Trong buổi sáng nay (29.7), đại diện Viện KSND Hà Nội đã đối đáp lại các quan điểm bào chữa của luật sư, bị cáo vụ cựu Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết và 49 người bị đưa ra xét xử.
Viện KSND tái khẳng định, Trịnh Văn Quyết "chủ mưu, tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác" cùng thực hiện hành vi lừa đảo, thao túng chứng khoán, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Các bị cáo còn lại đã giúp sức tích cực hoặc tạo điều kiện để bị cáo Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái của ông Quyết) thực hiện hành vi phạm tội.
Nhiều bị cáo và luật sư của họ cho rằng không biết ông Quyết nâng vốn góp khống, niêm yết cổ phiếu ROS, bán chiếm đoạt tiền. Song Viện KSND khẳng định, khi ký góp vốn khống, nhận tiền ủy thác đầu tư trong khi mình không có vốn góp, không có hoạt động đầu tư, họ "buộc phải biết" là ký những chứng từ gian dối là trái pháp luật, là tạo điều kiện giúp anh em Quyết, Huế.
Viện KSND khẳng định, đây là một chuỗi hành vi cố ý, bắt đầu từ việc nâng vốn góp khống đến cuối cùng là bán cổ phiếu ROS, chiếm đoạt tiền. Hành vi của bị cáo trước là tiền đề, là điều kiện để các bị cáo sau thực hiện hành vi phạm tội; và ngược lại, hành vi của bị cáo sau là sự tiếp nối, là kết quả của hành vi do bị cáo trước đã thực hiện.
Về quan điểm của luật sư bảo vệ cho ông Quyết cho rằng, chỉ khoảng 133 người đủ điều kiện được công nhận bị hại, chứ không phải hơn 30.000 người vì đa số đã bán cổ phiếu và có lãi. Viện KSND cho rằng, kết quả điều tra cho thấy, trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS giá trị 4.300 tỉ được niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ hơn 1.100 tỉ đồng là vốn góp thật; còn hơn 3.100 tỉ đồng là vốn khống.
"Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ một lượng tiền thật để mua hơn 391 triệu cổ phiếu giá trị khống, bị thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng. Đây được xác định là bị hại của vụ án, là hoàn toàn có căn cứ", đại diện Viện KSND nêu.
Đến nay, có 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; số bị hại còn lại, Viện KSND khẳng định, được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.
Tuy nhiên, sau khi các luật sư của Trịnh Văn Quyết trình bày, phía công tố rà soát thấy có trường hợp trùng tên nên xác định lại bị hại trong vụ án là hơn 25.000 trường hợp (giảm so với trước đó là hơn 30.400 bị hại).
Cũng trong phần đối đáp, Viện KSND cho hay, quan điểm của cơ quan công tố là nghiêm trị với người cầm đầu, xem xét giảm nhẹ với bị cáo ăn năn hối cải.
Căn cứ diễn biến tại phiên tòa, Viện KSND đề nghị lại mức án cho bị cáo Trần Đắc Sinh - cựu Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Nguyễn Thanh Bình - cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC từ 8 - 9 năm xuống từ 7 - 8 năm tù.
Tranh luận lại với quan điểm của Viện KSND, luật sư Vũ Đặng Hải Yến - bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết thắc mắc, tại sao "có hai tệp bị hại là 133 người và hơn 30.000 người", điều này luật sư thấy Viện KSND chưa làm rõ.
"Vậy thì chúng tôi xin tự làm rõ", luật sư Yến nói. Theo luật sư, tiêu chí xác định bị hại là họ mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros từ F0, có nghĩa là từ tài khoản của Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu. Họ chưa bán hoặc đã bán ít hơn số đã mua và trong tài khoản phải còn dư cổ phiếu ROS F0.
Như vậy theo luật sư, chỉ có 133 bị hại là những nhà đầu tư đã mua ban đầu (F0). Còn nếu như các nhà đầu tư đã bán hoặc không còn dư cổ phiếu F0 trong tài khoản thì sẽ không đáp ứng được các tiêu chí tiếp theo của danh sách bị hại.
Do đó, luật sư mong HĐXX xem xét lại cái tiêu chí chính xác mà Viện KSND đang dùng để xác định bị hại là gì.
Tiếp lời đồng nghiệp, luật sư Trịnh Hồng Phúc - bào chữa cho Trịnh Thị Thúy Nga (em gái của ông Trịnh Văn Quyết) cho rằng, việc xác định người bị hại và số tiền chiếm đoạt là "cực kỳ quan trọng", liên quan đến khung, khoản của luật, đến trách nhiệm hình sự và dân sự của các bị cáo.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét việc xác định bị hại trong vụ án này, bởi nếu không xác định chính xác bị hại, thì số tiền Viện KSND coi là chiếm đoạt, không được làm rõ, khi tòa tuyên sẽ trả cho ai.
Những tranh luận trên được thực hiện trước khi tòa cho phép các bị cáo nói lời sau cùng.