Ở nơi biển... đuổi

Nhật Hồ |

Chỉ tay ra hướng biển tít mù, ông Nguyễn Văn Chuẩn (ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) chép miệng “Nhà tôi trước ở ngoài kia, có mấy năm đâu mà lở trôi tuốt vô đây”. Chưa bao giờ người dân sống ven các cửa biển ĐBSCL cảm nhận bờ biển lở nhanh đến thế. Dường như biển đã không còn thương bến, thương bờ nữa mà càng ngày càng cách xa bờ. Xa lắc…
Biển đuổi

Ông Chuẩn người gốc Nam Định xuôi về Gành Hào từ năm 1978 sinh cơ lập nghiệp. Giống như bao nhiêu người dân xứ biển, ông dựng nhà cập mé biến, bởi cửa biển này thông với sông Gành Hào - Hộ Phòng, nơi có những chiếc thuyền chài, thuyền câu cập bến hằng ngày. Ở đó, đêm ông đưa chiếc thuyền câu ra biển, ngày mua thủy sản đem ra chợ bán. Cất nhà cũng quay mặt ra biển, không phải để đón gió mà chính nơi đây thuận tiện cho công việc làm ăn của mình.

Công việc làm ăn thuận lợi, ông làm nhà kiên cố. Cũng đổ móng, đóng cừ, làm kè để đề phòng sạt lở. Nào ngờ, năm 1998, nhà ông cùng với 18 căn nhà khác bỗng dưng rạn nứt và đêm rằm tháng 11 năm đó, cả 18 căn trôi tuốt ra biển, chẳng kịp thấy thứ gì. Vậy là ông tịnh tiến vào bờ, nhà vẫn cập mé biển. Ông giải thích “Nhà tôi đã dời lần thứ 5 rồi đó, bây giờ nằm trong bờ kè Gành Hào, nhưng cái kè này cũng bị biển đe dọa nữa, không biết chịu được sóng biển bao lâu”.

Nổi lo của ông Chuẩn cũng là nổi lo chung của trên 1.000 hộ dân ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) khi mà cuối tháng 3 đây thôi, kè Gành Hào, được cho là kiên cố nhất ĐBSCL được xây dựng cách đây 10 năm bị nứt. Những đợt sóng biển chồm cao hơn nóc nhà, tràn qua bờ kè, nước chảy ào ào theo những con lộ của thị trấn ùa vào nhà dân, trường học như những dòng suối nhỏ. Cả ấp 1 của thị trấn chìm
trong nước.

Ông Bùi Thanh Túy - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - là người hiểu rõ nhất chuyện biển đuổi. Trước ông ở Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau, nằm cách cửa biển Gành Hào phía bên kia. Lúc trước phía Tân Thuận sạt lở, mất đất, mất nhà. Ông khăn gói dời qua phía Bạc Liêu để an cư. Nhưng chính ông cũng bị biển đuổi mấy lần. Không cần dở sổ tay, ông thuộc vanh vách “Cửa biển này có 367 hộ dân có nguy cơ sạt lở khi kè Gành Hào không chịu được. Từ năm 1980 đến nay đã có 6 lần sạt lở cuốn trôi 186 căn nhà của dân. Hiện tại bờ biển đã cách xa đến khoảng 800m”.

Trong khi đó vách biển tây thuộc tỉnh Cà Mau và Kiên Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Những đoạn chưa làm bờ đê, bờ kè, có nơi biển lấn sâu vào bờ đến 1.000m như Văn Khánh, Văn Khánh Tây, huyện An Minh, Kiên Giang (phía giáp với địa phận tỉnh Cà Mau). Ông Nguyễn Văn Dân (ấp Cây Gõ, xã Văn Khánh Tây, huyện An Minh, Kiên Giang) trên 70 tuổi bùi ngùi kể chuyện biển đuổi “Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề bắt ốc, nuôi trồng thủy sản, nhưng từ 1982 đến nay biển đã xâm thực vào đất liền đến 1.000m tính từ biển vào. Tốc độ sạt lở ngày càng nhanh. Cái điệu này, vài năm nữa mất hết đất rừng, đất nuôi tôm, dân hổng biết lấy gì sống nữa đây”.

Cập với Văn Khánh Tây, phía Cà Mau tình trạng sạt lở bờ biển cũng đến hồi nguy nan. Đầu tháng 6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác có chuyến thị sát tình trạng sạt lở tại khu vực này. Tại đây, đoàn công tác tận mắt thấy biển đã đuổi người dân lấn sâu vào đất liền. Những vạt rừng nhỏ, mỏng không đủ sức ngăn cản những đợt sóng lớn suốt ngày ầm ào lùa vào đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau không giấu giếm báo cáo với Phó Thủ tướng rằng, Cà Mau đã mất rất nhiều diện tích rừng phòng hộ tại đây. Rừng đã ít lại mỏng nên rất khó để người dân bám đất, bám biển mưu sinh. Tỉnh có kế hoạch di dời trên 13.870 hộ dân vào 35 cụm, tuyến dân cư trốn biển, nhưng kinh phí có hạn. Mấy năm qua các khu dân cư, khu tái định cư cho người dân bị sạt lở đã xây dựng, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng do tình trạng sạt lở bờ biển, cửa sông, cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau.

Mà nào riêng gì Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang chạy biển. Bờ biển Gò Công, Tiền Giang vẫn còn đó những căn nhà trơ vơ trước biển. Những vạt rừng còn lại trơ trọi mấy cây bần, cây mắm trong khi khu du lịch biển cũng ngày càng xa đất liền vì bờ tịnh tiến vào trong. Tiền Giang đã xây dựng cụm dân cư để di dời người dân vào sinh sống. Dẫu vậy dân không an tâm sống, bởi có chỗ ở ổn định không lo biển đuổi ai cũng thích, nhưng vào đây mưu sinh bằng gì vẫn là câu hỏi khó cho các ngành chức năng các tỉnh ven biển đồng bằng.
Biển đã đuổi người dân ở Gò Công. Ảnh:NH

Nào chỉ tại thiên nhiên

Chưa bao giờ ĐBSCL lại bị sạt lở nghiêm trọng như thời gian gần đây. Gần như các cửa biển, cửa sông lớn không thèm sạt theo mùa nữa, mà sạt lở bất cứ lúc nào, khiến công tác dự đoán, dự báo có lúc cũng “bó tay”.

Ai cũng biết, những vạt rừng phòng hộ ven biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, tạo bãi bồi. Tuy nhiên, chưa bao giờ diện tích rừng tại đất mất nhiều như vậy. Các tỉnh có diện tích rừng mất nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu. Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, từ năm 2007 đến nay rừng ven biển của Cà Mau đã bị mất 4.064ha (hơn diện tích rừng của Bạc Liêu hiện tại - PV). Mất rừng làm tăng nguy cơ vỡ đê biển tây rất lớn, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của hàng chục ngàn hộ dân vùng ven biển. Nguy cơ này là có thật, bởi cách đây 10 năm, bình quân độ dày rừng phòng hộ từ 1,5 - 2km, nhưng hiện nay đã có nơi sạt lở đến chân đê. Nghĩa là không còn diện tích rừng phòng hộ ven biển này.

Qua các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định 7 nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ biển. Và con người đã góp phần làm cho thiên nhiên thêm cuồng nộ.

Điều đáng chú ý, theo Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, năm 2013 tổng lượng bùn cát đọng lại trên các tuyến sông vùng ĐBSCL khoảng 3 triệu mét khối, trong khi tổng lượng cát bị khai thác trong năm là 28 triệu mét khối. Điều này cho thấy tốc độ khai thác quá mức, không kịp để thiên nhiên bù vào. Chính điều này làm gia tăng tình trạng xoáy lở. Cùng với đó là địa chất vùng ven biển ĐBSCL rất mềm yếu, được cấu tạo từ các dạng trầm tích phù sa, rất dễ bị xói lở do tác động của sóng và dòng ven bờ. Việc chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng hải sản, đánh bắt thủy sản ven rừng trong những năm gần đây làm suy thoái nghiêm trọng rừng ngập mặn. Đồng thời tình trạng lún sụt đất do việc khai thác nước ngầm quá mức để nuôi trồng thủy, hải sản, nhất là ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Theo báo cáo sơ bộ của Viện Địa chất Na Uy, tốc độ lún sụt trong vài năm gần đây khoảng 3cm/năm.

Bộ NNPTNT cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng ven biển, đê bao, bờ bao quá sát đường bờ biển đã làm gia tăng nguy cơ gây xói lở bờ biển. Cùng với đó, nước biển có xu thế ngày càng dâng cao, trong vòng 20 năm qua, trung bình nước biển dâng cao từ 2 - 3mm/năm.

Trước tình trạng sạt lở bờ biển, cửa biển, cửa sông tại ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, ngay sau chuyến khảo sát ngày 29.5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND các địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý bờ biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành động xây dựng công trình, nhà ở, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp; tổ chức quản lý chặt chẽ rừng phòng hộ ven biển. Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập quy hoạch tổng thể chỉnh trị bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở hạn chế rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân.

Mùa mưa tại Nam Bộ đang bắt đầu, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra. Và ngay ngày 6.6, thông tin từ huyện Năm Căn: 15 căn nhà đã trôi xuống sông; sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra tại Hương Mai - Cái Cám, huyện U Minh - nơi Phó Thủ tướng vừa mới thị sát về.

Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm (từ 2011-2016), diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%; từ 194.723ha năm 2011, còn 179.384ha năm 2016 (giảm 15.339ha).


Thống kê của Bộ TNMT: toàn vùng ven biển ĐBSCL có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở, tổng chiều dài khoảng 147km, tốc độ xói lở từ 5-45m/năm, dẫn đến trung bình mỗi năm mất khoảng 500ha đất. Trong đó điển hình là bờ biển: Gò Công Đông (Tiền Giang); Bình Đại (Bến Tre); Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển tây (Cà Mau).

Nhật Hồ
TIN LIÊN QUAN

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.

Hà Nội bình yên, đẹp mơ màng trong sáng mùng 1 Tết

NHÓM PV |

Thời tiết Hà Nội vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão (tức 22.1) lạnh giá khiến người dân xuất hành du Xuân muộn hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

Nhóm PV |

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế cần có những cách thức quảng bá thương hiệu quốc gia, ngược lại thương hiệu quốc gia sẽ góp phần định vị nông sản của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trà My |

Năm 2023 đến với nhiều cơ hội và thách thức mới. Với đà tăng trưởng của năm 2022, kinh tế Việt Nam được cộng đồng các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.

Interactive: Sự tích bánh chưng bánh giầy ngày Tết vào đời Vua Hùng nào?

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình quây quần đón Tết, cùng nấu các món ăn ngon. Có rất nhiều món ăn đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, bánh giầy, dưa hành... vô cùng hấp dẫn. Tham gia trả lời các câu hỏi dưới đây của báo Lao Động để thử thách hiểu biết của bạn về các món ăn ngày Tết.

Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Dự báo thời tiết 22.1: Mùng 1 Tết Bắc Bộ mưa vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 22.1.2023, miền Bắc sáng sương mù có mưa nhỏ vài nơi, ngày nắng tăng nhiệt với nhiệt độ cao nhất khoảng 20 - 24 độ C. Đêm trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 15-19 độ C.

Thiêng liêng khoảnh khắc ra đời của những thiên thần nhỏ đêm Giao thừa

Thùy Linh- Đức Mạnh |

Vào đúng thời khắc Giao thừa, những em bé đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023 đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Khoảnh khắc những người mẹ được ôm vào lòng những thiên thần nhỏ mà mình đã "mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày" thật thiêng liêng, tràn đầy hạnh phúc.