Vươn khơi, và yên tâm... tắm biển

NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG |

Sau công bố biển miền Trung đã an toàn tuyệt đối của ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT - tại Diễn đàn nhà báo với môi trường và biển đảo tổ chức ngày 22.6, PV Báo Lao Động đã ghi nhận tình hình thực tế về hoạt động du lịch, khai thác hải sản ở vùng biển các tỉnh miền Trung.

Có thể nói, sau hàng loạt thiệt hại do Formosa Hà Tĩnh gây ra, đến nay ngư dân vùng biển ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã phần nào ổn định cuộc sống, người dân đã tin tưởng sử dụng hải sản, hoạt động du lịch biển vì vậy cũng được khôi phục trở lại…

Giá hải sản dần ổn định

6 tháng đầu năm 2017, tại tỉnh Quảng Trị đã khai thác thủy sản đạt 11.240 tấn, trong đó chủ yếu là các loại cá tầng nổi như cá cơm, cá thu, cá ngừ… Dù giá các loại thủy sản chưa cao bằng thời điểm trước khi xảy ra sự cố môi trường biển, nhưng hiện cũng đã ổn định và có xu hướng tăng cao.

Sáng sớm ở cảng cá Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), những chiếc tàu sau 1 ngày đánh bắt ở ngoài khơi đảo Cồn Cỏ bắt đầu cập bờ, đem theo số cá nục đánh bắt được còn tươi rói. Bắt đầu vào vụ cá Nam được 1 tháng, do thời tiết không thuận lợi nên sản lượng đánh bắt chưa được cao, nhưng giá cá khá ổn định nên ngư dân vẫn ra khơi.

Chị Nguyễn Thị Gái (trú tại thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh) - người buôn bán nhỏ ở chợ cá cho biết, hiện tại cá nục má vào bờ được bán với giá 20 nghìn đồng/kg, cá nục loại nhỏ thì 12 nghìn đồng/kg. “Trước kia thì mỗi kg cá nục má 25 nghìn đồng, cao hơn bây giờ 5 nghìn. Các loại cá khác giá cũng sàn sàn như thế, nhưng đó là giá bán lẻ. Chứ bán buôn hoặc bán cho các đại lý hấp sấy, làm bột cá thì thấp hơn nhiều” - chị Gái, nói.

Trước kia, mỗi sáng chị Gái lấy ở chợ này hơn 1 tạ cá, chất lên hai chiếc sọt lớn rồi dùng xe môtô chở đến 2 chợ ở trung tâm bỏ sỉ, hoặc ngồi bệt ở đó bán. Sau sự cố môi trường, chị Gái bỏ nghề chạy chợ hơn 1 năm để làm thợ “đụng”, cách đây ít tháng thấy giá cá có vẻ ổn định nên mới trở lại. Hỏi chị Gái có hay tin việc biển đã an toàn, chị Gái bảo lu bu với con cá, con tôm nên chưa nghe ngóng gì cả, vì vậy chị cười rất tươi khi biết rằng thông tin biển an toàn đã được công bố. “Làm sao đó cho mọi người đều biết, tin tưởng là biển thực sự an toàn. Để con cá bắt được đưa lên bờ đều được mọi người đón nhận, sử dụng. Làm được điều này thì mọi việc sẽ thuận lợi như trước đây thôi” - chị Gái, tin tưởng.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng phấn khởi, khi thông tin biển an toàn được công bố. Ông Đồng nói rằng, đây là điều mà địa phương mong chờ, bởi một khi biển an toàn, thì nguồn lợi thủy sản sẽ được tái tạo lại. “Công bố biển sạch, mới có cơ sở để chúng tôi động viên bà con bám biển, sản xuất. Hiện UBND tỉnh Quảng Trị đang đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền đền bù, làm sao trong tháng 6 này sẽ chi trả hết. Để sau khi hoàn thành công việc này, chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển sinh kế cho bà con, kích cầu các dịch vụ du lịch biển để hút khách trở lại” - ông Hà Sỹ Đồng, thông tin.

Du khách tắm biển đông đúc tại biển Thạch Hải, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ảnh: TRẦN TUẤN

Yên tâm tắm biển, ăn hải sản

Hà Tĩnh những ngày cuối tháng 6 này, tại các bãi biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Thạch Hải (Thạch Hà), Xuân Hải (Lộc Hà) chiều nào cũng chật kín du khách tắm biển, ăn hải sản. Anh Nguyễn Văn Tài (36 tuổi, trú TP. Hà Tĩnh) đang cùng gia đình tắm biển Thạch Hải chia sẻ: “Dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 đến nay, hầu như cuối tuần nào gia đình tôi cũng đi tắm biển. Hai con nhỏ nhà tôi nghiền tắm biển lắm nên vợ chồng tôi chiều các cháu, đưa các cháu đi tắm biển cũng là dịp để vợ chồng thư giãn, nghỉ ngơi sau mỗi tuần làm việc căng thẳng, áp lực”. Nghe hỏi, anh có ngại về chất lượng nước biển sau sự cố môi trường nữa không, anh Tài cho biết, anh đã nghe công bố chất lượng nước biển tại các bãi tắm của Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn để tắm, nên không còn lo ngại gì nữa.

Ông Lê Trần Sáng - PGĐ Sở VHTT&DL Hà Tĩnh thông tin: Dịp 30.4, 1.5 vừa rồi, lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh tăng đột biến, gần gấp 2 lần so với cũng kỳ năm 2016 - năm xảy ra sự cố môi trường biển. Còn hiện nay, lượng khách du lịch đang ở mức bình thường, gần bằng thời điểm những năm trước khi xảy ra sự cố môi trường biển. “Trước đây có chỉ đạo ngừng khai thác hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào để tái tạo nguồn lợi hải sản tầng đáy nhưng khiến một số người hiểu nhầm rằng hải sản đánh bắt ở khu vực đó còn nhiễm chì. Việc ngày 22.6 Tổng cục môi trường khẳng định chất lượng nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn tuyệt đối một lần nữa tăng thêm niềm tin cho người dân, người dân yên tâm hơn khi tắm biển, sử dụng hải sản” - ông Sáng nói thêm.

Chợ cá Cửa Việt ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: HƯNG THƠ

Số tàu cá đánh bắt xa bờ tăng cao

Tính đến ngày 26.5.2017, tiến độ trả kinh phí bồi thường tại các địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 đợt đạt gần 95% (642,9 tỉ đồng/680 tỉ đồng tạm cấp). Trong đó, huyện Phong Điền đã chi trả 43,8 tỉ đồng cho 2.046 đối tượng; huyện Quảng Điền đã chi trả 36,754 tỉ đồng cho 1.329 đối tượng; huyện Phú Vang đã chi trả 262,116 tỉ đồng cho 7.103 đối tượng; huyện Phú Lộc đã chi trả 259,762 tỉ đồng cho 6.628 đối tượng; thị xã Hương Trà đã chi trả 36,001 tỉ đồng, cho 1.552 đối tượng; chi trả 3,451 tỉ đồng hải sản tồn kho cho 12 đối tượng. Hơn 270 tỉ đồng tạm cấp đợt này để chi trả bồi thường cho đối tượng quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 và Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ theo kết quả phê duyệt của các huyện (bao gồm các chủ cơ sở thu mua tạm trữ có kho lạnh, kho cấp đông tại các xã, phường, thị trấn ven biển quy định tại điểm a khoản 7 Điều 1 Quyết định số 1880/QĐ-TTg). Trong đó, huyện Phong Điền 33,161 tỉ đồng; huyện Quảng Điền 55,621 tỉ đồng; thị xã Hương Trà 14,950 tỉ đồng; huyện Phú Vang 101,803 tỉ đồng; huyện Phú Lộc 64,969 tỉ đồng. Nhờ việc chi trả tiến hành nhanh, nên người dân bị thiệt hại đã “đứng lên” từ những vùng biển chết, bắt đầu khôi phục lại sản xuất.

Sau hơn một năm bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, tình hình môi trường biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ổn định. Các địa phương ven biển đã khôi phục các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, hiện nay đang có chiều hướng phát triển tốt. Số lượng tàu cá có công suất lớn trên 400CV đánh bắt xa bờ tăng 30 chiếc (10%) so với thời kỳ trước khi có sự cố môi trường biển. Sau khi nhận tiền bồi thường, hầu hết ngư dân sử dụng tiền đầu tư nâng cấp, mua sắm ngư lưới cụ; đóng mới tàu đánh bắt xa bờ. Nhiều làng chế biến hải sản truyền thống được phục hồi, tăng gia sản xuất. Hoạt động khai thác hải sản trên biển ở vùng xa bờ của ngư dân Thừa Thiên Huế đã và đang tăng dần về sản lượng. Sản lượng khai thác đạt 14.42 tấn, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài những tín hiệu tích cực trên biển, thì những tín hiệu vui về lượt tiêu thụ cá biển của người dân cũng rất tích cực. Tiểu thương Lê Thị Hoa buôn bán tôm cá ở chợ An Cựu, cho biết: “So với mấy tháng trước thì bây giờ lượng tôm cá, hải sản biển bán ra cũng đạt rất nhiều. Hàng tôi lấy về chừng nào thì được tiêu thụ hết chừng đó. Nếu tình hình mà không khả quan thì chắc những người bán tôm cá như tụi tui chỉ có nước chết. Cũng may là người dân bây giờ hết sợ rồi”.

Có thể nói rằng, tình hình đánh bắt, giá cả các loại thủy sản ở các tỉnh miền Trung đến thời điểm này cơ bản đã ổn định. Thế nhưng, hiện vẫn còn những người dân lo sợ về chất lượng các loại hải sản hoặc dịch vụ biển chưa được an toàn. Vì vậy, tiếp xúc với chúng tôi, từ ngư dân đến lãnh đạo các địa phương đều mong muốn các ban ngành chức năng phải công bố cụ thể, rộng rãi thông tin biển an toàn với những dẫn chứng thuyết phục, để từ đó, tạo “bàn đạp” vực lại hoạt động sản xuất, kinh doanh thất bát một thời gian dài ở những vùng biển tiềm năng này.

“Thực ra, từ cuối năm 2016 đến nay, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Hà Tĩnh đã bình thường rồi. Việc Phó Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức vừa thông tin nước biển 4 tỉnh miền Trung an toàn tuyệt đối đã khẳng định chất lượng nước biển an toàn, giúp người dân yên tâm hơn trong các hoạt động khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, tắm biển và tiêu dùng hải sản”

Ông NGUYỄN CÔNG HOÀNG - Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh

 


NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG
TIN LIÊN QUAN

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.