Nhiều lần thay đổi tội danh
Mở đầu phần đối đáp, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng bác toàn bộ phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho Hoàng Công Lương về vi phạm tố tụng hình sự trong quá trình điều tra vụ án.
Về hành vi phạm tội, cơ quan công tố cho rằng hoàn toàn có đủ căn cứ để truy tố bị cáo Lương tội Vô ý làm chết người theo điều 98 Bộ luật hình sự 2015. Chủ thể của tội này là người có hành vi vô ý gây thiệt hại về tính mạng cho người khác. Trước khi ra y lệnh, Lương đã biết nguồn nước bị can thiệp mà không kiểm tra, bởi vậy đây “là hành vi nguy hiểm”.
VKS xác định bị cáo Lương trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, tẩy rửa màng RO. Bởi vậy, Lương biết rõ nội dung sửa chữa ngày 28.5.2017. Là bác sĩ được đào tạo chuyên ngành về kỹ thuật lọc máu, Lương buộc phải biết sau khi tẩy rửa hệ thống RO, nguồn nước phải đảm bảo.
VKS khẳng định, không cáo buộc bị cáo Lương phải chịu trách nhiệm nguồn nước, phải trực tiếp kiểm tra chất lượng nguồn nước. Cơ quan công tố chỉ cáo buộc với vai trò là bác sĩ điều trị, bị cáo Lương phải xác minh lại thông tin về nguồn nước để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Ca lọc máu ngày 29.5 ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là đặc biệt vì hệ thống vừa sửa chữa. Không thể dừng việc chạy thận và nguồn nước lúc nào cũng phải đảm bảo an toàn. Trường hợp này buộc bị cáo phải lựa chọn sự an toàn, “không thể vì thói quen mà ra y lệnh theo phản xạ”.

Ngày 29.5.2017, bị cáo Lương không xác minh lại thông tin từ người sửa chữa, chỉ nghe thông tin từ một điều dưỡng không được giao nhiệm vụ về trách nhiệm nguồn nước mà đã ra y lệnh. Với vai trò là bác sĩ phụ trách chuyên môn điều trị và với lương tâm của bác sĩ điều trị, bị cáo Lương buộc phải biết nguồn nước đảm bảo an toàn trước khi chạy thận.
Về việc nhiều lần thay đổi tội danh, VKS cho rằng qua nhiều lần điều tra lại thấy có những tình tiết mới trong vụ án. Do nhiệm vụ của bác sĩ Lương trong sổ giao ban bị ghi thêm nên bằng chứng về tội thiếu trách nhiệm không còn khách quan. Từ đó, VKS đã thay đổi tội danh sang vô ý làm chết người.
Bác sĩ Lương có phải "cánh cửa cuối cùng" khiến 9 người tử vong
Đối đáp lại VKS, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, về nội dung lấy mẫu nước, VKS cáo buộc đã xác định được hóa chất HF và HCL trong đường ống RO số 2. Song, một nghi vấn cần phải làm rõ, tại sao cùng một thời điểm, cùng một quy trình ở nhiều bệnh viện khác nhau do Bùi Mạnh Quốc sửa chữa không xảy ra sự cố mà chỉ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
“Nguyên nhân xảy ra sự cố, ngoài ý chủ quan của bị cáo Bùi Mạnh Quốc còn có tác động nào khác không?”, luật sư Quynh đặt câu hỏi; đồng thời khẳng định, trong quá trình điều tra, thu thập các vật chứng vật chất khách quan "chưa xác định chất lượng đầu vào của nguồn nước RO". Đây là mấu chốt của vấn đề. Đề nghị cơ quan tố tụng điều tra làm rõ.
Theo luật sư Quynh, VKS chưa trả lời luật sư câu hỏi tại thời điểm xảy ra sự cố đã xác định hiện trạng ở phòng xử lý nước chưa? Bởi, qua lời khai của bị cáo Quốc đã xác định quá trình vận hành máy chạy thận và hệ thống RO có xảy sự cố. Hệ thống RO đã tắt nhưng nước vẫn chạy, chỉ số của đồng hồ dẫn điện vẫn ở ngưỡng an toàn.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều cho hay, VKS cáo buộc “bị cáo Lương biết rất rõ nội dung sửa chữa hệ thống RO” nhưng bà khẳng định, bị cáo Lương chỉ biết có nội dung sửa chữa RO số 2, song, không biết chi tiết, hạng mục sửa chữa thế nào, không biết quá trình vệ sinh màng lọc RO ra sao, nên không thể cáo buộc bác sĩ Lương biết rõ việc tẩy rửa màng RO được. Không thể dùng lỗi quy trình, lỗi hệ thống để cáo buộc nam bác sĩ 31 tuổi.
Nữ luật sư nêu quan điểm, VKS đã xâm phạm hoạt động tư pháp vì bỏ lời khai của bác sĩ Bùi Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền ra khỏi hồ sơ vụ án. Hậu quả của việc này đã xảy ra khi phiên tòa hồi tháng 5.2018 trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, sau đó thay đổi tội danh đối với bị cáo Lương.
Luật sư Trần Hồng Phúc cho biết, thời điểm cấu thành tội phạm là thời điểm có bệnh nhân tử vong, nhưng VKS nói rằng hành vi của bị cáo Quốc và bị cáo Lương là hành vi độc lập. “Đúng, đây là hành vi độc lập, nhưng cùng một hậu quả và cùng một tội danh truy tố”.
“VKS cho rằng, hành vi của bị cáo Hoàng Công Lương là “chốt chặn, cánh cửa cuối cùng” dẫn đến sự cố y khoa 9 nạn nhân chạy thận tử vong. Nhưng quan điểm của tôi, hành vi của bác sĩ Lương chỉ là bước thứ 2. Còn "cánh cửa cuối cùng" là việc kết nối vòng tuần hoàn vào người bệnh nhân. Nếu không kết nối vòng tuần hoàn vào người bệnh nhân để lọc máu thì bệnh nhân đã không chết”, luật sư nói.