Có một bauxite khác

NGUYỄN TRI THỨC |

Hơn 1 tháng trước, thông tin tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỉ đồng chỉ sau 3 năm hoạt động cũng không khiến nhiều người ngỡ ngàng, hoang mang. Có chăng, chỉ là thêm sự khẳng định những dự đoán, mối lo, sự quan ngại bấy lâu… là đúng. Lại là dịp để “thức dậy” những âu lo về bùn đỏ, môi trường... Thế nhưng đến Lâm Đồng, thêm chừng 120km nữa để đến huyện miền núi Bảo Lâm, thấy một không khí khác, khá an yên.
Lỗ lớn, lãi nhỏ

Nửa đầu tháng 3.2017, báo cáo kết quả thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy những điều đáng quan ngại, về nhiều nội dung hoạt động kinh doanh của TKV. Riêng Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng sau 3 năm đi vào hoạt động (tính từ tháng 10.2013 đến hết tháng 9.2016) đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng - vượt xa so với số lỗ lũy tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỉ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá). Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỉ đồng…

Thông tin ấy, thoạt nghe thật rúng động, nhẩm tính mỗi năm thua lỗ hơn 1.200 tỉ đồng, mà hoạt động chỉ là khai thác lộ thiên, chế biến bán thành phẩm alumin để xuất khẩu. Lại thêm, những mối âu lo, bận tâm, hoài nghi, những hoang mang xa xăm… về thảm họa nếu vỡ khoang chứa bùn đỏ vẫn âm ỷ. Và trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, hễ nhắc đến bauxite là đã thấy rất nhiều luồng thông tin trái chiều, u ám, mịt mờ…

Nguyên nhân thua lỗ được chỉ ra, do đội vốn đầu tư (từ tổng mức đầu tư là 7.787,5 tỉ đồng - năm 2006, vọt lên 15.414,4 tỉ đồng - tháng 10.2013), điều chỉnh tăng thêm công suất (từ 500.000 tấn thành 650.000 tấn/năm), thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu, do thay đổi công nghệ sản xuất alumin, Nhà nước thay đổi chính sách thuế xuất khẩu alumin, thuế tài nguyên, phí môi trường, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng... Bên cạnh đó, là trượt giá, do kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu hạn chế, giá alumin, nhôm thế giới sụt giảm...

Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng cho biết tính đến cuối năm 2016, dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất giảm, giá alumin, nhôm hồi phục nên “dự kiến năm 2017, dự án sẽ hết lỗ theo đúng như tính toán của dự án (với thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm)”.

Ông Phạm Dũng Sỹ - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên nhôm Lâm Đồng - TKV (LDA) - đơn vị tổ chức quản lý vận hành toàn bộ dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng theo hình thức vận hành thuê cho TKV theo giá khoán nội bộ, giao hàng trên phương tiện vận tải tại nhà máy từ ngày 1.10.2013 - thông báo, “từ cuối năm 2016 đã có lãi rồi, giảm lỗ kế hoạch xuống còn 3 năm. Riêng quý 1/2017, sơ bộ lãi khoảng 20 tỉ đồng. Nếu chỉ tính nhà máy vận hành thuê, mấy năm rồi năm nào cũng lãi một chút”.

Theo ông Sỹ, có thời điểm giá alumin thế giới xuống rất thấp, chỉ 200USD/tấn trong khi theo tính toán của TKV, giá hòa vốn là 326USD/tấn. Lại thêm chi phí lãi vay, khấu hao thời gian đầu khá cao, cùng với đó là công suất thấp, chi phí vận hành cao, chưa làm chủ được công nghệ… nên thua lỗ là khó tránh khỏi. Nhưng hiện nay, nhà máy không chỉ làm chủ về công nghệ, mà còn cải tiến một số khâu cho phù hợp với tính chất khí hậu; giảm vật tiêu tiêu hao một số nguyên vật liệu chính... khiến giá thành sản xuất giảm từ khoảng 5,7 triệu đồng/tấn xuống còn khoảng 4 triệu đồng/tấn…

“Hiện giá thành sản xuất cạnh tranh ngang bằng với các nhà máy alumin trên thế giới, giá hoà vốn vào khoảng 300USD/tấn, trong khi giá alumin xuất tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai) dao động ở mức 320-350USD/tấn”, ông Sỹ tiết lộ. 

Khoang chứa bùn đỏ của Công ty LDA đã khô, có thể đi lại bốn xung quanh… Ảnh: N.T.T

Đổi thay thấy rõ

Chúng tôi đi một vòng quanh Cty, đến khai trường tuyển quặng nguyên khai ầm ào tiếng máy xúc, ôtô tải chạy quận bụi; đến khu vực đã hoàn thổ và cây xanh được trồng mới tốt tươi; đến nhà máy tuyển quặng, sản xuất alumin chủ yếu đường ống với bình, bồn gặp những công nhân đang làm việc; thăm khoang chứa bùn đỏ, đến gặp những hộ dân sống ngay cạnh nhà máy… Để nhìn, nghe xem tâm tư của họ khi làm việc, sinh sống trong lòng một dự án mà đa số người khi nhắc đến đều thấy bất an…

Phó Tổng Giám đốc LDA Phạm Dũng Sỹ là người địa phương, tham gia làm bauxite từ khi còn là dự án, nên chứng kiến rõ những đổi thay. “Ngày trước, cũng đường nhựa nhưng hẹp và xấu lắm, toàn ổ gà. Tập đoàn TKV đóng góp 174 tỉ đồng để làm khoảng 20km đường từ ngã ba Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc vào tận nhà máy”, ông Sỹ cho biết. Những ai đã gắn bó với dự án, đều thấy dự án đã tạo cú hích phát triển đối với địa phương. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, bên cạnh đó là giáo dục, y tế, văn hoá…

“So với trước khi dự án vào, giá đất tăng rất cao, gấp vài chục lần. Rồi các ngành “ăn theo” phát triển, như: Dịch vụ, thực phẩm, cung cấp cát, đá… Nhiều lao động nông nhàn, trình độ không cao được tham gia, tiếp nhận làm việc tại Cty, nhiều người được đào tạo, được học nghề... Dự án còn tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác, như vận tải, xây dựng…”, ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - nhận xét.

Số lao động làm việc trực tiếp tại LDA là 1.669 người, trong đó có 1.260 lao động địa phương, 67 lao động là người dân tộc thiểu số... Với mức lương bình quân 8,1 triệu đồng/tháng (năm 2016).

Quan tâm người lao động

Đã trưa, chị Võ Thị Hải Yến (quê Nghệ An) vẫn lúi húi quét rác dọc những con đường quanh nhà máy alumin. Chị Yến đã làm việc được 5 năm tại đây, trước làm vườm ươm rồi chuyển sang làm vệ sinh, lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, công việc “lúc vất lúc nhàn, nói chung bình thường”. Chị Yến cho biết, “chị em phụ nữ được ưu tiên hơn, hằng năm được đi du lịch, được khám sức khoẻ định kỳ. Giờ quen việc, ổn định, mọi thứ cũng ổn”.

Vào khu vực đóng bao alumin, tôi gặp Hứa Phùng Thanh Hải, 24 tuổi, đang dọn vệ sinh máy, dây chuyền. Hải quê ở thành phố Bảo Lộc, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông vận tải ở TPHCM đã xin việc ở Công ty LDA và “mới làm được 2 tháng, việc chính là đóng bao, thu nhập theo sản phẩm, tháng đầu tiên lương thử việc chưa biết được bao nhiêu, vì chưa biết cách tính”.

Trong phân xưởng ồn ĩ tiếng máy cẩu hàng, tôi gặp Nguyễn Khắc Tuân (quê Hà Tĩnh), sinh năm 1985, có thâm niên làm việc 7 năm, đốc công phân xưởng sửa chữa tổng hợp. Tuân cho biết, “trừ bảo hiểm, lương còn khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, sức khoẻ bảo đảm, chỉ hơi bụi một chút”. Tuân còn có anh ruột làm ở phòng KCS của mỏ tuyển, hai anh em là thế hệ thứ ba làm việc cho Tập đoàn TKV. Tuân khoe, vừa “cắm” sổ lương vay 100 triệu đồng trừ nợ dần hằng tháng, công đoàn cho vay không lãi suất 30 triệu đồng để làm nhà. Có nhà mới, đã thực sự “an cư”, Tuân phấn khởi và tự tin sẽ “lạc nghiệp”.

Thực tế, so với mặt bằng chung của địa phương, mức thu nhập của cả gần 1.700 người lao động ở LDA là trội hơn. Cũng vì thế, dù Cty có xây nhà tập thể với đầy đủ cơ sở vật chất như sân bóng đá mini, tennis, nhà thi đấu đa năng... nhưng cũng không nhiều công nhân đến ở dù miễn phí hoàn toàn, vì thiếu dịch vụ, vì xa trung tâm, không thuận tiện sinh hoạt, vui chơi giải trí… Chưa có nhà riêng thì công nhân thuê nhà ở khu trung tâm, Cty có xe buýt đưa đón đi làm hằng ngày.

Bà Phạm Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Công đoàn LDA cho biết, chế độ tiền lương cho người lao động rất tốt, Cty quan tâm hết mức, từ ốm đau, hỗ trợ xây nhà từ “Mái ấm công đoàn”, quỹ hỗ trợ đoàn viên. Với nguồn quỹ do đoàn viên đóng góp 20.000 đồng/tháng, đến nay công đoàn đã cho 4 đối tượng vay tổng cộng 120 triệu đồng, tối đa 15 tháng không lãi suất, hỗ trợ 2 gia đình, mỗi gia đình 5 triệu đồng để sửa nhà. Bên cạnh đó, Cty còn hỗ trợ thêm từ quỹ phúc lợi đối với những đối tượng khó khăn mỗi hộ 10 triệu đồng, sau khi công đoàn có ý kiến. Riêng ăn ca, công nhân được miễn phí hoàn toàn suất ăn 25.000 đồng/người/ngày, kèm theo là các suất ăn bồi dưỡng độc hại, tùy theo vị trí làm việc sẽ có giá 10 - 15 - 20.000 đồng/người/ngày…

Để động viên, khuyến khích, tăng tính sáng tạo, chủ động trong công việc, Cty còn đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá người lao động khác nhau. Ông Sỹ cho biết, hằng năm công ty đều bình xét nhân viên giỏi, thợ giỏi vào các nhóm A - B, với mức thu nhập chênh nhau gần 3 triệu đồng/tháng. “Những đối tượng nhóm A ngoài lương cao còn được ưu tiên một số tiêu chuẩn khác, ví như du lịch ở ngoài tỉnh… nhằm khuyến khích người lao động cống hiến và sáng tạo”, ông Sỹ nói.

Một lần tận thấy, trực tiếp nghe, nhìn những góc cạnh, lát cắt, chợt thấy một bauxite với đời sống người lao động khấm khá, cuộc sống an yên...

NGUYỄN TRI THỨC
TIN LIÊN QUAN

Những góc quán cafe ngắm pháo hoa lý tưởng ở TPHCM

Quỳnh Nga |

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TPHCM dự kiến bắn pháo hoa ở 6 điểm. Đừng bỏ qua những địa điểm ngắm pháo hoa ở TPHCM cực “chill” dưới đây.

Những lưu ý mâm cỗ cúng Giao thừa không phải ai cũng biết

Linh Chi - Dương Anh |

Theo quan niệm dân gian, đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng của đất trời. Vào dịp này, mỗi gia đình thường làm mâm cỗ cúng giao thừa với mong muốn một năm mới bình an, nhiều may mắn.

Những địa điểm kỳ lạ được phát hiện trên Google Earth

Anh Vũ |

Hình ảnh trên Google Earth có sẵn cho bất kỳ ai tải xuống phần mềm và các nhà khảo cổ học đã tận dụng nguồn tài nguyên phong phú này.

Mất việc cận Tết, công nhân ngậm ngùi: "Tết năm sau con về!"

Chân Phúc - Phương Ngân |

Mất việc làm vào những ngày cận Tết, đồng nghĩa với việc mất đi thu nhập, không ít công nhân đã phải ngậm ngùi ở lại TPHCM trong dịp Tết Nguyên đán này. Buồn, tủi thân,... nhưng họ buộc phải chấp nhận điều đó, và chỉ có thể hẹn với bố mẹ,... Tết năm sau con về!

Vẻ đẹp kỳ vĩ của moong than sâu nhất Đông Nam Á tại Quảng Ninh

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Mỏ than lộ thiên Cọc 6, thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những mỏ than lâu đời và xuống sâu nhất của TKV, thậm chí được coi là mỏ than lộ thiên sâu nhất của Đông Nam Á hiện vẫn đang được khai thác.

Khó khăn đổi tiền mới, lì xì online lên ngôi

Nhóm PV |

Thay vì mừng tuổi với những phong bao lì xì đỏ như mọi năm, thì năm nay, xu hướng lì xì online lại lên ngôi. Quả thật, với sự phát triển của công nghệ, việc lì xì ngày càng trở nên dễ dàng hơn dù chúng ta cách xa nhau hàng nghìn cây số.

Những địa điểm tâm linh cầu an đầu năm mới

Hải Nguyễn |

Vào dịp năm mới, người dân đi lễ chùa cầu an cho gia đình, người thân gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Đây là một nét đẹp văn hoá của người Việt. Ở Hà Nội những nơi như chùa Hương, chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, phủ Tây Hồ luôn tấp nập du khách viếng thăm dịp đầu năm.

8 năm nóng nhất được ghi nhận trên Trái đất

Song Minh |

8 năm qua là 8 năm nóng nhất được ghi nhận khi các đợt nóng đẩy nhiệt độ toàn cầu tới điểm giới hạn nguy hiểm.