Đối với thuốc lá làm nóng (TLLN) và các loại thuốc lá mới khác, Bộ Công Thương đã có dự thảo sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP về cách quản lý và đang chờ bổ sung đánh giá của Bộ Y tế.
10 năm qua, trên toàn cầu, TLLN luôn phải trải qua quá trình nghiên cứu khoa học chặt chẽ trước khi được lưu hành hợp pháp. Tại Việt Nam, sản phẩm này vẫn tràn lan trên thị trường chợ đen bởi chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể.
Nhiều tổ chức quốc tế khẳng định TLLN là thuốc lá
TLLN đã được xác định là sản phẩm thuốc lá bởi các tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Liên minh châu Âu (EU), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)…
Từ Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 8 (COP8) đến COP10 (tháng 2.2024), WHO đã chính thức xếp loại TLLN vào danh mục thuốc lá và khuyến nghị quản lý chặt chẽ dưới luật hiện hành của mỗi quốc gia.
Tương tự, FDA đã xếp TLLN vào nhóm thuốc lá, gọi là "thuốc lá được làm nóng (thay vì đốt cháy)" dựa trên sự khác biệt về cơ chế hoạt động đối với thuốc lá điếu, hay nguyên liệu đối với thuốc lá điện tử (TLĐT).
Từ năm 2014, EU đã quản lý TLLN như thuốc lá theo Điều 19 trong Chỉ thị về các sản phẩm thuốc lá, phân biệt với Điều 20 về TLĐT.
Từ năm 2017, WCO đã xếp TLLN là "Sản phẩm thuốc lá khác”, đến năm 2022 tiếp tục cập nhật vào nhóm “chứa thuốc lá hoặc thuốc lá hoàn nguyên”.
Trong nước, tại phiên giải trình của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định: “TLLN chỉ thay đổi cách “đốt” thuốc lá (khác với thuốc lá điếu), nhưng vẫn có tính chất là sợi thuốc lá và các chất của thuốc lá, nên vẫn là thuộc khái niệm thuốc lá”.
Trước đó, đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định TLLN là sản phẩm thuốc lá vì được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá dưới dạng mẩu thuốc, sau đó lắp vào thiết bị để hút. Thay vì đốt cháy điếu thuốc thì thiết bị này sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá".
Như vậy, dựa trên các công nhận của quốc tế cũng như phân tích của một số đại diện bộ ngành khi đối chiếu với Luật PCTHTL, TLLN được xác định là thuốc lá. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các bên liên quan nên đánh giá toàn diện các dữ liệu khoa học hiện có về mức độ ảnh hưởng của TLLN lên sức khỏe so với thuốc lá điếu, để kiện toàn khung pháp lý phù hợp.
Những nghiên cứu về TLLN
Hơn một thập kỷ xuất hiện trên toàn cầu, kết quả khoa học về TLLN từ các tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ như WHO, FDA, Bộ Y tế Anh, Nhật... đều chỉ ra hàm lượng các chất gây hại của TLLN thấp hơn đến 90% so với thuốc lá điếu.
Năm 2019, nghiên cứu của FDA kết luận, độc tính của sản phẩm TLLN được tổ chức này kiểm nghiệm giảm đáng kể so với thuốc lá điếu, thông qua các chỉ điểm sinh học trên người dùng.
Tuy vậy, tổ chức này cũng nhấn mạnh, TLLN hay mọi loại sản phẩm thuốc lá khác đều có hại. Sản phẩm không được khuyến cáo sử dụng đối với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi và những người chưa từng hút thuốc lá.
Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng Nhật Bản (2017), hàm lượng nitrosamine (gây ung thư) và carbon monoxide (khí độc CO) của TLLN lần lượt chỉ bằng 1/5 và 1/100 so với thuốc lá truyền thống.
Theo Viện Đánh giá Rủi ro Liên Bang Đức (BfR), việc giảm đáng kể hàm lượng chất gây hại của TLLN là cơ sở cho khả năng giảm các nguy cơ các bệnh do hút thuốc lá.
Từ dữ liệu khoa học về TLLN hiện có trên toàn cầu, các bộ ngành và ĐBQH cũng đặt vấn đề, liệu đã có đánh giá toàn diện trước đề xuất cấm hay chưa. Do vậy, các bộ ngành chức năng cần sớm hoàn thiện nghiên cứu đối với TLLN, trên cơ sở tham khảo các kết luận khoa học đa chiều từ quốc tế.