Tuyên án vắng mặt cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang
Sau 4 ngày xét xử, nghị án, sáng 24.11, chủ toạ Vũ Quang Huy đã công bố bản án với 8 bị cáo trong vụ biển thủ hơn 3,8 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng) xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long.
Theo đó, toà tuyên phạt bị cáo Cao Minh Quang - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ông Quang bị tuyên án vắng mặt, do trước đó, bị cáo này sức khoẻ yếu, phải quay lại bệnh viện điều trị.
Cùng tội danh với ông Quang, toà tuyên phạt bị cáo Dương Huy Liệu - cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế 24 tháng tù treo. Ba bị cáo khác bị tuyên từ 15 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam.
Bị cáo Quang được cho rằng có thái độ khai báo thành khẩn, bản thân có bệnh, cùng nhiều thành tích trong công tác cũng như đã nộp 1,5 tỉ đồng khắc phục hậu quả.
Ở tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Lương Văn Hoá - cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long 9 năm; Nguyễn Văn Thanh Hải 6 năm; Ngô Hữu Hiếu Nghĩa 5 năm.
Theo toà, hành vi của các bị cáo Hoá, Hải, Nghĩa là nguy hiểm, đã làm trái công vụ, cố ý dùng các thủ đoạn che giấu việc được giảm giá, gây thiệt hại số tiền hơn 3,8 triệu USD của Nhà nước. Toà xác định bị cáo Hoá, Nghĩa có yếu tố vụ lợi nên cần áp dụng hình phạt bổ sung.
Mặt khác, các bị cáo trong vụ án không có tình tiết tăng nặng, có tình tiết giảm nhẹ, có thành tích trong công tác, nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng...
Liên quan đến khoản tiền hơn 61 tỉ đồng Nhà nước bị thiệt hại, toà buộc Công ty Dược Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế.
Thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ khiến Nhà nước thiệt hại hơn 3,8 triệu USD
Theo bản án sơ thẩm, năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng, chống dịch tại Việt Nam. Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai, chỉ đạo, giám sát việc sản xuất thuốc, dự trữ thuốc theo kế hoạch.
Bộ Y tế sau đó giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng giá thuốc Oseltamivir sản xuất trong nước. Trong số các doanh nghiệp được Bộ Y tế đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir, Dược Cửu Long là một lựa chọn.
Từ tháng 2 đến tháng 4.2006, Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore). Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại hơn 3,8 triệu USD được trả chậm sáu tháng kể từ ngày nhận hàng.
Sau này, giá nguyên liệu giảm, bị cáo Lương Văn Hóa - cựu Tổng Giám đốc Dược Cửu Long đã chỉ đạo thuộc cấp đề nghị Công ty Mambo cho giảm giá số tiền hơn 3,8 triệu USD; đồng thời, hoàn thiện giấy tờ để ngoài sổ sách số tiền này.
Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, bị cáo Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi bị phát hiện và yêu cầu báo cáo về việc thanh toán tiền mua nguyên liệu, bị cáo tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục lòng vòng để hợp thức hồ sơ thanh toán.
Số tiền mà Dược Cửu Long giữ lại không thanh toán cho Công ty Mambo là khoản tiền có nguồn gốc thuộc ngân sách Nhà nước.
Bản án sơ thẩm xác định, các bị cáo tại Dược Cửu Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ, trái nguyên tắc tài chính, cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính để hạch toán giảm nợ và ghi giảm giá vốn.
"Trong vụ án, bị cáo Hoá giữ vai trò chủ mưu, bị cáo Nghĩa, Hải đồng phạm", toà nhận định. Do đó, bị cáo Hoá phải chịu trách nhiệm cao nhất ở hành vi cáo buộc.
Trong vụ án, bị cáo Cao Minh Quang được Bộ Y tế giao làm Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu và Oseltamivir.
Tuy nhiên, ông Quang đã không chỉ đạo kiểm tra, làm rõ khoản hơn 3,8 triệu USD bị biển thủ khiến Nhà nước bị thiệt hại số tiền này.
"Hành vi trên của các bị cáo đã thiếu trách nhiệm được giao", bản án sơ thẩm quy kết.