Loạt sai phạm nghiêm trọng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Như Lao Động đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 36 bị can liên quan sai phạm xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số đơn vị cùng về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài 139,2 km và chia làm 2 giai đoạn, có tổng đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 của dự án từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ, Quảng Nam, có tổng chiều dài 65 km. Giai đoạn 2 từ TP Tam Kỳ đến tỉnh Quảng Ngãi, dài hơn 72 km.
Theo kết luận điều tra, quá trình thi công và giám sát, chủ đầu tư, nhà thầu thi công cùng đơn vị tư vấn giám sát cũng như các đơn vị liên quan đã không tuân thủ quy định về xây dựng công trình. Do đó, việc tổ chức thi công, nghiệm thu để đưa vào sử dụng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đường cao tốc theo tiêu chuẩn thiết kế có khả năng chịu lực nhưng khi nhà thầu thi công chủ trì thiết kế bản vẽ nền, móng, mặt đường và thực hiện thi công đã không tính toán, không kiểm tra các yếu tố kỹ thuật.
Bên cạnh đó, nhà thầu thi công và đơn vị liên quan không làm đúng yêu cầu thiết kế của dự án. Hồ sơ nghiệm thu thi công cũng bị các bên ghi khống số liệu, nhân bản kết quả thực hiện.
Cơ quan điều tra phát hiện các loại vật liệu nguồn do nhà thầu thi công mua sắm có chất lượng rất kém, được lấy từ các mỏ đá đã được Bộ Giao thông vận tải cảnh báo.
Ngoài ra, một số gói thầu trong giai đoạn 1 phải được thực hiện theo công nghệ VTO. Nhưng bị can Lê Quang Hào (cựu Phó tổng giám đốc VEC phụ trách dự án) đã cho chuyển công nghệ này sang Novachip. Lúc đó, công nghệ Novachip chưa được VEC và đơn vị liên quan nghiên cứu, thử nghiệm tính hiệu quả.
Kết quả giám định cho thấy đoạn công trình được nghiệm thu sau khi sử dụng công nghệ Novachip không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác sử dụng.
Cơ quan điều tra cũng xác định chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát không tổ chức thí nghiệm kiểm tra để đánh giá hiệu quả thoát nước bề mặt, không đánh giá chất lượng các lớp vật liệu đã thi công cao tốc.
Hậu quả, đoạn có chiều dài 65 km thuộc giai đoạn 1 của dự án khi vừa sử dụng đã xuất hiện 380 điểm hư hỏng trên tuyến chính, trung bình 6 điểm hư hỏng trên mỗi km.
Cựu sếp VEC bị đề nghị "xử lý nghiêm"
Trong vụ án, 2 cựu Phó tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào đã vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Các hạng mục dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn thanh toán, nghiệm thu hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công.
Bị can Nguyễn Mạnh Hùng khai là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở của dự án. Trong giai đoạn nghiệm thu dự án, ông Hùng bị cáo buộc không tổ chức nghiệm thu theo quy định.
Ông Hùng thừa nhận Bộ Giao thông vận tải và VEC đã cảnh báo về nguồn vật liệu đá kém chất lượng nhưng bị can này và cấp dưới không kiểm tra, đánh giá chất lượng vật liệu nguồn. Ông Hùng cho rằng trách nhiệm đó là của tổng giám đốc và chủ tịch HĐTV VEC.
Trong các tháng 4-5.2018, bị can ký 4 biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, đánh giá dự án đảm bảo chất lượng, đề nghị đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng phủ nhận trách nhiệm liên quan số tiền thiệt hại hơn 420 tỉ đồng và cho rằng Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và HĐTV VEC liên quan việc này.
Kết luận cho rằng, ông Hùng khai báo quanh co, không thừa nhận vai trò trách nhiệm được giao của bản thân; không thừa nhận hành vi vi phạm và hậu quả gây ra, luôn đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho cấp trên, cấp dưới.
Theo đó, cơ quan điều tra đề nghị xem xét xử phạt nghiêm khắc khi xét xử đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.