Kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao
Trao đổi với PV Lao Động, TS.Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho biết: Phiên giám đốc thẩm do Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao tiến hành đã khép lại, với phán quyết bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tính mạng của tử tù Hồ Duy Hải là vô cùng mong manh.
Theo ông Lê Thanh Vân, nỗi oan khuất của 2 cô gái chết trẻ trong vụ án Bưu điện Cầu Voi phải được làm rõ để thân nhân của họ tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. "Kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng, nhưng phải đúng người, đúng tội. Đó là mong muốn chung của tất cả mọi người có lương tri, lương năng" - ông Vân nói.
Ông Vân cho rằng, phán quyết hôm 8.5 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chưa thể thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này. Bởi vậy, việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết.
“Tôi cho rằng Quốc hội cũng cần giám sát lập luận "sai sót trong quá trình điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án" của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Kháng nghị của VKSND Tối cao không đề cập việc Hải bị oan mà chỉ kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án. Tôi và nhiều người khác cũng yêu cầu vụ việc xử lý theo trình tự và căn cứ vào pháp luật một cách thuyết phục chứ chưa bình luận Hải có oan hay không. Quá nhiều thủ tục tố tụng vi phạm thì vụ án cần được điều tra lại” – ông Vân nhấn mạnh.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, ông đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét đưa hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của toà án thông qua vụ án. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong sớm có hoạt động giám sát này để đáp ứng sự mong mỏi của người dân hiện nay.
Ông Vân cũng nêu quan điểm, vụ việc này dù đúng sai thế nào thì trước hết các cơ quan tố tụng phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, sau đó mới đánh giá yếu tố chứng cứ vật chứng, đánh giá yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn nữa, cơ quan tố tụng phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định tại điều 31 của Hiến pháp và điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nghiêm cấm suy luận chủ quan, dễ dẫn đến hàm oan cho người vô tội.
Còn những băn khoăn
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao trong phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải hiện nay vẫn đang có nhiều ý kiến băn khoăn từ dư luận.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, dư luận xã hội nêu lên một số vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ. Thứ nhất, dư luận xã hội không bênh cho tử tù Hồ Duy Hải, người ta cũng không phán xét Hồ Duy Hải có oan sai hay vô tội mà nhiều ý kiến cho rằng không đủ chứng cứ để kết tội, không đủ cơ sở để kết tội, kể cả niềm tin cũng như các bằng chứng. Các chứng cứ liên quan tới vụ án còn nhiều hoài nghi.
“Dư luận cũng đặt câu hỏi về cơ quan điều tra đã làm hết trách nhiệm hay chưa, việc điều tra, xét tội có vội vàng không? Người ta đang nói những thứ có liên quan tới quá trình thu thập, điều tra và xác định các chứng cứ ở đây chưa tới nơi, tới chốn" - ông Nhưỡng nói.
Cũng theo ông Nhưỡng, dư luận cũng chưa đồng tình việc cơ quan điều tra làm giả các chứng cứ như cái thớt, con dao. Khi anh đã có sai sót như vậy thì chúng ta có thể tin được những kết quả khác không. Người ta không đặt niềm tin vào cơ quan điều tra ở điểm này.
Phó trưởng Ban Dân nguyện phân tích: "Hai nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong hoạt động xét xử đó là nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc thứ hai là phải dựa trên cơ sở tranh tụng và chứng cứ. Với chứng cứ như thế mà kết tội là không được".