Nhức nhối tội phạm mua bán tài khoản ngân hàng
Hôm 19.9, Công an tỉnh Phú Thọ đã thông tin về việc triệt phá ổ nhóm mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng do Nguyễn Đình Đô (28 tuổi, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và Trần Văn Triển (28 tuổi, trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) cầm đầu.
Trước đó, đêm 20.7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ kiểm tra, phát hiện bắt quả tang Đô đang có hành vi tàng trữ trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích để bán cho người khác với số lượng lớn, tại quán café “Chago”. Vật chứng cơ quan Công an thu giữ gồm 32 bộ thông tin về tài khoản ngân hàng.
Trong số này, có 21 tài khoản ngân hàng có đầy đủ thông tin, 11 bộ còn lại chưa đầy đủ thông tin. Số tài khoản ngân hàng này, Đô mang lên thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để bán.
Vào đầu tuần tháng 4, Công an Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tạm giam đối với Lưu Thị Vân Anh (29 tuổi, ở quận Hoàng Mai) về hành vi “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác”.
Công an làm rõ, khoảng cuối tháng 5.2021, do không có việc làm nên Vân Anh đã vào các nhóm người Trung Quốc tại Việt Nam trên mạng xã hội Facebook (do Vân Anh có thời gian làm việc tại Trung Quốc từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2020) để tìm việc.
Tại đây, Vân Anh bắt đầu làm quen và nói chuyện với một người Trung Quốc qua Facebook Messenger. Đối tượng người Trung Quốc này gợi mở cho Vân Anh thu mua các tài khoản ngân hàng của người khác, rồi cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản cho đối tượng. Mỗi tài khoản, Vân Anh được trả 3,5 triệu đồng.
Vân Anh liền đồng ý và lên trang thương mại điện tử Shopee thu mua lại sim điện thoại. Những chiếc sim này là chính chủ. Do vậy, người bán sim cho Vân Anh sẽ cung cấp thông tin cá nhân của mình. Từ đó, Vân Anh nhờ người nhà dùng sim điện thoại mở các tài khoản ngân hàng.
Sau khi đăng ký mở tài khoản thành công, Vân Anh sẽ bàn giao lại các thông tin về số tài khoản, tên ngân hàng và số điện thoại sử dụng cho đối tượng người Trung Quốc. Chúng sẽ sử dụng những tài khoản này để nhận tiền lừa đảo, qua đó tránh sự điều tra, phát hiện tung tích thật của bản thân.
Theo đó, Vân Anh đã mở và cung cấp cho đối tượng người Trung Quốc tổng cộng 37 tài khoản khác nhau. Tổng số tiền Lưu Thị Vân Anh nhận được từ việc mua bán số tài khoản trên là hơn 130 triệu đồng.
Sau đó, nhóm tội phạm đã dùng một trong số các tài khoản do Vân Anh bán, để chuyển tiền lừa đảo của bị hại tên H ở Hà Nội vào đó. Những kẻ lừa đảo này đã gọi điện thoại cho anh H, giả danh là cơ quan chức năng thông báo anh liên quan đến vụ tai nạn giao thông ở Đà Nẵng.
Quá lo lắng, anh H đã đăng nhập vào một đường link do đối tượng gửi tới, là một phần mềm giả danh Bộ Công an. Chỉ trong ít phút, chúng đã đánh cắp toàn bộ số tiền hơn 932 triệu đồng của anh H.
Tiềm ẩn nhiều loại tội phạm từ mua, bán tài khoản ngân hàng
Thực tế trên cũng được Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an nhìn nhận, việc mua bán trái phép thông tin cá nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.
C02 cảnh báo, chúng lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân (có thể trả cho người dân từ 100.000 - 300.000 đồng trên mỗi căn cước công dân, chứng minh nhân dân được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.
Từ đó, chúng thực hiện các hành vi phạm tội như: Chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ Công an, Toà án, Viện kiểm sát, hải quan, thuế...