Cụ thể, theo Bộ Công an, các đối tượng mua bán người thường lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa phụ nữ tại các tỉnh miền núi phía Bắc; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép.
Lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó, bán cho những người bệnh với giá cao.
Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao..., lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động.
Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam và nhu cầu lao động ở nước ngoài, các đối tượng mua bán người đã tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc;
Xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả; dùng “tiền” làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó, bán để cưỡng bức lao động.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sử dụng hình ảnh, tên, địa chỉ giả để kết bạn làm quen với những phụ nữ, trẻ em gái, tán tỉnh yêu đương hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao, sau đó hứa hẹn rồi dẫn họ tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, Lào, Campuchia rồi chúng đón ép bán làm vợ, bán vào các ổ mại dâm, các sòng bài tại Campuchia, Myanmar.
Ngoài ra, các đối tượng lập các trang mạng trên Facebook, Zalo để tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn... sau đó dụ dỗ đưa họ sang nước ngoài sinh con để bán; hoặc cũng bằng thủ đoạn trên để tìm kiếm những người bị bệnh phải ghép tạng, môi giới cho những người muốn bán tạng để thực hiện việc mua bán mô, bộ phận cơ thể.
Bên cạnh chỉ ra các thủ đoạn của tội phạm này, Bộ Công an cũng nêu rõ các trường hợp có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Theo đó, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới (người dân tộc), đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.
Nếu không may trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nạn nhân cần giữ bình tĩnh, giữ thông tin bí mật không để các đối tượng nghi ngờ; tìm cách báo cho gia đình, người thân hoặc cơ quan nhà nước nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước sở tại về địa điểm, địa danh của mình để được hướng dẫn, giúp đỡ giải cứu an toàn.
Có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ. Về việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân được quy định tại Chương IV và Chương V của Luật phòng, chống mua bán người.