Công văn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ: Báo Lao Động, ngày 30.7 có bài phóng sự: "Chăn dắt ăn xin: Những sự thật trần trụi được kể từ người trong cuộc", trong đó có phản ánh một số đối tượng là trẻ em, người khuyết tật lang thang xin tiền trên địa bàn thành phố Hà Nội bị một số đối tượng bảo kê, trục lợi từ hoạt động lang thang xin tiền.
Để bảo vệ quyền lợi trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và thực hiện hiệu quả công tác tập trung người lang thang trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị Công an TP Hà Nội: Chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng người khuyết tật, trẻ em vào mục đích trục lợi, hay các nhóm người khuyết tật, trẻ em bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường, có tính chất tổ chức chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội của thành phố.
Chỉ đạo công an xã, phường phối hợp với các Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc các Trung tâm bảo trợ xã hội I,II,IV để kiểm tra, tập trung và xử lý các trường hợp lang thang, xin tiền theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 2 năm thực hiện Quyết định 6053 của UBND thành phố, các Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và tập trung được trên 1.300 lượt đối tượng người lang thang từ các xã phường, thị trấn và các ban quản lý di tích, danh thắng.
Tuy vậy, trên địa bàn thành phố vẫn còn hiện tượng đối tượng mang theo trẻ em, người khuyết tật để xin tiền, đặc biệt có tình trạng bảo kê (lợi dụng người già, trẻ em, người khuyết tật) để trục lợi cho cá nhân hoặc một nhóm đối tượng.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa có quy định nào quy định về xử lý hình sự đối với hành vi chăn dắt ăn xin, mà hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính theo các quy định quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP.
Theo đó, người nào ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo khoản 2, Điều 20.
Khoản 3, Điều 27 của Nghị định này quy định - người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
"Hình thức xử phạt như trên là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe những đối tượng chăn dắt ăn xin. Bởi, số tiền bị phạt và lợi nhuận thu được từ hành vi này có sự chênh lệch quá lớn. Có thể nói là cuộc bóc lột siêu lợi nhuận.
Thiết nghĩ, đã đến lúc đưa những đối tượng chăn dắt ăn xin vào diện phải xử lý hình sự, để có thể giải quyết triệt để vấn nạn trên", luật sư cho hay.