So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân.
Trong đó, tại chương IV bổ sung 1 điều về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài (Điều 28).
Theo đó, trường hợp có thông tin cho biết người đó chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu xác định nguồn thông tin có căn cứ;
Trường hợp người đó đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân và cấp giấy xác nhận nạn nhân, cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định;
Ngay sau khi nhận được đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan chức năng ở trong nước có trách nhiệm tổ chức xác minh, trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp tổ chức cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa những người này về nước;
Trường hợp thỏa thuận quốc tế có quy định về việc trao đổi thông tin trực tiếp, hợp tác về phòng, chống mua bán người giữa cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước thì thực hiện theo khuôn khổ thỏa thuận quốc tế đó.
Bổ sung 1 điều quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam (Điều 30).
Theo đó, khi nhận được thông tin, tài liệu về người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước trao đổi hoặc do người biết việc đến trình báo, cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an cấp tỉnh nơi nạn nhân bị giữ để xác minh, điều tra, giải cứu...
Khi có đủ căn cứ xác định người được giải cứu, người tự trình báo là nạn nhân thì cơ quan giải cứu, cơ quan tiếp nhận trình báo cấp Giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán theo thẩm quyền trước khi chuyển giao;
Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện cấp thị thực, chứng nhận tạm trú cho nạn nhân, thông báo kế hoạch đưa nạn nhân về nước cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, Cơ quan quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi đang lưu giữ nạn nhân; Công an cửa khẩu sân bay quốc tế hoặc Bộ đội Biên phòng cửa khẩu đường bộ nơi nạn nhân sẽ xuất cảnh; các tổ chức quốc tế (nếu có liên quan) để phối hợp đưa nạn nhân về nước.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (Điều 35) theo hướng dẫn chiếu pháp luật có liên quan (tố tụng hình sự, tố cáo) và quy định về một số biện pháp bảo vệ gồm:
Bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản theo quy định của pháp luật.