Những cô gái mang giấc mơ ngược về mây ngàn

Lê Tuyết |

46 nữ sinh của 22 dân tộc thiểu số đến từ 28 tỉnh, thành được nhận học bổng của dự án “Mở đường đến tương lai” do Quỹ học bổng Vừ A Dính và VinaCapital Foundation thực hiện - đã đi đến đích với hành trình 7 năm. Từ những cô gái da đen nhẻm, mỗi tháng đi viện một lần vì… ốm đói, nguy cơ bỏ học, lấy chồng sớm, sinh con như cái án treo lơ lửng trên đầu… Nay, họ đã là những cô gái tự tin: Tự tin nói về mình, giấc mơ lớn của cuộc đời mình, dân tộc của mình…

Vẫn giật mình mỗi khi nhớ về tuổi thơ

“Xinh quá!” - tôi buột miệng thốt lên khi cô gái có dáng người cao ráo, nụ cười tươi tắn khoe chiếc răng khểnh, gật đầu chào tôi. Nghe lời khen, má em hơi ửng đỏ: “Em cảm ơn chị. Nếu chị gặp em 7 năm trước, chắc sẽ thốt lên “Khiếp quá” đấy!”.

Em là Lò Thị Phương Liên, dân tộc Thái. Liên sinh ra ở bản Mòn, xã Phiên Bang, huyện Bắc Yên, Sơn La. Bố em là một người nghiện rượu, say triền miên. Điều ám ảnh Liên cho tới giờ là mỗi khi say, bố đều đánh mẹ. Không thể chịu nổi những trận đòn của chồng, mẹ Liên xin ly hôn. Sau ly hôn, mẹ Liên đưa hai chị em rời bản, để lại toàn bộ nhà cửa, đất ruộng cho ba.

Liên bảo: “Mẹ em vay nóng ở đâu đó mua lại căn nhà của một người ở liên tiểu khu 7, Phiêng Bang 1, thị trấn Bắc Yên. Họ xây nhà mới nên bán lại căn nhà vách đất. Em không thể nào quên được cái bức tường đất nứt toác từ mái xuống chân, lúc nào cũng chực chờ đổ sập. Năm ấy, em mới học lớp 3”.

Tiền lương công nhân cầu đường không đủ sống, mẹ Liên lại vay tiền mua nương cách chỗ ở mới 15 cây số. Thu nhập từ hai công việc không được bao nhiêu nhưng sức khỏe của mẹ lại bị bào mòn ghê gớm. Hai chị em còn quá nhỏ để có thể đỡ đần được mẹ. Liên kể: “Hồi ấy, em lúc nào cũng sợ mình sẽ phải nghỉ học. Bởi mỗi lần nhắc đến học phí, mẹ em lại chạy đi vay nóng. Nhà em chẳng có gì để ăn. Nhiều khi em quên mất cả mùi vị, cách ăn thịt. Người em gầy đét, đen nhẻm, tóc dài tới gót chân. Đến nỗi khi vào cấp ba, được nhận học bổng của dự án “Mở đường đến tương lai”, mỗi tháng em nhập viện ít nhất một lần để điều trị bệnh… ốm đói”. Kể đến đây, Liên cười, khuôn mặt dường như đã bớt tươi.

“Em từng mong, mình lớn nhanh để đi làm công nhân, để kiếm thật nhiều tiền, để ông bà đỡ khổ” - Hoàng Thị Tâm, người dân tộc Tày, chia sẻ về giấc mơ con trẻ của mình. Năm Tâm học lớp 2 thì ba mất. Mẹ vay nợ đủ kiểu để xoay xở, đến năm Tâm học lớp 7, các khoản nợ sinh lãi lớn đến nỗi, mẹ không trả nổi, phải bỏ con lại cho ông bà, đi biệt xứ. Ông bà ngoài 70 tuổi, chạy ăn từng bữa, nay đèo bồng thêm hai đứa cháu tuổi ăn tuổi lớn. Tâm bảo: “Anh trai em học hết lớp 12 thì lấy vợ, sinh con. Khi ấy, em ước mình lớn nhanh lên, đi làm công nhân. Lương công nhân tháng được mấy triệu. Nhiều lắm! Đủ nuôi ông bà”.

“Nhưng em đã không được làm công nhân” - Tâm cười. Tâm thi đậu vào Trường THPT chuyên Bắc Kạn, chú em làm đơn xin rút hồ sơ cho em về trường huyện Chợ Đồn để gần nhà. Thầy hiệu trưởng biết hoàn cảnh của Tâm, thuyết phục chú để Tâm ở lại trường, giai đoạn đầu, thầy hỗ trợ chi phí ăn ở. Thầy hướng dẫn Tâm làm hồ sơ xin gửi đến dự án “Mở đường đến tương lai” để xin học bổng. “Hồ sơ đó đã làm thay đổi cuộc đời em” - Tâm bồi hồi.

Một tháng sau Tâm được thông báo là một trong 50 nữ sinh được Dự án “Mở đường đến tương lai” tài trợ học phí, chi phí ăn ở suốt 7 năm học, bao gồm 3 năm phổ thông và 4 năm đại học, chưa kể các lớp học ngoại khóa, trau dồi kỹ năng mềm, những buổi giao lưu, gặp gỡ với những nhà lãnh đạo nữ, lắng nghe những câu chuyện để tự bản thân mình hoàn thiện hơn!

“Em muốn trở về với bản làng, bên mẹ và những đứa em”

Liên, Tâm là 2 trong số 50 nữ sinh được nhận học bổng trong giai đoạn 1 của Dự án “Mở đường đến tương lai”. Nhiều em không chỉ gặp những bất hạnh ở gia đình mà còn là nạn nhân của những hủ tục của dân tộc mình. Nói như bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính: “Nếu không có những hỗ trợ kịp thời cho các em, các em sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của tập tục dân tộc mình, lấy chồng sớm, sinh con. Chúng ta không thể để các em cứ lam lũ bên bìa rừng, bờ suối rồi cuộc đời bế tắc”.

Trong buổi gặp mặt tổng kết giai đoạn 1 và giới thiệu giai đoạn 2 của Dự án, bà Trương Mỹ Hoa không giấu được những giọt nước mắt: “Khi dự án được khởi đầu, chúng tôi chọn được 50 em nhưng chỉ có 46 em về đến đích. Nhiều em không vượt qua được rào cản từ gia đình, hủ tục của dân tộc mình. Có em, người yêu thông báo nếu không về làm đám cưới, sẽ ăn lá ngón mà chết. Các em không về đến đích, đó là điều những người làm dự án hối tiếc nhất. Đó cũng là bài học kinh nghiệm để chúng tôi làm tốt hơn ở giai đoạn 2 của dự án. Chúng tôi phải yêu cầu, vận động gia đình cam kết, không bắt các em về quê lấy chồng khi chương trình học chưa kết thúc”.

Theo bà Robin King Austin - Giám đốc điều hành VinaCapital Foundation - tạm tổng kết giai đoạn 1, 92% số nữ sinh đã vào đại học, cao đẳng, 76% đã tốt nghiệp và trong đó 62% đã có việc làm. 12 em còn lại sẽ tốt nghiệp các ngành luật, y dược và một số ngành khác trong năm 2017 và 2018.

Bà Trương Mỹ Hoa cho biết, mục tiêu của Dự án “Mở đường đến tương lai” là tạo điều kiện tối đa để những nữ sinh từ các cộng đồng dân tộc thiểu số vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó, thoát khỏi những định kiến, tập tục còn lạc hậu để có thể phát triển toàn diện, trở thành đội ngũ cán bộ nữ tương lai cho các vùng miền núi khó khăn, cho chính dân tộc các em. Vì lẽ đó, sau khi tốt nghiệp, Quỹ Học bổng Vừ A Dính có văn bản gửi cho từng địa phương, bao gồm cả bảng điểm, xếp loại tốt nghiệp, hạnh kiểm, đạo đức và mong địa phương tạo điều kiện để các em được làm việc tại địa phương.

“Mơ ước của em là được trở về với quê em, về với mẹ, với chị. Chị gái em đang đi dạy học, lớp học chỉ có mấy em học trò thôi nhưng chị yêu lớp học lắm. Mỗi lần nghe chị nói chuyện, em muốn được cùng với chị trao cho những đứa trẻ quê em một cơ hội. Nhưng về quê không phải dễ, chị à. Em tìm hiểu, nộp hồ sơ khắp nơi nhưng không có cơ hội. Em lại quay trở lại Sài Gòn nhưng em sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mơ trở về” - Phương Liên chia sẻ.

Giống như Liên, nhiều nữ sinh, sau khi tốt nghiệp đã quay về với bản mường của mình nhưng không phải ai cũng có cơ hội ở nơi từng được sinh ra. Văn Nữ Bảo Khanh, dân tộc Chăm, quê ở Ninh Thuận, bộc bạch: “Chúng em là những người thật sự rất may mắn mới nhận được học bổng này. Bởi trước, cùng và sau em còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn cả tụi em. Cho nên, sau khi học xong, em mong được trở về quê hương để chia sẻ điều mình đã được học, đã được nhận với cộng đồng nhưng điều đó không phải dễ”.

Chặng đường 7 năm của dự án khép lại, trước mắt 46 nữ sinh là một chặng đường mới. Trong mỗi câu chuyện của mình, các em đều mong muốn được trở về với nơi mình sinh ra, xong có lẽ để thực hiện ước mơ ấy, phía trước các em sẽ gặp không ít thử thách! Và nói như Hồ Thị Rủa, dân tộc Vân Kiều, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị thì “Dù còn khó khăn nhưng tôi sẽ không lùi bước!”.

Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Cựu Tổng thống Nga dự đoán sẽ có liên minh quân sự mới phản đối Mỹ

Song Minh |

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, khủng hoảng Ukraina có thể dẫn đến việc thành lập một liên minh quân sự mới phản đối Mỹ.

Cây mai vàng 60 năm tuổi, tán rộng hơn 5 mét ở Đồng Nai hút khách tham quan

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Theo ghi nhận của PV báo Lao Động vào ngày 23.1, tức mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, rất đông người dân tại Đồng Nai cũng như các tỉnh lân cận đã tập trung đến chơi Tết, chiêm ngưỡng và chụp ảnh chung với cây mai vàng đã gần 60 năm tuổi nổi tiếng khắp cả nước tại đường Ngô Quyền, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc.

Khách quốc tế trở lại Việt Nam lần thứ 4 để trải nghiệm không khí Tết

Nhóm PV |

Dù chọn đến Việt Nam với những mục đích khác nhau, nhưng du khách quốc tế đều bị thu hút bởi Tết Nguyên đán với những nét văn hóa cổ truyền. Thậm chí có người quyết tâm quay lại Việt Nam lần thứ 4 để tận hưởng trọn vẹn không khí Tết.

Chơi đâu khi du xuân Đà Lạt dịp Tết Quý Mão 2023?

Thuý Ngọc |

Tết đến Xuân về, những địa điểm đẹp du xuân luôn là chủ đề được bàn tán xôn xao. Trải nghiệm du xuân Đà Lạt với không khí trong lành ngày Tết, chắc hẳn sẽ không làm bạn trở nên thất vọng.

Du hành ở xa lộ Hẻo lánh: Cung đường vắng vẻ nhất thế giới

Thanh Hà |

Trải dài 2.700km từ Laverton ở Tây Australia đến Winton ở Queensland xa xôi, Outback Way (hay xa lộ Hẻo lánh) là "lối tắt" tuyệt vời giúp tiết kiệm nhiều tuần di chuyển ở Australia. 

Xe dịch vụ nhận khách không xuể dịp Tết

Anh Thư |

Những ngày Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, thăm thân của người dân tăng cao. Đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều lái xe dịch vụ đã chạy xuyên Tết.

Vắng lặng quán ăn, nhộn nhịp hàng cà phê dịp Tết

Hiếu Anh |

Những ngày đầu năm mới Tết Quý Mão 2023, hầu như các quán ăn chưa mở cửa. Thế nhưng, các quán cà phê lại nhộn nhịp khách.

Vườn nhân cây giống Xích Tùng cổ Yên Tử duy nhất của cả nước

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Chứng kiến một số cây Xích Tùng cổ hơn 700 tuổi trên Yên Tử chết hoặc bị thời tiết, sâu bọ gây hại và có nguy cơ chết, trong khi chưa tìm ra giống để trồng thay thế, anh Phạm Văn Sự - nguyên nhân viên của Ban Quản lý rừng quốc gia và di tích Yên Tử - đã tìm tòi, nghiên cứu và nhân giống thành công giống cây này. Anh là người đầu tiên và duy nhất cho đến hiện nay nhân giống được giống cây Xích Tùng cổ trên Yên Tử.