Sáng 8.12, kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.
Đại biểu Dương Thị Hằng (huyện Gia Lâm) nêu câu hỏi đến Chủ tịch UBND xã Xuân Đình và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ về vấn đề tình trạng khai khác cát trái phép, đề nghị Chủ tịch xã Xuân Đình cho biết biện pháp xử lý như thế nảo? Đề nghị Chủ tịch UBND huyện cho biết trách nhiệm chính quyền đia phương?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Tín - Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) thừa nhận tình trạng khai thác cát sỏi trên địa bàn. Ông Tín cho biết, trong các năm 2018, 2019, cát tặc hoạt động khai thác cát như một công trường. Tình trạng khai thác cát sỏi cả ngày cả đêm với nhiều loại như tàu cuốc, tàu hút. Thời gian cao điểm, có lúc có khoảng 10 tàu hút cát trên sông.
Theo ông Tín, sau khi xảy ra tình trạng khai thác cát trên địa bàn, chính quyền địa phương đã báo cáo huyện và thành phố để lập chuyên án, ban hành văn bản quyết liệt xử lý.
"Đến cuối năm 2019, tình trạng khai thác cát ồ ạt chấm dứt. Tuy nhiên, đến tháng 6, 7 năm 2020, cát tặc quay trở lại với quy mô nhỏ hơn, từ 1-2 tàu cuốc và khai thác nhiều về đêm" - ông Tín nói.
Cũng theo ông Tín, sau khi huyện Phúc Thọ và xã ra quân quyết liệt, đến nay cơ bản chấm dứt nhưng mấy đêm gần đây vẫn có 1-2 tàu khai thác từ 21 giờ đêm đến 4 - 5 giờ sáng. Việc khai thác giữa sông Hồng, cộng thêm tình trạng khai thác 1-2 ngày lại nghỉ nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó lực lượng công an không được trang bị phương tiện chuyên dụng để có thể ngăn chặn triệt để.
Về vấn đề cát tặc, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình cho biết rất áp lực với vấn đề này và nhân dân rất bức xúc. Ông Tín lấy ví dụ "cát như con gái 18 thường xuyên bị nhòm ngó".
"Xã muốn xin 1 tàu cao tốc, lực lượng chuyên dụng, đề nghị TP hỗ trợ. Nếu không được, chúng tôi đề xuất lực lượng công an giao thông chốt trực tại đây để ngăn chặn triệt để cát tặc” - ông Tín kiến nghị.
Cùng trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, theo quy định, cấp huyện có thẩm quyền phối hợp với các địa phương lân cận, chỉ đạo UBND cấp xã để bảo vệ cát sỏi chưa khai thác.
Theo ông Tuấn, trong những năm qua huyện tập trung nhiều giải pháp theo thẩm quyền khi tình hình khai thác cát những năm qua phức tạp. Cụ thể, năm 2018 huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý bắt 9 vụ với 9 đối tượng, trong đó xử lý hành chính 8 vụ với số tiền phạt hành chính 775 triệu, khởi tố 1 vụ, thu giữ 6 tàu thuyền và phương tiện khai thác cát. Năm 2019, xử lý 6 vụ với 17 đối tượng, thu 5 tàu. Năm 2020, xử lý 4 vụ với 4 đối tượng, phạt hành chính 65 triệu đồng.
“Đến thời điểm hiện tại, hiện tượng khai thác ngang nhiên vào ban ngày cơ bản đã được giải quyết, tuy nhiên vẫn xảy ra việc lén lút khai thác vào đêm”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, huyện Phúc Thọ cũng đã phối hợp với các địa bàn lân cận của thành phố và huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc của tỉnh Vĩnh Phúc trong quản lý khai thác cát.
Ông Tuấn kiến nghị cần tăng cường lực lượng chức năng, phương tiện để xử lý kịp thời các vi phạm. Xác định mốc giới trong lòng sông giữa huyện Phúc Thọ với 2 huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc của tỉnh Vĩnh Phúc để ngăn ngừa tình trạng sáng tàu neo ở Vĩnh Phúc, tối sang Hà Nội khai thác cát trái phép.
"Huyện cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ đề án đấu giá khai thác mỏ cát, vừa quản lý được vừa bảo đảm nguồn thu cho nhà nước" - ông Tuấn nói.