Thời gian qua, tình trạng mua bán trái phép thông tin về tài khoản các ngân hàng để thực hiện các hành vi phi pháp như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, cá độ bóng đá... diễn biến phức tạp.
Mới đây, hôm 22.5, Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố bị can, tạm giam đối với Hoàng Văn Nghĩa (34 tuổi, trú tại phố Giữa, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An) về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Nghĩa được một người phụ nữ có tên là Sofia, tên tiếng Việt là Ngọc, sống ở Philippines, liên lạc qua ứng dụng Telegram, nhờ mở một số tài khoản ngân hàng và sẽ trả tiền công 100 USD/tài khoản/tháng.
Nghĩa đã thuê, thu mua trên 50 tài khoản của những người thân quen sinh sống tại Cao Bằng, Bắc Kạn và sử dụng trên 100 tài khoản khác nhau.
Cơ quan Công an xác định từ tháng 11.2022 - 4.2023 số tiền chuyển qua các tài khoản này hơn 978 tỉ đồng. Nghĩa không biết nguồn tiền này từ đâu đến và sẽ được chuyển đi đâu, chỉ hưởng lợi từ các tài khoản cho thuê này.
Sau khi trừ tiền thuê tài khoản, hàng tháng, Nghĩa hưởng lợi từ Ngọc từ 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết, để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh việc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, ngân hàng khuyến cáo khách hàng không thực hiện hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân.
Trong khi đó, TPBank đặc biệt lưu ý khách hàng không thực hiện các hành vi cấm như mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn, mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ…, tránh tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng thông tin, tài khoản, thẻ ngân hàng trong các mục đích giao dịch bất hợp pháp.
Theo Công an Hà Nội, việc thu gom tài khoản ngân hàng như: thuê người mở, mua bán là một trong các khâu của tội phạm công nghệ cao, khi thực hiện hành vi phạm tội ở Việt Nam.
Khi có các tài khoản ngân hàng rồi, chúng thu gom sim "rác" để lừa đảo dưới các hình thức giả danh cơ quan chức năng, đe dọa nạn nhân chuyển tiền cho chúng.
Cụ thể, chúng sử dụng các đối tượng đã tuyển dụng trong nước dùng sim điện thoại rác để liên lạc với bị hại, tương tác, diễn theo kịch bản để lừa đảo, yêu cầu bị hại chuyển tiền.
Sau đó, chúng luân chuyển tiền qua nhiều tài khoản, mua tiền điện tử USDT (là loại tiền kỹ thuật số có giá trị phản ánh giá trị của đồng đô la Mỹ 1 USDT = 1 USD).
Hoặc chúng để các đối tượng trong nước rút tiền mặt, mua vàng, ngoại tệ hoặc trực tiếp đi đổi tiền VND sang tiền USD, chuyển cho chúng...
Theo cơ quan chức năng, ngoài thủ đoạn giả danh, tội phạm công nghệ cao còn chiếm đoạt quyền truy cập, quản lý và sử dụng tài khoản Internet banking.
Ở hình thức này, chúng lừa nạn nhân truy cập trang web giả mạo, có giao diện giống với cổng thông tin của các ngân hàng. Chúng nhắn tin giả mạo của các ngân hàng thương mại (SMS Brandname).
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an, cho biết những tin nhắn có nội dung: “Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ tài chính toàn cầu có mức phí sử dụng từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng, nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn Vietinbank... hoặc VPBank...”. Cụ thể, muốn hủy đăng ký thì truy cập vào trang web như: https://vietinbank.com.vn-vb.top..., https://vpbank.com.vn-vb.top..., https://scb.com.vn-as.life..., https://msb.com.vn-sx.top... Thế nhưng thực chất, chúng đang dụ dỗ khách hàng truy cập vào trang web giả mạo ngân hàng.
Nhiều người lầm tưởng đây là tin nhắn thông báo của ngân hàng nên đã thực hiện theo, dẫn đến bị chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản.
Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản Internet banking đã chiếm đoạt được của bị hại để chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt tài sản.
Công an Hà Nội nhấn mạnh, việc cho thuê, mượn, tài khoản hoặc trực tiếp mở tài khoản ngân hàng và cho thuê được coi là tiếp tay cho những kẻ lừa đảo trên không gian mạng.