Những dấu hỏi từ vụ kêu cứu của gia đình liệt sĩ ở Hà Nội

Lãng Quân |

Cách đây hơn 1 năm, Báo Lao Động nhận được đơn kêu cứu của bà Trương Thị Ủy và ông Trương Bá Ca (là hai chị em ruột) tố cáo những khuất tất của việc chuyển quyền thờ cúng bác ruột của họ - liệt sĩ (LS) Trương Bá Tùng sang gia đình khác. Tự dưng liệt sĩ trở thành “con nuôi” của một người mà bà Ủy với ông Ca cho rằng chỉ là “chị dâu” họ của liệt sĩ. Từ sự “xuống vai” này, những người liên quan ở cộng đồng nông thôn truyền thống ở thôn Đồng Lệ, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội rơi vào nhiều mâu thuẫn đau lòng.
Khi chị dâu họ bỗng trở thành “mẹ nuôi”

Trong khi câu chuyện được đưa lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lên Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, trải qua nhiều cuộc họp, thì hành trình tìm câu trả lời của PV Lao Động đã vấp phải những “rào cản” khó hiểu. Sở đẩy về huyện, xã. Xã, huyện bảo tài liệu Sở giữ chúng tôi không biết.

Chuyện có thể được tóm tắt như sau: Ở thôn Đồng Lệ, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội có một liệt sĩ chống Pháp rất được kính trọng. Theo Bằng Tổ quốc ghi công Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 9.8.2016: “Liệt sỹ Trương Bá Tùng, cán bộ A. Nguyên quán xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 7 tháng 3 năm 1950. Quyết định số 331/Ttg”. Việc ông Trương Bá Tùng hy sinh đã được Cục Người có công, Bộ LĐTBXH có văn bản ngày 9.8.2016 gửi cho ông Trương Bá Ca, nêu rõ: LS Tùng có thân nhân là mẹ Nguyễn Thị Cống. Đơn vị khi hy sinh là: E48, F320 (Trưởng phòng lưu trữ hồ sơ Nguyễn Thị Hưng đã ký). Hiện nay, phần mộ của LS Tùng (được ghi trên bia mộ và bia đá là Trương Bá Tòng) vẫn còn ở nghĩa trang LS xã, còn trên bia đá và trong lịch sử Đảng bộ địa phương.

Mọi việc tưởng như đã quá rõ ràng. Ông Trương Bá Khả, em trai liệt sĩ, bố đẻ của ông Ca và bà Ủy xuề xòa, dễ tính. Năm 2013 ông chết mà không hề biết là “quyền” thờ cúng LS Tùng - anh trai ông đã được chuyển sang nhà khác từ gần 20 năm trước, trong khi ngày giỗ anh mình, ông vẫn tổ chức giỗ bình thường. Gia phả chi ấy của dòng họ Trương Bá cũng viết rõ về ông Trương Bá Tùng, chết ngày nào và giỗ chạp, thờ cúng là do con trai ông Khả thực hiện.

Mọi chuyện chỉ ầm ĩ lên khi bỗng dưng, năm 2015, cháu ruột LS nhận thấy mình bị... xuống vai vế trong họ. Cụ thể, bà Ủy năm nay 65 tuổi, thấy một người trong họ tên là Minh cứ chào mình là “anh, chị” ngọt xớt. Chị em bà Ủy tìm hiểu, hóa ra, cụ Nguyễn Thị Diện, là bà nội của anh Minh kể trên đã được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH, sau khi LS Tùng được xác nhận là con nuôi cụ Diện. Tức là từ chỗ cụ Diện là chị dâu LS, nay trở thành vai trò phụ mẫu (“mẹ”). Theo thế, tất cả các quan hệ bị “dắt dây” vai vế xưng hô theo.

Bà Ủy và ông Ca vô cùng bức xúc, suốt khoảng 2 năm qua, họ đã gửi đi hàng trăm lá đơn lên đủ các cấp. Đơn kêu cứu của gia đình bà Ủy thì khẳng định vài chục lần, chỉ một mực: “... toàn bộ các giấy tờ liên quan đến hồ sơ liệt sĩ Trương Bá Tùng và các lời khai của thân nhân liệt sĩ qua những hội nghị Đảng ủy, UBND xã Hợp Đồng là giả mạo, làm sai lệch hồ sơ, gây mất quyền lợi của thân nhân, gia đình LS”.
Từ sự chuyển đổi quyền thờ cúng, tên liệt sĩ cũng bị ghi sai so với các văn bản gốc, tên trên bia mộ và bia đá nghĩa trang cũng không giống như hồ sơ gốc.
Sở nói liều...

Để tìm một sự thật khách quan nhất, chúng tôi đã về thôn Đồng Lệ, gặp, phỏng vấn, ghi hình khoảng 10 người cao niên từ 65-95 tuổi, từng chăn trâu cắt cỏ với LS Trương Bá Tùng, chứng kiến việc ông Tùng đi làm thuê cho gia đình nhà cụ Diện, cùng em trai LS đi cất bốc hài cốt LS, từng đến nhà cụ Cống (mẹ LS) để làm “công tác Trần Quốc Toản” giúp đỡ gia đình LS (có video kèm theo). Tức là LS đi ở nhà địa chủ kiếm ăn, khi đã biết làm lụng thành thạo, chứ không làm con nuôi. Suốt bao năm, LS được thờ cúng tại nhà cụ Cống (mẹ đẻ LS), đó cũng là ngôi nhà mà em trai LS là Trương Bá Khả đã sống, đã đi cất bốc hài cốt LS, và sống trọn cả đời ở đó.

Những gì bà con xác tín, hầu như ngược lại hoàn toàn với “trả lời chính thức” của cán bộ hữu trách cung cấp trước đó. Cụ thể, bà Lê Thị Minh Hương, Phó trưởng phòng Chính sách Người có công, đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội trả lời PV Lao Động: Trong toàn bộ hồ sơ từ xưa đến nay, cơ quan chức năng không hề biết đến vai trò của gia đình nhà nội của LS Tùng. Khi bà Ủy có đơn kiện thì Sở mới biết LS có các người em trai và các cháu ruột. Từ xưa đến nay gia đình nhà ông Trương Bá Khả (em trai LS) có thờ cúng, chăm sóc phần mộ LS không? Gia đình phớt lờ. Đến ngày giỗ không làm cái gì cho liệt sĩ. Chỉ có gia đình nhà bà Diện chăm sóc thờ cúng.

Chừng 2 năm qua, cơ quan chức năng xã, huyện, Sở LĐTBXH Hà Nội vẫn một mực trả lời là họ làm đúng. Ít ra là đúng theo hồ sơ từ xã đưa lên. Có đủ văn bản các cuộc họp nội tộc để chuyển quyền thờ cúng sang nhà cụ Diện. Văn bản của Sở báo cáo Thành ủy Hà Nội về vụ này nói rõ: Ngày 20.7.1984, ở xã Hợp Đồng có hội nghị liên tịch xét công nhận công lao nuôi dưỡng của bà Diện với LS Tùng; năm 2013 lại có một cuộc nữa để nội tộc nhà LS “chuyển quyền thờ cúng” sang nhà khác.

Tuy nhiên, chúng tôi về phỏng vấn hầu như đủ các nhân vật mà lẽ ra phải có mặt trong cuộc họp nội tộc kể trên, từ năm 2013 đến nay chỉ có mỗi ông Trương Bá Tạc chết... - thì họ tộc nhà LS hầu như không ai tham dự các cuộc họp trên, trưởng họ không, các em trai và cháu ruột LS cũng không.

Cuối tháng 6 năm 2017, trong một cuộc họp căng thẳng, ông Nghĩa, Trưởng phòng LĐTBXH Chương Mỹ đã đưa ra một văn bản chứng minh là gia đình bà Ủy đã “nhường” quyền thờ cúng cho gia đình cụ Diện, ở đó có chữ ký của bố bà Ủy là cụ Trương Bá Khả. Cụ Khả mất cách đây 4 năm, không để lại di chúc về việc mình đã từng ký vào văn bản trên hay không. Điều này hoàn toàn ngược lại với trả lời của đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội trước đó, rằng hồ sơ chỉ có chữ ký của gia đình nhà mẹ nuôi LS, không thể hiện gì về “nhà đẻ”!

Chưa hết, văn bản trên gồm có 7 chữ ký. Ít nhất, hai người trong số đó bị nghi là không hề tham dự họp, không hề ký nhưng vẫn “xuất hiện” chữ ký “đồng thuận” ở cuối văn bản. Đó là ông Trương Bá Khả, em trai LS và ông Trương Bá Tạc, trưởng họ. Văn bản trên được viết và ký ngày 28.10.2001, khi ấy ông Khả còn rất khỏe, vậy mà trong nội dung văn bản sai đến mức không thể chấp nhận được, mà ông Khả vẫn đặt bút ký? Liệu có ai dám ký vào một văn bản mà ở đó người ta viết mình là trưởng chi trong gia tộc thiêng liêng nhà mình, khi mà mình không hề có cương vị đó? Và, liệu ông Khả có đồng ý để ai đó tự phong mình là “trưởng chi” trong khi trưởng chi chính thức (anh Minh) đang ngồi bên cạnh và cũng “ký” vào bên cạnh?

Cũng trong văn bản đó, họ ghi ông Trương Bá Ngũ là “em họ của Liệt sĩ”, trong khi ông Ngũ rành rành là em ruột của LS, thậm chí người em ruột tiếp theo của LS (ông Khả) cũng ngồi và nghe đọc văn bản đó, xem viết văn bản đó, rồi ký vào văn bản đó. Và, còn lạ lùng hơn, trong những người được liệt kê có mặt, chứng kiến, thay mặt dòng tộc, ký văn bản còn có bà Trương Thị Nông, văn bản ghi rõ “chị gái của liệt sĩ”. Thực tế thì cả làng cả xã ai cũng biết, bà Nông là cháu họ của liệt sĩ, kém LS 9 tuổi hẳn hoi.

Chưa hết, chúng tôi đã sưu tầm trong tay 2 bản di chúc của ông Trương Bá Khả và ông Trương Bá Tạc, thì thấy chữ ký của các cụ (bản gốc) hoàn toàn khác với chữ ký trong văn bản kể trên. Đại gia đình bà Ủy bức xúc: Nhìn bằng mắt thường cũng thấy dường như chữ của người viết văn bản trên với chữ của người ký tên các ông Tạc, Khả đều là một. Chữ “Khả” trong tên ông “Trương Bá Khả” thành phần tham dự, giống hệt với chữ ký của “cụ Khả” ở gần cuối văn bản. Và nó khác hoàn toàn với chữ ký của chính cụ Khả trong di chúc. Tương tự, sự “nghi ngờ lớn” cũng diễn ra như vậy với chữ ký của ông Trương Bá Tạc.

Một câu chuyện rõ ràng, cả làng cả xã đều biết (LS được thờ cúng ở nhà cụ Cống, ông Khả), bỗng dưng bị “quay ngoắt” khó hiểu như vậy. Khó hiểu hơn là thái độ “bí mật” của cơ quan hữu trách, bí mật trước báo chí và thân nhân LS “chính danh” cần tìm hiểu.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Sự mờ ám, quanh co, đùn đẩy trách nhiệm của các cấp hữu quan thời gian qua, có thể nói là: Dù muốn tin vào sự minh bạch của vụ việc, người ta chẳng tìm được lý do để tin. Cơ quan cấp trên cũng cần nghiêm túc thanh kiểm tra xem có hay không “đường dây” làm sai lệch, làm giả hồ sơ người có công ở địa phương, như tố cáo của bà Ủy. Bằng không, gia đình bà Ủy cần chấm dứt kiện cáo, có lời xin lỗi với những cán bộ đã bị bà tố cáo làm lệch hồ sơ LS và hồ sơ Mẹ VNAH.
Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Hai lão nông khui 3000 hồ sơ thương binh giả xứng đáng nhận bằng khen của Thủ tướng?

Nguyễn Hà - Phạm Dung |

Chiều 23.6, hai lão nông Bắc Ninh khui gần 3000 hồ sơ thương binh giả đã được Bộ LĐTBXH trao tặng bằng khen. Tuy nhiên trước đó, trao đổi với phóng viên luật sư Trần Thu Nam cho rằng với những gì đã làm, hai lão nông xứng đáng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Hai lão nông khui 3000 hồ sơ thương binh giả xứng đáng nhận bằng khen của Thủ tướng?

Nguyễn Hà - Phạm Dung |

Chiều 23.6, hai lão nông Bắc Ninh khui gần 3000 hồ sơ thương binh giả đã được Bộ LĐTBXH trao tặng bằng khen. Tuy nhiên trước đó, trao đổi với phóng viên luật sư Trần Thu Nam cho rằng với những gì đã làm, hai lão nông xứng đáng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.