Trao đổi với Lao Động chiều 28.5, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - C02, Bộ Công an) cho hay, biết vay tiền qua app - ứng dụng trực tuyến - lãi cao song nhiều người vẫn vay.
Theo tướng Hà, người vay này chủ yếu là lớp trẻ. Có rất nhiều lý do để họ vay, trong đó có việc không nhận thức được, đa số các app đó, trong đó có những cái không lãi suất, lãi suất 0 đồng hoặc lãi suất rất thấp, chỉ là một chiêu trò. Thực tế, các app này “lách” bằng cách thu phí rất cao.
Cục trưởng C02 cũng cho biết, ứng dụng cho vay chỉ áp với những thiết bị công nghệ. Những ứng dụng này hoạt động trong tài chính ngân hàng. Hoạt động đó Bộ Công an cũng đã nhận diện được.
C02 cũng đã tham mưu với Bộ Công an, giao cho lực lượng cảnh sát kinh tế chủ trì. C02 cũng đang triển khai một số biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa.
Thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu, đã tiến hành bắt giữ, xử lý hình sự. Với những vụ việc chưa đủ căn cứ, chứng minh thì xử lý hành chính.
Trên thực tế, tháng 4 vừa qua, C02 phối hợp với Công an TP.Hồ Chí Minh triệt phá đường dây cho vay trực tuyến do nhóm người quốc tịch Trung Quốc cầm đầu.
Nhóm đối tượng này “núp bóng” phía sau một số công ty như V.F, B.M.V và Đ.P cung cấp các dịch vụ tài chính cho vay tiền thông qua các ứng dụng trên điện thoại như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online” với lãi suất cao.
Người vay được hướng dẫn tạo một tài khoản trên ứng dụng bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, CMND, số tài khoản ngân hàng) và phải đồng ý theo 7 điều khoản, trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại.
Khách không trả nợ đúng hạn thì nhân viên sẽ gọi điện, nhắn tin đe dọa mà còn gửi thông tin cho nhiều người thân khác nhằm làm mất uy tín và danh dự của khách. Nhiều người không chịu nổi áp lực phải nhanh chóng xoay tiền để trả cho chúng.
Tính ra, người vay phải trả lãi suất lên đến 3%/ngày, tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm. Theo số liệu của cảnh sát, có khoảng 60.000 người.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nói: Có một vấn đề, những app này đều qua một trung gian, nền tảng là phần mềm công nghệ thông tin, việc các đối tượng nếu như bỏ trốn thì thiệt thòi sẽ là người dân. Hiện tại chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ cho người vay.
Nhắc đến việc sơ hở của người vay khi đăng ký phải tự cung cấp số điện thoại của bản thân, thân nhân, địa chỉ…, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết, đó là họ tự mình cung cấp bí mật của mình cho chúng. Vì vậy người dân phải nhận thức được, bản thân làm lộ bí mật của chính mình chứ không phải bị chúng “hack”.
Vậy vì sao, những người vay đa phần đều là người trẻ? Tướng Hà giải thích, bởi người có tuổi, thì kiến thức về công nghệ thông tin có những hạn chế. Quan trọng nhất, người trẻ vốn không nhận thức được việc vay 1-2 triệu thôi song hậu quả quá lớn.
Thực tế, khi họ không trả được, những đối tượng cho vay tiền dùng chính những thông tin được cung cấp để lợi dụng đòi nợ. Chúng điện thoại cho vợ con, bố mẹ, bạn bè để làm mất uy tín.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà khuyến cáo, trong trường hợp người dân gặp phải tình huống như trên, họ có thể gửi trực tiếp đơn trình báo cho lực lượng Cảnh sát kinh tế hoặc qua điện thoại 113.
“Các cấp sẽ có trách nhiệm và giải quyết”, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nói.