Miền Tây - những mảnh giáp bảo vệ cuối cùng đang vỡ

Hoàng Văn Minh - Hữu Danh |

Miền Tây Nam Bộ đang nóng hầm hập với chuyện sạt lở, mất đất từ sông đến biển. Nhưng đâu mỗi chuyện mất đất, những mảnh giáp bảo vệ cuối cùng của miền Tây đang vỡ ra từng mảnh, và vùng đất này đang đối diện với những mất mát khác còn lớn hơn về sinh kế, về tình người, về những tan rã từ ngay chính bữa cơm gia đình…

Kỳ 1: Điêu đứng vì tín dụng đen trá hình

Bây giờ tới đâu ở ĐBSCL cũng nghe kể, nghe tố chuyện người dân đã và đang điêu đứng vì tín dụng đen trá hình và những “ngân hàng trụ điện”. Ví như một nông dân ở Cần Đước (Long An) vay người ta 130 triệu đồng để trả nợ ngân hàng và trong vòng chưa đầy 2 năm cả vốn lẫn lãi lên đến… 912 triệu đồng. Không còn cách nào khác, người này phải cấn toàn bộ ruộng vườn, nhà cửa cho chủ nợ. Ngay lập tức, chủ nợ cho người đến… đào cả mồ mả trên đất “để bán cho có giá”.

Tự tử vì không có tiền trả nợ

Trong căn nhà của mình ở xã Long Hòa (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), ông Nguyễn Văn Nhỏ, người quá “lớn” so với tuổi 50 ngồi bất động không thèm chào khách. Chuyện cứ thấy ông ngơ ngác như thể vừa từ cõi chết trở về. Sau mới biết hóa ra ông Nhỏ vừa bị thần chết “chê” thật - một vụ tự tử không thành.

Nguyên nhân bắt đầu từ việc ông Nhỏ vay 130 triệu đồng của Ngân hàng Đại Tín để sản xuất nông nghiệp. Sau khi Đại Tín chuyển tên thành Ngân hàng Xây Dựng, ông Nhỏ không được vay vốn nên phải vay của một tổ chức bên ngoài do ông Phạm Quốc Thịnh cầm đầu để trả nợ ngân hàng. Những người cho vay chỉ lấy lãi 5%/tháng, nhưng tiền “dịch vụ” là 10% trên vốn vay (ví dụ vay 100 triệu đồng nhưng thực chất chỉ nhận được khoảng 87 - 89 triệu đồng tùy thủ tục vay lãi dài hay ngắn).

Hằng tháng, những người trong nhóm cho vay sẽ thay đổi hợp đồng, thay người cho vay để ký hợp đồng mới và tất nhiên họ sẽ thu “phí dịch vụ” mới. Bằng cách này, chỉ trong thời gian chưa tới 2 năm, số nợ của ông Nhỏ từ 130 triệu đồng đã “phình” lên đến… 912 triệu đồng. Lúc này, ông Nhỏ chỉ đủ khả năng chỉ trả lãi được 82 triệu đồng và còn nợ lại 830 triệu đồng.

Không còn cách nào khác, ông Nhỏ phải trả nợ cho ông Thịnh bằng các hợp đồng “bán đất”. Và khi ông Nhỏ không còn đất nào để bán, một người tên Mười “nổ” giới thiệu cho ông Nhỏ vay tiền của bà Nguyễn Thị Hằng bên Cần Giuộc để trả cho ông Thịnh. Do ông Nhỏ không còn tài sản thế chấp nên nhóm này gạ bà Lý Thị Há (75 tuổi - mẹ ông Nhỏ) đứng ra “bảo lãnh” để cho vay. Thực tế, đây là một cú lừa ngoạn mục khi tại phòng công chứng, bà Há đã ký vào hợp đồng “bán đất” cho bà Hằng chứ không phải “bảo lãnh” cho vay như lời nói.

Ngoạn mục hơn, bà Há đã ký tay hợp đồng bán toàn bộ đất thổ cư 258m2 và căn nhà bêtông rộng 180m2 cho bà Hằng với giá... 100 triệu đồng (trong khi thực tế, toàn bộ nhà và đất của bà Há được định giá hơn 700 triệu).

Bà Há vừa than trời vừa kể: “Ông Thịnh kêu tôi ra phòng công chứng rồi kêu ký tên bảo lãnh cho con tôi vay 30 triệu đồng. Tôi mắt mờ, kêu ký là ký chứ không thấy mặt chữ, sau này làm việc với công an mới biết họ đã lừa lấy sạch giấy tờ, tài sản của tôi”.

Chưa hết, khi không còn đất sản xuất cũng như nhà cửa để ở, ông Thịnh quay sang ký hợp đồng cho ông Nhỏ “thuê nhà và đất” với giá 27.500.000 đồng/tháng, tức hơn 330.000.000 đồng/năm cho 0,7ha đất lúa. Giá này cao gấp 11-15 lần so với giá cho thuê tại khu vực này. Ông Nhỏ nói: “Tôi giấu gia đình, không dám nói nhà cửa đất đai đã mất sạch. Thực chất số tiền 27.500.000 đồng/tháng này là tiền lãi, vì chuyển đất qua cho ông Thịnh đứng tên xong tôi vẫn còn nợ và phải trả lãi cho ông Thịnh”.

Một thời gian sau, khi có mối mua đất, ông Thịnh cho người đến đào các ngôi mộ trên đất ông Nhỏ “để dễ bán”. Đào xong, nhóm này vứt các tấm ván quan tài trên mặt đất cùng một quả đạn pháo. Sau khi nhóm người này bỏ đi, chừng 10 phút sau thì ông Nhỏ uống thuốc độc tự vẫn nhưng không thành.

“Tôi giờ sống không bằng chết” - ông Nhỏ bất ngờ khóc thành tiếng. “Tôi là con liệt sĩ, mẹ tôi đi kháng chiến bị địch bắt 4 lần. Bản thân tôi từng làm phó công an xã, nghèo quá phải nghỉ để làm ruộng. Vì lâm cảnh nợ nần, đất mẹ tôi đang thờ cúng cha tôi cũng bị gán nợ nên tôi không còn muốn sống nữa...”.

Hợp đồng giả cách và “ngân hàng trụ điện”

Thực tế ở Long An và nhiều địa phương khác của ĐBSCL, chuyện người dân đi vay nợ, nhưng thay vì ký vào hợp đồng mượn tiền họ lại bị “yêu cầu” hoặc lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất… mà số tiền ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản như trường hợp bà Lý Thị Há (mẹ ông Nguyễn Văn Nhỏ ở Long An) không ít, nếu không muốn nói là phổ biến. Thông thường, các chủ nợ đưa ra “giao kèo”, khi thanh toán xong tiền nợ, sẽ trả lại hợp đồng cho người vay. Nhưng trên thực tế, thường bị lãi mẹ chồng lãi con, dẫn đến người vay mất khả năng chi trả nên chỉ biết tức tưởi nhìn tài sản mất vào tay chủ nợ hoặc tìm đến cái chết để “giải thoát”.

“Những hợp đồng kiểu này được gọi nôm na là hợp đồng giả cách” - ông Võ Minh Thành - nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Long An - giải thích: “Chúng tôi phát hiện tình trạng này từ năm 2012, xảy ra tại một số huyện như Đức Hòa, Bến Lức… và đã có văn bản để chấn chỉnh”.

Theo ông Thành, dạng hợp đồng này dễ phát hiện vì chênh lệch tài sản quá lớn, giá trị tài sản có thể là 1 tỉ đồng, nhưng trong hợp đồng chỉ ghi 200 - 300 triệu đồng.

“Hồi còn làm Sở Tư pháp, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở hành nghề công chứng phải giải thích rõ cho người dân hiểu đây thực chất là hợp đồng chuyển nhượng, các cơ sở công chứng cũng đã phát hiện, giải thích và từ chối công chứng, nhưng có trường hợp người dân (có thể vì túng quá) quay lại tự nguyện ký vào hợp đồng” - ông Thành nói.

Ở ĐBSCL bây giờ, mọi con đường vay nợ đều dẫn đến… hợp đồng giả cách. Và con đường phổ biến nhất hiện nay là những “ngân hàng trụ điện”, “ngân hàng gầm cầu” với quảng cáo “vay vốn ngân hàng không thế chấp, chỉ cần thỏa mãn 1 trong 4 điều kiện gồm có hưởng lương, có hóa đơn tiền điện, có mua bảo hiểm nhân thọ, có mua hàng trả góp” được dán nhan nhản ở tất cả các trụ điện, gầm cầu… từ nông thôn cho đến thành thị kèm theo cả số điện thoại. Tuy nhiên khi chúng tôi gọi thử một vài số thì thông tin phản hồi lại ấm ớ, không rõ ràng.

“Tôi khẳng định luôn là hiện không có ngân hàng nào quảng cáo bằng cách treo mảnh giấy bé tẹo lên cột điện hay gầm cầu như chúng ta thấy. Đứng ra làm công việc này, có trường hợp là nhân viên hoặc cộng tác viên của các ngân hàng thương mại, nhưng cũng có cả những trường hợp tín dụng đen, nôm na là bọn cho vay nóng, nặng lãi trà trộn vào khiến nhiều người nhầm lẫn là tín dụng ngân hàng, dẫn đến mắc bẫy lãi suất” - cán bộ một ngân hàng thương mại ở Bến Tre, xin không nêu tên, nói.

Cũng theo cán bộ này, thường “bọn” tín dụng đen rất khôn khéo khi chuyển cách tính lãi từ % sang tính con số. Cụ thể, với mức lãi suất từ 2.000 - 3.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương từ 72-108%/năm), thậm chí có thể lên đến 5.000 - 7.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương từ 180-250%/năm). Nếu vay 50 triệu đồng trong 5 tháng, lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Số tiền lãi 1 ngày là 150.000 đồng; 1 tháng là 4,5 triệu đồng và sau 5 tháng là 22,5 triệu, gần bằng một nửa số tiền gốc.

Sau 5 tháng, nếu người vay không trả được gốc và lãi thì lãi phát sinh sẽ được cộng vào gốc (bằng 72,5 triệu đồng) và tiếp tục tính lãi như cách trên. Đến một lúc nào đó, khi không còn khả năng trả nợ, “bọn” tín dụng đen sẽ chìa ra các hợp đồng “bán đất” hoặc “giả cách” như ví dụ về ông Nguyễn Văn Nhỏ ở Long An. Hoặc cho đội quân đòi nợ thuê rất manh động và liều lĩnh đến “làm việc”.

Nợ chồng nợ đến một lúc không còn khả năng chi trả, người dân tự nguyện mang giấy tờ đất của mình đến giao luôn cho chủ nợ để trừ tiền. Và đã có những “địa chủ” kiểu mới được hình thành theo cách này. “Năm nay ngoài tiền lãi nuôi trồng, tôi còn gom được thêm 2 tỉ tiền đất từ những người mua nợ thuốc trừ sâu và phân bón” - một “địa chủ” ở huyện Đức Huệ (Long An) hồn nhiên khoe với chúng tôi bên bàn rượu trong một buổi chiều mưa tầm tã hôm nọ. Thế còn những người dân mất đất họ sống như thế nào? “Đến làm thuê cho tôi hoặc dắt díu nhau đi Bình Dương làm công nhân!”. Nghe câu trả lời mà ứa nước mắt…

Hoàng Văn Minh - Hữu Danh
TIN LIÊN QUAN

Tín dụng đen: Ma trận ảo “siết cổ” người vay

Ngọc Linh |

Trước hàng loạt thủ tục rườm rà của các ngân hàng thương mại, nhiều người sẵn sàng chấp nhận vay tín dụng đen để lấy vốn sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng dù biết lãi suất cho vay của loại hình này luôn ở mức “cắt cổ”.

“Tín dụng đen” bủa vây công nhân

NHÓM PHÓNG VIÊN |

“Tín dụng đen” với mức lãi suất “cắt cổ” đã và đang bủa vây công nhân các khu công nghiệp và người dân, đặc biệt dịp tết đến, xuân về. Vào mỗi dịp cuối năm, khi người công nhân (nhất là lao động xa quê) cần một khoản tiền đáng kể để trang trải cuộc sống bản thân và gia đình, thì “tín dụng đen” lại phát tác, lập tức bủa vây người lao động. Thực trạng này đến hẹn lại lên đã nhiều năm nay nhưng chưa có thuốc chữa.

Đề nghị kỷ luật nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Vương Trần |

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sớm nghiên cứu nguồn kinh phí hỗ trợ đoàn viên, người lao động mất việc làm

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ nêu yêu cầu này nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.

Nam ca sĩ sưu tầm 120 lá cờ khi du lịch vòng quanh thế giới

Chí Long |

Nhân dịp đầu năm mới 2023, ca sĩ Đoan Trường chia sẻ về hành trình du lịch vòng quanh thế giới và sưu tầm 120 lá cờ từ các nước mà anh từng đi qua.

Tài chính thông minh: Kế hoạch chi tiêu để Tết không liêu xiêu

Nhóm PV |

Nếu thiếu kinh nghiệm, bạn rất dễ bội chi và cháy túi vì tiêu xài quá nhiều trong dịp Tết. Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) này, bà Nguyễn Thùy Chi - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ bật mí bí quyết để có thể cùng gia đình tiết kiệm mà vẫn đón Tết ấm áp và trọn vẹn.

Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn: Cục Quản lý thị trường HN lên tiếng

NHÓM PV |

Liên quan đến loạt bài phản ánh “Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn”, trao đổi với Lao Động, Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội - Trần Việt Hùng - thừa nhận: thực tế việc các đơn vị kinh doanh thực phẩm chỉ nhập một lượng nhỏ hàng hoá có hóa đơn, chứng từ rồi trà trộn thực phẩm bẩn sau đó bán ra thị trường là có tồn tại.

Thêm một giám đốc công ty đăng kiểm ở Bắc Giang bị bắt tạm giam

Vân Trường |

Công an tỉnh Bắc Giang vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Nam.

Tín dụng đen: Ma trận ảo “siết cổ” người vay

Ngọc Linh |

Trước hàng loạt thủ tục rườm rà của các ngân hàng thương mại, nhiều người sẵn sàng chấp nhận vay tín dụng đen để lấy vốn sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng dù biết lãi suất cho vay của loại hình này luôn ở mức “cắt cổ”.

“Tín dụng đen” bủa vây công nhân

NHÓM PHÓNG VIÊN |

“Tín dụng đen” với mức lãi suất “cắt cổ” đã và đang bủa vây công nhân các khu công nghiệp và người dân, đặc biệt dịp tết đến, xuân về. Vào mỗi dịp cuối năm, khi người công nhân (nhất là lao động xa quê) cần một khoản tiền đáng kể để trang trải cuộc sống bản thân và gia đình, thì “tín dụng đen” lại phát tác, lập tức bủa vây người lao động. Thực trạng này đến hẹn lại lên đã nhiều năm nay nhưng chưa có thuốc chữa.