Chiều 4.4, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan đến vụ án "vi phạm quy định về quản lý đất đai" khi triển khai dự án trên núi Chín Khúc.
Do tin tưởng cấp dưới?
Tại phiên xét hỏi, cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng giải thích với HĐXX rằng, khi làm dự án Cửu Long Sơn Tự do Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư, chỉ thông qua UBND tỉnh quyết định.
“Sau này có nhà tài trợ, chúng tôi nghĩ dự án chủ yếu về vấn đề tâm linh nên mới báo cáo tỉnh ủy, thông qua HĐND” – bị cáo Nguyễn Chiến Thắng giải thích.
Khi luật sư hỏi về vai trò tham mưu trong việc ra các quyết định giao đất tại dự án Cửu Long Sơn Tự, bị cáo Thắng nói rằng, theo quy trình một cửa, các sở trình lên Chủ tịch tỉnh ký.
Trước câu hỏi luật sư, vì sao giao diện tích giao 44.000m2 đất thương mại dịch vụ và hơn 7.500m2 đất ở không nằm trong quy hoạch, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng nói, việc này là do doanh nghiệp đề xuất; bị cáo có đồng ý và giao Sở TNMT kiểm tra thực hiện theo quy định.
Ngoài ra, các quyết định giao đất chỗ nào có chữ ký nháy thì bị cáo Nguyễn Chiến Thắng ký chứ nếu đọc hết hồ sơ sẽ mất 45 ngày cũng không xong.
"Tôi tin tưởng cấp dưới tham mưu, tin tưởng vào tờ trình của Sở TNTM. Tuy nhiên, cái nào tôi sai tôi chịu trách nhiệm. Tôi mà cứ bo bo giữ vì sợ trách nhiệm, thì kinh tế xã hội không thể phát triển” – bị cáo Thắng nói thêm.
Một vấn đề mà đại diện VKS hỏi là, dự án Cửu Long Sơn Tự vì sao chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng bị cáo Nguyễn Chiến Thắng đã ký quyết định giao đất và bàn giao cho Công ty Khánh Hòa.
Về việc này, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng nói rằng, khi bàn giao trên thực địa là trách nhiệm của các sở ngành, không phải trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh. Còn về việc vì sao có quyết định giao đất trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, bị cáo Thắng nói không có năng lực để biết được việc đó.
Tôi thất vọng vì lời khai của bị cáo Thắng
Đến phần xét hỏi của mình, bị cáo Lê Mộng Điệp - cựu Giám đốc Sở TNMT nói rằng thất vọng vì lời khai của bị cáo Nguyễn Chiến Thắng.
Theo giải thích của bị cáo Lê Mộng Điệp, việc ký 4 tờ trình trình UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan đến dự án dự án Cửu Long Sơn Tự là làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, Sở TNMT cũng căn cứ vào văn bản của Sở NNPTNT về thẩm định thiết kế cơ sở về trồng rừng và bảo vệ rừng.
Quá trình triển khai dự án, bị cáo Lê Mộng Điệp nói rằng, Sở TNMT không tham gia.
"Một số tờ trình do bị cáo ký, do nhận thức tại thời điểm đó đúng; tuy nhiên theo quy định pháp luật là chưa đúng" - bị cáo Lê Mộng Điệp giải thích thêm.
Tại tòa, HĐXX hỏi Sở NNPTNT căn cứ trên quy hoạch các loại rừng theo quy định, còn về trình tự thủ tục, giao đất thuộc quyền của Sở TNMT. Và nếu, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo đưa qua, Sở TNMT thấy tờ trình tự sai thì có ý kiến lại không?
Việc này, bị cáo lê Mộng Điệp nhắc lại: “Do nhận thức tại thời điểm đó, khi làm là nhận thức là đúng vì đây là dự án chủ yêu trồng rừng; bảo vệ rừng. Chính bị cáo ngộ nhận…”.
Theo cáo trạng, 7 cựu lãnh đạo tỉnh bị cáo buộc ký nhiều văn bản sai quy định trong việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất, phê duyệt giá đất liên quan đến dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc ở Khánh Hòa.
Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự tiền thân là dự án Khu vực biệt thự và sinh thái Đất Lành do Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Chiến Thắng khi còn đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015 đã ký các văn bản chỉ đạo đầu tư, triển khai dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.
Còn ông Lê Mộng Điệp khi còn đương chức đã ký các tờ trình tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định trái luật trong việc giao đất.