Liên tiếp trong những ngày vừa qua nhiều địa phương xảy ra tình trạng trộm cắp vật nuôi, xẻ thịt. Thậm chí còn bỏ lại xương ngay đường đi lại gây bức xúc, lo lắng cho người dân.
Mới đây, vụ việc gần nhất xảy ra vào ngày 6.3 tại một địa điểm gần khu công nghiệp Trung Hà, Tam Nông, Phú Thọ, đối tượng trộm trâu đã cả gan trộm trâu để thịt, xẻ 2 đùi sau và để lại xác. Hình ảnh con trâu bị giết thịt ngoài khu vực đất trống đã thu hút được sự quan tâm chú ý của rất nhiều người.
Trước đó, tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, sáng 4.3, một người dân trong lúc đi rừng phát hiện một bộ xương trâu bị bỏ lại ở rừng. Ngay sau đó đã báo cho lực lượng chức năng. Được biết, con trâu này của nhà anh Lò Văn Cường người địa phương bị mất, khi phát hiện chỉ còn bộ xương, đầu và 1 chiếc đùi.
Trao đổi với Lao Động tối 7.3, bà Hà Thị Mai – Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc cho biết, hiện lực lượng chức năng vẫn đang điều tra đối tượng trộm cắp, mổ xẻ thịt trâu.
“Vì đang trong quá trình điều tra, nên địa phương đang xem xét việc hỗ trợ gia đình bị mất cắp trâu”, vị Chủ tịch thông tin.
Nói về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi các đối tượng trộm cắp trâu bò, vật nuôi gia súc, tiến hành xẻ phần thịt mang đi thời gian gần đây diễn ra khá thường xuyên tại nông thôn. Việc làm này của các đối tượng cho thấy có tính chuyên nghiệp, gây ra tâm lý hoang mang cho người dân.
Căn cứ vào luật pháp, ông Lực cho biết, đây là hành vi trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó người nào lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì bị phạt tù đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

Nói thêm về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết), hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi trộm cắp tài sản. Nếu giá trị tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì người trộm cắp sẽ bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Trong trường hợp do thù ghét, mâu thuẫn mà phá hoại hoa màu, đánh chết vật nuôi của người khác thì đây là hành vi hủy hoại tài sản, nếu tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì người hủy hoại, làm hư hỏng sẽ bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo ông Cường, khi phát hiện đối tượng đang giết mổ trộm trâu bò, hoặc vừa mới thực hiện xong hành vi phạm tội thì mọi người dân đều có quyền không chế, bắt giữ để giao nộp cho cơ quan chức năng. Nếu người dân vì bức xúc, quá khích mà đánh đập, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Chính quyền địa phương cần phải có các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân. Ngoài ra, cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nhận thức được giới hạn hành vi của mình, tránh những vụ việc quá khích, đau lòng có thể xảy ra" - ông Cường nói thêm.