Giữa rừng Cát Tiên, làng S’Tiêng đang chờ có điện

K’LIỆP |

“Nhờ chịu khó làm ăn, nhiều người S’Tiêng bên dòng sông Đồng Nai đã có nhà cửa, vườn tược ổn định, bà con không còn lạc hậu... Tuy nhiên, điều thiết yếu bà con mong mỏi nhiều nhất là sớm có đường điện về làng” - già làng Điểu K’Mốt ở thôn 3, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) - nói.

Không còn sống nhờ rừng như xưa

Vừa gặp chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Nam - Chủ tịch xã Phước Cát 2 - cho biết: Người S’Tiêng hàng trăm năm sống trong vùng rừng giáp ranh giữa ba tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, nơi có Vườn Quốc gia Cát Tiên. Đời sống bà con xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) có nhiều thay đổi rõ nét, đặc biệt, tại thôn 3, thôn 4 - vùng xa nhất, khó khăn nhất. Bà con đã biết tập trung làm kinh tế, trồng cây điều, cây chè, chăn nuôi bò, dê...

Không còn sống nhờ rừng như xưa. Nhiều hạng mục đã được Nhà nước đầu tư xây dựng như mở đường bêtông tới thôn 3, thôn 4, xây dựng phân trường tiểu học, trạm xá, nhà văn hóa thôn. Cơ sở hạ tầng trên là điều kiện để xã Phước Cát 2 sớm hoàn thiện mục tiêu xã nông thôn mới. Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là đường lưới điện chưa đến với bà con S’Tiêng tại 2 thôn nói trên. Vì thế, mong các cấp có thẩm quyền sớm đầu tư để bà con ổn định cuộc sống.

Chúng tôi theo chân anh Nông Văn Thụ (Bí thư Đảng ủy xã Phước Cát 2) vượt hàng chục kilomet đường bêtông đến thôn 3. Trên đường đi, anh Thụ không ngừng kể về người S’Tiêng nơi đây và những đổi thay của buôn làng.

Thôn 3 là một trong những thôn xa nhất của xã Phước Cát 2, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, người dân đa phần là hộ nghèo. Toàn thôn có 35 hộ với 163 nhân khẩu, sinh sống trên một vùng đất bằng phẳng như lòng chảo được bao bọc bốn bề rừng núi và những vườn điều. Anh Thụ cho biết: “Bà con người S’Tiêng sống chủ yếu nhờ cây điều và một ít cà phê, cây chè. Bây giờ, người dân còn có thêm thu nhập từ việc nhận giao khoán bảo vệ rừng. Người S’Tiêng thật thà, chịu khó, rất hiếu khách. Trước năm 2004, để đi từ thôn Phước Thái vào thôn 3, phải đi bằng đường sông trên những chiếc xuồng, 2 ngày mới có một chuyến...”.

Năm 2005, công trình thanh niên mở đường mòn dẫn từ trung tâm xã vào thôn 3 nhưng phải đến năm 2010 mới chấm dứt việc đi xuồng. Con đường bêtông được hoàn thành cách đây một năm nên đến giờ, niềm vui có đường mới vẫn còn hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân. Để làm đường, chính quyền và người dân phải băng rừng, chặt cây tạo thành đường mòn rồi mở rộng dần. Khó khăn nhất là nằm trong khu vực Rừng Quốc gia Cát Tiên nên mỗi lần mở đường phải tuyệt đối hạn chế xâm hại đến hệ sinh thái rừng.

Tại trung tâm thôn 3, anh Điểu K’Dốt - Thôn trưởng - cho biết: “Cách đây hàng chục năm, người S’Tiêng sống trong căn nhà tạm bợ được làm chủ yếu từ cây tre, cây nứa, mái tranh... nhưng từ khi đường bêtông được mở tới thôn và chương trình xây nhà tình thương, người dân đã vay mượn thêm để làm nhà khang trang hơn, có nhà cửa, người dân không còn sống trong cảnh dột nát, cuộc sống ổn định hơn”.

Hiến đất cho làng

Trước đây, trẻ con ở thôn 3 phải học trong những lớp học tạm bợ đặt nhờ ở nhà dân. Phụ huynh và giáo viên sợ nhất mỗi khi mưa đến, đường sá lầy lội, lớp học dột ướt, học sinh nản quá cứ đòi nghỉ học.

Sống bao nhiêu năm tại thôn nghèo này, ông Điểu K’Trang (57 tuổi) thấu rõ nỗi khổ đó. Thế nên, khi Nhà nước vận động người dân hiến đất vào năm 2012, ông đã không ngần ngại tiên phong hiến đất. Ông Điểu K’Trang chia sẻ: “Khi biết có kế hoạch xây trường cho con em người S’Tiêng tại thôn, khó khăn nhất là việc kiếm đất xây dựng. Tôi đã chủ động hiến 3.000m2. Lúc đầu, bà con bảo tôi dại dột khi cho không đất, nhưng rồi họ hiểu việc làm ý nghĩa này”.

Đầu năm 2013, cả thôn 3 rộn ràng như ngày hội khi ngôi trường mới được hoàn thành với 3 phòng học rộng rãi, khang trang và 27 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trước đây, do chưa có lớp học nên trẻ con thôn 3 không được học mẫu giáo mà đến tuổi đi học thì vào luôn lớp 1.

Từ năm 2014, 4 giáo viên nữ của trường cứ sáng đến dạy, tối lại về nhà ở trung tâm xã nên nhường một trong hai nhà công vụ cho các bé mẫu giáo. Bây giờ, trẻ con thôn 3 đúng tuổi đều được đến trường. Nhìn học sinh ngày ngày hào hứng đến trường trong phòng học mới, Điểu K’Trang cười hiền lành bảo: “Đời mình khổ nhiều rồi, mà khổ nhất là không có con chữ. Nên giờ mình bớt một chút đất, thu nhập có giảm hơn một chút, nhưng bao nhiêu đứa trẻ trong thôn được đi học thì cũng đáng lắm...”.

Noi gương Điểu K’Trang, năm 2013 anh Điểu K’Dố cũng hiến gần 1.000m2 đất để xây trạm xá mới của thôn. “Đã 35 mùa rẫy, tôi gắn kết với bà con, buôn làng, tôi biết rõ được những khó khăn nơi đây. Trẻ con thèm khát con chữ, người già ốm đau, bệnh tật không có thuốc men, chị em phụ nữ mỗi lần sắp sanh phải vượt hàng chục km để đến trạm xá, hoặc bệnh viện huyện... Thấy được cái khổ ấy, tôi đã không ngần ngại hiến đất” - anh Dố chia sẻ.

Ngày trạm xá mới được hoàn thành, anh Hồ Văn Phát (56 tuổi) - người hơn 20 năm phụ trách phân trạm y tế thôn 3 - vui như khi mình xây nên ngôi nhà mới. Anh Phát tâm sự: “Tôi gắn bó với bà con vùng này từ lúc chưa có đường dẫn từ thôn ra xã, thôn 3 gần như bị biệt lập. Ngày đó, thuốc men ít, dụng cụ y tế thô sơ, tôi ở tạm nhà anh trưởng thôn và làm cơ sở khám bệnh. Bà con ý thức bảo vệ sức khoẻ còn kém và việc sống cạnh bìa rừng nên bệnh tật rất nhiều. Thường gặp nhất là bệnh sốt rét và khó khăn trong việc chăm sóc cho chị em phụ nữ có thai... Thời điểm ấy, đa số các ca phải chuyển lên bệnh viện huyện. Bây giờ, phân trạm có trang thiết bị, có cơ số thuốc tương đối ổn định. Là phân trạm của thôn 3 nhưng bà con thôn 4 hay thôn Vĩnh Ninh vẫn có thể sang khám-chữa bệnh. Mình quý dân, hiểu được tấm lòng của người dân, dù khó khăn nhiều nhưng vẫn gắn bó lâu dài đến bây giờ...”.

Còn nhiều trăn trở

Tại thôn 3, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt, trong thôn đã có đường, có trường, có trạm... - tất cả đều nhờ vào sự đồng thuận, tích cực đóng góp của người dân, cuộc sống bà con dần được cải thiện.

Sự thay đổi ấy thể hiện rõ nét trong cuộc sống của già làng Điểu K’Mốt. Trải qua hơn 70 mùa rẫy, nhưng già vẫn dẻo dai, chịu khó làm ăn và tự hào về bản thân. Già làng Điểu K’Mốt có nhiều người con siêng năng chịu khó làm ăn phát triển kinh tế bằng việc trồng cây điều, chè, kết hợp chăn nuôi dê, bò, trâu... Hiện già làng Điểu K’Mốt sở hữu nhiều hécta đất đã có cây trồng và gần chục con bò, con trâu, dê... Đời sống ổn định. Cũng theo già làng, cách đây, hàng chục năm, nhiều người S’Tiêng trong thôn còn lạc hậu, họ chủ yếu sống nhờ “lộc trời”, có gì ăn đó, sống cho qua ngày. Nhưng bây giờ họ đã biết thay đổi suy nghĩ, biết nghe lời cán bộ địa phương học hỏi cách làm ăn, xây dựng kinh tế, hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn còn nhiều trăn trở: Đã có quán tạp hóa buôn bán các nhu yếu phẩm, nhưng vẫn không đủ nhu cầu của người dân. Thức ăn hằng ngày như thịt, cá, rau phải mua từ “chợ lưu động” không đảm bảo vệ sinh. Anh Điểu K’Dốt cho biết: “Vì chợ xa, mỗi tuần người dân mới ra chợ mua thức ăn một lần. Hầu như đồ ăn phải mua từ mấy chị bán hàng rong. Giá cả thì cao, chất lượng không đảm bảo. Bởi họ mua từ chợ rồi chạy xe máy hàng chục km tới địa bàn để bán lại nên thịt, cá có mùi...”.

Điều bà con mong mỏi nhất là sớm có đường lưới điện về làng. Hiện nay, điện vẫn chưa vào được với thôn 3, thôn 4, nhiều hộ dân vẫn phải dùng đèn dầu hoặc dùng điện phát từ máy mô tơ mắc ở suối. Thiếu điện, mỗi tối ngồi trên căn nhà sàn, dưới ánh đèn tù mù phát ra từ chiếc bóng đèn nhỏ xíu, già làng Điểu K’ Mốt vẫn thở dài ao ước sẽ được nhìn thấy ánh điện thắp sáng cho ngôi làng người S’Tiêng bên dòng sông Đồng Nai.

Ghi chép, phóng sự số tới: “Trên giường bệnh, vẫn lo cho các con khuyết tật”

Tấm lòng của một người mẹ, từng là thanh niên xung phong rồi đi bộ đội, mấy chục năm qua, tự tay nuôi dưỡng gần 200 người con phần nhiều là khuyết tật. Bà là Trần Thị Thanh Hương - chủ mái ấm Thiện Giao (tổ 8, P.Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) - hiện đang nằm trong Bệnh viện Bạch Mai điều trị ung thư vú giai đoạn cuối.

 

K’LIỆP
TIN LIÊN QUAN

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.