Trước việc tòa phúc thẩm bất ngờ dừng phiên xử vụ án tranh chấp liên quan đến vở diễn thực cảnh Ngày xưa, đạo diễn Việt Tú cho hay, dù bản án thế nào thì xã hội đã có nhận định, kết luận của riêng mình và quan trọng “đó là bản án xã hội và nghề nghiệp”.
Trước đó, ngày 15.11, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của Công ty DS của đạo diễn Việt Tú và Công ty Tuần Châu Hà Nội liên quan đến vở diễn thực cảnh Ngày xưa (hay Thuở ấy xứ Đoài).
Ngày 18.11, sau nghị án kéo dài, tòa phúc thẩm quay lại phần xét hỏi và bất ngờ thông báo dừng phiên xử và chưa đưa ra ngày tiếp tục.
Đạo diễn Việt Tú (bị đơn) chia sẻ với báo chí ngay sau phiên tòa tạm dừng, rằng, những gì diễn ra tại tòa, bản án chính thức chắc chắn sẽ có. Song dư luận xã hội bản thân họ đã có những nhận định và kết luận của riêng mình.
“Tôi nghĩ bản án quan trọng đấy là bản án của xã hội và của nghề nghiệp. Cái đấy thì không bao giờ xóa được cả. Như bản thân tôi làm nghề hơn 20 năm thì cái tốt và cái chưa tốt thì cùng đều được ghi nhận", ông nói.
Theo nội dung vụ án, vở diễn dựng thực cảnh về văn hóa xưa ở vùng Bắc Bộ, theo hợp đồng, Tuần Châu Hà Nội trả hơn 7 tỉ đồng để DS dựng nội dung, kịch bản, thiết kế kỹ thuật... Do hai bên mâu thuẫn, đạo diễn Việt Tú đăng ký quyền tác giả với Ngày xưa và DS đăng ký quyền sở hữu tác phẩm.
Tháng 3, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm và xác định quyền sở hữu vở diễn thuộc về Tuần Châu Hà Nội, quyền tác giả duy nhất thuộc về đạo diễn Việt Tú. Các bên cùng kháng cáo.
Trong ngày mở phiên tòa phúc thẩm, đạo diễn Việt Tú cho hay, việc hợp tác bắt đầu từ năm 2014-2015. Toàn bộ khu vực sân khấu trong vở diễn thực cảnh là ý tưởng của ông, từ trồng bao nhiêu bụi tre để che đi kiến trúc không liên quan, tạo khung cảnh làng quê, nhà thủy đình được nâng hạ thế nào, đường lát đá ra sao... Việc đào tạo diễn viên từ những nông dân trong làng cũng là phía DS đưa ý tưởng, thực hiện.
Khi ký hợp đồng, hai bên thỏa thuận 6 tháng bàn giao mặt bằng nhưng thực tế mất hơn một năm. Đó là lý do phát sinh nhiều phụ lục hợp đồng. Theo thoả thuận, DS được hưởng 10% doanh thu bán vé của tất cả buổi diễn vở Ngày xưa. Việt Tú nói vở diễn đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cấp phép nên đã công diễn 10 buổi với giá vé khá cao có hóa đơn, chuyển khoản.
Tuy nhiên năm 2017, Tuần Châu đã chấm dứt hợp đồng với DS. Việt Tú cho hay, "không có mâu thuẫn gì" giữa Tuần Châu và mình. Thậm chí, một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Tuần Châu đến xem vở diễn còn xúc động, khóc.
"Tôi cũng không hiểu vấn đề nằm ở đâu", ông Tú nói. Đạo diễn cho biết đã "sốc" khi Tuần Châu nói vở diễn của ông là "bữa cơm ôi, cần đầu tư làm lại" nên mời một công ty khác làm việc, dựng vở diễn mang tên Tinh hoa Bắc Bộ trong khi vẫn còn hợp đồng với DS.
"Tuần Châu sử dụng trailer Ngày xưa để quảng cáo cho Tinh hoa Bắc Bộ trên Facebook, website của họ. Nhiều bạn bè ở nước ngoài đã mua vé vì nhầm, tưởng vở diễn này do tôi làm", ông Tú trình bày.
Tại tòa, đại diện Tuần Châu Hà Nội nói lý do chấm dứt hợp đồng do DS tạm ngừng công việc, liên hệ giữa hai bên khó khăn. DS trì hoãn nghĩa vụ bàn giao. Về thông tin này, chủ tọa cho biết, theo hồ sơ, Tuần Châu Hà Nội đã ký hợp đồng với công ty khác và đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam để triển khai Tinh hoa Bắc Bộ hai tháng trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với DS.
Vấn đề gây nhiều tranh cãi là Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh hay sang tạo độc lập của một đạo diễn khác được tòa xét hỏi tỉ mỉ.
Tại tòa, đạo diễn Việt Tú nhắc nhiều lần Tinh hoa Bắc Bộ là phái sinh của vở Ngày xưa.
Theo đạo diễn, Ngày xưa có dấu ấn sáng tạo của ông khi xóa ranh giới giữa khán giả và diễn viên. Khán giả có thể đi vào sân khấu mà không biết. Chính ông đã ra ý tưởng và huấn luyện người nông dân thành diễn viên, đưa vào vở diễn chi tiết nhà thủy đình nổi lên từ dưới nước...
Trên cơ sở đó, ông cho rằng, đạo diễn vở Tinh hoa Bắc Bộ đã làm y hệt vở diễn của mình.
Ngoài ra, một trong những căn cứ để bản án sơ thẩm xác định Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa là nội dung thẩm định của Hội đồng thẩm định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Theo đó, hai vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ và Ngày xưa có nhiều điểm chung: ý tưởng, chất liệu, địa điểm, nhân lực, đạo cụ...