Ngày 9.7, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) mức án tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Được nói lời sau cùng, Tình trình bày lời xin lỗi đối với cha mẹ, gia đình người bị hại và nêu nguyện vọng được hiến tạng cho y học.
“Bị cáo xin lỗi gia đình bị hại vì hành động thiếu suy nghĩ của mình mà gây hậu quả lớn như thế. Bị cáo thành thật xin lỗi. Bị cáo xin lỗi ba mẹ vì con chưa trả hiếu được cho ba mẹ.
Chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ, con phải trả giá bằng mạng sống của mình. Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản”, Tình nói.
Mong muốn được hiến tạng, hiến xác của tử tù được đánh giá thể hiện sự sám hối. Cơ thể của họ có thể mang đến sức khỏe cho bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng hoặc hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc này rất khó thực hiện trên thực tế.
Chia sẻ với Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng (Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, vấn đề này rất khó thực hiện.
Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định "mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật". Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2016 cũng quy định "người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".
Tuy nhiên, cả luật này và Luật Thi hành án hình sự đều không quy định về hiến tạng, hiến xác đối với tử tù. Thứ hai, theo Luật Thi hành án hình sự, khi thi hành án tử đối với các bị án thì phải tiêm thuốc độc.
"Mặc dù, hiện nay, nhu cầu ghép tạng rất lớn, trong khi nguồn tạng lại hạn chế nhưng khi tiêm thuốc độc vào người thì không thể sử dụng mô và nội tạng cơ thể, không thể ghép cho người khác", luật sư nói.
Cũng theo luật sư Bùi Đình Ứng, vấn đề đặt ra có nên thay đổi phương thức tử hình bằng thuốc độc để lấy mô, tạng? Nghĩa là, khi thi hành án, không sử dụng thuốc độc, thay vào đó mổ để lấy tạng. Vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng của Hội đồng thi hành án, các chuyên gia pháp lý.
Tuy nhiên, quan điểm của luật sư, để làm được điều này không phải dễ dàng, trong khi nhiều người sợ, thậm chí không dám lấy mô tạng của sát thủ.
Trong khi đó, theo Thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an), việc tử tù muốn hiến tạng đã đặt ra từ lâu.
“Kể cả khi xây dựng Luật Thi hành án hình sự, Quốc hội cũng từng bàn về việc nên có hành lang pháp lý để đáp ứng nguyện vọng hiến tạng, hiến xác của tử tù, nhưng cuối cùng quyết định không đưa vào” - thiếu tướng Quân cho biết.