Theo Cục CSGT, người vi phạm giao thông chỉ cần sử dụng máy tính có kết nối mạng Internet, truy cập vào Cổng dịch vụ Công quốc gia (DVCQG), vào mục nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khai báo thông tin về số biên bản vi phạm hành chính, họ tên, điện thoại, địa chỉ, hành vi vi phạm... và chọn ngân hàng để nộp phạt.
Để cung cấp được dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đến người dân, thì trước hết người dân phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho cơ quan công an (địa chỉ liên hệ, số điện thoại…).
Từ đó có thể kết nối, thông báo nhanh chóng đến người vi phạm, rút ngắn thời gian cũng như các thủ tục trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.
Người dân cũng cần kiểm tra cẩn thận tài khoản Ngân hàng tránh việc sai sót trong việc chuyển tiền vi phạm trên Cổng dịch vụ Công quốc gia. Sau khi hoàn thành việc nộp tiền phạt vi phạm theo đúng quy định cần kiểm tra lại chứng từ.
Trước đó, từ ngày 12.3, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận là 5 tỉnh, thành được thí điểm về việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng DVCQG.
Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT - Bộ Công an thời điểm đó cho hay, người dân có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến để tiến hành nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay vì việc phải trực tiếp đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời có thể đăng ký địa chỉ để nhận lại các giấy tờ bị cơ quan công an tạm giữ sau khi đã thực hiện hoàn thành xong quyết định xử phạt.
Đến nay, Cục CSGT đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước hoàn thiện các nội dung liên quan đến thủ tục biên lai thu tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Hoàn thiện các bước kết nối việc xử phạt vi phạm hành chính từ Công an các địa phương đến Cục CSGT và từ Cục đến cổng DVCQG.
Trước đó, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cũng cho biết, người bị xử phạt sẽ tiết kiệm được ít nhất 1,5 ngày làm việc để thực hiện công đoạn từ nhận quyết định xử phạt, đi nộp phạt đến nhận giấy tờ, phương tiện, tương ứng với khoảng 4 triệu trường hợp vi phạm lập biên bản được lập trong 1 năm.
Từ đó, sẽ tiết kiệm được khoảng 6 triệu ngày công và hơn 1.300 tỉ đồng/năm (tính theo thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khoảng 220.000 đồng/ngày làm việc).