Ngày 17.4, thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02, CA Gia Lai) cho biết, tại Gia Lai gần đây xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, qua Facebook với thủ đoạn hết sức tinh vi.
Vào tháng 3.2019, bà Nguyễn Thị M (trú phường Diên Hồng, TP.Pleiku, Gia Lai) được một nữ giới gọi điện đến xưng là công an, nói đang điều tra một vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia, có liên quan đến bà M. Đối tượng nữ này lại chuyển máy cho một đối tượng khác là nam giới. Đối tượng nam, cũng xưng là công an, yêu cầu bà M phải gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm hiện có vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để xác minh, nếu không có liên quan đến vụ án sẽ chuyển trả lại. Tin tưởng lời nói của các đối tượng là thật, bà M đã chuyển hơn 534 triệu đồng vào tài khoản cho đối tượng.
Tiếp đó, đầu tháng 4.2019, cũng bị lừa với thủ đoạn như trên, ông Nguyễn Ngọc T (trú thị xã An Khê, Gia Lai) đã chuyển vào một số tài khoản giả mạo số tài khoản của Bộ Công an với số tiền 350 triệu đồng. Trước đó, ông cũng bị các đối tượng tự xưng là công an đang điều tra án ma túy, có liên quan đến bản thân ông. Lo sợ bị bắt oan, ông chuyển tiền để minh oan, ai ngờ mất luôn số tiền lớn.
Trong quá trình sử dụng Facebook, chị Nguyễn Thị S (trú Gia Lai) kết bạn, làm quen với một đối tượng sử dụng Facebook có tên "Zdy". Ngày 27.3.2019, đối tượng "Zdy" nhắn tin, đề nghị chi S cung cấp thông tin cá nhân để gửi cho chị gói quà, trong đó có 640.000 USD và một số tài sản khác. Chị S đồng ý. Hôm sau, có đối tượng xưng là nhân viên sân bay Nội Bài, gọi điện thoại cho chị S, thông báo gói quà mà chị nhận có chứa nhiều tiền nên phải đóng tiền phạt, tiền làm giấy tờ chống rửa tiền, tiền phí... mới được nhận quà. Tin tưởng, chị S đã chuyển vào tài khoản của đối tượng số tiền 313 triệu đồng và mất trắng.
Anh Nguyễn Văn Q (trú TP.Pleiku, Gia Lai) đăng thông tin bán nhà trên Facebook. Ít ngày sau, xuất hiện một người tên T liên hệ, đề nghị anh Q cung cấp thông tin tài khoản, để chuyển 100 triệu đồng đặt cọc mua nhà. Tưởng thật, anh Q cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của mình. Hôm sau, anh Q nhận được tin nhắn qua điện thoại, thể hiện tài khoản của mình đã tăng thêm 100 triệu đồng và một mã OTP.
Đối tượng T đề nghị anh Q nhập mã OTP vào trang Web tên: http://westeronline.weebly.com, để nhận tiền. Nhập xong, số tiền 100,7 triệu đồng của anh Q đã chuyển sang tài khoản của đối tượng.
Các đối tượng còn giả danh nhà mạng nhắn tin trúng thưởng như trúng xe Liberty, xe SH, tặng 100 triệu đồng... nhiều người tưởng thật, đã nạp tiền để nhận thủ tục nhận thưởng. Đến lúc mất tiền, mới biết bị lừa.
Thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) nhấn mạnh: "Với các thủ đoạn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác. Không nên nghe theo hướng dẫn của của các đối tượng (chưa gặp mặt bao giờ - PV), mà nên kịp thời thông báo đến cơ quan công an nơi gần nhất. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không biết".
Cảnh báo, PC02 đã có văn bản số 210 thông báo đến các Trưởng Công an huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền đến người dân để cảnh giác.