chuyển sang đánh bắt, gần bờ cũng không bị nhiễm độc thì phấn khởi hung” - ông Khanh cười tươi.

Cá tầng nổi được ngư dân tỉnh Quảng Trị đánh bắt vào bờ nhưng vẫn bán với giá thấp, ngư dân hy vọng sau khi đã có công bố cá tầng nổi sạch, giá cả sẽ khởi sắc hơn. Ảnh: HƯNG THƠ 

Ngư dân có chút phấn khởi trước thông tin trên, còn các tiểu thương, các vựa cá vẫn chưa vơi bớt nỗi lo, vì sợ người dân vẫn chưa tin tưởng cá tầng nổi sạch thực sự, và cá tầng đáy bấy lâu nay là nguồn thu chính của họ thì vẫn còn bị nhiễm độc. Bà Phan Thị Tư - chủ một cơ sở đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) nói rằng, lợi nhuận mà các vựa cá như bà thu được, chủ yếu là từ cá tầng đáy. Vì nhiều lúc thu mua 30 tấn cá tầng nổi, thì lời lãi chưa chắc bằng 3 tấn cá tầng đáy, vì giá trị cá tầng đáy cao hơn rất nhiều. “Công bố thì công bố rồi, dân buôn bán chúng tôi tin tưởng, nhưng phải làm sao cho người tiêu dùng tin, mới giải quyết được khó khăn” - bà Tư lo âu.

Thị trường hải sản ấm lên

Trong ngày 20.9, ghi nhận của PV Báo Lao Động tại các chợ trung tâm của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vẫn chưa có gì khởi sắc, nhưng qua trao đổi với những hộ buôn bán thì ai cũng kỳ vọng người tiêu dùng sẽ trở lại với các loại hải sản đã an toàn.

Cá tầng nổi được ngư dân tỉnh Quảng Trị đánh bắt vào bờ nhưng vẫn bán với giá thấp, ngư dân hy vọng sau khi đã có công bố cá tầng nổi sạch, giá cả sẽ khởi sắc hơn. Ảnh: Hưng Thơ

10h sáng, chợ Bến Ngự (TP.Huế) đông nghẹt người, nhưng tại khu vực bán cá biển, tiểu thương vẫn ngồi… đuổi ruồi. Bà Nguyễn Thị Chưa ngồi thừ trước dãy cá nục, thu, cá ngừ, mực tươi rói, rứa mà mời khản giọng vẫn rất ít người mua. Khi hay thông tin “cá ăn được”, bà Chưa mừng rỡ đứng dậy loan báo với mọi người và khẳng định: “Trưa ni mệ phải làm vài cân cá nục về hấp cuốn bánh tráng, ăn cho bõ thèm mấy tháng nay”. Làm nghề bán cá ở chợ, nhưng chính bà Chưa vẫn sợ không dám ăn cá, chỉ đến khi nghe Bộ Y tế công bố, bà cười toe. “Người buôn bán tin, thì từ từ người dân cũng tin, hy vọng lúc đó chợ cá này đông đúc như trước” - bà Chưa cho hay.

Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh vui mừng nói rằng, thông tin cá tầng nổi an toàn là tín hiệu mừng cho bà con ngư dân, cho thị trường. Bởi hiện nay cá đông lạnh trong kho ở Hà Tĩnh chủ yếu là cá tầng nổi, do đó thông tin từ Bộ Y tế có thể sẽ giúp giải phóng các lô hàng bảo đảm an toàn cho người. Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đây việc sản xuất của người dân sẽ vơi đi khó khăn vì họ sẽ đi biển đánh bắt trở lại. Theo công bố của Bộ Y tế, trước mắt UBND tỉnh Quảng Trị sẽ chỉ đạo bà con tập trung đánh bắt cá tầng mặt để giảm bớt khó khăn, đảm bảo an toàn thực phẩm. Còn đối với cá tầng đáy từ 13,5 hải lý trở vào chưa ăn được, tỉnh sẽ chỉ đạo các ban ngành liên quan tăng cường lấy mẫu ở các tàu đánh bắt vào, nếu đủ tiêu chuẩn thì cấp phép cho tiêu thụ, còn không đạt thì có biện pháp xử lý.

Hàng loạt loại hải sản an toàn

Sáng qua, 20.9, đại diện Bộ Y tế - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Tất cả các mẫu hải sản từ 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm đối chứng đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có xyanua - chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong 7 tỉnh trên đều nằm trong giới hạn cho phép, bảo đảm an toàn theo quy định.

Đối với phenol, tất cả các hải sản tầng nổi (cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại khác sống ở tầng nổi) tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có phenol.

132/1.040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm: Ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá - là các loài sống ở tầng đáy. Phân bố các mẫu hải sản nhiễm phenol này đều nằm trong phạm vi từ 5 - 25km (tương đương 2,7 - 13,5 hải lý). Tỉ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, thấp nhất tại Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).

Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết luận: Tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại khác sống ở tầng nổi, hải sản nuôi tại đầm của 4 tỉnh miền Trung đều bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loài sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng các hải sản ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá - là các loài sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để làm thực phẩm. P.V

Ba câu hỏi lớn

 Làm thế nào để người dân biết và yên tâm về những giải pháp dài hạn ngăn Formosa tiếp tục vi phạm khi nhà máy này chính thức đi vào hoạt động?

- Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường: Vừa tăng cường biện pháp chặt chẽ. Về vấn đề nước thải, chúng tôi lấy mẫu tự động, chúng tôi cùng các cơ quan chuyên môn đánh giá có 58 điểm mà Formosa phải khắc phục, tại thời điểm tháng 8.2016 thì đã có 30 điểm mà Formosa khắc phục được rồi, còn 28 vấn đề, trong đó có những vấn đề lớn liên quan đến nước thải, rác thải, khí thải thì giải pháp lâu dài là: Nước thải ngoài quan trắc và lấy mẫu tự động thường xuyên, chúng tôi sẽ có trạm quan trắc không chỉ trong khu vực mà còn ngoài khu vực biển. Khi cam kết giữa Formosa với ta thì họ chịu trách nhiệm một khoản kinh phí xây dựng trạm quan trắc mặt biển. Đặc biệt những lỗi sắp tới cần sửa là: Đường ống thải ngầm sau khi đã xử lý theo tiêu chuẩn Việt Nam là phải vào một hồ sinh thái, tại đây đo các chỉ số để có thể nuôi cá thả bèo đều sống được. Về công nghệ thì Formosa phải chuyển từ công nghệ ướt sang công nghệ khô theo đúng đánh giá tác động môi trường.

Về rác thải, bộ đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh tạo mọi điều kiện cho các công ty xử lý rác. Mới đây, Tổng cục Môi trường đã hướng dẫn cho Công ty Phú Hà tại Hà Tĩnh hoàn thiện các thủ tục. Về khí thải chúng tôi yêu cầu lắp đặt quan trắc khí thải quanh khu vực Formosa.

Về vấn đề tắm biển, 19 bãi tắm từ Hà Tĩnh tới Huế, chúng tôi quan trắc thường xuyên và đến thời điểm này thì việc tắm biển đã đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng số 10 TCCL VN.

Làm thế nào để người dân biết hải sản tầng nổi và được đánh bắt ở ngoài 20 hải lý?

- Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Lúc bàn về quyết định có ra quyết định cấm 20 hải lý, có ý kiến cho rằng hay là cứ cấm luôn. Sau khi phân tích thì chúng tôi đưa ra mốc này thì để quản lý được. Bà con nông dân đều biết đâu là thủy hải sản tầng nổi, tầng đáy. Ngoài 20 hải lý là đánh bắt xa bờ, đều dùng tàu trên 90 sức ngựa và tất cả tàu đánh bắt đều có hải trình và họ đánh bắt ngư trường nào đều thể hiện trên hải trình. Ngoài ra còn có đại diện của Bộ NNPTNT, Bộ Y tế kiểm soát tại cảng để đảm bảo cá đánh bắt ngoài 20 hải lý.

 Bao giờ thì các hộ dân nhận được tiền bồi thường?

- Ông Hà Công Tuấn: Bộ NNPTNT đã xây dựng đề án dự thảo “xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

Theo dự thảo đề án này ngư dân vùng bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển có thể được vay tới 90% giá trị con tàu với lãi suất 1%/năm hoặc hỗ trợ một lần 50% giá trị con tàu; vay vốn 100 triệu đồng mỗi hộ... Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ 100% chi phí dành cho ngư dân muốn chuyển đổi nghề, đi xuất khẩu lao động; chính sách dãn, khoanh nợ cho vay với doanh nghiệp thu mua tạm trữ hải sản, du lịch...

Ngày 16-17.9 Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Kế hoạch Đầu tư, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Huế đã họp thống nhất được mức bồi thường . Hôm 20.9, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phê duyệt các mức và phương án bồi thường. Lãnh đạo Bộ NNPTNT thông tin đầu tháng 10 là tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường sẽ đến tay bà con. M.B

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 20.6, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), người dân thường không thể phân biệt được cá nào là cá an toàn, cá nào không an toàn để sử dụng. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên môi trường, y tế, C49 - Bộ Công an, công thương, UBND các cấp tại 4 tỉnh miền Trung… cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc đánh bắt, buôn bán hải sản, nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

“Vì việc phân biệt cá an toàn và cá không an toàn là rất khó. Chính vì vậy, để giúp người dân tránh khỏi nguy cơ ăn phải cá không đảm bảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần công bố công khai vùng biển nào không an toàn để chính quyền địa phương cấm ngư dân khai thác tại khu vực biển đó. Để phòng người dân đánh bắt “trộm” tại khu vực nguy hiểm, một mặt thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân, cần tăng cường tuần tra giám sát (lực lượng bộ đội biên phòng - PV). Như vậy, sẽ không có cá không an toàn lưu thông trên thị trường. Đối với cá đánh bắt ở các vùng biển khác, tại thời điểm này cũng không nên “thả nổi” mà nên lấy mẫu giám sát thường xuyên, để tránh việc người dân ăn phải cá nhiễm độc tố” - ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh. KHÁNH VŨ

NHÓM PHÓNG VIÊN
TIN LIÊN QUAN

Cuộc sống người dân quanh khu vực Formosa Nhơn Trạch: Nước ngầm bị ô nhiễm, không khí bị đầu độc

MINH CHÂU |

PC49 - Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt một công ty xả thải trái phép bên trong phân khu Formosa (KCN Nhơn Trạch 3, Đồng Nai), nhưng người dân xã Hiệp Phước - nơi công ty này đóng chân - còn bức xúc hơn nữa do nhiều năm nay, họ phải sống trong cảnh nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không khí bị đầu độc.

Thợ lặn Formosa chạy thuốc từng ngày, chạy cơm từng bữa

Nguyễn Phước Tín |

Formosa đã thừa nhận là thủ phạm khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Ngư dân được đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại, còn các thợ lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương (thuộc KCN Formosa Vũng Áng - Hà Tĩnh) phải nghỉ việc hàng loạt vì mắc nhiều triệu chứng bất thường ngay tại thời điểm cá chết. Giờ đây, họ vừa chạy thuốc từng ngày vừa chạy cơm từng bữa bằng nhiều nghề khác nhau. Người hết thế xoay xở vì nghèo khó, chấp nhận cược mạng với bệnh tật, tiếp tục trở lại ngụp lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương để giải quyết cuộc sống. Vậy, ai sẽ trả lời cho câu hỏi: “Các thợ lặn bị bỏ rơi đến bao giờ?”.

Nỗi nghi hoặc về cái chết của thợ lặn formosa Lê Văn Ngày: “Anh tôi chết vì suy tim cấp ư?”

Nguyễn Tín |

Người thân và bạn lặn của thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày (thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ai nấy ngơ ngác, hụt hẫng khi nhìn vào bản thông báo kết quả mà Công an huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) gọi là giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố liên quan đến cái chết bất đắc kỳ tử của anh Ngày - thợ lặn Formosa...

“Nóng”, “lạnh” ở Vũng Áng: Formosa - cánh cổng đang dần khép lại

ĐĂNG KHOA - TRẦN TUẤN |

Kể từ sau sự kiện “nóng” vào ngày 14.5 và bây giờ trước thông tin sắp tới có khoảng gần 1 vạn lao động nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc sẽ “đổ bộ” vào làm việc tại đại công trường Formosa, nhiều lao động địa phương khi tiếp xúc với phóng viên Báo Lao Động khẳng định một điều chắc chắn rằng, cánh cửa để công nhân Việt vào làm việc chính thức tại nhà máy này đang đóng lại...

Gia tăng hoạt động giết mổ heo lậu vào dịp Tết

Nhóm PV |

TPHCM - Mặc dù đã được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng giết mổ heo lậu, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng các điểm giết mổ lậu trên địa bàn phường 12, Quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn tái vi phạm, hoạt động giết mổ heo lậu càng nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết.

Một ngày dạo vòng quanh TPHCM - thành phố không ngủ

Chí Long |

Được mệnh danh là "thành phố không ngủ" của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh ẩn chứa vô vàn điều bất ngờ, thú vị chờ du khách khám phá.

Trận địa pháo hoa sẵn sàng cho đêm giao thừa

NHÓM PV |

11 giờ sáng ngày 30 tháng Chạp, mọi công tác chuẩn bị tại điểm bắn pháo hoa số 5 (Đảo Dừa công viên Thống Nhất, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dần hoàn thiện đến những khâu cuối cùng. Với sự tham gia của 200 người thuộc 17 lực lượng, trận địa pháo tại điểm công viên Thống Nhất  đã sẵn sàng phục vụ người dân ngắm pháo hoa vào giao thừa.

Mỹ Tâm, Trịnh Kim Chi và sao Việt quây quần bên nồi bánh chưng ngày 30 Tết

DI PY |

Ngày 30 Tết, các nghệ sĩ như NSƯT Trịnh Kim Chi, ca sĩ Mỹ Tâm, hoa hậu Hà Kiều Anh... dành thời gian bên gia đình, gói bánh chưng, bánh tét.

Cuộc sống người dân quanh khu vực Formosa Nhơn Trạch: Nước ngầm bị ô nhiễm, không khí bị đầu độc

MINH CHÂU |

PC49 - Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt một công ty xả thải trái phép bên trong phân khu Formosa (KCN Nhơn Trạch 3, Đồng Nai), nhưng người dân xã Hiệp Phước - nơi công ty này đóng chân - còn bức xúc hơn nữa do nhiều năm nay, họ phải sống trong cảnh nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không khí bị đầu độc.

Thợ lặn Formosa chạy thuốc từng ngày, chạy cơm từng bữa

Nguyễn Phước Tín |

Formosa đã thừa nhận là thủ phạm khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Ngư dân được đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại, còn các thợ lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương (thuộc KCN Formosa Vũng Áng - Hà Tĩnh) phải nghỉ việc hàng loạt vì mắc nhiều triệu chứng bất thường ngay tại thời điểm cá chết. Giờ đây, họ vừa chạy thuốc từng ngày vừa chạy cơm từng bữa bằng nhiều nghề khác nhau. Người hết thế xoay xở vì nghèo khó, chấp nhận cược mạng với bệnh tật, tiếp tục trở lại ngụp lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương để giải quyết cuộc sống. Vậy, ai sẽ trả lời cho câu hỏi: “Các thợ lặn bị bỏ rơi đến bao giờ?”.

Nỗi nghi hoặc về cái chết của thợ lặn formosa Lê Văn Ngày: “Anh tôi chết vì suy tim cấp ư?”

Nguyễn Tín |

Người thân và bạn lặn của thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày (thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ai nấy ngơ ngác, hụt hẫng khi nhìn vào bản thông báo kết quả mà Công an huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) gọi là giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố liên quan đến cái chết bất đắc kỳ tử của anh Ngày - thợ lặn Formosa...

“Nóng”, “lạnh” ở Vũng Áng: Formosa - cánh cổng đang dần khép lại

ĐĂNG KHOA - TRẦN TUẤN |

Kể từ sau sự kiện “nóng” vào ngày 14.5 và bây giờ trước thông tin sắp tới có khoảng gần 1 vạn lao động nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc sẽ “đổ bộ” vào làm việc tại đại công trường Formosa, nhiều lao động địa phương khi tiếp xúc với phóng viên Báo Lao Động khẳng định một điều chắc chắn rằng, cánh cửa để công nhân Việt vào làm việc chính thức tại nhà máy này đang đóng lại...