Theo đó, ngày 16.4, Phạm Văn Hiệp là 1 trong 4 cán bộ bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ khi mở rộng điều tra vụ án Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”). Trong thời gian còn đương chức, ông Hiệp (36 tuổi, phường Trần Lãm, TP Thái Bình), là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Thái Bình.
Trước khi bị bắt, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình cho biết, vợ chồng Đường Nhuệ tham gia nhiều cuộc đấu giá đất tại địa phương do các trung tâm tổ chức.
Theo ông Hiệp, từ năm 2015, vợ chồng Đường "Nhuệ" có tham gia một số cuộc đấu giá tại các lô đất ở vị trí đắc địa, sau đó chuyển nhượng kiếm lời. Tới các phiên đấu giá, cặp đôi thường dẫn theo hàng chục đàn em để thị uy.
Về cách thức đấu giá của Công ty bất động sản Đường Dương (vợ chồng Đường “Nhuệ” làm chủ), ông Hiệp cho biết, vợ chồng Đường sẽ gom hồ sơ khi cơ quan tổ chức đấu giá các cấp từ huyện đến tỉnh thông báo, bán. Sau đó, Đường "Nhuệ" nói sẽ bán hồ sơ đấu giá đất nhưng lại ỉm đi. Nếu ông ta có bán cũng chỉ cho khoảng 10 người, nhưng lại là toàn người nhà hoặc người thân. Thời gian sau đó, các đối tượng sẽ giữ bí mật những việc này, nếu không ai biết sẽ cho đặt cọc, tổ chức đấu giá.
Ông Hiệp khẳng định, bằng thủ đoạn này, những người khác sẽ không biết để đấu giá, đặc biệt là những lô đất có vị trí đắc địa, được xem là đất “vàng” với sự chênh lệch giá gốc không nhiều. Với những lần không suôn sẻ, Đường “Nhuệ” sẽ trực tiếp hoặc cho đàn em đàm phán, chi tiền để người khác rút lui, không đấu thầu nữa. Bằng cách này, sau khi đấu giá xong Công ty Đường Dương sẽ chuyển nhượng với giá gấp đôi.
Ngoài các lô đã sang tên cho người khác kiếm lời, những lô còn lại, vợ chồng Đường Dương sẽ bỏ không và chưa nộp tiền cho chính quyền. Ngoài ra, Đường "Nhuệ" còn tham gia đấu giá đất thuê. Đường "Nhuệ" sẽ cầm tiền để đấu giá cho một người và đe doạ buộc những người tham gia khác phải dừng lại. Ai không làm theo sẽ bị đe doạ, hành hung.
Cũng theo ông Hiệp, hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất rất phổ biến tại các địa phương trong tỉnh Thái Bình. Việc này khiến ngân sách thất thu khoản tiền lớn và gây bức xúc trong người dân và các cơ quan chức năng.
Cụ thể, tháng 1.2019, huyện Đông Hưng tổ chức đấu giá 24 lô đất thuộc xã Lô Giang, Công ty Đường Dương trúng 20 lô với giá "không quá cao so với mức sàn". Năm 2018, huyện tổ chức đấu giá khu đất xã Đông Phương với giá khởi điểm 1,5 triệu đồng một mét vuông và Nguyễn Thị Dương - vợ Đường "Nhuệ" - trúng 3 lô với "giá cao hơn khởi điểm 10.000 đồng/m2".
Vào cuối năm 2019 tại xã Bình Nguyên (Kiến Xương), Nguyễn Thị Dương đã trúng đấu giá 5/38 lô với diện tích là 100m2/suất. Tương tự, tại các địa phương khác cũng xảy ra tình trạng trúng đấu giá mỗi khi vợ chồng Đường "Nhuệ" góp mặt.
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Thị Dương từng gây rối khi đấu giá đất tại huyện Vũ Thư. Sau đó, chính Dương cùng nhiều đối tượng khác đã kéo lên Sở Tư pháp chửi bới gây mất trật tự. Sự việc trên đã được ông Trần Hữu Hiệp – Giám đốc Sở Tư pháp xác nhận với Lao Động.
Đoạn clip livestream về buổi đấu giá đất này được chia sẻ khiến dư luận bức xúc trước lối hành xử của nữ doanh nhân vừa bị bắt. Trong đoạn clip, Nguyễn Thị Dương liên tục có những lời lẽ công kích về phía các cán bộ tại Sở Tư pháp.