Bác sĩ trẻ tình nguyện lên núi cứu dân

Thùy Linh |

Tranh thủ 1 ngày trước lễ bàn giao bác sĩ (BS) trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, 7 BS trẻ đã khám cho bà con dân tộc ở Bắc Hà (Lào Cai). Một trong số họ - BS chuyên khoa I Nguyễn Chiến Quyết (SN 1989) đã phẫu thuật thành công thoát vị bẹn cho một bé trai 4 tuổi người dân tộc Mông tại BVĐK huyện Bắc Hà.

BS Quyết tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội được hơn 3 năm với tấm bằng loại khá. Đây cũng là ca mổ đầu tiên anh là phẫu thuật viên chính. Ca mổ thành công, bà con rối rít cảm ơn BS bằng tiếng Mông. BS Quyết nghe không hiểu lắm, nhưng trong lòng anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Nghĩ mình là “người dân tộc thiểu số”

Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết là một trong 7 người nhóm đầu tiên trong tổng số 78 bác sĩ tình nguyện về công tác tại huyện nghèo. Đây là những sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi tại Trường Đại học Y Hà Nội, các trường Đại học Y - Dược khác, tình nguyện tham gia dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” của Bộ Y tế.

Trong số những người đầu tiên tình nguyện lên công tác tại vùng cao, có hai cô gái trẻ măng, bé nhỏ, mong manh. Cô gái Trần Thị Loan (SN 1989) dù đã chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng cho chuyến đi 2 năm, nhưng khi gặp chúng tôi, vẫn ngại ngùng bảo: “Em không biết nói gì về mình trong việc tình nguyện lên vùng cao này. Em chỉ biết mình phải cố gắng hết sức”.

6 năm tu nghiệp tại ĐH Y Hà Nội, với tấm bằng Khá trong tay, Loan tự tin xin đăng ký vào dự án thí điểm đưa bác sĩ lên vùng cao. Nhưng gia đình không một ai gật đầu cho cô lên vùng khó khăn ở Lào Cai khi cô hoàn toàn có cơ hội làm việc tại những bệnh viện khác có điều kiện tốt hơn. Thêm nữa, ở tuổi 25, gia đình cũng mong ngóng cô con gái làm bác sĩ của mình được sớm yên bề gia thất. Nhưng ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ thôi thúc Loan quyết tâm lên vùng cao, mong muốn được trải nghiệm và thử thách bản thân ở những nơi khó khăn nhất.

Sau 9 tháng ròng rã thuyết phục, nỉ non với bố mẹ, Loan đã được gia đình đồng ý, người yêu cô cũng bị thuyết phục, ủng hộ để cô yên tâm “xách ba lô” lên đường dẫu biết con đường phía trước của cô dẫn đến huyện Mường Khương - một trong những huyện miền núi nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai. Cô gái nhỏ bé sinh ra từ miền biển Thanh Hóa đã từ chối cơ hội ký hợp đồng làm việc tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, lao vào cuộc hành trình. Tháng 7 này, Loan rời Bệnh viện Nhi Trung ương, lên công tác tại Mường Khương, nơi y tế còn thiếu thốn trăm bề.

Về chuyện tình cảm, trải qua nhiều khó khăn để có mối tình 4 năm sâu đậm, Loan phải đấu tranh tư tưởng nên đi hay từ bỏ cơ hội tình nguyện lên vùng cao: “Cũng có nhiều người nói với em, lên Lào Cai về sẽ mất người yêu. Nhưng em thấy mình khá chắc chắn trong chuyện tình cảm. Em luôn tin người đó sẽ chờ em” - Loan tâm sự.

Sinh ra và lớn lên tại Gia Lâm (Hà Nội), cô bác sĩ chẩn đoán hình ảnh Cao Thị Hồng Yến khiến người đối diện... nghi ngờ về khả năng thích nghi của Yến ở vùng đất Mường Khương. Biết đến dự án thí điểm đưa bác sĩ lên vùng cao qua buổi tọa đàm dành cho các sinh viên y khoa năm cuối, cô sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng đã có ngay được sự đồng thuận của gia đình để tiếp tục đào tạo chuyên khoa 1 đáp ứng yêu cầu về công tác tại các huyện khó khăn.

Ngay từ lúc ra trường, Yến nghĩ: “Mình là bác sĩ trẻ, cần phải làm điều gì đó phục vụ cho đất nước”. Không ngần ngại, Yến đăng ký tham gia dự án để có thêm cơ hội được đào tạo chuyên khoa cũng như mang những kiến thức đó để phục vụ cho người dân.

Khi dấn thân, nghĩ mình “người dân tộc thiểu số” ở vùng cao, hai bác sĩ trẻ xác định họ phải học một số kỹ năng giao tiếp nhất định với bà con dân tộc, vì 80% thời gian khám-chữa bệnh liên quan đến việc hỏi bệnh nhân. Thời gian đầu sẽ có người phiên dịch, thời gian ngắn sau đó, họ sẽ phải học thêm tiếng dân tộc.

Hai cô gái trẻ đã trải qua những ngày tháng được các thầy cô đầu ngành “cầm tay chỉ việc”, tập trung vào khám lâm sàng để không phụ thuộc vào xét nghiệm khi nhiều xét nghiệm ở vùng khó khăn không làm được đã hoàn tất. Họ làm việc tại các khoa khó khăn nhất như Hồi sức cấp cứu để dày dặn kinh nghiệm xử trí các ca bệnh. Đến nay, Loan, Hồng Yến đều đã có được một hành trang dày dặn, tự tin bước vào một cuộc thử thách mới trong vai trò của người mang áo trắng.

Sau hai năm làm việc ở vùng cao, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, Trần Thị Loan sẽ được đặc cách công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hồng Yến sẽ về Bệnh viện Bạch Mai. Với sức trẻ, với nhiệt huyết, với bản lĩnh và tay nghề chuyên môn được đào tạo bài bản, chắc rằng Hồng Yến, Trần Thị Loan cũng như 5 bác sĩ nam sẽ góp phần giúp đỡ y tế địa phương còn nhiều khó khăn cũng như giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Bác sĩ đi nghĩa vụ như bộ đội

Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” ưu tiên 62 huyện nghèo được Bộ Y tế triển khai thực hiện vào tháng 2.2013 với mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.

Hiện tại, dự án đang đào tạo Chuyên khoa I cho 78 bác sĩ thuộc 10 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế - cho rằng, dự án là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn, qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Triển khai tốt dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

78 bác sĩ thuộc dự án sẽ về công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh. Trong đó, 25 bác sĩ tuyển dụng tại các bệnh viện tuyến T.Ư sẽ công tác 3 năm với nam, 2 năm với nữ; 53 bác sĩ có hộ khẩu địa phương sẽ công tác lâu dài tại các huyện nghèo. Nhìn vào mắt 7 bác sĩ đầu tiên tình nguyện đến với bà con miền núi, tôi thấy ánh lên sắc màu nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự rung cảm trước những khổ sở, đói nghèo và đau đớn của đồng bào mình.

Ngày 28.6 vừa qua, tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), lần đầu tiên, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 7 bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn. “Nghĩa vụ” y tế là hoạt động các bác sĩ trẻ sau khi được đào tạo chuyên sâu, học tập ở tuyến trung ương sẽ luân phiên về công tác tại các vùng xa xôi, khó khăn của tổ quốc. Đó là chủ trương mới của ngành y tế với mục tiêu nâng cao y tế cơ sở.

Tại lễ bàn giao, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế - xúc động: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi bàn giao bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng cao. Sắp tới sẽ có nhiều lễ bàn giao như thế; Bộ sẽ triển khai dự án ở các tuyến bệnh viện, bác sĩ tuyến trung ương, tuyến tỉnh sẽ luân phiên đi “nghĩa vụ” về hỗ trợ công tác y tế ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của đất nước. Đồng thời, cán bộ y tế tuyến xã sẽ lên tuyến huyện, tuyến tỉnh để học tập. Qua đó, chúng tôi mong muốn các bác sĩ sau khi được đào tạo bài bản và chuyên sâu này sẽ “truyền lửa” cho hệ thống y tế địa phương”.

Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN

7 bác sĩ trẻ đầu tiên tình nguyện đi “nghĩa vụ” ở miền núi

Thùy Linh |

Ngày 28.6, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 7 bác sĩ trẻ về vùng khó.

Bác sĩ trẻ tình nguyện về huyện nghèo sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú

Nguyễn Đắc Thành |

Chiều 21.5, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y dược - Đại học Huế tổ chức buổi hội thảo tham vấn với các địa phương, cơ sở đào tạo về dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện công tác vùng khó khăn biên giới, hải đảo.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

7 bác sĩ trẻ đầu tiên tình nguyện đi “nghĩa vụ” ở miền núi

Thùy Linh |

Ngày 28.6, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 7 bác sĩ trẻ về vùng khó.

Bác sĩ trẻ tình nguyện về huyện nghèo sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú

Nguyễn Đắc Thành |

Chiều 21.5, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y dược - Đại học Huế tổ chức buổi hội thảo tham vấn với các địa phương, cơ sở đào tạo về dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện công tác vùng khó khăn biên giới, hải đảo.