Ngày 9.1, luật sư Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân;
Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Cũng như các năm trước đây, năm 2023, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự vẫn là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
Riêng trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi.
"Đây là quy định tại Điều 30 của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành", luật sư Tiến cho biết.
Theo Điều 33 của Luật Nghĩa vụ quân sự: Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba.
Do đó, năm 2023, công dân cũng sẽ lên đường nhập ngũ vào tháng 2 hoặc tháng 3.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số địa phương, các thanh niên khi đến tuổi nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự lại tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.
Theo luật sư Tiến, tuỳ vào mức độ vi phạm họ sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự.
Cụ thể, theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, người vi phạm quy định về nhập ngũ 2023 sẽ bị phạt hành chính như sau:
Phạt tiền 30 - 40 triệu đồng: Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
Phạt tiền 40 - 50 triệu đồng: Gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.
Phạt tiền 50 - 75 triệu đồng: Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Như vậy, người có hành vi trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt tiền lên đến 75 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn nghĩa vụ quân sự hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm.
Trường hợp có thêm các tình tiết tăng nặng như: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Lôi kéo người khác phạm tội… mức phạt tối đa là 5 năm tù.
Trên thực tế cơ quan chức năng đã xử lý với nhiều thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự.
Hôm 4.1, lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết chủ tịch huyện vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 thanh niên liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
29 thanh niên này bị xử phạt vì hành vi "không có mặt đúng thời gian, địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng".
Ngày 27.12.2022, TAND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, phạt Cô Thanh Sang (21 tuổi, ngụ thị trấn Gành Hào) 6 tháng tù về tội "Trốn tránh nghĩa vụ quân sự".
Sang từng được Ban Chỉ huy Quân sự huyện gọi nhập ngũ, song không có mặt đúng thời gian và địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
Kỳ tuyển quân năm 2022, Sang tiếp tục trúng tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng tiếp tục không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đông Hải sau đó có văn bản kiến nghị khởi tố xử lý hình sự đối với Sang.
Một trường hợp khác phải lĩnh án vì trốn tránh nghĩa vụ quân sự là Võ Duy Tính, 23 tuổi, ở trú xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Nhận được lệnh nhập ngũ và trúng tuyển đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự vào đầu năm 2022, song Võ Duy Tính đã cố tình trốn né.
Ngày 17.6.2022, Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành đã tuyên phạt Tính 15 tháng tù giam về tội danh trên.