Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đút túi 725 tỉ đồng tiền thu phí cao tốc ra sao?

HỮU HUY - ANH TÚ |

Sau khi được ông Đinh La Thăng giới thiệu mua quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ đã cùng đồng phạm thực hiện nhiều "thủ thuật" để giành quyền thu phí về tay mình.

Làm giả hồ sơ tài chính

Ngày 14.12, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án tiêu cực xảy ra tại dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương gây thiệt hại hơn 725 tỉ đồng. Giữ quyền công tố, đại diện Viện Kiểm sát bắt đầu nêu cáo trạng vào lúc 10h20 sáng 14.12.

Theo nội dung cáo trạng, dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (giai đoạn I) có nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỉ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc“) tại phiên tòa sáng 14.12. Ảnh: Anh Tú
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa sáng 14.12. Ảnh: Anh Tú

Xuất phát từ chủ trương thu hồi vốn đã đầu tư cho ngân sách, nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) liên danh với các nhà đầu tư thành lập Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) lập Đề án mua quyền thu phí của Dự án và đầu tư xây dựng tiếp đường cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT.

Ngày 4.11.2011, BIDV thay mặt tổ hợp các nhà đầu tư đã có Văn gửi Bộ GTVT đề nghị chuyển giao lại Dự án đường cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT và Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Bộ GTVT để lựa chọn đơn vị khác làm chủ đầu tư, với lý do không thu xếp được nguồn vốn.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT và tập hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng BIDV, ngày 20.2.2012, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho BEDC không tiếp tục đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương và dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; đồng thời, chuyển giao nguyên trạng cho Bộ GTVT, BEDC được hoàn trả các khoản chi phí đã đầu tư cho 2 dự án này trên cơ sở số liệu được kiểm toán đầy đủ..., tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư để chuyển giao quyền thu phí, hoàn trả ngân sách Nhà nước kinh phí đã ứng cho dự án...

Sau khi nhận được văn bản nêu trên, ngay trong tháng 2.2012, ông Đinh La Thăng đã gọi điện thoại cho Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long (đơn vị trực thuộc Bộ GTVT được giao tiếp nhận bàn giao Đề án chuyển giao quyền thu phí) để giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp xúc và tham gia mua quyền thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: Anh Tú
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: Anh Tú

Bị cáo Đinh La Thăng phân công cho bị cáo Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT lúc đó chủ trì, chỉ đạo Tổng Công ty Cửu Long do Dương Tuấn Minh là Tổng Giám đốc cùng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GTVT xây dựng và hoàn thiện Đề án bán quyền thu phí.

Đối với Đinh Ngọc Hệ, sau khi được bị cáo Đinh La Thăng giới thiệu với Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long, Hệ đã cùng Phạm Văn Diệt, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình liên hệ và tiếp cận Đề án bản quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Đinh Ngọc Hệ biết rõ điều kiện để tham gia mua đấu giá là doanh nghiệp phải có nguồn tài chính bảo đảm cho việc thanh toán vốn đúng hạn khi trúng thầu chuyển giao quyền thu phí và tại Quy chế bán đấu giá do bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký ban hành quy định rõ phải đáp ứng điều kiện: “Hạch toán độc lập; tình hình tài chính lành mạnh: Kinh doanh 2 năm liên tiếp (2011 và 2012) không lỗ”.

Để tham gia mua quyền thu phí, Đinh Ngọc Hệ đã sử dụng 2 pháp nhân là Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An do Hệ thành lập và chỉ đạo hoạt động để đăng ký mua quyền thu phí. Thực tế 2 Công ty này không có năng lực tài chính và kinh doanh thua lỗ nên Hệ chỉ đạo Tô Phước Hùng, Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh và Phạm Tấn Hoàng, Kế toán trưởng Công ty Khánh An làm giả hồ sơ tài chính của 2 pháp nhân này từ lỗ thành lãi để che giấu việc không có khả năng tài chính, không đủ điều kiện tham gia mua đấu giá quyền thu phí theo quy định và nộp hồ sơ đăng ký với Tổng Công ty Cửu Long.

Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng. Ảnh: Hữu Huy
Đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng. Ảnh: Hữu Huy

Bị cáo Nguyễn Hồng Trường, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá đã không chỉ đạo các thành viên Hội đồng bán đấu giá kiểm tra, đánh giá năng lực tài chính của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An theo quy định mà chỉ dựa trên biên bản họp đánh giá hồ sơ tham dự đấu giá do bị cáo Dương Thị Trâm Anh, Tổ trưởng Tổ thường trực giúp việc lập khống để ký Thông báo 2 Công ty trên của Đinh Ngọc Hệ đủ điều kiện tham gia đấu giá, đồng thời uỷ quyền cho bị cáo Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long tiến hành bán đấu giá. Trên cơ sở này, bị cáo Nguyễn Hồng Trường ký phê duyệt kết quả bán đầu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ.

Cáo trạng nêu: Toàn bộ các ý kiến chỉ đạo, kết luận và các văn bản nêu trên của bị cáo Nguyễn Hồng Trường đều được báo cáo và gửi các tài liệu liên quan đến bị cáo Đinh La Thăng, thông qua các tài liệu này có cơ sở khẳng định bị cáo Đinh La Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai xây dựng Đề án bản quyền thu phí, Quy chế bản đấu giá và kết quả bán đấu giá quyền thu phí cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ không đúng quy định của pháp luật.

Dùng phần mềm để gian lận

Ngay sau khi mua được quyền thu phí và tiến hành khai thác thu phí, Đinh Ngọc Hệ tiếp tục chỉ đạo nhân viên trong các công ty của Hệ thực hiện các hành vi trái pháp luật để che giấu doanh thu thu phí thực tế, che giấu việc kiểm soát doanh thu thu phí của Bộ GTVT, cơ quan Thuế và các cơ quan của Nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm toán nhằm chiếm đoạt khoản tiền chênh lệch.

Đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng luận tội bị cáo Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm.

Đồng thời, với mục đích sau khi hết thời gian mua quyền thu phí theo hợp đồng sẽ báo cáo lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí, Đinh Ngọc Hệ cùng các bị cáo Phạm Văn Diệt, Tô Phước Hùng chỉ đạo các bị cáo khác thuộc Công ty Yên Khánh tiếp tục thực hiện hành vi gian dối bằng thủ đoạn mua phần mềm máy tính của Công ty Xuân Phi, can thiệp vào phần mềm quản lý thu phí của Bộ GTVT đã được cài đặt để xâm nhập, điều chỉnh chương trình soát vé, nhằm làm cho những thông tin về việc thu phí sẽ không được kiểm soát.

Tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã chứng minh được doanh thu thu phí thực tế từ tháng 1.2014 (thời điểm bắt đầu thu phí) đến tháng 12.2018 (thời điểm kết thúc Hợp đồng mua bán quyền thu phí), Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã thu được tổng số tiền hơn 3.266 tỉ đồng, doanh thu sau khi can thiệp điều chỉnh và che giấu là hơn 2.541 tỉ đồng. Số tiền Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm đã chiếm đoạt là hơn 725 tỉ đồng.

Cáo trạng cho rằng toàn bộ hành vi gian dối của Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm được thực hiện xuất phát từ hành vi vi phạm quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Nguyễn Hồng Trường và nhóm các đồng phạm thuộc Bộ GTVT cùng Tổng Công ty Cửu Long đã dẫn đến hậu quả Nhà nước bị thất thoát số tiền do bị Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt nêu trên.

HỮU HUY - ANH TÚ
TIN LIÊN QUAN

Điểm lại 4 vụ án mà ông Đinh La Thăng liên quan

Việt Dũng |

4 vụ án ông Đinh La Thăng liên quan bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.

Ngày mai, ông Đinh La Thăng hầu tòa vì sai phạm tại cao tốc Trung Lương

TÚ HUY |

Theo kế hoạch, ngày mai (14.12), Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng và 19 đồng phạm gây thiệt hại hơn hơn 725 tỉ đồng, xảy ra tại dự án cao tốc Trung Lương – TPHCM.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ kêu oan, khẳng định cháu gái không có tội

Phạm Đông |

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định cháu gái mình bị không có tội và giữ nguyên kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Điểm lại 4 vụ án mà ông Đinh La Thăng liên quan

Việt Dũng |

4 vụ án ông Đinh La Thăng liên quan bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.

Ngày mai, ông Đinh La Thăng hầu tòa vì sai phạm tại cao tốc Trung Lương

TÚ HUY |

Theo kế hoạch, ngày mai (14.12), Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng và 19 đồng phạm gây thiệt hại hơn hơn 725 tỉ đồng, xảy ra tại dự án cao tốc Trung Lương – TPHCM.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ kêu oan, khẳng định cháu gái không có tội

Phạm Đông |

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định cháu gái mình bị không có tội và giữ nguyên kháng cáo kêu oan của bị cáo.