Như Lao Động đưa tin, ngày 19.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) thông tin đang điều tra vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Môi giới hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát; Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.
C03 ra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Hùng, kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 304, Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương từ tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự sang tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc thay đổi tội danh pháp luật hoàn toàn cho phép.
Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội nhận hối lộ là những tội danh rất gần nhau. Bởi, hai tội này đều xác định bị can là người có chức vụ quyền hạn, vì vụ lợi mà thực hiện sai công vụ.
Hành vi cấu thành tội phạm đối với tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 10 triệu đồng trở lên. Mức hình phạt của tội danh này cao nhất là 15 năm tù.
Như vậy, theo tội danh này thì số tiền làm căn cứ để xác định định tội và định khung hình phạt là tiền gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân chứ không phải là số tiền hưởng lợi.
Còn trường hợp người nào, lợi dụng chức vụ quyền hạn mà nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác, kể cả lợi ích phi vật chất trực tiếp hoặc qua trung gian để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, đưa lợi ích thì đó là hành vi nhận hối lộ.
Hành vi nhận hối lộ nguy hiểm hơn hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ở chỗ là cán bộ đã bị mua chuộc, đã phải thực hiện công việc theo yêu yêu cầu, thỏa thuận của người đưa ra lợi ích.
Bởi vậy hình phạt đối với tội danh này nghiêm khắc hơn rất nhiều, mức hình phạt cao nhất là tử hình nếu số tiền nhận hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, để chứng minh ông Trần Hùng phạm tội "Nhận hối lộ" thì cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh bị can đã nhận hoặc sẽ nhận một lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất nào đó của người đưa hối lộ để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa thông tin về số tiền nhận hối lộ là bao nhiêu tiền hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất là gì nên chưa thể xác định được bị can sẽ bị quy kết vào khung khoản nào của điều luật này.
Trường hợp hối lộ là tiền hoặc tài sản có thể định giá được bằng tiền thì đây là yếu tố quan trọng để xác định khung hình phạt.
Nếu số tiền từ 2 - 200 triệu đồng, khung hình phạt là phạt tù từ 2-7 năm tù. Trường hợp số tiền hoặc tài sản trị giá từ 100 - 500 triệu khung hình phạt 7-15 năm. Trường hợp số tiền từ 500 triệu - dưới 1 tỉ, hình phạt từ từ 15-20 năm;
Nếu số tiền nhận hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên, hình phạt ở khung cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, Cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ của hối lộ ở đây là tài sản, lợi ích vật chất hay lợi ích phi vật chất. Ai là người đã đưa ra yêu cầu này và việc chuyển giao lợi ích này được thực hiện như thế nào, trực tiếp hay qua khâu trung gian.
Người nào trung gian để chuyển số tiền này thì sẽ bị xử lý về hành vi môi giới hối lộ. Còn người đưa ra yêu cầu sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 164 bộ luật hình sự năm 2015.
Tòa án là cơ quan có thẩm quyền kết luận sự việc, kết quả xét xử vụ án hình sự sẽ quyết định đến tội danh và mức hình phạt.
Trong vụ án có đồng phạm thì tòa án cũng sẽ xem xét cá biệt hóa vai trò đồng phạm. Những người chủ mưu, sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc hơn các bị cáo khác.