A Dơi Đớ, rồi cũng đến ngày được “trở về”

HƯƠNG THƠ - HOÀNG VĂN MINH |

“Lại đến nữa à?”, ông Hồ Văn Kía - Trưởng thôn A Dơi Đớ (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chào người quen bằng giọng không mấy vui vẻ. Là bởi gần hai chục năm nay, từ ngày ông và gia đình về định cư tại đây, đã có không biết bao nhiêu bài báo, thước phim viết về ông và người làng - những phận người bơ vơ trên chính đất mẹ nhưng rồi họ vẫn cứ… bơ vơ. Không khí chỉ vui lên khi chúng tôi cười, bá vai ông Kía thì thầm: “Nhưng giờ thì bản mình sắp được làm người Việt Nam rồi, chúng tôi đến là để báo tin vui…”.

Hồi hương

A Dơi Đớ với hàng trăm nhân khẩu người dân tộc Vân Kiều còn có cái tên thuần Việt rất buồn là “Bản xâm cư”. Cái tên theo họ suốt hơn 18 năm nay, kể từ ngày từ Lào trở lại xã A Dơi sinh sống, định cư trên đất Việt Nam khi phân định biên giới theo kiểu di cư tự do với quốc tịch Lào. “Không có quốc tịch Việt, mà sống trên đất Việt thì bị gọi là xâm cư” - ông Kía kể.

Năm nay 59 tuổi, ông Kía nói sành tiếng Việt và có chút hiểu biết nên được mọi người bầu chọn phụ trách “Bản xâm cư”. Ông Kía từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, dẫn đường cho bộ đội hành quân ở những cánh rừng trên dãy Trường Sơn. Có thời điểm, bản làng bị bắn phá dữ dội, ông Kía cùng nhiều gia đình bỏ làng, chuyển đến khu vực biên giới để sinh sống. Thế rồi sau hoạch định biên giới, thành viên gia đình ông Kía và nhiều gia đình khác mang quốc tịch Lào.

Ở trên đất Lào, nhưng nương rẫy, mồ mả tổ tiên của những hộ dân này chủ yếu ở đất Việt, hằng ngày họ vẫn qua lại, đi về như cơm bữa. Nhưng ở đâu cũng không bằng quê nhà, bởi mảnh đất tổ tiên người Vân Kiều cắm dùi vẫn màu mỡ, con nước vẫn ngọt hơn ở nơi khác. Bởi thế năm 2000, gia đình ông Kía dắt nhau trở về quê cũ. Họ dựng lại nhà, khai phá lại đất ruộng cũ để sinh sống, dần dà, những gia đình ở bên kia cũng trở về, lập nên bản hiện nay. Theo thống kê của Tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Quảng Trị, hiện ở xã A Dơi có 41 hộ/235 khẩu (trong đó có 120 nữ và 115 nam) di cư tự do từ Lào sang định cư ở A Dơi và 45 trường hợp trường hợp kết hôn không giá thú.

World Cup ở “bản xâm cư”

Chúng tôi trở lại “Bản xâm cư” đúng vào mùa Word Cup 2018, và ở đây, chủ đề bóng đá đang được người già, trẻ con bàn luận rôm rả. Đột ngột cắt ngang câu chuyện ly hương, ông Kía kể, lâu lắm, có lần ông cùng mấy già làng trong bản ra trung tâm xã, thấy mọi người xem tivi nên ngồi lại. Lúc đó đang diễn ra trận bóng đá, mấy già làng thấy lạ lẫm vô cùng. “Đang xem, thì ông bạn đi cùng tôi buột miệng nói bằng tiếng Vân Kiều rằng, thiếu thốn chi lắm mà không cho mỗi thằng 1 quả bóng để đá cho đã. Cả bầy chúi đầu vô tranh nhau 1 quả bóng thì thấy khổ hè. Nghe già làng nói vậy, những người có mặt ở đó được 1 trận cười ngả nghiêng” - ông Kía ngại ngùng kể.

Bây giờ, “Bản xâm cư “ đã bắt ké được điện của người dân xã A Dơi, một số nhà có điều kiện mua tivi, nên bóng đá không còn là chuyện xa lạ. Chỉ lạ ở chỗ, như thắc mắc của ông Kía rằng, thấy trên tivi nhiều cầu thủ bóng đá người nước ngoài, nói xi lô xi la chi không ai hiểu, rứa mà nghe nói là đã được nhập quốc tịch Việt Nam rồi. “Tôi đây biết nói tiếng Việt, biết nói tiếng đồng bào Vân Kiều. Rồi có đất đai, nhà cửa trên đất Việt Nam, gốc cũng là người Việt, con cháu tôi sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng 18 năm rồi chưa được nhập quốc tịch. Không riêng gì tôi mà cả cái bản này, cả mấy trăm người thì buồn lắm” - ông Kía cúi mặt, mớ than hồng làm sáng khuôn mặt khắc khổ, cực nhọc...

Ở “Bản xâm cư”, chủ yếu người dân làm nhà xoay mặt vào nhau, thành 2 dãy bên con đường dẫn vào bản. Hôm chúng tôi đến, trời mưa nên con đường đất bị cày nhão nhoét bởi lốp xe môtô, khiến 2 dãy nhà thêm nhếch nhác. Hơn 18 năm qua, cuộc sống của những hộ dân ở “Bản xâm cư” diễn ra rất khó khăn. Nhưng vào mỗi ngôi nhà sàn ở bản xâm cư, sẽ thấy sự sạch sẽ, ngăn nắp. Người dân bản xâm cư sinh sống bằng cách trồng trọt cây sắn, lúa rẫy và cây bời lời. Mùa nào cây nấy, gia đình nào chăm chỉ làm lụng thì cũng không đến nỗi đói. “Người dân ở “Bản xâm cư” rất hiền lành và chăm chỉ. Đàn ông ít rượu chè mà thường lên rẫy giúp vợ con. An ninh trật tự ở đây cũng ổn định” - ông Hồ Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi - nói.

Cũng theo ông Thăng, vì “biết thân biết phận”, nên người dân ở “Bản xâm cư” luôn chấp hành tốt các quy định của địa phương. Mấy năm trở lại đây, một số hộ dân từ làm nông nghiệp đã chuyển sang buôn bán, nên bộ mặt ở bản này đã có sự thay đổi đáng kể. “Dân ở bản không chỉ trồng sắn, trồng lúa rẫy mà cách đây cả chục năm đã học cách trồng lúa nước, trồng cây bời lời và cả càphê. Tuy nhiên, trình độ, hiểu biết của người dân về xã hội vẫn rất hạn chế” - ông Thăng nói thêm.

Trình độ của người dân ở đây hạn chế cũng không khó giải thích, bởi người dân không được tiếp cận với những chính sách, chủ trương của Đảng và nhà nước. Như việc con em ở “Bản xâm cư” đến tuổi đi học, nhưng vì không có quốc tịch nên không được đến trường. Thương học sinh, nên Ban giám hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi tạo điều kiện, sắp xếp cho các em học “chui”. Nhưng chỉ “chui” được ở các bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đến cấp trung học phổ thông thì học sinh ở “Bản xâm cư” phải nghỉ học, vì không ai có học bạ.

Đường về đã gần hơn...

Ông Lê Bảo Toàn - cán bộ Tư pháp của xã A Dơi - nói rằng, trong năm 2018 này, đã có nhiều tín hiệu tích cực về việc đưa quyền lợi về cho người dân ở “Bản xâm cư”. Cụ thể, địa phương chuẩn bị làm kế hoạch đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở A Dơi có bố mẹ di cư tự do. “Chúng tôi đang gấp rút thực hiện để vào đầu năm học 2018-2019 sẽ hoàn tất, lúc đó các em sẽ không phải học “chui” và “đứt gánh” giữa đường nữa” - ông Toàn vui mừng thông báo.

Đặc biệt, tháng 5.2018, tại tỉnh Savannakhet (Lào), ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Trưởng Ban chỉ đạo biên giới Việt Nam - Lào tỉnh Quảng Trị - đã có chuyến làm việc, thảo luận với tỉnh Savannakhet về vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 tỉnh. Kết quả, 2 bên thống nhất danh sách người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Quảng Trị được phép ở lại nơi cư trú, với tổng số 281 người di cư, đang sinh sống trong vùng biên giới thuộc huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trong khoảng thời gian trước năm 2000, trong đó có 25 hộ di cư/98 khẩu và 183 trường hợp người Lào kết hôn không giá thú với người Việt.

Từ kết quả khả quan này, ngày 3.7.2018, ông Hà Sỹ Đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao - về việc đề nghị phê duyệt danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa Quảng Trị và 2 tỉnh thuộc Lào. “Từ kết quả chuyến làm việc tại Lào, chúng tôi đề nghị Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao xem xét, phê duyệt những người di cư tự do và kết hôn không giá thú (có danh sách kèm theo, trong đó có người dân ở bản Xâm Cư) được phép ở lại nơi cư trú” - ông Hà Sỹ Đồng thông tin.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, những hộ gia đình/cá nhân người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú tại địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đã có cuộc sống ổn định, có nhà ở và đất canh tác. Các hộ di cư này đều tôn trọng pháp luật Việt Nam và có mong muốn được tạo điều kiện ở lại nơi cư trú để ổn định cuộc sống. “Sau khi có kết quả phê duyệt danh sách những người di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép ở lại nơi cư trú của Trưởng đoàn Đại biểu biên giới Việt Nam - Lào, tỉnh Quảng Trị sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan làm các thủ tục về hộ tịch và cư trú theo trình tự đã được quy định trong thỏa thuận” - ông Hà Sỹ Đồng cho biết.

HƯƠNG THƠ - HOÀNG VĂN MINH
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.