Trước đó, ngành chức năng huyện Đăk Đoa đã phát hiện 1 vụ phá rừng xảy ra tại Tiểu khu 406, 408 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa quản lý, nằm trên địa giới hành chính của xã Hà Đông.
Hiện trường là 41 gốc cây bị cưa hạ, trong đó có 37 cây thông 5 lá đã bị cưa hạ, còn lại là Chò xót và Giẻ trắng. Một số cây đã bị xẻ thành ván, hộp vận chuyển ra khỏi rừng, một số vẫn còn để lại tại hiện trường. Đường kính gốc cây bị cưa hạ từ 45cm-90cm. Theo đo đếm ban đầu, ước tính khối lượng thiệt hại khoảng 40m3.
Đươc biết, khu vực trên nằm giáp ranh với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và các đối tượng khai thác trái phép xẻ thành ván, hộp rồi dùng xe máy độ chế để kéo ra khỏi rừng. Khu vực cây thông 5 lá bị phá thuộc rừng phòng hộ, sản xuất.
Trước sự việc trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an huyện Đăk Đoa phối hợp với các ngành chức năng xác minh, làm rõ. Đồng thời, UBND huyện Đăk Đoa cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đã để xảy ra vụ phá rừng nói trên và báo cáo cho UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Qua đó, ngày 24.4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đăk Đoa cùng phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Thông 5 lá trên tương tự hình thái với loài thông 5 lá Đà Lạt mà đã được các nhà nghiên cứu phát hiện, đây là loài thông đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần vào cuộc xác minh, làm rõ, bởi hiện tại khu vực này vẫn còn hiện hữu hàng loạt cây thông 5 lá tương tự số cây đã bị đốn hạ.