Về vấn đề này, Báo Lao Động đã có trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM.
Tiền phạt quá nhỏ so với lợi nhuận "chăn dắt"
Hành vi của các đối tượng chăn dắt các cụ già, người khuyết tật và trẻ em đi ăn xin, thu lợi bất chính, pháp luật quy định xử phạt thế nào?
Hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa có quy định nào quy định về xử lý hình sự đối với hành vi chăn dắt ăn xin, mà hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính theo các quy định quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP.
Theo đó, người nào ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo khoản 2, Điều 20.
Khoản 3, Điều 27 của Nghị định này quy định - người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Các hình phạt trong quy định pháp luật hiện nay đã đủ sức răn đe, giáo dục các đối tượng chưa? Có cần hình sự hóa đối với hành vi chăn dắt ăn xin?
Hình thức xử phạt như trên là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe những đối tượng chăn dắt ăn xin. Bởi, số tiền bị phạt và lợi nhuận thu được từ hành vi này có sự chênh lệch quá lớn. Có thể nói là cuộc bóc lột siêu lợi nhuận.
Thu nhập hàng ngày của những người ăn xin ở các thành phố lớn dao động từ 500.000 đến 2 triệu đồng một ngày. Một con số quá lớn đối với nhiều người. Song, thật đau lòng, nhiều người trong số đó không nhận lại được đồng nào sau những ngày dầm mưa, dãi nắng. Bởi, số tiền ấy đã chảy vào túi của kẻ khác.
Thiết nghĩ, đã đến lúc đưa những đối tượng chăn dắt ăn xin vào diện phải xử lý hình sự, để có thể giải quyết triệt để vấn nạn trên.
Bóc lột sức người già, trẻ em là tội ác
Cảm nhận của luật sư về hành vi của những đối tượng này như thế nào?
Một người lâm vào hoàn cảnh khốn cùng phải đi ăn xin thì không có gì là xấu, cũng không gây hại cho xã hội. Nhưng nếu việc ăn xin lại có sự bảo kê, chăn dắt, bóc lột sức lao động người tàn tật, người già yếu, trẻ em thì đó là tội ác.
Bởi, có cả 1 đường dây chăn dắt ăn xin thì bạn có dám cho họ tiền nữa không khi mà những đồng tiền họ kiếm được lại là khoản lợi nhuận khổng lồ cho kẻ khác. Những kẻ chăn dắt ăn xin đã bóc lột sức lao động, mồ hôi nước mắt của người khác một cách không thương tiếc.
Phải làm gì để thay đổi tình trạng này, thưa luật sư?
Theo tôi, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những đối tượng này. Đồng thời, phải tìm cách đưa người ăn xin, trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn, người khuyết tật vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Việc đưa người ăn xin không nơi cư trú vào chăm sóc ở các cơ sở xã hội là điều tốt nhất đối với họ nếu thực sự gặp khó khăn, không có khả năng lao động. Bên cạnh việc tuyên truyền, cần khuyến khích người dân thay vì cho tiền, khi phát hiện người ăn xin, lang thang nên tích cực thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.
Nếu xác định được đối tượng chăn dắt bạo hành với người lệ thuộc; hành vi bắt, ép buộc người già, trẻ em đi ăn xin, làm công việc nặng nhọc, độc hại; đánh đập, gây thương tích với người lệ thuộc mình - nếu nạn nhân là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình … còn có thể xử lý hình sự về tội phạm được quy định tại nhóm tội xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Tội hành hạ người khác; Tội cố ý gây thương tích;...).
Ngoài ra, các đối tượng có hành vi vi phạm còn phải buộc xin lỗi khi có yêu cầu và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với hành vi vi phạm, căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 590, Điều 592).
Cảm ơn luật sư!