Trúng thầu hàng chục dự án
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS, dưới đây gọi tắt là BMS) được thành lập từ 13.1.2015, với 22 ngành nghề kinh doanh. Công ty này do ông Phạm Đức Tuấn, 42 tuổi, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
22 ngành nghề được BMS niêm yết kinh doanh gồm: Đại lý môi giới, đấu giá; Chi tiết: Đại lý mua, bán, ký gửi hàng hóa; Tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; Chi tiết: Cung cấp giải pháp tin học; Sửa chữa thiết bị điện tử và quang học;
Lập trình máy vi tính; Chi tiết: Thiết kế hệ thống máy tính: tạo lập trang chủ Internet, thiết kế hệ thống máy tính tích hợp với phần cứng với các công nghệ truyền thông, thiết kế trang web, thiết kế mạng máy tính (không bao gồm dịch vụ thiết kế công trình); Sản xuất phần cứng, phần mềm.
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu; Chi tiết: Xuất nhập khẩu các mặt hàng Công ty kinh doanh; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu; Chi tiết: Tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ thông tin, công nghệ mạng.
Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; Chi tiết: Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy văn phòng; Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khai khoáng, xây dựng; Bán buôn thiết bị và dụng cụ đo lường; Buôn bán máy và các thiết bị vật tư phục vụ ngành công nghiệp; Buôn bán trang thiết bị y tế…
Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS còn tham gia đấu thầu với tư cách nhà thầu độc lập và trúng thấu với nhiều bệnh viện trung ương, địa phương. Trong đó, tháng 7-8.2020, Công ty BMS trúng thầu mua bán vật tư kỹ thuật cao; Vật tư thay thế, nội soi khớp gối và ngoại thần kinh; Cung cấp bổ sung vật tư cho phẫu thuật của các chuyên khoa của các bệnh viện ở Hà Nội, Yên Bái và Nam Định, với giá trị từ gần 1 tỉ đến gần 2 tỉ đồng/gói thầu.
Nhà thầu Công ty BMS còn tham gia 58 gói thầu khác, trong đó đã trúng thầu 57 gói, trượt thầu 0 gói, 1 gói chưa có kết quả. Ngoài ra, nhà thầu Công ty BMS còn có quan hệ với 26 bên mời thầu ở Hà Nội, Bắc Ninh. Công ty còn từng liên danh với 9 nhà thầu trong 15 gói thầu, thắng thầu cả 15 gói.
Chia chác lợi nhuận
Báo cáo kết quả kiểm toán số 24/BC-KTNN ngày 26.2.2020 về các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2020 cho thấy, các trang thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai bị che mờ về giá trị nhập khẩu, làm ảnh hưởng đến việc xác định giá trị đưa vào liên doanh liên kết.
Liên quan đến một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa, vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam đối với ông Phạm Đức Tuấn, Ngô Thị Thu Huyền (37 tuổi, Phó Giám đốc Công ty BMS) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú với Trần Lê Hoàng, 42 tuổi, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS).
Kết quả điều tra cho thấy một số cá nhân tại BMS và VFS “có thủ đoạn gian dối, cấu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh”.
Cụ thể, đầu năm 2017, giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký kết liên doanh liên kết về đặt các thiết bị để chữa trị cho bệnh nhân. Theo thỏa thuận, Công ty BMS đầu tư 100% vốn và hai bên ăn chia 50 - 50 (sau khi trừ các chi phí) trong thời gian 7 năm.
Một trong các thiết bị công ty này ký kết với Bệnh viện Bạch Mai là sản phẩm robot phẫu thuật thần kinh Rosa. Sản phẩm này Công ty BMS công bố giá khoảng 39 tỉ đồng, 100% phía công ty bỏ ra. Tuy nhiên, thực tế, sản phẩm này cộng các chi phí có giá khoảng 10 tỉ đồng. Việc nâng khống giá thiết bị sau đó phía công ty nâng giá chữa trị cho bệnh nhân lên nhiều lần nhằm trục lợi.
Cũng theo kết quả kiểm toán vài năm gần đây cho thấy, tại một số đơn vị còn chia lợi nhuận cho đối tác khi đã hết thời gian liên doanh, liên kết… Thậm chí có trường hợp ký hợp đồng liên kết với thời gian thực hiện dài hơn vòng đời thiết kế và khấu hao của máy móc thiết bị.