Trên giường bệnh, vẫn lo cho các con khuyết tật

GHI CHÉP CỦA THÙY HƯƠNG |

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi nhận được điện thoại từ một bạn đọc cho biết: Bà Trần Thị Thanh Hương - chủ mái ấm Thiện Giao (tổ 8, P.Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng), người đã nuôi dưỡng gần 200 trẻ khuyết tật - đang nằm trong Bệnh viện Bạch Mai điều trị ung thư vú giai đoạn cuối. Chống chọi với bệnh tật, bà Hương vẫn còn phải nghĩ cách nuôi 28 người con khuyết tật...

Một mình nuôi hơn 180 trẻ khuyết tật

Chúng tôi đến phòng điều trị - Trung tâm Ung bướu y học hạt nhân. Đón chúng tôi là cô gái tên Hoàng Thị Hương, một trong 28 người đang được nuôi dưỡng tại mái ấm Thiện Giao. Nếu Hương muốn lên giường bệnh ngồi chăm mẹ thì phải có người hỗ trợ. Hương tuy bị teo chân nhưng trí tuệ bình thường nên thường cùng bà Hương quản lý sổ sách, chăm lo cho những người còn lại.

Khi chúng tôi tới, bà Hương vừa được các bác sĩ tiêm kháng sinh liều cao. Bà đau đớn, không nói được câu nào, miệng mấp máy rồi thiếp đi. Chừng một lúc, khi cơn đau đã qua, bà mới bắt đầu câu chuyện của mình.

Năm 1954, gia đình bà Hương tập kết ra Bắc. 17 tuổi, cô nữ sinh gốc Huế hăng hái tham gia thanh niên xung phong, rồi đi bộ đội. Năm 1972, khi đang trên đường từ chiến trường miền Nam ra Bắc, bà được một đồng đội nhờ nuôi hộ con vì anh bị nhiễm chất độc da cam. Chứng kiến đồng đội của mình nuôi những đứa con khuyết tật, bà thương lắm. Vì vậy, bà đã nhận nuôi giúp con cho đồng đội.

Hòa bình lập lại, nhiều đồng đội khó khăn, con lại bị khuyết tật, họ lại gửi bà nuôi. Bà không nỡ từ chối, định rằng, nhận nuôi rồi sẽ chuyển cho Nhà nước. Nhưng bọn trẻ không chịu đi mà cứ nhất định theo bà. Bà cũng chẳng nỡ xa các con nên lại “tặc lưỡi” nhận nuôi. Cứ thế, những đứa trẻ đến với bà nhiều lên một cách tự nhiên, đến vài chục đứa. Các con của bà bị đủ dạng khuyết tật, liệt tay, liệt chân, thần kinh, ảnh hưởng do di chứng chất độc màu da cam. Thế nhưng, nhiều nhất vẫn là trẻ bị bệnh down.

Bà bảo, trẻ bình thường dạy đã khó, nhưng với trẻ bị down khó gấp nhiều lần. Ví như, để dạy được trẻ quét nhà cũng phải mất tới hàng năm trời. Ban đầu, bà chỉ cho con cách cầm chổi, cách quét nhà. Nhưng được một lúc chúng lại chẳng theo hướng dẫn, thậm chí quét ngược lại. Hay như dạy con cách rửa mặt, bà cũng phải mất tới nửa năm. “Nhiều lúc, mình muốn đầu hàng. Nhưng nhìn thấy những đứa con cứ ngơ ngơ, khi chúng nhìn lên trời cười hềnh hệch, tôi lại ứa nước mắt. Tôi lại nghĩ, nếu mình bỏ đi thì ai còn nuôi nữa. Chúng sẽ sống ra sao”,

Sau khi hướng dẫn các con làm những việc đơn giản, bà tiếp tục dạy các con những việc khó hơn như trồng rau, nuôi lợn, trồng nấm. Thậm chí, đến việc xây dựng nhà xưởng cũng đều do các con thực hiện.

Từ năm 2004, bà lập nên cơ sở Thiện Giao. Bà tự tổ chức cho các con học nghề mỹ nghệ, rồi vét ao nuôi cá, trồng rau. Cứ thế, mẹ con rau cháo nuôi nhau. Hầu hết đồ ăn, thức uống trong nhà đều tự cung, tự cấp. Lợn nuôi trong chuồng, cá dưới ao, rau mẹ con tự trồng để làm thức ăn dần cho cả gia đình. Ngoài ra, mẹ con bà còn trồng cả nấm linh chi, bán cũng được 1,5 triệu đồng/kg hoặc làm đồ mỹ nghệ…

Khi ở Thiện Giao, gia đình các em không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào, thậm chí chế độ của Nhà nước dành cho trẻ khuyết tật bà cũng không nhận. Hằng năm, bà Hương vẫn thu xếp cho các em (nếu còn gia đình) được về nhà, thăm gia đình 1 tuần để các em không quên bố mẹ, không quên nơi mình đã sinh ra. Do số lượng các cháu tật nguyền đông, bà Hương đành phải chọn lựa các trường hợp có một trong ba điều kiện: Con ruột hoặc cháu của các cựu chiến binh, gia đình thuộc diện cấp sổ hộ nghèo, bố, mẹ đã chết hoặc là người tàn tật.

Không chỉ lo ăn ở cho các con, những cháu trí tuệ bình thường bà đều cho đi học nghề và học chữ. Vì vậy, đến nay, trong số những trẻ được bà nuôi dưỡng, nhiều người đã tốt nghiệp trình độ đại học, cũng có nhiều người sau khi hòa nhập xã hội đã có công việc ổn định, gia đình khá giả.

Đến nay, mái ấm của bà Hương là nơi đã nuôi dưỡng hơn 180 trẻ khuyết tật từ khắp mọi miền cả nước. “Dù các con tôi khuyết tật nặng, nhưng chúng vẫn tự lao động, sản xuất và chăm sóc nhau, chứ không phải là gánh nặng của xã hội” - bà Hương tự hào.

Bà Hương đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trên giường bệnh vẫn lo cho con

Khi nói về bệnh tật của mình, bà bảo, đã từng bị nhiều bệnh hiểm nghèo tấn công, nhưng không biết có phải trời thương nên chưa bắt về với tổ tiên, thậm chí còn có dấu hiệu khỏe hơn.

Trước khi bị ung thư vú, cách đây hơn chục năm bà Hương đã được phát hiện bị ung thư phổi. Bà đi khám, các bác sĩ cho biết, trong phổi bà có khối u lớn cần phải điều trị. Dù vậy, bà xin về và tự đi tìm các loại thuốc nam để uống.

Khi biết bà bị bệnh, có người quen tặng ít nấm linh chi. Số nấm ấy, bà đun nước uống thay cho nước lọc. Sau khi uống được một thời gian, bà thấy cơ thể thoải mái, không còn ho nhiều như trước nữa. Khi đi kiểm tra, khối u cũng teo dần đi. Thấy hiệu quả từ nấm linh chi mang lại, trung tâm của bà trồng thêm nấm linh chi. Số nấm thu được một phần bà dùng sắc uống, một phần đem bán để lấy tiền lo cho gia đình. “Chẳng biết có phải trời thương tôi hay không, nhưng tôi đã sống thêm được cả chục năm, khối u phổi cũng dần nhỏ đi, giờ chẳng thấy khó chịu hay đau đớn gì cả” - bà chia sẻ.

Mừng vui chưa được bao lâu thì đến năm 2015, bà lại phát hiện bị ung thư vú. Bà đến BV K T.Ư để xác định bệnh. Khối u ngày càng to dần, nhưng bà mặc kệ mà về nhà uống thuốc nam và nấm linh chi. Năm 2016, khối u bị vỡ, nhưng bà cũng tự đắp lá mà không đi viện. Dù vậy, bà vẫn giấu bệnh mà chẳng cho ai biết. Bà bảo: “Tôi bị bệnh đã lâu, nhưng toàn giấu bệnh. Nếu tôi không đau thì không ai biết, vì mình suốt ngày nói cười, làm việc phăm phăm. Tôi cho rằng, kể cả ngày mai mình rời thế giới này rồi, hôm nay vẫn phải tươi cười để thấy cuộc sống rất đẹp và ý nghĩa”.

Cách đây chừng 1 tháng, bà phải đến BV Việt Tiệp (Hải Phòng) cấp cứu, rồi chuyển lên BV Bạch Mai. Tại đây các bác sĩ cho biết bà bị ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn. Bà sẽ phải trải qua 8 đợt điều trị kéo dài bằng các phương pháp kết hợp, nhưng sợ rằng sức khỏe của bà không chịu được. Hơn nữa, các biện pháp trên cũng chỉ là kéo dài thời gian sống chứ không thể khỏi được.

Từ khi bà phát bệnh phải đi viện, kinh phí điều trị đã hết gần 50 triệu đồng, bà rất lo lắng. Bà mới dành được vài chục triệu đồng để sửa lại nhà dùng làm nơi sản xuất nấm thì phải đi cấp cứu. Kế hoạch dang dở rồi. “Giá tôi không ốm thì các con có thêm công việc, kiếm được đồng ra, đồng vào. Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là làm thêm nhà để trồng nấm vì chúng tôi mới có nhà ươm. Tôi mong mái ấm của mình là nơi người khuyết tật sống có nhân cách. Phải có ngành nghề và khách hàng truyền thống để tự sống” - bà Hương trải lòng.

Từ khi bà bị bệnh phải đến BV điều trị, 28 đứa trẻ khuyết tật ở nhà luôn ngày ngày mong ngóng. Bà dặn Hương không được nói mẹ bị bệnh, mà chỉ bảo đang đi công tác. Bà sợ, khi biết bệnh tình của mình như vậy, các con sẽ lo lắng. “Tôi đã xác định trước, ung thư giai đoạn cuối - có ai khỏi đâu. Nhưng tôi quên hết mọi nỗi đau, chỉ nghĩ về tương lai của các con, 28 đứa trẻ khuyết tật đang điều trị ở nhà. Tôi chỉ sợ rằng, sau khi mình mất đi, những đứa con khuyết tật của mình chẳng còn ai chăm sóc...” - bà Hương nghẹn ngào.

“Cả đời, tôi đã nuôi dưỡng hơn 180 trẻ khuyết tật bằng chính sức lao động của mình mà không nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Giờ tôi sắp về với tổ tiên bởi căn bệnh ung thư vú đã bước vào giai đoạn cuối. Tôi chỉ lo sau khi mình mất đi, ai sẽ lo cho các con, bởi chúng chẳng thể mưu sinh được nếu không có người hướng dẫn”.

 

 

GHI CHÉP CỦA THÙY HƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Giữa rừng Cát Tiên, làng S’Tiêng đang chờ có điện

K’LIỆP |

“Nhờ chịu khó làm ăn, nhiều người S’Tiêng bên dòng sông Đồng Nai đã có nhà cửa, vườn tược ổn định, bà con không còn lạc hậu... Tuy nhiên, điều thiết yếu bà con mong mỏi nhiều nhất là sớm có đường điện về làng” - già làng Điểu K’Mốt ở thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) - nói.

Vươn khơi, và yên tâm... tắm biển

NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG |

Sau công bố biển miền Trung đã an toàn tuyệt đối của ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT - tại Diễn đàn nhà báo với môi trường và biển đảo tổ chức ngày 22.6, PV Báo Lao Động đã ghi nhận tình hình thực tế về hoạt động du lịch, khai thác hải sản ở vùng biển các tỉnh miền Trung.

Con ong xứ Huế giữa vòng vây khốn khổ

NGUYỄN ĐẮC THÀNH |

Cơm đùm gạo gói, chấp nhận xa gia đình, vợ con để theo con ong đi đánh mật. Cuộc sống du mục rày đây mai đó của những người đem ong đi làm mật hết sức gian khổ, thậm chí có những người ẩn cư cả mấy tháng trời trong rừng sâu. Những gian lao, khổ cực ấy họ đều trải qua được, thế nhưng, sự hà hiếp của một số cá nhân trong chính quyền sở tại đã khiến họ rơi vào thế khốn cùng.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Giữa rừng Cát Tiên, làng S’Tiêng đang chờ có điện

K’LIỆP |

“Nhờ chịu khó làm ăn, nhiều người S’Tiêng bên dòng sông Đồng Nai đã có nhà cửa, vườn tược ổn định, bà con không còn lạc hậu... Tuy nhiên, điều thiết yếu bà con mong mỏi nhiều nhất là sớm có đường điện về làng” - già làng Điểu K’Mốt ở thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) - nói.

Vươn khơi, và yên tâm... tắm biển

NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG |

Sau công bố biển miền Trung đã an toàn tuyệt đối của ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT - tại Diễn đàn nhà báo với môi trường và biển đảo tổ chức ngày 22.6, PV Báo Lao Động đã ghi nhận tình hình thực tế về hoạt động du lịch, khai thác hải sản ở vùng biển các tỉnh miền Trung.

Con ong xứ Huế giữa vòng vây khốn khổ

NGUYỄN ĐẮC THÀNH |

Cơm đùm gạo gói, chấp nhận xa gia đình, vợ con để theo con ong đi đánh mật. Cuộc sống du mục rày đây mai đó của những người đem ong đi làm mật hết sức gian khổ, thậm chí có những người ẩn cư cả mấy tháng trời trong rừng sâu. Những gian lao, khổ cực ấy họ đều trải qua được, thế nhưng, sự hà hiếp của một số cá nhân trong chính quyền sở tại đã khiến họ rơi vào thế khốn cùng.